<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nhằm chuẩn bị cho chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh lần thứ 24, Ban chỉ huy chiến dịch đã tổ chức buổi hội nghị tập huấn đặc biệt cho 500 bạn đội, nhóm trưởng, chỉ huy trưởng cấp xã của chiến dịch năm nay. Buổi tập huấn diễn ra sáng 8/7.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">500 bạn chiến sĩ tham dự tập huấn là những chỉ huy trưởng, chỉ huy phó, đội trưởng các đội hình Mùa hè xanh đến từ nhiều trường đại học, cao đẳng, học viện, bên cạnh đó là các chỉ huy trưởng, ban chỉ huy chiến dịch Mùa hè xanh tại các quận, huyện của thành phố.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, đồng chí Phạm Kiều Hưng - Chỉ huy trưởng của chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh năm nay – nhấn mạnh 3 kỹ năng mà mỗi người “Thủ lĩnh Mùa hè xanh” ở các đơn vị cần phải tích lũy qua buổi tập huấn: “Phải sáng tạo hoạt động truyền thông, hòa hợp với đời sống sinh hoạt của người dân địa phương, đặc biệt là phải có khả năng xử lý những tình huống phát sinh bảo đảm an toàn sức khỏe cho các chiến sĩ”.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2017/7/28897/MHX-đc HTĐạt tập huấn sức khỏe.JPG" style="height:95%; width:95%" /></span></span></p>
<p style="text-align:center"><em><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nhiều nhóm kỹ năng cần thiết được các anh chị đi trước chia sẻ </span></span></em></p>
<p style="text-align:center"><em><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">cho các bạn đội, nhóm trưởng Mùa hè xanh năm nay.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đối với công tác truyền thông hình ảnh cho Mùa hè xanh, chị Trịnh Thị Hiền Trân - Phó Ban Tuyên giáo Thành Đoàn nhấn mạnh việc tận dụng tối đa các hoạt động thông tin tại địa phương như: báo chí, truyền hình và cả qua loa phát thanh. Đối với mạng xã hội, những chiến sĩ truyền thông cần hiểu rõ thế nào là các mô hình truyền thông sáng tạo và những điều cần lưu ý đối với vấn đề thông tin. Theo chị Hiền Trân, mỗi chiến sĩ cũng là một tuyên truyền viên, dùng những gì mình có để lan tỏa hình ảnh của Mùa hè xanh đến bạn bè và gia đình.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Là người có rất nhiều kinh nghiệm chỉ huy các đội hình Mùa hè xanh, anh Dương Trọng Phúc – Phó giám đốc Nhà Văn hóa Sinh viên – chia sẻ: “12 năm liền chỉ huy các đội hình Mùa hè xanh là 12 năm anh không ngừng nhắc nhớ các sinh viên tình nguyện phải luôn ghi nhớ nhiệm vụ của một chiến sĩ Mùa hè xanh. Đó là khẩu hiệu: Ở dân thương – Làm dân tin – Đi dân nhớ. Bên cạnh việc trình bày các kinh nghiệm trong việc kết nối với người dân, vận động thanh niên và phối hợp với chính quyền địa phương, anh Phúc còn chia sẻ nhiều những tình huống mà anh đã từng gặp trong những mùa chiến dịch đã qua. Qua đó, anh nhấn mạnh hành trang mà mỗi chiến sĩ phải mang theo là tinh thần “Vì cộng đồng, đi để rèn luyện, để dấn thân, đi với sự giản dị và cái tâm trong sáng”, điều đó sẽ giúp các bạn có thể dễ dàng “nhập gia tùy tục”, sống hòa hợp với người dân địa phương’.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Vấn đề bảo đảm an toàn sức khỏe cho chiến sĩ cũng rất được các bạn quan tâm. Anh Hà Thanh Đạt-Bí thư Đoàn trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã đưa ra 5 tai nạn thường gặp khi tham gia hoạt động tình nguyện gồm: sốt xuất huyết, hóc dị vật, bị thú vật cắn, đạp kim tiêm và nguy hiểm nhất là các triệu chứng của bệnh tim và hô hấp. Ngoài việc xử trí đúng cách và nhanh chóng, đội trưởng phải là người bình tĩnh trước mọi tình huống xảy ra. “Phải biết rõ mình cần phải làm gì để nhanh chóng cứu chữa cho chiến sĩ, yêu cầu sự hỗ trợ từ các cơ quan y tế. Một số trường hợp còn phải biết tự bảo vệ bản thân mình” – anh Đạt lưu ý thêm.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>ÁI NHI – ĐỨC DUY</strong></span></span></p>
</body></html>