<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Ông chủ</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Ông chủ “rác thải công nghiệp” </font></b></p>
<table style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="ong%20chu%20rac%20thai%20cong%20nghiep.bmp" width="150" height="200"></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Hai lần thi trượt đại học,
<a href="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=162006&ChannelID=7">
<span style="text-decoration: none"><font color="#000000">Hoàng Minh Tuấn</font></span></a>
quyết định lên Hà Nội học nghề sửa chữa điện tử tại Trường Đại học Công nghiệp
Hà Nội trước sự phản đối quyết liệt của bố mẹ. </font>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Sau hai năm, Tuấn trở thành “người
hùng” về sửa chữa điện tử khi đem về cho đoàn Việt Nam chiếc Huy chương Vàng
cuộc thi tay nghề ASEAN tại Brunei. </font></p>
<p class="pInterTitle"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><b>Từ biệt
danh “Tuấn rao”</b></font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Đang sống ở vùng quê Hà Nam yên
tĩnh, những ngày đầu ở Hà Nội với Tuấn thật khó khăn. Không sự ủng hộ, không
trợ cấp của bố mẹ, Tuấn phải tự lo mọi chi phí sinh hoạt bằng cách làm gia sư
kiếm sống, nhưng lo nhất là tiền mua thiết bị thực hành. Nghĩ ra được chỗ bán
thiết bị có một không hai - tiệm cầm đồ - Tuấn đi dò la khắp các hiệu. Dù vậy,
giá cũng không hề “mềm” so với tiền công đi làm. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Không chịu bó tay, ngoài giờ lên
lớp và đi dạy thêm buổi tối, chiều về Tuấn đạp xe khắp nơi lùng mua đồ điện tử
hỏng giá rẻ. Căn phòng thuê trọ rộng 12m<sup>2</sup> dần dần chật kín đồ điện tử
thải loại. Bạn bè trong khu trọ đặt biệt danh Tuấn “rao”, còn trẻ con cứ thấy
Tuấn là hô: “Nồi cơm điện, ti vi quạt điện, tủ lạnh hỏng bán đê”...</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">“Những người bạn cũ ai cũng ngại
đến chơi, vì phòng toàn rác thải công nghiệp, mất vệ sinh đã đành mà muốn kiếm
một chỗ ngồi cũng khó. Không lẽ lại lấy ti vi hỏng làm ghế...”, Tuấn kể. </font>
</p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Với kiến thức được học trên lớp,
Tuấn mày mò tháo tung các bộ phận ra để tìm bệnh cho từng loại rồi sửa chữa,
thiết bị lại chạy tốt, ngặt nỗi hình thức nom hơi xấu. Tuấn lại tìm cách tân
trang, “mông má”. Yên tâm với những sản phẩm second-hand đặc biệt này, Tuấn mang
ra chợ đêm bán. Lúc đầu, ít người mua. Ai mà biết những thiết bị này vận hành
thế nào, tha về nhà, mất tiền đã đành lại thêm mua bực vào thân. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Tuấn vừa tiếp thị vừa chứng minh
cho mọi người thấy sản phẩm của mình “ngon lành” như thế nào. Cậu đưa địa chỉ,
số điện thoại để cam kết bảo hành nếu sản phẩm trục trặc, bồi hoàn nếu bỗng dưng
đang chạy ngon ơ, cái máy “lăn đùng ra ngã bệnh”. Một người, hai người, rồi ba
người... Người nọ rỉ tai người kia. Nhiều người mang đồ điện tử hỏng nhờ Tuấn
sửa giúp. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Được sự động viên của bạn bè, đặc
biệt là của thầy chủ nhiệm Phạm Xuân Khánh, Tuấn dốc toàn bộ vốn liếng tích cóp
được mở một cửa hàng sửa chữa đồ điện tử. Làm không hết việc, Tuấn tuyển thêm
thợ từ chính bạn bè trong lớp. Nhận thấy đây không chỉ là cơ hội tốt làm kinh tế
mà còn là môi trường khá lí tưởng để thực hành, cậu huy động bạn bè góp vốn, mở
thêm cửa hàng. Chưa tốt nghiệp, Tuấn đã có 2 cửa hàng sửa chữa điện tử khá khang
trang, có uy tín. </font></p>
<p class="pInterTitle"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><b>Đến “ông
chủ rác thải”</b></font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Giờ, bạn bè Tuấn không gọi Tuấn là
“Tuấn rao” nữa mà thay bằng biệt danh “ông chủ rác thải” đầy kính nể. Mải làm
kinh tế nhưng Tuấn không quên nhiệm vụ học và tự nhủ dù thế nào việc học cũng
phải được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy Tuấn có thành tích học tập khá cao và
là 1 trong 6 người đại diện của trường Đại học Công nghiệp dự Hội thi Tay nghề
thành phố Hà Nội. Giành giải nhất, Tuấn được chọn vào Đội tuyển quốc gia tham dự
Giải Tay nghề ASEAN lần VI tại Brunei. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Khoảng cách giữa hai cuộc thi không
dài nên áp lực rất lớn. Đặc biệt, đây là dịp Tuấn khẳng định mình, chứng tỏ với
gia đình, bạn bè rằng học nghề không phải là lựa chọn sai lầm. Ngoài những buổi
học tập trung với đội tuyển được thầy hướng dẫn, tối về Tuấn lại tiếp tục công
việc của một ông chủ “rác thải công nghiệp”. Nhờ chuẩn bị tốt về kiến thức cũng
như tâm lí, Tuấn hoàn thành xuất sắc 6 nội dung trong phần thi và đoạt Huy
chương Vàng, góp phần tạo nên thành tích nhất toàn đoàn của Việt Nam. Kết thúc
cuộc thi tại Brunei, Tuấn tiếp tục ở trong Đội tuyển quốc gia để tập huấn, chuẩn
bị cho cuộc thi tay nghề thế giới năm 2007 được tổ chức tại Nhật Bản. </font>
</p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Với những thành tích đạt được, Tuấn
được Bộ Giáo dục-Đào tạo đặc cách cho lên học đại học hệ chính quy. Ông chủ “rác
thải công nghiệp” giờ đang ấp ủ nhiều dự định, có phần tham vọng, mở rộng hệ
thống tiệm sửa chữa đồ điện tử của mình.</font></p>
<p class="pAuthor" align="right"><font face="Arial" size="2"><i><b>Theo Hà Nội
Mới</b></i></font></p>
</body>
</html>