<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Là thành viên của Đội Công tác xã hội thanh niên TP.HCM được gần 4 năm, từ một tình nguyện viên đam mê các hoạt động tình nguyện, cô gái Đặng Thị Hiền hiện là trưởng điều hành nhóm tình nguyện viên phát triển kỹ năng cho những trẻ em dị tật, tự kỷ và chậm phát triển.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Lớp kỹ năng cho trẻ</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Một góc sân trong Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè cứ mỗi sáng lại xôn xao những tiếng hô đếm nhịp, tiếng cười giỡn của các bé đang được nuôi dạy ở đây. Đó là lớp dạy võ của “chị Hiền” – cách gọi thân thuộc của các bé ở đây với Đặng Thị Hiền – nhằm tập cho các bé khả năng ghi nhớ, bằng cáchvận động thân thể thông qua những động tác của một bài quyền đơn giản. Đó cũng là phương pháp mà nhóm của Hiền thực hiện với 3 lớp kỹ năng cho trẻ đặc biệt gồm: lớp dạy võ, lớp hướng nghiệp và lớp tăng vận động.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2016/12/27345/DTH-Hướng-dẫn-tư-thế-tập-võ-cho-trẻ-tự-kỷ.JPG" style="height:90%; width:90%" /></span></span></p>
<p style="text-align:center"><em><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Hiền hướng dẫn tư thế tập võ cho trẻ.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Nếu chỉ nhìn bề ngoài, mọi người sẽ luôn nghĩ các bé là những đứa trẻ không có nhận thức, có những cử chỉ và hành động vô thức. Chỉ khi tiếp xúc lâu ngày, mới biết rằng mỗi bé vẫn có tư duy và khả năng của riêng mình…” – Hiền bắt đầu kể về những ngày đầu làm quen với công việc. Dạy trẻ em bình thường đã khó, dạy những trẻ bị tự kỷ, bị down lại càng áp lực và khó khăn hơn. Bạn tâm sự rằng khi mới bắt đầu làm quen và dạy cho các bé những thế võ, những nét vẽ đầu tiên, nhiều lần Hiền và các thành viên trong đội cảm thấy ức chế bản thân vì có nhiều bé hơn một tháng vẫn không thuộc được động tác nào.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Quyết tâm muốn thay đổi cái nhìn của cộng đồng với trẻ em thiểu năng, Hiền dành nhiều thời gian trò chuyện, chơi đùa để hiểu về thế giới của các bé hơn. Nhờ đó mà bạn biết thêm nhiều khả năng đặc biệt của mỗi bé . “Có em hát rất hay, em khác thì ghi nhớ tốt, còn có em lại hay quên nhưng chỉ cần nhắc một lần thì nhớ lại ngay” – Hiền kể về những em học trò của mình. Mỗi lần các bé làm đúng một động tác, gấp được một tấm thiệp, hay các bé thụ động biết chơi đồ chơi, trẻ tự kỷ chịu ra sân chơi với các em khác, Hiền lại cảm nhận được công sức và tấm lòng của mình đã không bị uổng phí. Mỗi ngày Hiền hướng dẫn các bé từng chút một để các em có thể ghi nhớ dễ hơn.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Phải yêu thích và có trách nhiệm mới có thể làm tình nguyện</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">4 năm tham gia Đội Công tác xã hội cũng là 4 năm Hiền cảm nhận được mình có cái duyên với những hoạt động vì cộng đồng.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Theo học ngành Công tác xã hội, nên từ những ngày là sinh viên năm nhất Hiền đã tham gia vào các hoạt động xã hội với mục đích ban đầu là để tích lũy kinh nghiệm. Nhắc về lần đầu tiên tham gia hoạt động, cô sinh viên này vừa cười tít mắt vừa kể, rằng lần đầu đó Hiền chưa quen đường thành phố nên bị lạc khi đi tìm nơi tổ chức hoạt động, may thay được một chú tốt bụng dẫn đi đến tận nơi. Cũng thời gian đầu ấy, mỗi khi tham gia các chương trình, Hiền đã chịu đạp xe từ Thủ Đức vào trung tâm thành phố thường xuyên để … làm tình nguyện. Hiền chỉ cười bảo chuyện đó rất bình thường, nhưng ít có tình nguyện viên nào có đủ sức chịu đựng để làm được như Hiền.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Dấn thân cho hoạt động xã hội ngần ấy năm, từ một tình nguyện viên tích cực trở thành người điều hành một nhóm hoạt động, Hiền cho rằng có lẽ do nguyên tắc làm việc của mình nên không cảm thấy áp lực với vai trò hiện tại. “Nên làm – Có thể làm – Sẽ làm” là 3 bước mà cô bạn này suy xét trước khi đồng ý nhận một nhiệm vụ tình nguyện. Phải biết mình cần bắt đầu từ đâu, đối tượng là ai, sẽ làm gì, đặc biệt là có thực sự yêu thích hay không mới làm để cảm thấy việc ấy không nhàm chán.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Với Hiền, tinh thần “tình nguyện” không chỉ có ở người trẻ. “Ai cũng đều có tinh thần tình nguyện, đều có mong muốn được giúp đỡ những người khó khăn, chỉ khác là họ thể hiện ra như thế nào…” – Hiền chia sẻ. Hiện nay còn nhiều người hiểu đơn giản “tình nguyện” là đi giúp đỡ người khác, do đó các chương trình thường có rất đông các tình nguyện viên, nhưng họ lại không biết mình phải làm gì vì khối lượng công việc không nhiều, nên sẽ dễ khiến họ cảm thấy không thiết tha gì với những công việc tình nguyện. Nhưng, nếu có thể làm cho họ hiểu rằng các hoạt động xã hội sẽ giúp họ gắn kết nhiều hơn với cộng đồng và mang lại sự thay đổi lớn đối với bản thân, chắc chắn họ sẽ thêm yêu công việc ấy và làm nó bằng cái tâm, từ đó lại sẽ tiếp tục có thêm nhiều những tấm gương thầm lặng cho xã hội – Hiền nói lên quan điểm của mình.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>ĐỨC DUY</strong></span></span></p>
</body></html>