<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">13 năm phục vụ trong ngành y với vai trò một hộ sinh, làm công việc giúp đỡ các sản phụ, chị Võ Thị Tra đã kiên trì, cần mẫn trở thành một cô hộ sinh “mát tay”, dịu dàng, mang lại cảm giác yên tâm cho các sản phụ trong ngày họ đón đứa con chào đời.</span></span></p>
<p style="text-align: center;"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2017/2/27625/BS-VTTra-1.JPG" style="height:400px; width:600px" /></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Tạm biệt ước mơ để theo ngành y</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Năm 2004, cô cử nhân Võ Thị Tra tốt nghiệp trường Trung cấp Y tế Bến Tre với tấm bằng giỏi. Không ai có thể nghĩ rằng trước đây ngành y không phải là niềm đam mê của chị.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Trở thành một cô giáo chính là ước mơ lớn nhất của chị khi còn đi học. Nhưng gia đình lại mong muốn và đặt niềm tin rằng chị sẽ theo học ngành y. Đậu cả hai trường là Cao đẳng sư phạm và Trung cấp Y tế của tỉnh, vì thương ba mẹ nên Võ Thị Tra đành tạm biệt ước mơ đứng trên bục giảng, quyết định theo học trường y, ngành hộ sinh.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Vì không đam mê ngành y nên chị đã từng chán nản khi mới bắt đầu học. Nhưng rồi qua những ngày đi thực tập hộ sinh ở các bệnh viện, phụ giúp các bác sĩ trong quá trình sinh và chăm sóc các trẻ sơ sinh, chị dần cảm thấy yêu công việc này hơn. “Càng ngắm nhìn những trẻ sơ sinh bé bỏng được khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông, chị càng thấy có tình cảm với nghề hộ sinh, với ngành y mà chị từng chán nản…” – chị Tra nhớ về những em bé đầu tiên trong đời làm hộ sinh của mình.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Yêu nghề và “cảm” hơn với nghề</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Gặp chị Tra khi chị vừa được chuyển công tác vể phụ trách phòng Lây truyền HIV từ mẹ sang con và giám sát chương trình mục tiêu quốc gia được vài tháng. Còn trước đây, chị là hộ sinh tại khoa Cấp cứu suốt 12 năm (từ 2004 đến 2016), một thời gian dài cho chị cảm nhận được sự thiêng liêng và tình yêu của mình với nghề hộ sinh.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Từng làm ở bệnh viện huyện vài tháng trước khi xin vào bệnh viện Từ Dủ làm việc, nhưng nữ hộ sinh Võ Thị Tra vẫn lúng túng đến lo sợ khi lần đầu tiên cấp cứu cho một sản phụ bị co giật. Chị nhớ như in lần đầu tiên ấy: “Thấy sản phụ co giật dữ quá, nhưng khi đó chị cứ lúng túng, rồi lo sợ không biết phải làm cái gì. Vì khi còn làm ở huyện thì chưa bao giờ gặp hoặc nếu có sẽ chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Còn ở Từ Dủ thì bắt buộc mình phải tự tay làm!” </span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Làm việc ở khoa Cấp cứu, trung bình mỗi ngày chị tiếp nhận 200 – 250 sản phụ, và những lần chị gặp các trường hợp khó như thai phụ bị băng huyết, sản giật … diễn ra thường xuyên. Chị cho biết mình cảm thấy may mắn khi được các anh, chị hộ sinh, bác sĩ tận tình dìu dắt, chỉ bảo rất nhiều điều chưa trải nghiệm bao giờ. “Có những cái mình phải tự mày mò học hỏi, kết hợp với làm việc liên tục để tiếp xúc nhiều với sản phụ hơn. Chỉ sau một năm chị đã bắt nhịp được với các anh chị em hộ sinh, bác sĩ khác.”, chị kể</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">12 năm làm hộ sinh, liên tục gặp nhiều sản phụ có khi nóng tính, khó chịu vì sắp đến lúc sinh, nhưng chưa một lần chị nói to tiếng với sản phụ. Qua trò chuyện, dễ cảm nhận thấy giọng chị rất dịu dàng và nhỏ nhẹ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Chị cho biết rằng, với chị thì nhiêm vụ của hộ sinh là phải hiểu ý của sản phụ, họ mong muốn điều gì. Tất cả những người sắp sinh đều vừa đau, vừa rất muốn “mẹ tròn con vuông”, sinh dễ, con sinh ra đầy đủ. “Do đó hộ sinh phải biết làm dịu cơn đau của họ bằng những lời khuyên, trò chuyện để họ thêm yên tâm”, chị Tra chia sẻ kinh nghiệm 12 năm làm hộ sinh rất “mát tay” của mình.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Một mô hình “cho mẹ gần con hơn”</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Trong năm 2016, chị Tra đã cùng vài đồng nghiệp nghiên cứu và phát triển mô hình mới là “Quy trình chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau mổ lấy thai”, áp dụng chọn lọc cho các ca sinh mổ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Trước đây, nếu sinh mổ thì hai mẹ con sản phụ phải rời nhau hơn 6 tiếng để ổn định sức khoẻ, em bé được chăm sóc trong phòng săn sóc đặc biệt, sau đó mới được đưa về bên mẹ của chúng.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Áp dụng các quy trình của mô hình này, là: trẻ sơ sinh sẽ được cho nằm ngay lên trên người của người mẹ. Làm như thế trẻ sẽ sớm bú sữa mẹ, sớm nhận được hơi ấm từ người mẹ, đồng thời cho cả mẹ và con cảm nhận được tình cảm của nhau. Như vậy sẽ đỡ tốn nhân lực, cơ sở vật chất để chăm sóc trẻ. Đặc biệt, chị Tra nhấn mạnh thêm sự hiệu quả của mô hình này, là giúp sản phụ chắc chắn đó là con của mình, không xảy ra tình trạng trao nhầm con đáng tiếc. Hiện mô hình đã và đang áp dụng hiệu quả tại Từ Dủ và ở bệnh viện các tỉnh lân cận.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Hiện chị Tra không còn làm hộ sinh ở khoa Cấp cứu nữa mà chuyển sang công tác mới, lo việc quản lý, giám sát các chương trình của bệnh viện tại thành phố và các tỉnh lân cận. Nhưng mỗi khi rảnh thời gian chị lại xuống các phòng sản phụ để giúp đỡ, vừa để đỡ nhớ công việc cũ. Và cứ mỗi lần nhìn những người mẹ đang say sưa ngắm đứa con bé bỏng vừa chào đời, mỉm cười hạnh phúc khi con mình đầy đủ và lành lặn, chị như cảm thấy lựa chọn của mình trước kia thật đúng đắn khi đã chọn một công việc vô cùng thiêng liêng.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>ĐỨC DUY </strong></span></span></p>
</body></html>