<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Cán bộ Đoàn – cái nghề không công được ví von như “làm dâu trăm họ” – đến với tôi rất đỗi tình cờ. Ngày ấy vào Đoàn, tôi chỉ như một con chim cứ bay theo đàn, chẳng hề nghĩ ngợi gì, và rồi tham gia chiến dịch Hoa Phượng Đỏ năm lớp 10. Với tôi đó là khoảng thời gian rất chán, bởi lẽ trong tư tưởng tôi cứ nghĩ tham gia chiến dịch sẽ được đi xa, được làm những công việc lớn lao, nhưng rồi tôi thất vọng vì cứ mãi lẩn quẩn sinh hoạt thiếu, đi phát tờ bướm tuyên truyền hay tổ chức các buổi sinh hoạt hè,... tại địa bàn nhỏ hẹp nơi phường 15 quận 5. Tôi đã bỏ hầu hết chiến dịch, nhưng rồi những ngày cuối cùng, chẳng hiểu sao tôi lại vương vấn. Nhớ lắm những nụ cười của các bé thiếu nhi, ríu rít chạy theo ý ới “chị phụ trách”, những ngày nắng oi ả “lếch bộ” các ngõ hẻm phát tờ rơi, cạo biển quảng cáo và thậm chí tôi còn nhớ mãi khoảnh khắc đẩy chiếc xe rác vàng mà công nhân vệ sinh thường sử dụng – nó thật khó làm sao,…Chiến dịch kết thúc, trong lòng tôi bỗng như có ngọn lửa thôi thúc, tôi tìm hiểu về Đoàn nhiều hơn, tự ứng cử tham gia với vai trò Bí thư chi đoàn vào những năm còn lại của cấp 3. Tham gia nhiều vào các hoạt động, tôi cảm thấy mình như trưởng thành hơn, ngọn lửa nhiệt huyết cứ thế thôi thúc tôi cháy hết mình với vai trò là một người Đoàn viên.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Sáu năm trôi qua, bao lần tham gia các buổi sinh hoạt hè, các buổi tập huấn cán bộ Đoàn các cấp, các buổi tham gia hội thi,…thậm chí liên kết các hoạt động với các ban ngành khác như Hội Phụ nữ, Dân quân, Mặt trận Tổ quốc,..Tôi lăn xả bất kể ngày đêm. Tôi hết mình vì Đoàn, vì ý nghĩa, vai trò to lớn mà Đoàn đã và đang mang lại. Cứ tưởng ngọn lửa ấy cứ cháy mãi nhưng rồi cũng có lúc tôi nhận ra dường như có điều gì đó đã làm tắt hẳn ngọn lửa ấy. Những mặt hạn chế không đáng có nhưng kéo dài sẽ gây hậu quả nhất định:</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"> 1. Có những hoạt động cứ thế lặp đi lặp lại, những buổi tập huấn với mô hình cấu trúc như thế, sự rập khuôn khiến tôi cảm thấy chán, như một món ăn cứ ăn hoài ăn mãi. Mọi thứ quá đỗi nhàm chán khi bắt đầu với chương trình nào đó, tôi tự thấy mình không còn hứng thú.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"> 2. Đã có lúc tôi cảm nhận chủ quan rằng, “người quen thì được trọng dụng”, thậm chí suy nghĩ có hơi trầm trọng hoá rằng “người không còn “lợi dụng” sức được nữa” thì không thèm ngó ngàng tới, “cần thì kiếm, không cần thì thôi”. Đó là trường hợp mà chính tôi là người trong cuộc. Tôi suy nghĩ khá nhiều để tìm ra câu trả lời, có lẽ câu trả lời thích hợp nhất là do không đúng thời điểm nên tôi bị đào thải để đến một nơi thích hợp hơn.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"> 3.Mọi chương trình Đoàn tổ chức đều mang lại những bài học quý giá để chúng ta tự tôi luyện bản thân, đó là những bài học xã hội, về cách sống, cách làm người; những bài rèn luyện kỹ năng cần thiết,..Ý nghĩa là thế nhưng không biết từ lúc nào mà tại ngôi trường Đại học, các bạn sinh viên chỉ tham gia chỉ vì mục đích lấy điểm rèn luyện. Có bao nhiêu người tham gia chỉ để học tập cho bản thân trưởng thành? Phải chăng, tổ chức Đoàn tại trường học đã đi sai hướng nhiệm vụ mà Đoàn đã đặt ra lúc đầu, vì chương trình nào cũng kèm thêm được cộng/trừ rèn luyện; thậm chí tổ chức chương trình dồn dập cốt để được vinh danh mà không cần biết nhu cầu của sinh viên cần ở một hoạt động là gì hay vì việc truyền tải tư tưởng, đạo đức chính trị,..cho các bạn đoàn viên chưa thật sự thành công khiến các bạn có nhận thức chưa đúng?</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"> 5. Cấp trên luôn chỉ đạo, đòi hỏi tổ chức các hoạt động mang tính cao, thế nhưng đôi khi ít chịu quan tâm sâu sát, chỉ “muốn được” mà không chịu “ đầu tư”. Có thể có nhiều lý do khách quan nhưng việc thiếu quan tâm sâu sát từ cấp trên đối với các hoạt động Đoàn là hạn chế lớn nhất. Đặc biệt về vấn đề kinh phí.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"> Ngọn lửa trong tôi dường như đã có lúc tắt vì những yếu tố như thế, những câu hỏi cứ lặp đi lặp lại. Nhưng có điều lạ là tôi chưa bao giờ muốn từ bỏ việc làm một cán bộ Đoàn, được hiện diện trong tổ chức Đoàn. Một sự thôi thúc không tên cứ âm ỉ trong lòng bảo tôi nên thay đổi, thay đổi những tư tưởng sai lầm và vì tôi nhận ra rằng thực tế ngoài mặt hạn chế còn khá nhiều ưu điểm trong Đoàn. Có thể nói điều đó quá cao siêu, nhưng mong muốn lớn nhất trong tôi là hướng các bạn sinh viên nhìn nhận tổ chức Đoàn, các hoạt động Đoàn một cách đúng đắn, để giúp các bạn hiểu được ý nghĩa cuối cùng mà hoạt động Đoàn mang lại, một hoạt động xã hội giúp ích rất nhiều cho việc “thành nhân”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"> 6. Nhu cầu tham gia của sinh viên là vì đam mê, sở thích. Vậy thì tại sao ngay từ đầu, chúng ta không khảo sát xem sinh viên thích gì, cần gì, mong mỏi gì ở các hoạt động phong trào? Tổ chức các buổi sinh hoạt tập trung hằng tháng để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các bạn. Xem xét, lựa chọn và từ đó cho ra đời “những đứa con tinh thần” có ý nghĩa, lại còn phù hợp với nhu cầu của sinh viên.Những chương trình hoạt động phải thật mới mẻ, sáng tạo và năng động (không nhất thiết phải tổ chức ở trường mà có thể ở công viên, một địa điểm lịch sử, một khu di tích, một địa điểm trải nghiệm trên đất nước,…). Đó chính là việc làm đầu tiên nếu tôi trở thành Bí thư Liên chi và tôi luôn đề cao những hoạt động tình nguyện tổ chức ngoài trường.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"> 7. Thời gian là yếu tố hạn chế nhất của các bạn sinh viên khi tham gia hoạt động: vướng bận việc học, nhà xa, vướng lịch làm. Vậy với những chương trình nhỏ như tình nguyện 1 ngày, sinh hoạt kỹ năng,…sao ta lại không tổ chức nhiều đợt với nhiều thời gian khác nhau để các bạn tham gia mà chỉ đưa ra 1 đợt tổ chức rồi thôi.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"> 8. Thay đổi nhận thức của sinh viên về việc tham gia hoạt động Đoàn là rất khó, nó đòi hỏi một thời gian dài, thế nhưng không có nghĩa ta phải bỏ cuộc. Các cuộc thi tìm hiểu về Đoàn theo mô hình linh động ở từng Chi đoàn như thi trắc nghiệm, tìm hiểu về nhân vật lịch sử, tìm hiểu về hoạt động đoàn, các bài hát về đoàn,…Khuyến khích các bạn tham gia và không bao giờ sử dụng hai từ “bắt buộc” bởi lẽ nó chỉ có tác dụng tức thời nhưng không dài lâu. Mang những hình ảnh ý nghĩa, những câu chuyện hay về việc tham gia phong trào,…Từ những việc đó tác động vào tâm lý các bạn sinh viên, giúp các bạn có cái nhìn khác đi, giúp các bạn tự giác tự nguyện tham gia vì lợi ích của các bạn chứ không phải là lợi ích của Đoàn.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"> 9. Một chương trình thành công là về mặt chất lượng chứ không phải số lượng. Dù cho có bị thiếu sót về mặt số lượng, bị đánh giá là chương trình không thành công vì số lượng các bạn tham gia quá ít. Thế nhưng, với tôi, một chương trình thành công là chương trình phải có chất lượng, phải mang ý nghĩa thực sự chứ không phải là chương trình với số lượng đông đáng kể nhưng chất lượng thì không ra gì. Và từ những chương trình chất lượng ấy, từ số lượng ít ỏi ấy, càng về sau số lượng sẽ tăng lên bởi nằm ở chất lượng. Vì lẽ đó tôi sẽ không quá khắt khe về mặt chỉ tiêu, tôi chỉ khuyến khích và tôi chỉ quan tâm đặt nặng về kết quả cuối cùng là có mang lại ý nghĩa gì cho các bạn sinh viên hay không!</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"> 10. Gắn kết các bạn đoàn viên, nhất là các bạn cán bộ đoàn chủ chốt là việc làm rất quan trọng. Một tổ chức thiếu nhân lực sẽ khá khó trong việc vận hành. Vì vậy là người đứng đầu, cần chủ động quan tâm đến tình hình của các bạn đoàn viên, cán bộ đoàn từ đó có những hành động thiết thực, kịp thời.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"> 11. Kỷ luật là yếu tố cần đề cao. Một tổ chức không có kỷ luật sẽ không còn là một tổ chức đúng nghĩa. Vì vậy, tôi đề cao tính đúng giờ. Thực trạng các hoạt động ngày nay là kéo dài gần 1 tiếng so với thời gian đưa ra. Điều này tôi thấy không nên, tạo một thói quen không tốt cho các bạn sinh viên: à nếu thời gian tổ chức 7h thì thôi 8h hãy lại, lại chi sớm rồi ngồi đợi, cứ thế các chương trình cứ kéo thời gian, và nếu là bí thư tôi sẽ hạn chế mức tối đa tình trạng sai lệch thời gian tổ chức quá nhiều. Đúng thời gian tổ chức sẽ không ai được tham gia, và khi đã thông báo như thế thì phải làm cho được. Tránh tình trạng đã báo đúng 7h khai mạc nhưng vì ít bạn sinh viên nên kéo tới 8h. Điều này có thể sẽ rất khó, nhưng nếu không làm thì tình trạng trì trệ thời gian cứ mãi kéo dài, tồn tại một hành vi không đúng mực cho các bạn sinh viên.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"> 12. Thường xuyên tổ chức các cuộc họp với các bạn cán bộ đoàn nhằm kịp thời nắm bắt tình hình các bạn đoàn viên ở các chi cũng như phối hợp tốt nhất với các bạn cán bộ trong việc hoạt động. Và với tôi, họp không nhất thiết phải ở trong phòng học, ta có thể linh động hơn, họp ở quán café, trà sữa,…có không gian riêng, vừa đổi mới, vừa tạo khoảng không thoải mái, gần gũi nhưng cũng không làm thay đổi tính chất trang trọng của cuộc họp. Đổi mới một chút, linh động một chút là cái mà người cán bộ Đoàn rất cần: sự sáng tạo, đổi mới, không rập khuôn, nhàm chán.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">“Can đảm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo, kỷ luật, hợp tác cùng hướng tới lợi ích chung cho bản thân, cho tổ chức, cho xã hội” là phương châm mà tôi đặt ra khi làm một cán bộ Đoàn.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"> Mọi chuyện không phải là khó, nếu ta có cố gắng, không bỏ cuộc thì nhất định sẽ đạt được kết quả tốt nhất. Đừng bao giờ nói suông, mà phải làm. Đừng bao giờ đứng đó chỉ đạo, mà hãy xoắn tay vào cùng tham gia. Tôi tin, tổ chức Đoàn sẽ ngày càng phát huy tốt hơn vai trò của minh như chỉ thị của Đảng đề ra, cũng như những lời Bác đã căn dặn trước lúc đi xa.</span></span></p>
</body></html>