<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>Vườn ươm Sáng tạo Khoa học và Công nghệ trẻ là nơi ươm mầm cho những đề tài khoa học của các nhà nghiên cứu trẻ trong suốt 20 năm qua (1996 – 2016). Đây là sự phối hợp tâm huyết giữa Thành Đoàn TP.Hồ Chí Minh với Sở Khoa học – Công nghệ và Môi trường TP (nay là Sở Khoa học và Công nghệ) trong việc tạo ra một đội ngũ các nhà khoa học trẻ làm nòng cốt cho quá trình hiện đại hóa đất nước và thành phố. </em></span></span></p>
<p style="text-align: center;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2016/8/26623/TST-VƯ-Chia-sẻ-kinh-nghiệm.JPG" />Nhiều ý kiến tâm huyết được chia sẻ tại hội nghị.</em></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Sáng 12/8, Ban chủ nhiệm của chương trình Vườn ươm sáng tạo KH&CN trẻ đã có buổi hội nghị đánh giá 20 năm thực hiện chương trình với các nhà nghiên cứu trẻ, giảng viên trẻ bước ra từ “Vườn ươm”. Đại diện Thành Đoàn, Sở KH&CN TP, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ, các phòng quản lý khoa học thuộc trường Đại học, các Viện khoa học tham dự và đóng góp nhiều ý kiến cho “Vườn ươm”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Tiến tới thu hút doanh nghiệp và người lao động tham gia</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đây là nhận định chung của nhiều nhà nghiên cứu tại hội nghị. PGS.TS Nguyễn Ngọc Lâm – Phân viện Điện tử, Tin học và Tự động hóa TP.HCM chỉ rõ: “Trong 345 đề tài có tính khả thi được cấp kinh phí để nghiên cứu thì đều của các sinh viên, giảng viên, chuyên viên khoa học; chưa có một đề tài nào là của các doanh nghiệp, người lao động. Cụ thể là các kỹ sư, những thanh niên nông thôn có sáng tạo trong sản xuất…”. Điều này khiến cho đa phần các đề tài của Vườn ươm đều mang nặng tính chuyên môn lý thuyết nghiên cứu và thí nghiệm; cũng có không ít đề tài đi từ nhu cầu thực tế đời sống nhưng vẫn do những người chuyên về nghiên cứu lý thuyết thực hiện – TS.Đinh Minh Hiệp, thành viên Hội đồng khoa học của Vườn ươm đặt vấn đề.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Với mỗi đề tài được xét duyệt thực hiện, Vườn ươm sẽ cấp cho nhóm tác giả nguồn kinh phí dao động từ 80 – 95 triệu đồng. Kinh phí được lấy từ nguồn chi của thành phố và vận động tài trợ từ nhiều doanh nghiệp. Được biết trong 20 năm thực hiện, chương trình đã chi 22 tỷ đồng cho 345 đề tài, nhưng chỉ có 204 đề tài nghiệm thu và đã chuyển giao kết quả. Một số nhà nghiên cứu đóng góp: nếu Vườn ươm có thể cho các doanh nghiệp thấy được hiệu quả hoạt động của mình, khả năng cao các doanh nghiệp sẽ khuyến khích người của họ tham gia; vừa có được những đề tài khả thi, đảm bảo đầu ra, vừa giảm bớt một phần chi phí.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">TS.Đinh Minh Hiệp cũng mong muốn lứa thế hệ trong 20 năm đầu này sẽ quay lại làm người hướng dẫn cho lứa thế hệ tiếp theo. Ông chia sẻ hiện nay liên tục có rất nhiều thanh niên, người lao động có những sáng chế, phát minh độc đáo, nhưng vẫn gặp phải những sai sót trong quá trình nghiên cứu. Ông cùng nhiều nhà khoa học trẻ khác hi vọng những năm tới Vườn ươm sẽ thu hút được những thành phần này, để có thể hỗ trợ, cải tiến những công nghệ của họ và ứng dụng được rộng rãi hơn.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Tập trung cải tiến sản phẩm nội địa</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trong hội nghị, nhiều chuyên viên quản lý khoa học đại diện một số doanh nghiệp khá trăn trở vấn đề: có những sản phẩm đơn giản nhưng trong nước chưa thể sản xuất mặc dù có khả năng làm được.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Trong bệnh viện hiện nay từ cái giường đến cái bao tay đều là hàng ngoại nhập. Đó chỉ là những sản phẩm đơn giản nhưng chúng ta lại chưa làm được” – bác sĩ Trần Chí Cường chia sẻ thực trạng phải nhập quá nhiều trang thiết bị y tế đơn giản từ nước ngoài. Một đại diện khác từ một công ty dược phẩm cũng bày tỏ: “Đừng cố nghĩ ra những sáng tạo quá mới, quá vĩ mô, hãy nhìn về những sản phẩm đang có. Nếu có thể làm giảm chi phí và thời gian sản xuất cho nó thì đó cũng là một sáng tạo quan trọng”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Những ý kiến trên thực chất đã được mổ xẻ rất nhiều, nhưng tất cả đều vướng mắc một vấn đề: những đề tài nghiên cứu phát triển cải tạo các sản phẩm do chính chúng ta làm ra lại sợ bị coi là sao chép từ những nghiên cứu đã có từ trước của nước ngoài. Thực chất chúng ta tự nghĩ ra, tự nghiên cứu, tự làm ra thành phẩm, nhưng nếu giống những sản phẩm có trước của nước ngoài thì hiện đều bị xem là sao chép. Chị Lâm Tuyền hiện công tác ở một đơn vị công nghiệp quân sự bày tỏ ý kiến: “Những sản phẩm nội địa do chính người trong nước mình nghiên cứu để giải quyết nhu cầu thực tế, nếu vô tình giống những sản phẩm đã có trước của nước ngoài nhưng không phải là sao chép thì có được xem là một đề tài nghiên cứu và được Vườn ươm cấp kinh phí hay không?”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">PGS.TS Nguyễn Kỳ Phùng – Phó giám đốc Sở KH&CN TP cho biết sẽ tiếp nhận ý kiến quan trọng này và nghiên cứu các cơ chế cho việc thẩm định sỡ hữu trí tuệ những sản phẩm do chính người Việt, chính những nhà nghiên cứu trẻ tạo ra.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ghi nhận những đóng góp tích cực của các nhà nghiên cứu, các cá nhân, đơn vị tham gia xây dựng nên Vườn ươm Sáng tạo Khoa học và Công nghệ trẻ trong 20 năm qua, Thành Đoàn TP.HCM và Sở KH&CN TP đã tặng bằng khen và mong muốn các cá nhân, đơn vị được tuyên dương tiếp tục đồng hành và hỗ trợ cho thế hệ những mầm xanh khoa học trẻ tiếp theo.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>ĐỨC DUY – THANH THÚY</strong></span></span></p>
</body></html>