<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đó là tâm niệm của Lê Thanh Vủ, trinh sát của Đội CSHS Đặc nhiệm, Phòng PC45 CATP.HCM. Từ nhỏ, Lê Thanh Vủ đã say mê hình tượng cảnh sát hình sự trên màn ảnh, những người đi bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân. Và rồi như một cái duyên, Thanh Vủ đã được sống với cái nghề mà mình yêu thích.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Tận tâm với nghề</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Năm 2010, sau khi tốt nghiệp trường Trung học Cảnh sát nhân dân II, Lê Thanh Vủ được phân công về công tác tại Đội Cảnh sát hình sự Đặc nhiệm thuộc Phòng Cảnh sát Điều tra về Trật tự xã hội – Công an TP.HCM, tiền thân là Đội SBC (Săn bắt cướp) với chức năng nhiệm vụ là phòng ngừa và đấu tranh chống cướp, cướp giật trên đường phố.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2016/12/27395/Hinh anh 4.JPG" style="height:90%; width:90%" /></span></span></p>
<p style="text-align:center"><em><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Anh Lê Thanh Vủ (giữa) thảo luận cùng đồng đội.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Với vai trò là một trinh sát, anh đã cùng đồng đội tham gia triệt phá, truy bắt nhiều băng nhóm tội phạm nguy hiểm. Bản thân đã vài chục lần té ngã do chấn thương khi truy bắt đối tượng cướp giật ở tốc độ cao (từ 100 đến 100km/h), 2 lần chấn thương nặng phải cấp cứu, 15 lần trực tiếp điều khiển xe tông thẳng vào đối tượng tẩu thoát, trực tiếp đối mặt bắt giữ hơn 100 đối tượng cướp giật nghiện ma túy đã bị nhiễm HIV. Trong quá trình đấu tranh với tội phạm, đã 3 lần phải uống thuốc chống phơi nhiễm HIV vì bị chấn thương khi khống chế đối tượng gây án có bị nhiễm HIV.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nói về công việc mang tính chất đặc thù của mình, Thanh Vủ không hề nghĩ ngợi cao xa. Anh cho biết, người công an nhân dân, người cảnh sát hình sự hay một trinh sát như anh đã chọn nghề thì phải hết mình với công việc. Đó là công việc mà bản thân anh chọn, không có sự hi sinh mà chỉ có sự yêu thích và tận tâm, trên nữa là tinh thần trách nhiệm mỗi khi nhận nhiệm vụ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cũng như nhiều đồng đội khác, Thanh Vủ cho rằng cuộc sống người dân phải được đảm bảo thì bản thân anh mới có thể ngủ ngon giấc. Bởi trong số người dân ấy có gia đình người thân của anh, bạn bè của anh và ngay cả chính bản thân anh. Đó là lý do mà sau khi trải qua biết bao tai nạn trong nghề nghiệp, Thanh Vủ vẫn bền lòng vững chí. “Mình sẽ nghỉ việc khi nào không thể làm được nữa hoặc khi nào xã hội không cần nữa. Đó là lúc cuộc sống thật sự hạnh phúc, xã hội không còn người phạm tội” – Thanh Vủ chắc như đinh đóng cột.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Thanh Vủ chia sẻ: “Trong những lần tập trung phá án, khi rượt đuổi theo tội phạm hoặc những lúc đối diện trực tiếp với tội phạm thì niềm đam mê dành cho nghề cộng với sự bất bình về những hành động sai trái mà tội phạm đã gây ra đã khiến tôi không còn lo sợ về những nguy hiểm đang rình rập quanh mình nữa”. Từ đó chàng thanh niên luôn cố gắng làm sao để bắt được tội phạm một cách nhanh nhất, để có thể trả lại được món đồ bị cướp cho nạn nhân, hoặc khi bắt được tội phạm thì mình chỉ nghĩ là sẽ bớt đi được phần nào những mối nguy hại cho xã hội, bởi cứ càng kéo dài thời gian thì sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho đối tượng trốn thoát hoặc có thể gây ra thêm nhiều tội ác nữa.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Mặc dù biết công việc này thực sự nguy hiểm, nhưng trong những lúc ấy tôi chẳng còn tâm trí đâu để lo lắng cho bản thân mình” – Thanh Vủ nghẹn ngào khi đã có nhiều đồng đội của anh còn gặp phải hiểm nguy và bị thương nhiều hơn bản thân anh, thậm chí có người đã phải hy sinh tính mạng, nhưng họ vẫn luôn yêu nghề và cố gắng nỗ lực để phục vụ cho nhân dân, cho Tổ quốc, noi gương các anh em đồng chí, không thể vì một chút hiểm nguy mà bản thân chàng trai trẻ có thể chùn bước.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Nhiều trăn trở cùng đồng đội về cuộc sống</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trong công việc của Thanh Vủ, có lẽ điều khiến anh tự hào nhất là tinh thần đồng đội luôn được đề cao. Trong từng giải thưởng được nhận, từng danh hiệu xướng tên, bao giờ Thanh Vủ cũng hướng về đồng đội để sẻ chia một cách đầy thương yêu, đầy trân trọng bởi chính họ đã tiếp thêm động lực cho anh, thậm chí đã trực tiếp cùng anh bảo vệ cuộc sống yên bình cho người dân.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Khi nói về những thành tích của mình, Thanh Vủ lúc nào cũng khiêm tốn: “Đa phần là thành quả, công sức của cả tập thể, từ sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng, Ban Chỉ huy đội rồi sự giúp sức của mấy anh em. Nhiều khi phải thức trắng đêm, anh em cũng ôm nhau mà làm cho xong nhiệm vụ”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Vốn là người nhạy cảm với cuộc sống, lại chọn cái nghề phải chứng kiến rất nhiều điều phi lý trong cuộc sống cũng như bi kịch của con người, Thanh Vủ không khỏi áp lực. Những lúc như thế, đồng đội đã giúp anh vượt qua.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Thanh Vủ còn nhớ rất rõ từng đối tượng phạm tội mà anh và đồng đội đã bắt giữ, có những người tuổi đời còn rất trẻ, có những người đang độ thanh xuân phơi phới, có những người đã “gặp lại” anh không chỉ một lần. “Họ sai, họ lầm lỡ thì mình phải bắt và họ phải trả giá nhưng làm người mấy ai muốn như thế. Thật ra bản thân họ cũng rất đáng thương”. Chính vì vậy, sau khi bắt về cơ quan, Thanh Vủ luôn dùng tình người và đạo lý để thức tỉnh họ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Thanh Vủ cho biết thêm, có những trường hợp khi bắt được thì bản thân họ đã biết họ sẽ phải chịu tử hình nhưng một chút ăn năn cuối đời đôi khi cũng đã là tốt đẹp. Đối với những người sau khi đã trả giá cho những hành động sai lầm của mình, Thanh Vủ và động đội còn tìm cách giúp các bạn hòa nhập lại cuộc sống bởi không một người trinh sát nào mong muốn lần sau gặp lại, họ vẫn là một tội phạm. Nhờ đó mà nhiều số phận đã thay đổi cuộc đời.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Lại nhớ những lần nhập vai để điều tra tội phạm, Thanh Vủ mới thấu hết nỗi khổ của người dân lao động. “Hồi mình nhập vai để triệt phá các nhóm đối tượng sử dụng xe khách trấn lột người dân ở Bến xe Miền Tây, qua Bình Tân, Bình Chánh rồi các tỉnh Long An, Tiền Giang… mình mới hiểu hết cái khổ của người dân mình” - Thanh Vủ xót xa khi nhận ra một nghịch lý rằng bà con mình khổ chồng thêm khổ, cuộc sống lao động vất vả kiếm miếng ăn, dành dụm chẳng mấy đồng về quê ăn Tết rồi lại trở thành đối tượng kiếm chát của các nhóm tội phạm. Ngay chính những kẻ phạm tội cũng có người rất khổ. “Thế chẳng phải chúng ta đang làm khổ nhau hay sao, những người bế tắc đi làm khổ những người bế tắc. Thiệt thòi nhất bao giờ cũng là người dân lao động” – Thanh Vủ lại càng quyết tâm hơn vào tin vào công việc của chính mình.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Đến gần người dân bằng công tác Đoàn</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Thanh Vủ cũng hằng trăn trở đó là làm thế nào để người công an, người cảnh sát đến gần người dân hơn và tại sao nhiều người dân lại quay lưng lại với chính những người đang bảo vệ cuộc sống bình yên cho họ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Thế rồi đồng đội đã giúp anh vượt qua những suy nghĩ đó. Thanh Vủ đến gần người dân thông qua công tác Đoàn, những công trình thanh niên. Ở đó, anh trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc người dân, được nghe câu chuyện của họ và nghe họ nói về người công an, người cảnh sát.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Và rồi anh ý thức được rằng người dân ngày nay rất nhạy cảm mà càng nhạy cảm thì càng dễ bị tổn thương và công việc của các anh là công việc thầm lặng. Chính vì thầm lặng nên người dân không thể hiểu tường tận. Nhưng một khi đã hiểu thì khoảng cách ấy sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn. Thanh Vủ xúc động nhớ lại những lúc trả lại tài sản bị cướp cho người dân, ánh mắt sung sướng của họ, những cái ôm của họ hay trong một lần đi tuần tra, một cô trung niên mang ra cho anh và đồng đội 2 chai nước suối với một chút ân cần an ủi: “Hai đứa uống đi, cô biết hai con là ai rồi, tội nghiệp, giờ này lại còn ở đây, mai mốt có đi qua đây thì nói cô, cô gửi vài chai nước uống nghe chưa!” – một chút quan tâm nhỏ thôi cũng làm cho chiến sĩ trinh sát đặc nhiệm thấy ấm lòng.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Làm công việc tiếp xúc nhiều với tiêu cực nhưng Thanh Vủ và đồng đội không bi quan trước cuộc sống. Như Thanh Vủ chia sẻ, đôi khi phải đi đến tận cùng tiêu cực mới nhìn thấy những tia hi vọng nhen nhóm. Thanh Vủ không phủ nhận tội phạm đang ngày một trẻ hóa, càng trẻ các bạn lại càng tinh vi hơn. Nhưng Thanh Vủ cũng cho rằng thời buổi nào cũng vậy và tuổi trẻ vẫn luôn sôi nổi theo cách riêng của mình.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tiếp xúc với các bạn trẻ qua công tác Đoàn, Thanh Vủ đôi khi còn phải ngưỡng mộ sự sáng tạo và nhiệt huyết của các bạn. Còn tiếp xúc với những bạn trẻ lầm lỡ, Thanh Vủ mới thật sự hiểu trong lòng các bạn đang mâu thuẫn và đầy sợ hãi như thế nào. Cuộc sống hiện đại, giới trẻ lại càng phức tạp và phân hóa rất rõ về cá tính. Một người trinh sát đặc nhiệm như anh (cũng là một người trẻ) không thể tách mình ra khỏi tuổi trẻ mà chỉ biết cống hiến hết mình để thay đổi cái nhìn của xã hội mà thôi. Bên cạnh chuyên môn, công tác Đoàn là một phần rất quan trọng.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nhắn nhủ với các bạn trẻ, Lê Thanh Vủ không có điều gì hơn ngoài ước mơ, hoài bão, có niềm đam mê với những việc mình làm và nhất là sống phải có lý tưởng. “Hãy cố gắng nỗ lực hết mình với những ước mơ, hoài bão đó thì bạn mới có được niềm tin và ý chí để vượt qua những khó khăn, thử thách và rồi chắc chắn thành công sẽ đến với bạn. Bạn sẽ thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn khi nhìn thấy được những nỗ lực, những cố gắng của mình luôn được đền đáp xứng đáng. Tuổi trẻ chỉ đến với chúng ta một lần duy nhất, hãy sống sao để mỗi khi nhìn lại bạn luôn thấy tự hào về nó!”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đêm nay, cũng ngon ngót 8 giờ, người trinh sát trút bỏ đồng phục cảnh sát đặc nhiệm, khoác lên mình bộ đồ “bụi”, mặt mày có chút “giang hồ, xách xe máy chạy về phía mà đồng đội đang đợi. Ít ai biết rằng những người thanh niên đầy nhiệt huyết ấy đã vòng đi vòng lại khắp các con phố và biết đâu, đêm nay lại là một đêm thức trắng ngoài đường.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>THANH ĐỨC</strong></span></span></p>
</body></html>