<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Nguyễn Xuân Nghĩa - Cuộc sống cầ</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Nguyễn Xuân Nghĩa - Cuộc sống
cần có niềm tin và sự lạc quan</font></b></p>
<p class="pTitle" align="center"><i><font face="Arial" size="2">(Gương mặt Công
dân trẻ được Quận Đoàn 8 giới thiệu)</font></i></p>
<div style="float: right; width: 175px; height: 25px">
<table border="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td>
<font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="moi%20chan%20dung1.jpg" width="200" height="120"></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p><font face="Arial" size="2">Trên một căn gác nhỏ của căn nhà số 214, đường
Phạm Thế Hiển, Khu phố 1, Phường 2, Quận 8. Tôi gặp em, được chứng kiến tận mắt
"đôi chân tài hoa" của em nắn nót từng dòng chữ, gõ từng ngón chân thoăn thoắt
trên bàn phím và nhấp chuột "rất bình thường" - Nguyễn Xuân Nghĩa thực sự làm
tôi và những người bình thường khác phải suy nghĩ! Sinh ra không may mắn như bao
đứa trẻ khác, Nguyễn Xuân Nghĩa đã bị mất hẳn hai cánh tay từ khi mới chào đời.
Cha mất sớm vì tai nạn giao thông, nhà nghèo, mẹ em - bác Tống Thị Hào một mình
tảo tần nuôi ba chị em Nghĩa ăn học nên người. Không có hai cánh tay, để giữ
được thăng bằng đi lại đã là khó, Nghĩa đã vấp ngã không biết bao nhiêu lần. Vậy
mà em lại làm được điều phi thường: dùng đôi chân để làm cả nhiệm vụ của đôi tay
và đến trường như bao đứa trẻ khác. Điều tưởng chừng không thể đã được em thực
hiện bằng chính niềm tin và nghị lực của mình. Ban đầu, gia đình Nghĩa không có
ý nghĩ cho em đi học vì sợ em không vượt qua nổi khó khăn và mặc cảm với bạn bè.
Những chữ O nghệch ngoạc đầu tiên và đôi bàn chân đau buốt, viên phấn vỡ vụn,
những giọt nước mắt tủi thân trước ánh mắt dè bỉu của bạn bè mãi là những kỷ
niệm không phai trong ký ức tuổi thơ. Và rồi "lửa thử vàng, gian nan thử sức",
Nghĩa đã rèn luyện và tập viết được, ánh mắt của bạn bè giờ đã long lanh những
thiện cảm và mến phục. Trong học tập, Nghĩa rất chịu khó, siêng năng chăm chỉ.
Đi học, viết bài bằng chân không kịp Nghĩa chừa trống và mượn tập bạn về bổ sung
cho hoàn chỉnh bài học. Bài nào không hiểu Nghĩa liền hỏi ngay bạn bè, thầy cô
để được hướng dẫn, về nhà lại nhờ hai chị của mình giảng bài giùm. Biết mình
chậm hơn các bạn và gặp nhiều khó khăn trong học tập nên Nghĩa rất cố gắng,
siêng năng, cần mẫn. Ngoài việc học, Nghĩa còn giúp mẹ rất nhiều trong việc nhà:
quét nhà, lau nhà, rửa chén chung với mẹ hoặc chị bằng chính đôi chân của mình.
Bây giờ Nghĩa còn có thể xào nấu một số món thức ăn đơn giản, pha nước chanh,
pha sữa, đấm lưng cho mẹ khi mẹ mệt mỏi. Nghĩa rất hiếu thảo, có lần mẹ trở
bệnh, hai chị đi vắng, Nghĩa tự mình đi chợ mua trứng gà về nấu cháo cho mẹ ăn,
chăm sóc mẹ từng chút một. Không chỉ thế, với ước mơ được chia sẻ giúp ích cho
mọi người, cho xã hội, ngoài thời gian học tập và phụ giúp gia đình Nghĩa còn
tích cực tham gia công tác Đoàn, Hội, tham gia các chiến dịch tình nguyện Mùa hè
xanh, tuy không có tay nhưng em cũng đã làm được các công việc như bao chiến sĩ
bình thường khác như: quét dọn, tổng vệ sinh trường lớp… Sự cố gắng của Nghĩa đã
được đền đáp xứng đáng với thành tích cao: là học sinh khá giỏi trong suốt 12
năm học, nhiều năm liền đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ và xuất sắc đạt danh
hiệu Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc năm 2000. Nghĩa cũng được bình chọn là "Gương
mặt trẻ điển hình của thành phố" nhiều năm, danh hiệu "Học sinh vượt khó", được
gặp gỡ và giao lưu với nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, được về Hà Nội viếng lăng
Bác và gặp gỡ Thủ tướng Phan Văn Khải. Hiện nay, Nghĩa đang là sinh viên Khoa
Tin học Trường Đại học Mở bán công. Hằng ngày mẹ chở em đến trường và học như
bao sinh viên khác. Một môi trường học tập mới, trở thành một người lớn cả trong
suy nghĩ và hành động. Em là người khởi xướng đồng thời đảm nhiệm chức đội
trưởng 2 Đội Công tác xã hội ở lớp và tại phường. Hằng ngày, bạn bè đến nhà chở
Nghĩa rong ruổi đến các trung tâm, nhà mở với những người bất hạnh hơn mình. Em
tâm sự: "Khi thấy những bất hạnh của người khác mình mới thấy mình còn thật may
mắn, lại sống lạc quan và tin tưởng vào tương lai hơn". Tôi nhìn chiếc cầu thang
bằng gỗ đã mòn đến trơn bóng mà em thường xuyên bị ngã khi leo xuống, em cười
lạc quan: "Không sao đâu chị ạ, mỗi lần ngã rồi đứng dậy bước tiếp, mình được
bài học và lần sau có kinh nghiệm để không ngã nữa". Phải, cuộc sống rất cần sự
lạc quan và niềm tin vào bản thân, vào tương lai tươi sáng. Nguyễn Xuân Nghĩa đã
cho mọi người thấy được nghị lực phi thường bằng một niềm tin mãnh liệt.
</font></p>
</body>
</html>