<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Bài viết của nhà ngoại giao Ru-m</title>
</head>
<body>
<p><b><font face="Arial" size="2">
<span class="NewsDetail_Conduct" id="tab__ctl41_lblConduct">Bài viết của nhà
ngoại giao Ru-ma-ni về Đặng Thùy Trâm:</span></font></b></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span id="tab__ctl41_lbltitlenews">Chiến tranh Việt Nam qua cảm nhận của một
trái tim thiếu nữ</span></font></b></p>
<font face="Arial" size="2">LTS: Sức hút của cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã và
đang lan rộng ra nhiều nước trên thế giới. Nhiều nhà xuất bản nước ngoài đang
xúc tiến dịch và in cuốn sách. Đáp ứng sự mong mỏi của công chúng Ru-ma-ni, Nhà
xuất bản Thế Giới (Hà Nội) vừa cho ra mắt bản dịch ngôn ngữ Ru-ma-ni của dịch
giả Phạm Viết Đào. Nhà văn, cựu đại sứ Ru-ma-ni-Việt Nam Công-xtan-tin
Lu-pê-a-nu, người đã từng dịch Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thơ
Hồ Xuân Hương sang tiếng Ru-ma-ni đã có bài viết giởi thiệu trân trọng và sâu
sắc về tấm gương Đặng Thùy Trâm cùng tác động của cuốn nhật ký in trong cuốn
sách với tiêu đề trên. Chúng tôi xin trích dịch giới thiệu cùng bạn đọc bài viết
này:</font><div style="float: right; width: 203px; height: 25px">
<table border="0" width="100%" id="table2">
<tr>
<td>
<img style="width: 191px; height: 312px" height="365" src="http://125.214.17.5/portal/images/Share/260806Thang02.jpg" width="249" widht="200" align="right"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt">
<font face="Arial" size="2">Chúng tôi muốn khẳng định rằng: Nhật ký chiến trường
của nữ bác sĩ trẻ Đặng Thùy Trâm không phải là một cuốn sách viết về chiến
tranh. Chúng tôi gọi cuốn sách là một giấc mơ về tình yêu; tình yêu dành cho con
người đã thể hiện từ trang đầu cho tới trang cuối cùng. </font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt">
<font face="Arial" size="2">Cuốn sách là một lời thỉnh cầu hòa bình dành cho
nhân loại hôm nay, sự thỉnh cầu bằng chính sự hy sinh của tác giả của nó trong
bối cảnh bi thương. Cuốn sách thôi thúc người đọc vươn tới một cuộc sống trong
sạch, sự hòa thuận trong hợp tác, hòa bình và tình yêu. </font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt">
<font face="Arial" size="2">Khát vọng thường trực được sống trong bối cảnh hiền
hòa trở nên điều kỳ ảo đối với nữ bác sĩ trẻ này. Sự hiện diện thường xuyên
những điều bất trắc, sự khốc liệt của chiến tranh đã luyện cho tác giả niềm tin
về một cuộc sống giản dị và trong sáng.</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt">
<font face="Arial" size="2">Về cuộc chiến tranh Việt Nam, đã được nhiều bên đề
cập với những chính kiến của mình. Chúng tôi không có ý định dựng lại lịch sử
cuộc chiến tranh đó. Chúng tôi nhìn nhận cuốn sách như một tác phẩm nghệ thuật,
do vậy chúng ta chỉ quan tâm tới sứ mạng cũng như những thông điệp và những bài
học dành cuộc sống hôm nay. Sự thành công về mặt xuất bản tất nhiên không chỉ ở
Việt Nam mà tại nhiều nước đã tạo niềm tin về sự kỳ lạ của những hiện thực từng
gây nhiều tranh cãi, hiện thực đó cuối cùng đã dạy cho chúng ta bài học về tình
người, về những điều khủng khiếp có một không hai được cuốn Nhật ký ghi lại.</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt">
<font face="Arial" size="2">Nhiều lính Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam đã có
nhiều hành động thiết thực nhằm chuộc lại lỗi lầm của quá khứ. Trong số 2,7
triệu lính Mỹ từng có mặt tại Việt Nam có hai anh em Frederic và Robert
Whitehurst. Robert và Frederic là con một viên tướng Mỹ, cả hai từng tham chiến
tại Việt Nam. Chiến tranh kết thúc Robert trở về cùng với một người vợ Việt Nam,
còn Frederic thì mang theo về nhiều kỷ niệm đau buồn của cuộc chiến, trong số
những kỷ niệm đau buồn có cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm.</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt">
<font face="Arial" size="2">Hiện nay nhiều nhà xuất bản của nhiều nước đã đề
nghị bà Doãn Ngọc Trâm cho phép dịch và xuất bản Nhật ký Đặng Thùy Trâm tại các
nước đó như: Hoa Kỳ, I-ta-li-a, Pháp, Hy Lạp, Thụy Điển, Trung Quốc, Nhật Bản,
Hàn Quốc, Thái Lan...</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt">
<font face="Arial" size="2">Bản dịch sang tiếng Ru-ma-ni do Nhà xuất bản Thế
Giới ấn hành là bản dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm đầu tiên ra tiếng nước ngoài
được xuất bản.</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt">
<font face="Arial" size="2">Công lao này trước hết thuộc về dịch giả Phạm Viết
Đào, một con người cần mẫn và tâm huyết, một chuyên gia Việt Nam hàng đầu về văn
hóa và văn minh Ru-ma-ni. Phạm Viết Đào thật sự có những tình cảm gắn bó với
cuốn nhật ký, từ nguyên bản tiếng Việt, anh đã dịch sang tiếng Ru-ma-ni trong
một thời gian ngắn kỷ lục đáng khen, anh đã chuyển hóa được phong cách trữ tình
của nguyên tác. Cuốn sách do Phạm Viết Đào dịch đã được khoác một “bộ cánh” ngôn
ngữ Ru-ma-ni duyên dáng như chính tâm hồn của bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Bản dịch
thật sự làm cho người đọc xúc động và tin cậy. Phạm Viết Đào rất xứng đáng nhận
những lời chúc mừng từ phía chúng ta, người đọc Ru-ma-ni.</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt">
<font face="Arial" size="2">Chiến tranh xưa nay vốn là công việc của đàn ông,
Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã cho thấy hình ảnh một thiếu nữ Hà Nội, một trí thức
trẻ tràn đầy nhựa sống, một con người nhạy cảm và có văn hóa đang phải hàng ngày
hàng giờ quật cường đối mặt với sự bạo tàn và khốc liệt của chiến tranh. Hàng
ngày hàng giờ nữ bác sĩ này phải sống trong cảnh bom đạn hủy diệt của kẻ thù,
trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Chị đã viết
một cách hồn nhiên về những gì đang diễn ra xung quanh mình; điều bất hạnh cho
chị, hiện thực mà chị đang sống là một hiện thực không thể tưởng tượng nổi về
những sự hiểm nguy, đẫm máu. </font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt">
<font face="Arial" size="2">Đặng Thùy Trâm không phải là một nhà văn. Những điều
chị viết ra trong cuốn nhật ký không phải là sự sáng tạo theo trí tưởng tượng
của một người làm văn nghệ mà là cảm nhận chân thành của một trái tim thiếu nữ.
Chúng ta hãy xem những dòng sau đây Đặng Thùy Trâm viết vào ngày 20-10-1969: <i>
“Quyển nhật ký này đâu phải chỉ là cuộc sống của riêng mình mà nó phải là những
trang ghi lại những mảnh đời rực lửa chiến đấu và chồng chất đau thương của
những con người gang thép trên mảnh đất miền nam này”.</i></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt">
<font face="Arial" size="2">Hiện thực trong cuốn nhật ký được đề cập là một hiện
thực điển hình nhưng không cá biệt; hàng triệu người Việt Nam đã từng sống và
chịu đựng những hoàn cảnh khốc liệt như thế hoặc hơn thế. Cuốn nhật ký của nữ
bác sĩ trẻ này đã thật sự thu hút người đọc bởi chiến tranh đã được trình bày
qua cảm nhận và suy tư của một con người bình thường, một người đang đảm nhận
những công việc dân sự. Nữ bác sĩ này luôn bị dày vò bởi khát vọng làm gì để vợi
bớt những nỗi đau cho đồng đội của mình. Để bảo vệ Tổ quốc, Đặng Thùy Trâm một
thiếu nữ đang ở tuổi hoa của đời mình tình nguyện lao vào chiến trường máu lửa
và chấp nhận mọi sự hy sinh.</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt"> </p>
<table style="width: 200px; border-collapse: collapse; border: 1px solid black; margin: 2px; background: #ffffe0" cellSpacing="1" cellPadding="1" align="left" id="table1">
<tr>
<td style="border: 1px solid black">
<img border="0" src="chien%20tranh%20VN.bmp" width="230" height="174"></td>
</tr>
<tr>
<td style="border: 1px solid black">
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Bác sĩ
Đặng Thùy Trâm (Ảnh chụp tại chiến trường)</font></i></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Thỉnh thoảng trong cuốn nhật ký xuất hiện những biểu
hiện mềm yếu trong cõi lòng của một thiếu nữ. Tác giả đã bộc lộ những nét đẹp
điển hình của phụ nữ Việt Nam: Đẹp về tâm hồn lẫn thể chất, nhạy cảm, trung hậu,
đảm đang, sẵn sàng hy sinh chính bản thân mình. Chị đã bộc lộ rõ những phẩm chất
của một người yêu nước thiết tha, một chiến binh quả cảm khi lâm trận, không bao
giờ chịu lùi bước hay quỳ gối trước sức mạnh của bạo tàn.</font><p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt">
<font face="Arial" size="2">Người Việt Nam có câu phương ngôn: Giặc đến nhà đàn
bà phải đánh!</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt">
<font face="Arial" size="2">Trong một bức thư của Fred gửi cho bà Doãn Ngọc Trâm
có đoạn viết: <i>“Con gái bà đã một mình chiến đấu với 120 lính Mỹ để bảo vệ bạn
mình. Ở bất kỳ nước nào trên thế giới điều đó đều được gọi là anh hùng dù bất kể
người đó là đàn ông hay đàn bà...”.</i></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt">
<font face="Arial" size="2">Sức mạnh của cuốn nhật ký và công trạng của bác sĩ
Đặng Thùy Trâm là đã liên kết được số phận và trái tim của nhiều con người bình
thường của nhiều thế hệ cùng nhau hồi ức về một kỷ niệm đau buồn: cuộc chiến
tranh Việt Nam. Và vượt lên tất cả, cuốn nhật ký đã thức tỉnh mọi người hãy tìm
cách chống lại những hành động bạo tàn.</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt">
<font face="Arial" size="2">Rob đã viết trong một bức thư gửi bà Doãn Ngọc Trâm:
<i>“Tôi biết Thùy Trâm không hề có ý định viết cho cả thế giới này đọc, nhưng có
lẽ chính vì thế mà niềm tin sâu thẳm nơi chị được viết ra một cách chân phương,
mộc mạc... Những lời bày tỏ về tình yêu của chị cũng như những lời gọi thiết tha
về gia đình khiến bất cứ ai từng được đọc qua cũng phải xúc động... Lời Thùy là
một cây cầu bắc qua dòng sông chất chứa bao sự vô tình, bao cay đắng, bao nỗi
buồn, bao niềm tin lầm lạc đã chia cắt hai dân tộc chúng ta quá lâu...”.</i></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt">
<font face="Arial" size="2">Còn nhà báo Mỹ David Perlmut đã viết trên tờ
Charlotte Observer: <i>“Tôi muốn nói tất cả chúng ta đều là cư dân của hành tinh
này và mọi người nên đọc cuốn nhật ký này để hiểu, để đánh giá đúng được hoàn
cảnh mà cuốn nhật ký đã ra đời. Cho đến khi điều này được thấu hiểu, nhân loại
mới có cơ hội chấm dứt tất cả cuộc chiến tranh trên địa cầu này...”.</i></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt">
<font face="Arial" size="2">Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã trở thành chuyện cổ tích
của thời hiện đại khi cái thiện vẫn còn tồn tại song hành với cái ác. Nhiều
thiếu nữ như Đặng Thùy Trâm với những khát vọng sống cao thượng tiếp tục bị đe
dọa bởi chiến tranh, chết chóc. Những lời giản dị được thốt lên từ trái tim
trong sáng của Đặng Thùy Trâm giống như một lời nguyện cầu cho tình yêu, cho sự
hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc và sự hợp tác trong hòa bình...</font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: right; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt">
<i><font face="Arial" size="2"><strong>Côn-xtan-tin Lu-pê-a-nu </strong></font>
</i></p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: right; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt">
<i><font face="Arial" size="2">(Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ru-ma-ni tại Việt Nam
(2000-2004)</font></i></p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: justify; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-indent: 27pt; text-align: right; margin-left: 0in; margin-right: 0in; margin-top: 0in; margin-bottom: 0pt">
<font face="Arial" size="2"><b><i>Theo QĐNDO</i></b></font></p>
</body>
</html>