<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trò chuyện với Lê Duy Phúc - 1 trong 10 công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2016 mới thấy hết sự tận tâm của chàng trai với nghề nghiệp đã chọn. Chia sẻ về thành công của các đề tài, anh vẽ ra từng mô hình cụ thể với đầy những trạm biến áp, dây truyền tải chằng chịt. Với anh, đó là việc xuất phát từ nhiệm vụ được giao nhưng rồi càng làm, càng thích và có lẽ càng nhiệt tình, càng chăm chỉ thì mọi việc mới có thể đi đến đích.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trong 2 năm công tác tại Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh, Lê Duy Phúc thực hiện tổng cộng 2 sáng kiến, 2 đề tài nghiên cứu khoa học và 3 giải pháp cải cách hành chính đã đem lại lợi nhuận khoảng 6,1 tỷ đồng. Hiện tại, anh đang là Tổ trưởng tổ SCADA, phòng SCADA, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện TP. Hồ Chí Minh.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2017/1/27453/DSC00092.JPG" style="height:90%; width:90%" /></p>
<p style="text-align:center"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif; font-size:14px"> Lê Duy Phúc luôn dành thời gian quan sát, chăm chút </span></em></p>
<p style="text-align:center"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif; font-size:14px">cho các sáng kiến trong ngành điện.</span></em></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Nhiệm vụ là cơ hội rèn luyện bản thân</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật điện tại Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Duy Phúc hoàn thành lớp cao học và nhận bằng Thạc sĩ chuyên ngành kỹ thuật điện vào tháng 03/2016. Anh cho biết: Đã gắn bó với đơn vị từ những ngày còn là sinh viên năm 3. Do vậy, sớm tiếp xúc với các máy móc thiết bị mà khi học ở giảng đường chỉ biết được qua lý thuyết đã giúp anh nuôi dưỡng tình yêu với nghề kỹ sư điện – một nghề khô khan và nguy hiểm.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Những sáng kiến và đề tài đến với Duy Phúc như một nhiệm vụ - nhiệm vụ của chính bản thân người nhân viên luôn trăn trở làm sao để ứng dụng khoa học – kỹ thuật, làm sao để mang lại lợi nhuận cho công ty, làm sao để áp dụng những kiến thức đã học mấy năm trời vào thực tế. Dần dà, những ý tưởng được hình thành, đề án được hoàn tất và sáng kiến được hiện thực hóa.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Anh kể về câu chuyện hiện đại hóa mạng lưới. Đó là một phạm trù rất lớn và phức tạp. Tuy nhiên, phải bắt đầu từ những thứ gần gũi và nhỏ nhất. Nhận thấy sự cố điện từ nguồn đến một thiết bị đóng cắt xảy ra gây tổn thất lớn cho khoảng 2.000 – 3.000 hộ dân, anh đã nghĩ về mô hình điều khiển từ xa. Nguyên do là từ khi sự cố xảy ra đến khi nhân viên đến kịp từng thiết bị đóng cắt sẽ mất một khoảng thời gian nhất định để di chuyển và kiểm tra hệ thống. Nếu như ít nhất khoảng 15 phút, chưa kể doanh nghiệp mất điện phải ngưng hoạt động thì bấy nhiêu hộ dân đã khiến công ty mất đi một khoảng thu lớn. Trong khi đó, khi phạt về việc cắt điện đột xuất thực thi sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công ty. Với ưu điểm vận hành đơn giản, tiết kiệm chi phí nhân công , dự kiến mô hình này sẽ được áp dụng tại huyện Củ Chi và huyện Nhà Bè trong năm 2017 tới.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Kể lại những gì đã làm, anh gặp phải nhiều khó khăn. Đó là khó khăn của người khởi đầu. Anh cười: “Cứ nhận thôi rồi sẽ mò mẫm tìm hiểu để làm”. Với nhiều người khó khăn là nản nhưng với Lê Duy Phúc, khó khăn là cơ hội trải nghiệm và cố gắng. “Nó tạo ra rất nhiều động lực”. Để tìm ra giải pháp cần mất nhiều thời gian nghiên cứu, khi chưa ai thực hiện đòi hỏi phải vận dụng tất cả những gì đã học, đã đọc, đã nghe, đã thấy để hình thành nên nền tảng kiến thức vững chắc.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Phân tích về đề tài nghiên cứu khoa học “Ứng dụng hệ thống tự động hóa cho trạm ngắt theo giao thức IEC 61850” của mình, anh Phúc luôn mong mỏi nó có thể ứng dụng rộng rãi. Nếu như đầu tư hệ thống SCADA cho trạm ngắt 15kV theo VB số 7650/TB – EVNHCMC – QLDT là 1.153.462.000 đồng/trạm thì với phương pháp mới chỉ tốn khoảng 600.000.000 đồng/trạm, tiết kiệm được hơn 553.462.000 đồng/trạm. Tính đến nay, Công ty đã lắp được 9 đến 10 trạm tương ứng tiết kiệm được hơn 5.534.620.000 đồng, dự kiến đến năm 2020 sẽ lắp được 60 trạm tại TP. Hồ Chí Minh. Đề tài được đánh giá loại giỏi đã được chấp nhận nghiệm thu.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trước đó, anh thực hiện 2 giải pháp cải cách hành chính “Lập danh sách tính hiệu chuẩn cho trạm không người trực” và “Lập danh sách tín hiệu chuẩn cho các Recloser trên lưới điện phân phối” đã giúp đơn vị có căn cứ để xem xét điều kiện đưa các trạm vào vận hành không người trực một cách phù hợp, lường trước và giảm thiểu những tình huống cháy nổ hay khi vận hành bị mất điện, nặng nhất là thiệt hại về người. Nhận điện từ đường truyền 500kV, tram 220kV/110kV sẽ phân bổ xuống các trạm 110kV/22kV. Từ trạm này xuống các hộ dân thông qua trạm 22kV/0,4kV. Xây dựng hệ thống SCADA giám sát và điều khiển giúp trạm truyên tải 220kV/110kV luôn ở mức ổn định. Tránh tình trạng dòng điện, điên áp, công suất tác dụng, công suất phản kháng vượt mức sẽ gây quá tải đường dây dẫn tới các sự cố cháy nổ. Tại TP.HCM hiện có khoảng 55 trạm 110kV/22kV.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Tuổi trẻ ngắn lắm, đừng vội ngủ quên</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bên cạnh đó, các sáng kiến “Thực hiện thu thập dữ liệu đo lường các ngăn trung thế phục vụ vận hành tại trạm 220kV Bình Tân và Hiệp Bình Phước” do anh thực hiện năm 2016 đã đạt tiêu chuẩn sáng kiến loại A được Hội đồng Khoa học Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh chứng nhận, giúp giảm chi phí cho công ty đến mức thấp nhất trên 431.994.000 đồng. Thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng hệ thống SCADA Trung tâm đáp ứng yêu cầu vận hành sử dụng phần mềm Survalent”, đã tiết kiệm chi phí thuê chuyên với 1.000 USD/ngày, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ do EVN và cục điều tiết giao thông trong việc xây dựng trung tâm điều khiển cũng như các trạm không người trực giúp nâng cao năng suất lao động nhằm đáp ứng yêu cầu vận hành mà không tốn thêm nhân sự cũng như giúp các kỹ sư chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ về bảo mật và an ninh.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bên cạnh công tác chuyên môn, Duy Phúc còn là một đoàn viên năng nổ, nhiệt tình tham gia các hoạt động Đoàn do đơn vị và thành phố tổ chức. Duy Phúc được đồng nghiệp và lãnh đạo đơn vị tin tưởng giới thiệu vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 2/2016.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Vừa hoàn thành công việc ở công ty, Lê Duy Phúc kiêm luôn một số công việc nhà giúp mẹ, giúp vợ. Anh cười “Chiều chiều là khó gặp anh lắm, anh đi đón con”. Có một tổ ấm hạnh phúc, anh luôn nỗ lực trong mọi việc để gìn giữ tiếng cười cho gia đình. Với anh, những ngày tháng tuổi trẻ trôi qua rất vội, hãy trân trọng nó. Càng lớn càng có nhiều chuyện phải lo lắng nên khi trẻ cứ cố gắng hết sức mình, tiếp xúc công nghệ và phát triển bản thân. Ngay từ những năm tháng Đại học, anh đã đi làm thêm tại công ty để nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nhận được danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2016, Lê Duy Phúc không giấu khỏi niềm vui. Anh luôn nghĩ đó là trách nhiệm của bản thân, đã làm thì phải làm tới nơi tới chốn. Anh nói, giờ luôn trăn trở phải làm thêm được điều gì nữa để xứng đáng với danh hiệu, để cống hiến nhiều hơn cho thành phố mang tên Bác. Với anh, “lương tâm, trách nhiệm, hiệu quả” – đó là chìa khóa để thành công trong mọi việc.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>HOÀNG HIẾU</strong></span></span></p>
</body></html>