<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>Mỗi bước chân trên đường chạy luôn là sự thể hiện của khát vọng tuổi trẻ, niềm tự hào của dân tộc với cờ đỏ sao vàng trên ngực áo, em còn trẻ và phải phấn đấu rất nhiều để có thể đem lại vinh quang cho thể thao nước nhà.</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đó là tâm niệm của Lê Tú Chinh, sinh năm 1997, “cô gái vàng” của thể thao thành phố, hiện đang là vận động viên điền kinh của Trung tâm Thể dục Thể thao Thống Nhất, TP. Hồ Chí Minh và đội tuyển điền kinh trẻ quốc gia.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Vinh quang không đổi được bằng sự lười biếng…</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Từ nhỏ cô bé Chinh đã được các bạn nể phục với khả năng chạy rất nhanh của mình, tham gia các trò chơi thiếu nhi liên quan tới vận động, chạy nhảy, Chinh đều là người giành chiến thắng. Chinh cũng kể rằng, từ nhỏ em đã rất mê các môn thể thao liên quan tới tốc độ, xem tivi thấy các chương trình thể thao như điền kinh, đua xe em đều nán lại để xem cho đến khi kết thúc.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Niềm đam mê điền kinh của Tú Chinh được thổi bùng mạnh mẽ khi em biết tin có huấn luyện viên đến trường tuyển chọn vận động viên thi đấu tại giải điền kinh dành cho lứa tuổi học sinh. Lúc này Chinh đã lọt vào mắt xanh của cô Nguyễn Thị Thanh Hương (Huấn luyện viên đội tuyển điền kinh TP. HCM) và đến năm 2008 Lê Tú Chinh được chính thức tham gia vào đội tuyển điền kinh TP. HCM.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2016/12/27440/anh-1 (2).jpg" style="height:90%; width:90%" /></p>
<p style="text-align:center"><span style="color:#000000"><em>Lê Tú Chinh (giữa) vui mừng nhận giải thưởng tại giải thi đấu điền kinh.</em></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Nhớ lại thời điểm đó em thật sự rất xúc động và sung sướng, cuối cùng niềm đam mê điền kinh với những bước chạy trên đường thi đấu của em cũng đã trở thành hiện thực. Em muốn cảm ơn cô Thanh Hương, chính cô đã thắp lên ngọn lửa yêu nghề trong em và dìu dắt em để có được thành công như hôm nay” – Tú Chinh xúc động chia sẻ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đến năm 2015, Tú Chinh đã có một bước tiến dài trong sự nghiệp thể thao của mình khi em được gọi vào đội tuyển điền kinh trẻ quốc gia. Kể từ khoảng thời gian đó, với nội dung thi sở trường là chạy ngắn 100m và 200m Lê Tú Chinh đã liên tiếp dành được nhiều thành tích cao trong các kỳ đại hội, giải đấu trong nước và quốc tế như: huy chương vàng nội dung 200m nữ ở Giải vô địch trẻ châu Á, HCV Đại hội Thể thao bãi biển châu Á 2016 nội dung 60m, 4 HCV Giải điền kinh quốc tế TP. HCM mở rộng lần thứ 23…</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Sự uốn nắn tận tình của huấn luyện viên sẽ không thể đem lại những thành quả ấy nếu bản thân Chinh không biết tự nỗ lực và rèn luyện bản thân. Tú Chinh cho biết, ở bất kỳ bộ môn thể thao nào và đặc biệt là điền kinh, sự luyện tập là vô cùng gian nan và vất vả. Mỗi ngày, em đều đến sân vận động Thống Nhất để bắt đầu tập luyện từ 7 giờ sáng và kết thúc vào 10 giờ. Ăn trưa, nghỉ ngơi, đến chiều vẫn tiếp tục rèn luyện như vậy từ 3 giờ cho đến 5 giờ là kết thúc buổi tập trong ngày.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ngoài ra, ở nhà Chinh phải tự mình rèn luyện thêm những bài tập bổ trợ để tăng khả năng và sức chịu đựng. Tú Chinh thổ lộ: “Mỗi vận động viên phải luôn thường trực trong đầu ý thức chuyên nghiệp và sự luyện tập không ngừng nghỉ, nếu một phút giây nào đó bạn bị xao lòng thì điều đó đồng nghĩa với việc bạn đã bị đối thủ vượt mặt trên đường đua. Vinh quang không bao giờ đổi được bằng sự lười biếng mà được đổi lấy bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu trên sân tập”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đằng sau mỗi tấm huy chương đạt được của Lê Tú Chinh ngoài niềm tự hào khi đem lại vinh quang cho đất nước còn là ước muốn về một cuộc sống ấm no và đủ đầy cho một gia đình nhỏ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Món quà dành tặng ba</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Vào giữa năm nay Lê Tú Chinh đã làm cho những người hâm mộ thể thao nước nhà phải đứng dậy vỗ tay tán thưởng khi em xuất sắc đạt được tấm HCV nội dung 200m tại Giải điền kinh vô địch trẻ châu Á được tổ chức tại TP. HCM. Đây cũng là lần đầu tiên sau 20 năm thể thao thành phố có vận động viên nhận được giải thưởng này.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nhớ lại cảm xúc khi biết mình là người đầu tiên cán vào vạch về đích Tú Chinh không khỏi xúc động, sau những bước chạy cuối cùng để vượt qua đối thủ để đoạt huy chương vàng các thầy cô, đồng nghiệp đã chạy tới ôm chầm lấy em và khoác lên người em là cờ của Tổ quốc. “Thật sự em rất xúc động và tự hào, em cầm chiếc quốc kỳ chạy vòng quang sân để chào khán giả, nhưng trong đầu em khi ấy còn nghĩ tới ba đang tất bật lo cho công việc chắc không hay việc con gái vừa giành được huy chương vàng. Em sẽ dành tặng món quà quý giá này cho ba, cho các chị ở nhà đã luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho em vượt qua mọi thử thách” – Tú Chinh nghẹn ngào kể lại.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Mất mẹ từ nhỏ, Tú Chinh phải sống với ba và hai người chị gái khác. Mọi công việc nặng nhọc, trách nhiệm nuôi sống cả gia đình, ba Chinh luôn gánh vác trên vai. Là con út trong nhà lại đang trong tuổi ăn, tuổi học, Tú Chinh luôn mong muốn một ngày có thể đỡ đần phụ giúp ba, tặng ba những món quà từ số tiền chính tay con gái kiếm được.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Chinh kể, biết con theo nghiệp thể thao vất vả nhưng ba không hề cấm đoán hay ngăn cản vì ba biết điền kinh chính là đam mê từ nhỏ của em. “Khi em bắt đầu tập luyện tại đội tuyển điền kinh thành phố, ba dặn dò rất kĩ, ba bảo rèn luyện thể thao là việc tốt nhưng không được bao giờ bỏ quên chuyện học văn hóa, phải học để bổ sung thêm tri thức cho bản thân để khi ra nước ngoài thi đấu cùng bạn bè quốc tế họ phải nể phục người Việt chúng ta rằng vừa giỏi năng khiếu lại giàu kiến thức văn hóa” – Tú Chinh chia sẻ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Hiện nay, ngoài thời gian luyện tập vào ban ngày, đến tối Tú Chinh lại sắp xếp thời gian đi học tại trường Đại học Thể dục thể thao TP. HCM. Tú Chinh thổ lộ: “Gia đình chính là động lực lớn nhất để em tiếp tục tập luyện và thi đấu. Mỗi lần thất bại và vấp ngã em sẽ luôn nhớ đến lời dạy dỗ của ba. Những vinh quang hay huy chương em đạt được sẽ đều dành tặng cho ba vì ba đã dành cả cuộc đời để chăm sóc cho cả gia đình”.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>NGỌC PHONG</strong></span></span></p>
</body></html>