<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Người viết đến Trung tâm Bảo trợ Xã hội Bình Đức (thôn Bình Đức, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) một ngày đầu tuần. Trung tâm nằm sâu bên cánh rừng xanh bạt ngàn của thủy điện Suối Mơ hào hùng. Ở đó có tấm lòng của một người thầy, người anh, người bạn trao cho gần 300 học viên nam bằng sự ân cần, chăm sóc tận tình. Đó là anh Nguyễn Viết Thanh – Trưởng Khoa Tâm thần Trung tâm Bảo trợ Xã hội Bình Đức (thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh).</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Anh Thanh tham gia công tác tại trung tâm ở nhiều vị trí khác nhau từ năm 2012. Công tác tốt, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao nên đến năm 2013 anh được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Tâm thần.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Anh Thanh tâm sự: “Mới lúc đầu tiếp xúc với các học viên cũng sợ lắm chứ, họ cứ quằn quại và chống đối với cách điều trị của mình.Vì chữa bệnh cho họ khó hơn những người khác, rồi dần dần cái nghiệp đó nó cứ ăn sâu vào người rồi cũng quen cho tới ngày hôm nay”. Với vị trí chủ chốt nên anh phải chu toàn mọi công việc chữa trị, chăm sóc cho các học viên từ nơi ăn, chốn ngủ, sinh hoạt, giải trí, giáo dục con chữ,…đã được anh tiếp nhận tốt.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2016/12/27441/IMG_0306.JPG" style="height:90%; width:90%" /></span></span></p>
<p style="text-align:center"><em><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nguyễn Viết Thanh ân cần hướng dẫn học viên.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Các học viên được sắp xếp vào 5 phòng bệnh, mỗi phòng tầm 55 học viên, con số này có thể tăng, giảm tùy vào từng loại bệnh tâm thần khác nhau. Phân bố mỗi phòng như vậy có 2 y sĩ và 1 phụ trách trực 24/24 xoay ca liên tục 4 tiếng một lần nhằm đôn đốc, nhắc nhở và theo sát các cử chỉ, động thái của từng học viên. Qua đó có thể phát hiện kịp thời những cơn bệnh tái phát bất ngờ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Với phương châm đặt ra “Xanh – sạch – đẹp – văn minh” nên công tác giữ gìn vệ sinh chung để đảm bảo đời sống tốt nhất cho các học viên luôn được Ban Giám đốc (BGĐ) quan tâm. Cứ mỗi tuần BGĐ sẽ đi kiểm tra đột xuất 2 lần nếu trường hợp nào vi phạm sẽ bị kỉ luật và xem xét. Đứng trên phương diện của người quản lí anh cho rằng: “Bất cứ tại môi trường nào thì sự kỉ luật và lối sống đi vào nề nếp sẽ tạo được cuộc sống văn minh”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Khi thời tiết giao mùa, thay đổi đột ngột, các học viên lại tái bệnh nhiều lần trong một ngày và hành động sau đó là đập phá, co giật,.. hậu quả để lại rất nghiêm trọng gây đau đớn cho bản thân và cho cả các học viên khác. Vì vậy, anh Thanh đã phối hợp với các bác sĩ của bệnh viện Tâm thần Thành phố xuống mỗi tháng một lần và và bệnh viện Nhân ái xuống mỗi tuần một lần để phối hợp cùng nhau chữa trị cho các học viên.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ngoài ra, anh Thanh đã tìm và liên kết với các cơ sở, doanh nghiệp, tạo việc làm cho bệnh nhân qua các công việc nhẹ nhàng như đan giỏ, ghế và gia công giấy nhằm giúp họ thư thả, tái hòa nhập với cộng đồng và tạo niềm vui trong cuộc sống.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Các mô hình “Vật lí trị liệu” do anh khởi xướng nhờ nhận được sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân đã tăng số lượng máy tập phục hồi chức năng lên 12 máy.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nói về phương pháp trị liệu bằng âm nhạc, anh Thanh chia sẻ: “Có nhiều em có thể hát được cả tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác nữa, họ giỏi lắm đấy”. Từ đó, anh suy nghĩ mô hình trị liệu bằng âm nhạc. Cứ hàng tuần vào mỗi tối thứ 2, 4, 6 mỗi phòng sẽ chuẩn bị từ 1 đến 2 tiết mục văn nghệ biểu diễn và thi đua với nhau. Sau đó các phần quà, phần thưởng như bánh, kẹo, rau câu… được trao cho người bệnh, gửi đi thông điệp yêu thương và lan tỏa hạnh phúc cho trung tâm. Đồng thời, anh cũng bật truyền hình về các chương trình thời sự, giải trí khác vào khung giờ từ 17h đến 21h để mọi người có thể theo dõi tin tức, giải trí.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Các học viên dễ mắc các bệnh truyền nhiễm qua ăn uống, sinh hoạt,.. như ngứa, ghẻ, lở loét... Chính anh là người khởi xướng mô hình trị liệu bằng “vườn thuốc nam”. Nhờ sử dụng vỏ cây sà cừ mà đã trị được nhiều loại bệnh ngoài da. Đặc biệt căn bệnh dễ gây tổn hại nhất và lây lan nhiều nhất là bệnh viêm gan, số ca nhiễm căn bệnh này tại trung tâm tăng trong những năm gần đây, anh Thanh chia sẻ: “Điều trị căn nguyên bệnh tâm thần bằng thuốc tây với liều lượng uống đều đặn mỗi ngày. Phải uống như vậy thì các em mới khỏe về tâm trí nhưng làm sao các em có thể tránh khỏi căn bệnh về phổi, về gan. Chữa chưa hết bệnh này thì bệnh khác lại mắc tiếp. Thấy các em mà tôi thương lắm”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Phối hợp cùng anh Thanh trị liệu có chị Nguyễn Thị Hằng – Phó khoa. Chị Hằng chia sẻ nồng hậu: “Chị lớn hơn Thanh đến 10 tuổi, và Thanh cũng vào trung tâm sau chị nhưng Thanh là người em rất ham học hỏi, tìm tòi cái mới và luôn chia sẻ công việc với các anh em ở đây. Vì vậy Thanh được mọi người thực sự quý mếm lắm”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Lập gia đình vào tháng 7/2016 nên bên cạnh việc công tác thì anh Thanh luôn biết hài hòa hạnh phúc gia đình và công việc với nhau. Cứ mỗi tuần là anh được hai lần về thăm gia đình, phải di chuyển đến hơn một giờ đồng hồ để xuống thị trấn Đồng Xoài. Hai vợ chồng anh thuê phòng trọ để tiện cho vợ anh đi làm. Vợ anh làm công nhân ở một công ty nên cuộc sống không khá giả. “Nhiều lúc có được một ngày nghỉ là tôi lại mong muốn tranh thủ xuống thăm gia đình, nhưng đi xa lại nhớ đến các em học viên và công việc triển khai cho các anh em làm trên này. Nhiều lúc thấy rất mệt, mà nghĩ đến những niềm vui của gia đình và mọi người trao cho mình thì cái mệt đó mất hết”.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>THANH THÚY</strong></span></span></p>
</body></html>