Diễn đàn Vươn ra biển lớn: Dỡ bỏ “giường chiếu hẹp”

Diễn đàn Vươn ra biển lớn

Diễn đàn Vươn ra biển lớn: Dỡ bỏ “giường chiếu hẹp”

Các gương mặt được đề cử giải thưởng “Công dân trẻ TP.HCM” đang trao đổi cùng Lê Thanh Thúy (bìa trái) - cô gái bị ung thư xương nhưng vẫn lạc quan tin rằng mình sẽ chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo để được tiếp tục đến trường. Thúy là một trong số 20 ứng viên cho giải thưởng này

“Đời ta chỉ sống có một lần, sống sao cho không hoài không phí”. Đông đảo thanh niên thành phố tham dự tọa đàm “Lẽ sống của thanh niên ngày nay” do Thành đoàn TP.HCM tổ chức chiều 20-12-2006 đã đồng tình với TS Huỳnh Văn Sơn khi ông trình bày dưới góc nhìn của nhà tâm lý học: nỗ lực học tập, làm người con hiếu thảo, chọn lối đi khó..., đó chính là lẽ sống.

Bắt tay với mọi người

Câu chuyện của Nguyễn Thành Trung, một doanh nhân (Công ty phần mềm MDV), 25 tuổi, khiến nhiều người thú vị. “Thời nhỏ tôi có ước mơ nhỏ. Lớn lên có ước mơ lớn. Nhưng một ngày khi dự giao lưu những gương mặt trẻ “8X pro” (cách giới trẻ nói về những bạn trẻ năng động của thời cuộc - PV) tôi chợt nhận ra: sao những ước mơ của mình chỉ trong giường chiếu hẹp của mình?”. Vậy là “mình chẳng pro rồi!”, Trung nghĩ.

Thế là Trung tìm hành trình cho mình: thử “lặn” vào những trăn trở của các thế hệ đàn anh, đọc báo và suy ngẫm về những vấn nạn của đất nước... Làm trưởng ban điều hành câu lạc bộ VN 8X, bắt gặp những bạn trẻ cùng thế hệ có cùng suy tư, Trung vỡ ra lẽ sống cho mình: “Lợi ích của mình đem hòa chung với mọi người sẽ tạo nên giá trị cho xã hội”.

Được đánh giá là gương mặt tiêu biểu của thế hệ 8X năng động, có phương cách làm ăn mới, hiệu quả trong thị trường công nghệ thông tin nhiều cạnh tranh, Trung chia sẻ: “Cạnh tranh của ngành công nghệ thông tin khi VN vào WTO đã gay gắt lắm rồi. Vì vậy, những người trẻ cần gạt bỏ cái tôi, đem tinh thần hợp tác đặt lên trên thì mỗi người và đất nước mình cùng được cái lợi nhiều nhất”.

Lẽ sống, theo nhiều bạn thật đơn giản. Như Nguyễn Xuân Nghĩa - người vẽ cuộc đời bằng đôi chân - bảo tự nỗ lực học tập là chuyện bình thường trong đời sống, dù với bạn thì cũng hơi khó hơn người đầy đủ chân tay. Hay việc làm hiếu thảo với mẹ nuôi của Nguyễn Hữu Ân khiến nhiều bạn dự tọa đàm rưng rưng, nhưng Ân coi đó là lẽ thường tình: “Việc đó ai cũng làm được trong đời”. Người học trò có nhiều sáng tạo, mang về các giải thưởng tin học cao trong nước và quốc tế Nguyễn Khánh Ánh Hoàng khi được cử tọa “chất vấn” sẽ chọn cái nào: chuyên gia công nghệ thông tin hay muốn làm nhà lãnh đạo đất nước, đã không ngần ngại bày tỏ: “Cái gì mình chuyên sâu và làm tốt nhất thì sẽ giúp ích được nhiều người hơn. Tôi chọn làm chuyên gia”.

Đó chính là một lẽ sống “biết nhìn trước và hoạch định đường đi cho mình” - TS Huỳnh Văn Sơn nhận định. Và điều đó, theo ông, là rất cần khi bạn trẻ lập lộ trình ra biển lớn.

Khát vọng và một lộ trình

TS Huỳnh Văn Sơn thông tin kết quả nghiên cứu “Sự chọn lựa giá trị sống của thanh niên” trong những bạn trẻ từ 18-25 tuổi. Một điều bất ngờ: không như suy nghĩ thông thường của nhiều người là “thanh niên ngày nay sống thực dụng, chỉ nghĩ đến lợi ích của mình”, nghiên cứu đã cho một kết quả ngược lại: không cần nhiều tiền, chỉ cần việc làm của mình tạo nên những giá trị cho đời sống. Đáng chú ý nữa là trong đó những giá trị nhân văn được đề cao. Theo TS Sơn, những suy tư, trăn trở của các bạn trẻ đến với tọa đàm rất gần với kết quả nghiên cứu này.

Bạn Nguyễn Thành Trung đặt vấn đề: “Tại sao VN chưa có những doanh nghiệp tầm cỡ trong khu vực và thế giới? - và bạn tự trả lời - Chúng ta không chỉ chưa có khát vọng lớn mà còn chưa dám nghĩ lớn”. Và Trung “nghĩ lớn” luôn: “Tôi phải thành công để năm 30 tuổi có cái (kinh nghiệm) truyền lại cho đàn em. Giống như mình đã nhận được “bí kíp” khi bước chân vào kinh doanh được nhận từ những đàn anh khác”.

Chia sẻ với điều này, TS Đinh Phương Duy (hiệu phó Trường Cán bộ TP) cho rằng: “Người trẻ cần sống với mục tiêu của mình, đặt lộ trình cho chính mình. Trước hết phải biết nói và dám nói vì dường như chúng ta đã quen nói theo cách của người khác mà chưa dám nói theo kiểu của mình”. Theo ông, sống không chỉ biết ước mơ mà phải có khát vọng, thậm chí phải biết tham vọng, “ham hố” một chút, dám làm nhưng cũng phải biết dám chơi và phải là chính mình, không sao chép người khác.

TS Hồ Thiệu Hùng - nguyên phó Ban tư tưởng văn hóa Thành ủy - cho rằng công dân trẻ TP không phải là cái gì lớn lao, ghê gớm mà phải là những tấm gương rất đời thường, với những nỗ lực, công việc bình dị. TS Hùng nhấn mạnh: “Lẽ sống của tuổi trẻ không gì khác hơn là biết hòa lợi ích của mình trong cái chung của cả xã hội, và chỉ có thể làm được khi có sự đam mê, bền chí”.

Theo TTO

BÌNH LUẬN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tối ngày 23-3, Tại Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh, Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công Chương trình kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2025) và Trao Giải thưởng Hồ Hảo Hớn lần thứ 23, năm 2025. …

Agile Việt Nam
;