<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Tỉ phú</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Tỉ phú... “tha phương cầu thực”</font></b></p>
<table style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0">
<tr>
<td><img border="0" src="ti%20phu.JPG" width="150" height="200"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p class="tLegend" align="center"><font face="Arial" size="2">Niềm vui
gia đình của Trần Công Viên bên đứa con nuôi sau giờ làm việc - Ảnh:
Thanh Xuân</font></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2"> Từ tay trắng, anh thanh niên “tha
phương cầu thực” nay có trong tay hàng tỉ đồng vốn, lãi vài trăm triệu
đồng/năm... Anh còn là thầy, là cha của hàng chục em nhỏ khó khăn. Đó là Trần
Công Viên (xã Trần Thới, huyện Cái Nước, Cà Mau) - một “nông gia” trẻ vừa được
nhận giải thưởng Lương Định Của.</font><p class="pBody">
<font face="Arial" size="2"> Sinh ra (năm 1972) và lớn lên ở
vùng quê biển Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng, Nam Định), Trần Công Viên từng trải qua
thời thơ ấu trong khốn khó, cơ cực của vùng quê biển nghèo Bắc bộ. Viên kể năm
17 tuổi, cuộc sống quá khó khăn nên anh quyết định “hành phương Nam”. Có người
quen giới thiệu, chặng dừng của anh là đất mũi Cà Mau. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2"> Đến miền đất lạ,
anh xin vào làm công tại các trại nuôi trồng thủy sản ở huyện Năm Căn. Vừa làm
thêm, anh vừa ôn luyện và tích cóp tiền “quyết thi bằng được vào Trường Kinh tế
kỹ thuật Bạc Liêu”. Học xong, không vốn, Viên vẫn đi làm thuê rồi dần dần tích
cóp vốn, tập tành đi buôn tôm giống. Hơn hai năm, tích cóp được chút vốn, cộng
thêm người thân cho vay 15 lượng vàng, Viên quyết định mua hơn 100 công đất, đầu
tư xây dựng một trại tôm giống ngay tại đất Năm Căn. Thời gian đầu làm ăn cứ lụn
bại, thua lỗ, nợ nần tăng lên, Viên lại khăn gói ra Nha Trang làm thuê và học
thêm cách nuôi tôm, ương giống...</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2"> Trở về Cà Mau,
Viên tiếp tục “sự nghiệp tôm giống”. Đến lúc này, kinh nghiệm học lỏm từ những
chuyến đi buôn cộng với bài học xương máu sau mấy vụ thua lỗ trước đã giúp Viên
có những “bảo bối” làm ăn: mày mò, vận dụng để mở rộng qui mô sang nuôi sò, kết
hợp nuôi tôm sú. Mô hình nuôi sò kết hợp nuôi tôm của Viên mang lại hiệu quả
kinh tế khá cao. Anh quay vòng tiếp tục đầu tư, mở rộng thêm năm trại nuôi tôm
giống, kết hợp nuôi sò với tôm sú. Mô hình kết hợp này khiến công việc tăng lên,
gia đình làm không xuể, Viên phải nhờ sáu bạn trẻ về làm thường xuyên cho mình
với mức lương 1,2-1,5 triệu đồng/người/tháng. Vào vụ, có lúc cơ sở cần đến trên
20 lao động...</font></p>
<table style="border-collapse: separate" borderColor="#ecf2fe" height="100" cellSpacing="5" borderColorDark="#456ae1" cellPadding="4" width="220" align="left" borderColorLight="#4792d9">
<tr>
<td vAlign="center" bgColor="#cfe6f9">
<p class="pBody"><font color="#030303" face="Arial" size="2">Không dừng
lại ở đó, Viên còn xây dựng khu vui chơi giải trí cho thanh thiếu nhi
địa phương (xã Trần Thới, Cái Nước, Cà Mau) với diện tích 6.000m<sup>2</sup>.
Viên nói: “Từ tay trắng bây giờ có tiền tỉ, tôi cũng muốn xây dựng một
cái gì đó ở ngay mảnh đất quê hương thứ hai của mình”. </font></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2"> Sau gần 20 năm bôn ba lăn lộn với
nghề nuôi tôm, cuối cùng thành công cũng đến với Viên. Theo cách tính của anh
nông dân trẻ biết làm ăn này, từ năm 2003 trở lại đây mỗi năm từ mô hình kết hợp
nuôi tôm - sò Viên thu lãi 300-400 triệu đồng/năm.</font> </P>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2"> Khi đã gầy dựng
được cơ ngơi ngày một lớn mạnh và tìm thấy một nửa yêu thương của đời mình, Viên
bắt tay vào công việc dạy học với mong muốn mở những lớp học tình thương “di
động” cho trẻ em nghèo đến lớp.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2"> Ban đêm soạn
giáo án, ban ngày Viên cuốc bộ hàng chục cây số vận động trẻ em đến lớp. Vận
động chừng chục em, Viên mở lớp học tình thương tại nhà. Khi không đủ điều kiện
mở lớp tại nhà, Viên lại hăm hở đi vận động nhà dân để mở lớp.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2"> Những gia đình
đông con không đủ điều kiện chăm sóc đã nhờ Viên đỡ đầu mấy đứa nhỏ. “Ổng (Viên)
“gom” bọn trẻ hết về nhà mình nuôi ăn học tử tế rồi đặt tên cho chúng. Nhiều đứa
lớn lên mang họ Trần. Đến nay ổng nuôi gần 40 đứa rồi còn gì, có đứa đang học
đại học đấy” - nhiều hàng xóm của người chủ trẻ này cho biết.
</font></p>
<p class="pBody" align="right"><font face="Arial" size="2">TTO.</font></p>
</body>
</html>