<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong><em>Vừa qua, đông đảo đoàn viên, thanh niên thành phố đã đến thăm và tặng quà cho nhân dân vùng căn cứ huyện Châu Thành, Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.</em></strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tại đây, các cô, chú nguyên là cán bộ Thành Đoàn, thành viên CLB Truyền thống Thành Đoàn đã có dịp gặp lại ba, má, anh, chị đã đùm bọc, nuôi giấu mình chống lại sự truy kích của địch trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cô Trương Mỹ Lệ (Bí danh Tư Liêm), nguyên quyền Bí thư Thành Đoàn Sài Gòn – Gia Định nghẹn ngào ôn lại truyền thống đấu tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Bến Tre nói riêng.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cô Tư Liêm xúc động kể lại từng giai đoạn khó khăn mà cán bộ Thành Đoàn hoạt động tại vùng căn cứ ở các xã thuộc hai huyện Châu Thành và Giồng Trôm. Tuy gặp muôn trùng thử thách nhưng bà con nơi đây vẫn một lòng tin vào cách mạng, sẵn sàng gạt qua mọi hiểm nguy để nuôi giấu các đồng chí của ta.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Chúng tôi đi đến đâu là giặc theo đến đó, nhưng nhân dân vẫn luôn yêu quý cách mạng, thương bộ đội như con, cháu ruột thịt của mình, hết lòng giúp đỡ chúng tôi. Bến Tre là vùng đất của cách mạng, nếu không có nhân dân thì cuộc đấu tranh chống giặc cứu nước đã không thể đi đến thành công” – Cô Tư Liêm xúc động chia sẻ.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2016/12/27389/anh-3 (3).JPG" style="height:90%; width:90%" /></span></span></p>
<p style="text-align:center"><em><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP. HCM cùng các cô chú trong CLB truyền thống Thành Đoàn </span></span></em></p>
<p style="text-align:center"><em><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Vốn</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Các cán bộ Thành Đoàn Sài Gòn – Gia Định xưa đã thăm hỏi và tặng quà cho bà con, những gia đình có công nuôi giấu cách mạng thuộc vùng căn cứ xưa ở các xã Phước Thạnh, Tam Phước, An Phước, Hữu Định thuộc huyện Châu Thành và Thị trấn Giồng Trôm huyện Giồng Trôm.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Mặc dù không thể gặp lại các ba, má ngày xưa đã có công giúp đỡ cách mạng do đa phần đều đã qua đời, nhưng cô Lê Thị Hồng (Bí danh Út Hồng) vẫn bồi hồi nhớ lại ký ức xưa. Tham gia tham gia cách mạng từ rất nhỏ, cô Út Hồng trực tiếp làm công tác giao liên, hoạt động tại khu vực miền Đông, Long An rồi tới vùng Bến Tre, cô phải thuộc chính xác từng đường đi, ngõ hẽm để dẫn đường cho cán bộ cách mạng từ Sài Gòn xuống Bến Tre hoạt động.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cô Út Hồng kể, nhiều lúc đang thăm dò địa phương thì máy bay của địch ở ngay trên đầu mình nhưng vẫn kiên quyết bám trụ tại địa phương, cố gắng hoàn thành nghĩa vụ được giao. Có hôm cô đang làm nhiệm vụ vì quá đói nên xỉu ngay ra đường, may mắn nhờ gia đình của anh Hai Bé, má Ba Bộ, má Hai Dĩ dìu về nuôi giấu cho ăn uống, đưa quần áo để thay. Cô nhớ như in lời dặn của ba má: “Làm giao liên thì phải đi các đường này, mai theo cô, chú dẫn đi cho nhớ, tránh đi đường khác, khu đó địch nhiều dễ bị phát hiện”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Hồi đó địch đánh bom tàn khốc, chúng tôi phải ra sức làm hầm để trú ẩn. Tuy nhiên làm hầm thì phải có cột, thế là bà con các vùng căn cứ không ngại ngần tháo nhà lấy cột, kèo cho cán bộ làm hầm. Nhưng số lượng cây vẫn không đủ để làm hầm vững chãi tránh được bom của địch, một lần nữa nhân dân lại ra tay giúp sức, lần này họ quyết định chặt đi nhiều cây dừa là nguồn kinh tế chính của bà con lấy thân dừa làm cột xây hầm trú ẩn cho cán bộ cách mạng” – Cô Út Hồng kể thêm.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Chú Trần Hữu Việt (Bí danh Tư Việt) luôn ghi nhớ và trân trọng những nghĩa tình mà bà con vùng căn cứ đối với các cán bộ hoạt động cách mạng. Chú Tư kể, cuối năm 1969, đầu năm 1970 chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt, anh em đồng chí hy sinh rất nhiều, bộ đội gặp rất nhiều thiếu thốn. Nhưng rất may có tấm lòng của nhân dân nhiệt tình giúp đỡ, tạo mọi điều kiện từ lương thực, quần áo đến thuốc men.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Những câu chuyện của các đồng chí lão thành cách mạng đã làm xúc động nhiều bạn đoàn viên, thanh niên có mặt trong buổi giao lưu. Chú Tư Việt hướng về phía các bạn trẻ gửi gắm: “Ngày trước nhân dân đã góp công lớn cho thắng lợi của cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, ngày nay chúng tôi có nhiệm vụ phải dìu dắt thế hệ trẻ noi theo truyền thống của cha ông ta. Các bạn trẻ ở đây đang làm nhiều công việc, ngành nghề khác nhau nhưng bất cứ công việc gì các cháu hãy dựa vào nhân dân thì ắt sẽ thành công”.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>NGỌC PHONG</strong></span></span></p>
</body></html>