<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Nhút nhát, e sợ đám đông, dựa dẫm,… và còn rất nhiều thứ tiêu cực nữa có thể dùng để chỉ về con người của tôi cách đây 8 năm. Những điều ấy khiến tôi nghĩ mình sẽ cứ mãi như vậy, mãi chỉ là đứa trẻ lười va chạm với những chướng ngại của xã hội. Thế nhưng sau ngày 19 tháng 5 năm 2008, rất nhiều thứ đã thay đổi. Ngày ấy tôi vào Đoàn.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Kể ra thì những điều dông dài, xa vời thường khiến cho con người ta phát ngán. Nên có lẽ tôi chọn thuật lại câu chuyện của mình theo cách ngắn gọn nhất có thể.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Tôi trước đây là một đứa con nít trong thân xác thanh niên: chỉ muốn được nhận chứ không muốn cho đi. Thậm chí với cả cha mẹ mình tôi cũng chỉ biết đòi hỏi chứ chưa bao giờ thật sự quan tâm Người muốn gì, khổ sở vì con cái như thế nào, chưa nói đến những người dưng nước lã ngoài xã hội. Có lẽ cũng chỉ vì lúc ấy tôi chưa có một người “bạn” đúng nghĩa, sẵn sàng chia sẻ, chỉ ra cho tôi điều gì nên làm, và sẵn sàng tát vào mặt tôi mỗi khi sống cá nhân, ích kỷ. Rồi một ngày tôi được tiếp xúc với Đoàn – một “người bạn” mà thú thực tôi chưa từng tìm hiểu trước đây.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Thời gian đầu, tôi vẫn là tôi, vẫn là đứa con nít ấy. Tôi dành một sự ghét đặc biệt dành cho hội họp và những hoạt động thiện nguyện – những hoạt động chính của Đoàn, vì cho rằng những thứ ấy không liên quan lắm tới mình. Nhưng dần dần, từ chỗ bị “nắm cổ” (cách mà bọn học sinh chúng tôi vẫn hay gọi mỗi khi bị bắt làm việc mình không muốn) và tỏ thái độ bất hợp tác ra mặt, tôi nhận ra có một thứ gì đó đang thay đổi cuộc sống của mình. Tôi bắt đầu cảm thấy cha mẹ mình già đi nhiều vì nuôi anh em tôi khôn lớn, thấy cảm thông hơn với những người già hàng ngày phơi mình ngoài đường mong bán được vài tờ vé số, thấy thương những em bé phải dò dẫm đường đi giữa ban ngày cùng người mẹ tật nguyền mong người đời bố thí vài đồng lẻ,… Những điều rất mới lạ đang đến với tôi. Những cuộc hội họp, nơi mà trước đây tôi cảm thấy vô bổ thì nay lại khác: tôi thấy một người đầy tâm huyết đang say sưa với việc “truyền lửa” cho rất nhiều con người, nhưng lại có những cá nhân đang selfie, rôm rả trò chuyện ở dưới. Những cuộc dọn dẹp phố phường, tiếp sức mùa thi, hỗ trợ gia đình chính sách,… mà trước thường bị tôi gán cho cái mác “muối bỏ bể” thì nay lại trở nên rất có sức hút. Tôi cảm giác mình muốn được chia sẻ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Đặc biệt từ ngày bước chân vào giảng đường đại học, được tiếp xúc với hoạt động Đoàn có quy mô và được tổ chức bài bản thật sự, tôi mới cảm giác được trước đây mình đã sai lầm như thế nào. Bắt đầu từ những hoạt động hỗ trợ sinh viên trong từng Chi đoàn, hoạt động phong trào trong phạm vi khoa và các hoạt động có quy mô, tầm ảnh hưởng rộng khắp cấp trường,… tất cả đều hỗ trợ tích cực cho tôi trong việc hoàn thiện bản thân. Có lẽ trong suy nghĩ của nhiều người, các hoạt động do Đoàn các cấp đề ra là chưa đủ sức hút, chưa thiết thực cho họ. Nhưng đó là do họ chưa tự cho mình một cơ hội được sống hết mình với cộng đồng, được gắn mình với trách nhiệm công việc. Tại sao có rất nhiều sinh viên khi còn chưa học đại học thì rất thụ động, lười biếng, việc nhà còn không muốn động tay vào. Nhưng khi đã tham gia một cuộc tình nguyện, dù ở bất kỳ quy mô nào, thì sau đó ít nhiều đều có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức? Bởi vì ở những cuộc tình nguyện đó, họ thấy được những người già neo đơn sống trong sự chăm sóc không vụ lợi của các sư thầy, sư cô. Họ thấy những em bé bị bố mẹ vứt bỏ ngay từ khi mới lọt lòng, những em đến nay đã gần 10 tuổi nhưng vẫn không thể cất tiếng nói bởi hậu quả của chất độc màu da cam. Họ thấy một bà mẹ một mình lặng lẽ bên mâm cơm với năm chén cơm trắng xung quanh, khói bốc nghi ngút lên bàn thờ có di ảnh của năm người chiến sĩ, là chồng và con của Mẹ… Họ cảm thấy mình quá may mắn! Cảm thấy nếu mình không làm được điều gì đó cho những bất công của cuộc sống thì thật phí hoài tuổi trẻ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Đoàn là như vậy, những kế hoạch, chương trình bài bản được đặt ra tuy có vẻ không mang lại lợi ích cho bản thân từng người. Nhưng phải đi vào thực hiện mới thấy được những điều nó mang lại là không hề nhỏ. Khi đã bước chân vào những hoạt động mang tính cộng đồng, tập thể, bạn buộc phải tạm gác lại lợi ích của bản thân, phải mạnh dạn, tự tin trước đám đông, phải biết tự chịu trách nhiệm trước sai lầm của bản thân làm ảnh hưởng đến tập thể, phải biết suy tính điều gì là cần thiết để đạt được hiệu quả công việc cao nhất,… Tất cả những điều ấy chẳng sách vở nào có thể dạy cho bạn, mà phải chính bản thân trải nghiệm và đúc kết ra từ việc tham gia các phong trào, hoạt động.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Tôi đã từng là một người ích kỷ. Và bây giờ đã trưởng thành như thế, nhờ một người bạn đặc biệt: Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>NGUYỄN HỮU TRUNG (Hóc Môn) </strong></span></span></p>
</body></html>