<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>Sáng 18/3, đông đảo đoàn viên, thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh đã có mặt tại khu Di tích lịch sử Địa đạo Tam giác Sắt (xã An Tây, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) tham dự lễ khánh thành giai đoạn 1 khu lưu niệm căn cứ kháng chiến và ôn lại truyền thống đấu tranh của thanh niên thành phố.</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Công trình Khu lưu niệm Vùng căn cứ kháng chiến miền Đông Nam Bộ Đoàn Thanh niên nhân dân Cách mạng Việt Nam Khu đoàn khu Sài Gòn-Gia Định do Ban Thường vụ Thành Đoàn và Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn đầu tư xây dựng, đến tháng 3/2017 đã hoàn thành giai đoạn 1. Đến tham dự buổi lễ khánh thành có sự tham dự của đồng chí Trương Mỹ Hoa - Nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư TW Đoàn TNCS HCM; đồng chí Phạm Chánh Trự c- Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP. HCM, Nguyên Bí thư Thành đoàn TP. HCM, Chủ nhiệm CLB Truyền Thống Thành Đoàn; đồng chí Trương Mỹ Lệ, nguyên quyền Bí thư Thành Đoàn TP. HCM, Phó Chủ nhiệm thường trực CLB Truyền Thống Thành Đoàn… cùng đông đảo đoàn viên, thanh niên Thành phố, người dân vùng căn cứ cách mạng.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Vùng căn cứ quan trọng miền Đông Nam Bộ</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trong quá trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khu đoàn khu Sài Gòn-Gia Định (nay là Thành Đoàn TP. HCM) đã xây dựng căn cứ ở nhiều nơi tại tỉnh Bình Dương và miền Đông Nam Bộ, để đào tạo, huấn luyện cán bộ, cơ sở hoạt động bí mật trong lòng địch, tổ chức các hội nghị và học tập nghị quyết của Đảng, xây dựng đội ngũ, cổ vũ các phong trào đấu tranh trong khu đoàn Sài Gòn-Gia Định. Căn cứ đầu tiên của khu đoàn được xây dựng tại Củ Chi. Đến năm 1960, sau phong trào Đồng Khởi làm tiền đề cho phong trào đô thị lớn mạnh, căn cứ của thanh niên, học sinh-sinh viên, tiền thân khu đoàn (Thành Đoàn ngày nay) được triển khai qua huyện Bến Cát, thuộc địa đạo Tam giác Sắt, bình dương. Với ý nghĩa quan trọng của vùng căn cứ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống, phục dựng khu căn cứ kháng chiến miền Đông Nam Bộ, Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam, khu đoàn khu Sài Gòn-Gia Định, Ban Thường vụ Thành Đoàn, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền Thống Thành Đoàn đã triển khai thực hiện dự án Khu lưu niệm Vùng căn cứ kháng chiến miền Đông Nam Bộ.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2017/3/27836/1.jpg" style="height:95%; width:95%" /></span></span></p>
<p style="text-align:center"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif; font-size:14px"> Khu lưu niệm Vùng căn cứ kháng chiến miền Đông Nam Bộ </span></em></p>
<p style="text-align:center"><em><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif; font-size:14px">được các đồng chí lãnh đạo khánh thành sáng ngày 18/3.</span></em></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Dự án với kinh phí 2 tỷ đồng có hai giai đoạn thực hiện trên 4747 m<sup>2</sup>. Giai đoạn 1 được tiến hành thi công từ tháng 10/2016-3/2017 với các hạng mục: nghiệm thu trồng và tái tạo rừng ( trồng cây linh chiêu, cẩm lai, sao đen,..), đắp đồi đặt bia lưu niệm (đồi cao 4m, bia đá xanh tự nhiên có kích thước 2mx1,3m, cao 4m nặng 17 tấn đặt ở trung tâm dự án), Hạng mục bảo dưỡng cây cối, đá tự nhiên trang trí,….chi phí thi công giai đoạn 1 là 875 triệu đồng. Sắp tới, giai đoạn 2 của công trình với các hạng mục: xây dựng Khu nghỉ dưỡng, sinh hoạt ngoại khóa 150 m2 (3 nhà mỗi nhà 50m2), vật dụng tái hiện cảnh kháng chiến, khu vệ sinh, mô phỏng hố bom,…. Dự kiến chi phí khoảng 1,2 tỷ đồng.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đồng chí Phạm Chánh Trực-nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP. HCM, nguyên Bí thư Thành Đoàn TP. HCM, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền Thống Thành Đoàn cho biết: “Chúng tôi hy vọng công trình này sẽ trở thành một địa điểm sinh hoạt, ôn lại truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc, truyền thống anh hùng của Đoàn TNCS HCM và thế hệ trẻ Việt Nam thời kháng chiến, gắn kết các thế hệ cán bộ Đoàn, giúp thế hệ trẻ ngày nay phần nào hiểu về một thời hào hùng của tuổi trẻ Thành phố HCM trong thời kì chiến tranh ác liệt đầy hy sinh gian khổ nhưng hết sức vẻ vang”. Đây cũng là công trình kỉ niệm 86 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Những kỉ niệm kháng chiến khó quên</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Sau buổi lễ, đoàn viên, thanh niên và các đại biểu tham dự chia thành hai đoàn đến thăm và tặng quà hai gia đình vùng căn cứ của Thành Đoàn: gia đình đồng chí Đặng Công Tâm-Bí danh Sáu Học và gia đình má Út Hột (đều là gia đình nuôi giấu cán bộ Thành Đoàn trong kháng chiến chống Mỹ). Tại những mái nhà lịch sử, những câu chuyện kháng chiến hào hùng tưởng như chưa bao giờ hết sống động qua lời kể của những cán bộ đã về hưu-những chiến sĩ cách mạng bất khuất một thời. Những khoảnh khắc bom dội trên mái nhà, khoảnh khắc cùng nhau đi qua biển lửa hay những ngày bình yên hiếm hoi cùng nhau đàn hát đều được thuật lại đầy hoài niệm và xúc động. Đồng chí Trương Mỹ Hoa cũng có những kỉ niệm rất đơn sơ với má Út Hột trong những ngày tháng làm cách mạng, được má chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ. Đồng chí chia sẻ: “Má thương mấy chị em lắm! Lúc giặc tới nhà, má đang gói bánh ú thì xâu liền chục cái bánh ú thành dây cho mấy chị em đeo lên cổ. Má dặn ở dưới địa đạo mỗi ngày ăn một cái thôi, đặng khi nào giặc đóng lâu quá thì không bị đói”. Kết thúc chuyến đi thăm tại nhà má Út Hột, đoàn đại biểu còn được thưởng thức giọng hát của người con thứ của má, bài hát mà bà đã ấp ủ rất lâu dành cho người đồng chí-đồng đội của mình vào ngày cưới. Mảnh đất Bến Cát là một chứng nhân lịch sử, là cái nôi cách mạng để đoàn viên thanh niên ngày nay trở lại học tập và ôn lại truyền thống hào hùng của thanh niên Sài Gòn-Gia Định một thời.</span></span></p>
<table border="1" cellpadding="1" cellspacing="1" style="width:700px">
<tbody>
<tr>
<td style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif; font-size:14px"> Địa đạo Tây Nam Bến Cát (Tam giác sắt) nằm trên vùng đất 3 xã: An Điền, An Tây, Phú An thuộc khu vực phía Tây Nam thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, cách trung tâm TP.Thủ Dầu Một 15 km về phía Nam. Với vị trí và tầm vóc trong hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, Địa đạo Tây Nam Bến Cát được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia ngày 18/3/1996, có tổng diện tích 230.000m2.</span></td>
</tr>
</tbody>
</table>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong> YẾN NHI – PHI LINH</strong></span></span></p>
</body></html>