<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>Đó là lời chia sẻ của đồng chí Trương Mỹ Lệ (bí danh Tư Liêm) – nguyên quyền Bí thư Thành Đoàn, khi cùng tuổi trẻ thành phố về huyện Củ Chi, thăm căn cứ Thành Đoàn giai đoạn kháng chiến chống Mỹ và gặp lại các gia đình đã nuôi giấu cán bộ Thành Đoàn những năm tháng chiến tranh.</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Củ Chi những năm chống Mỹ cứu nước được Khu ủy Sài Gòn - Gia Định xem là một căn cứ bàn đạp đáng tin cậy. Rất nhiều người là cán bộ Ban cán sự học sinh – sinh viên được đưa về Củ Chi để thành lập đội giao liên giúp bộ đội và du kích đánh Mỹ. Trong những ngày tháng đó, hầu như mỗi căn nhà của người dân đều là một căn cứ bí mật nuôi giấu học sinh, sinh viên Sài Gòn – Gia Định. Sau gần 42 năm trôi qua, họ - những người dân đã từng nuôi giấu cán bộ – vẫn còn nhớ như in những câu chuyện giữa họ với các cựu cán bộ Thành Đoàn.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đến thăm gia đình cô Hai Lập, một gia đình cách mạng đã có rất nhiều câu chuyện mà theo nhận xét của cô Tư Liêm là có thể “viết thành một cuốn sách nhỏ”</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Những năm kháng chiến, cả 4 người trong gia đình cô Hai Lập đều hăng hái tham gia cách mạng: hai chị em cô Hai Lập và cô Ba Xuân làm nhiệm vụ đón rước và nuôi giấu cán bộ, ông Trần Thanh Hoàn – chồng cô Ba Xuân – bí mật tham gia quân đội Sài Gòn và cướp vũ khí của địch về cho bộ đội và du kích, còn bà Lê Thị Khê – mẹ của hai cô – là người bảo vệ kho vũ khí của lực lượng du kích Củ Chi.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Năm nay đã 80 tuổi, nhưng cô Hai Lập vẫn còn rất khỏe và nhớ rất rõ những câu chuyện. Với giọng chân chất, cô kể lại những lần rước “khách” – là cán bộ đoàn học sinh sinh viên – bằng xe honda, xe bò, phải giả làm dân buôn để đưa “khách” về nhà mình an toàn, chờ đêm tối du kích đến dẫn vào căn cứ. Nhiều lần bị phát hiện, bị địch rượt bắn, bị tra tấn nhưng vẫn kiên quyết giữ bí mật đến cùng. Còn ông Hoàn - chồng cô Ba Xuân đã nghĩ ra cách giấu vũ khí vô cùng độc đáo: giấu 2 trái lựu đạn vào trái bưởi gửi về cho du kích chống càn.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trong những gia đình có sự gắn kết với đoàn có ông Sáu Tâm. Năm nay đã 96 tuổi, lại còn chịu nhiều bệnh người già và bị lẫn, nhưng khi nghe nhắc mấy cái tên Tư Liêm, Ba Trọng, Ba Nhiệm, … ông Tâm lại nhớ ra và nhắc về Cụm Tầm Vông – nơi tập trung và hoạt động của nhiều học sinh, sinh viên, mà ông là người xây dựng và bảo vệ sự an toàn cho nó trước sự theo dõi sát sao của kẻ thù.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trong chương trình giao lưu giữa cựu cán bộ Thành Đoàn với các gia đình nuôi giấu cách mạng, câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn đã gửi tặng mỗi gia đình một phần quà tết. Đại diện cho câu lạc bộ truyền thống Thành Đoàn, chú Ba Nhiệm và cô Ba Trọng đã bày tỏ lòng tri ân của lớp lớp cựu cán bộ Thành Đoàn đối với tình nghĩa của người dân Củ Chi. Nhiều câu chuyện, kỉ niệm vui buồn được hai cô chú nhắc lại khi giao lưu với người dân Củ Chi. Những lần vượt mặt kẻ thù vào căn cứ cụm Tầm Vông, những lần chống càn thắng lợi, những tấm gương kiên trung trước kẻ thù, … được kể lại chi tiết cứ như vừa xảy ra ngày hôm qua.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Vào nhà gặp dũng sĩ, ra ngõ gặp anh hùng” hay “Củ Chi đất thép thành đồng” là những câu từ đã ăn sâu trong tâm thức của người dân Việt Nam. Chú Ba Nhiệm cho biết Củ Chi là nơi sinh ra rất nhiều câu nói, nhiều danh từ nổi tiếng để ca ngợi tinh thần yêu nước, kiên cường, bất khuất của quân và dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>ĐỨC DUY</strong></span></span></p>
</body></html>