<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Chàng Cử nhân Y tế Công cộng Nguyễn Đình Dũng hiện đang công tác tại Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM. Dũng chia sẻ không gì là không thể làm được, quan trọng là cách mà thực hiện như thế nào.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2017/2/27618/IMG_7241.jpg" style="height:400px; width:600px" /></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Duyên với nghề</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Xuất thân từ gia đình nhà nông thuộc vùng cao nguyên Đắc Lắc, có chị gái là Cử nhân Gây mê Hồi sức, nên từ những ngày còn thi đại học, Dũng đã thích ngành Y giống chị mình. Anh chọn trường Đại học Y dược Huế để theo đuổi đam mê, tuy nhiên chàng trai sinh năm 1991 đã không may mắn khi thiếu 0.5 điểm để đậu vào ngành Y Đa khoa như nguyện vọng. Dù buồn và chán nản, nhưng được sự an ủi và động viên của mọi người và tư vấn từ chị gái, Dũng đã xét chọn ngành Y tế Công cộng và theo học 4 năm, sau đó về công tác cho Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng TP. HCM.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Dũng hài hước chia sẻ: “Có lẽ công việc phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết là cái duyên định trước của Dũng. Vì khi còn là sinh viên, Dũng có quen người bạn gái bị nhiễm sốt xuất huyết, khi về công tác tại Trung tâm, công việc cũng gắn liền với sốt xuất huyết, và cả mô hình, sáng kiến của Dũng hiện tại cũng phục vụ cho việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Đã thế thì coi nó như sứ mệnh để cống hiến hết mình vậy”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Cái Tâm tình nguyện</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Không chỉ năng nổ và trách nhiệm cao trong công việc, ngoài ra, Dũng còn rất tích cực trong các hoạt động tình nguyện, công tác thanh niên, công Đoàn và các hoạt động của Trung tâm mà gắn liền với chuyên môn. Dũng cho rằng đó cũng là một trong những cách để trau dồi thêm kĩ năng hiệu quả cho bản thân cũng như phút giây thư giản sau những ngày làm việc vất vả.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Với Dũng, những lần tham gia Kỳ nghỉ hồng, tham gia khám và phát thuốc cho người dân, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, phòng chống sốt xuất huyết cho học sinh, hay hiến máu tình nguyện là những kỉ niệm vừa lí thú, vừa bổ ích và thật đáng nhớ trong suốt thời gian làm nghề của mình. Đặc biệt là lần tham gia cấp phát thuốc miễn phí cho bà con vùng sâu vùng xa ở Cần Thơ, Dũng tâm sự là mình không ngờ nhu cầu về khám chữa bệnh ở đây lớn đến vậy, người dân thiếu thốn rất nhiều về mặt y tế nên khi được khám, phát thuốc miễn phí thì họ rất là vui và quý trọng. Chính lúc đó, Dũng cảm thấy công việc mình làm ý nghĩa hơn bao giờ hết.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Ứng dụng công nghệ thông tin vào y tế</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Sau khi công tác ở Trung tâm được 2 năm, cuối năm 2015, từ chủ trương của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào y tế, được sự tin tưởng và chỉ đạo của Ban giám đốc, Dũng và các cộng sự đã lên ý tưởng và lập kế hoạch cho ra đời một phần mềm “Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý vào quản lý dịch bệnh tại TP.HCM” viết tắt là GIS (Geography Information System).</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Hiểu một cách đơn giản, thì đây là một ứng dụng online, cho phép lưu trữ dữ liệu tất cả các ca nhiễm bệnh truyền nhiễm trên địa bàn Thành phố cả về mặt thời gian và không gian. Qua đó, cán bộ quản lí (được phân quyền tài khoản theo thẩm quyền, chức năng của mình) có thể khoanh vùng và kiểm soát được mức độ cấp bách cũng như phạm vi ảnh hưởng của các ổ dịch đang lan truyền, để từ đó có biện pháp phòng chống và điều trị kịp thời.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Có thể nói, ứng dụng đã mang lại rất nhiều lợi ích về mặt kinh tế lẫn xã hội. Giúp tiết kiệm kinh phí, nhân lực, trang thiết bị, thời gian ghi chép sổ sách; giúp quản lí dữ liệu một cách đồng bộ và thống nhất, xử lý ổ dịch một cách nhanh chóng, đúng phạm vi tránh để lan rộng thêm,…</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Dũng kể, sau khi thai nghén được 3 tháng thì hoàn thành được bộ khung của phần mềm và bắt đầu thí điểm cho 6 phường xã, và sau một năm thì bắt đầu triển khai cho tất cả 24 quận, huyện trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên trong thời gian vận hành thì gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là trong việc xây dựng bản đồ hành chính phân theo tổ và phu phố/ấp, bởi vì cần quản lí chính xác đến từng ca nhiễm bệnh, nên bản đồ cũng cần chính xác đến từng hộ dân. Ngoài ra, phải làm sao để các thao tác trên phần mềm là tối giản nhất cho dễ sử dụng cũng là một trong những trăn trở mà Dũng và đồng nghiệp của mình đang nghiên cứu và hoàn thiện mỗi ngày.</span></span></p>
<p style="margin-left:294pt; text-align:right"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>PHI LINH</strong></span></span></p>
</body></html>