<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Học y khoa là do nguyện vọng của gia đình, nhưng sau khi tốt nghiệp và làm việc, anh dần yêu nghề này hơn. Với bác sĩ Trần Đặng Xuân Tùng, mỗi người bệnh là một trường hợp riêng biệt, cần chăm sóc bằng sự tận tâm của mình, đó là trách nhiệm nhưng cũng là niềm vui.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2017/2/27620/Anh%20(2).jpg" style="height:1067px; width:600px" /></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Mỗi bệnh nhân là một kỉ niệm khó quên</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Gắn bó với khoa Chấn thương chỉnh hình, bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh từ năm 2008, bác sĩ Xuân Tùng luôn tâm huyết với nghề. Anh là một trong những bác sĩ trẻ được cử đi học tại Đức, Mỹ, Hàn, Singapore… để nâng cao chuyên môn. Bên cạnh đó, Xuân Tùng có điều kiện thực hành tại bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Đại học Y Dược và được giáo sư Nguyễn Hoàng Bắc tận tình chỉ dạy.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Những chuyến đi giúp anh nhận ra vấn đề già hóa dân số khiến con người đối mặt với các vấn đề xương khớp. Nhận được lời khuyên của các giáo sư giảng dạy tại Đức, bác sĩ Xuân Tùng quyết định nghiên cứu sâu hơn để tìm ra giải pháp cho bệnh nhân.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Trong gần 10 năm làm việc, mỗi người bệnh là một kỉ niệm. Nhắc tới kỉ niệm về người bệnh nhân đầu tiên, bác sĩ Xuân Tùng không giấu nổi niềm vui. Vui là bởi vì đã giúp sức được cho một bác sĩ khác vượt qua đau đớn. Người bệnh nhân đó là cô Nguyễn Thị Hà, điều dưỡng lâu năm của cấp cứu nhi bệnh viện nhi đồng 1, do lăn lộn với nghề nhiều năm nên khi nghỉ hưu thì khớp gối cô đã hư nặng. Cô đến với anh khi phải ngồi xe lăn hơn 1 tháng.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Lúc đó, mọi ý niệm về tế bào gốc khớp gối còn chỉ là lý thuyết trong quá trình nghiên cứu. Một chút tự tin cũng không vì sinh mạng con người không dám chắc thì không thể làm. “Nhưng cô nói, con cứ làm cho cô, nếu con nghiên cứu thành công sẽ giúp được nhiều bệnh nhân khác” – đó là động lực, là tâm huyết của một người trong nghề truyền cho Xuân Tùng.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Bác sĩ Xuân Tùng không khỏi xúc động: “Cô là một trường hợp thành công, hiện nay cô đi lại bình thường, 27/2 nào cô cũng tăng hoa cho khoa anh. Nhận được hoa cô là niềm vui lớn của anh trong ngày Thầy thuốc Việt Nam”.</span></span></p>
<p style="text-align:center"> </p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Hạnh phúc của bệnh nhân là động lực</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Niềm hạnh phúc của bệnh nhân sau khi được điều trị thành công giúp cho bác sĩ Xuân Tùng tự tin hơn. Mới đây, sáng kiến “Điều trị bệnh thoái hóa khớp gối bằng ghép tự thân hỗn hợp tế bào gốc trung mô từ mô mỡ và huyết tương giàu tiểu cầu” đã được Bộ Y tế cho phép triển khai lâm sàng.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Sáng kiến giúp bệnh nhân phục hồi tốt, giảm đau khớp gối, tăng cường vận động cho bệnh nhân, kéo dài. Nội dung chính của sáng kiến là dùng tế bào gốc lấy từ mô mỡ của bệnh nhân để giúp kích thích lành sụn khớp của chính bệnh nhân.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Không chỉ giúp được bệnh nhân tại Việt Nam, nghiên cứu đã được đăng trên tạp trí uy tín trên thế giới. Hai trường đại học tại Ý và Đài Loan qua để ký các văn kiện hợp tác mở rộng nghiên cứu, giúp hiểu hơn về bệnh thoái hóa khớp gối của người Việt Nam – bác sĩ Xuân Tùng cho biết thêm.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Trước đó, anh áp dụng huyết tương giàu tiểu cầu trong điều trị loét mạn tính trên bệnh nhân đái tháo đường. Từ đó, giúp bệnh nhân giữ được bàn chân của mình, giảm tỉ lệ tháo khớp. Hiện nay, anh đang phát triển công nghệ in 3D vào trong điều trị các bệnh lý về cơ xương khớp, trước mắt là anh có thể dùng công nghệ in 3D để tạo ra nắp hộp sọ cho bệnh nhân, dùng trong cấy ghép các trường hợp chấn thương sọ não bị mất sọ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">“Anh đến với y khoa là do sự yêu cầu từ gia đình, nhà anh ước ao có một bác sỹ trong nhà, để có gì cũng đỡ lo. Anh có sứ mạng đi học ngành y, nhưng sau khi tốt nghiệp và làm việc, anh dần yêu cái nghề này hơn”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Bác sĩ Xuân Tùng là 1 trong 27 gương bác sĩ được đề cử Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch năm 2017. Anh luôn tâm niệm: Y khoa vị nhân sinh. Với anh mỗi người bệnh là một trường hợp riêng biệt, cần chăm sóc bằng sự tận tâm của mình, đó là trách nhiệm nhưng đó cũng là niềm vui của mình.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>HOÀNG HIẾU</strong></span></span></p>
</body></html>