<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><em>Trần Ngọc Khánh Linh là một cán bộ trẻ, giỏi đang công tác tại Chi cục thuế Quận Phú Nhuận, TP.HCM. Với hai sáng kiến được áp dụng tại đơn vị từ 1/1/2016, Khánh Linh đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị. </em></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><strong>Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý danh bạ hồ sơ trước bạ nhà đất</strong></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px">Sáng kiến<strong> “</strong>Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý danh bạ nhận – trả hồ sơ trước bạ nhà đất” của Trần Ngọc Khánh Linh được áp dụng tại Bộ phận “một cửa” Chi cục thuế Quận Phú Nhuận. Sáng kiến được thực hiện cụ thể như sau:</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px">Quá trình tiếp nhận và chuyển giao thực hiện đối với hồ sơ trước bạ nhà đất: công chức sau khi tiếp nhận một bộ hồ sơ đầy đủ giấy tờ sẽ giao biên nhận có ngày hẹn trả kết quả cho người nộp thuế và tiến hành nhập thông tin hồ sơ vào Chương trình. Cuối mỗi ngày, công chức chỉ cần kết xuất danh bạ hồ sơ đã nhận từ chương trình trong ngày ra file excel từ mục thống kê, sao chép và xử lý các cột dữ liệu cần thiết vào file excel Sổ kế toán, in ra bàn giao với Đội Trước bạ để thực hiện tính thuế.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px">Quá trình cập nhật, lưu trữ hồ sơ trước bạ nhà đất đã trả cho người nộp thuế: sau khi trả kết quả cho người nộp thuế, công chức chỉ cần dùng công thức hàm dò tìm thông tin hồ sơ trong file excel Sổ kế toán đã được lập trước đó để cập nhật tiếp thông tin nghĩa vụ tài chính của từng hồ sơ. Cuối ngày, công chức chỉ cần dùng hàm excel lọc theo ngày để in ra để ký nhận với Đội Trước bạ và lưu trữ hồ sơ.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px">Trường hợp người nộp thuế liên hệ xin cung cấp thông tin cũng nhanh chóng và dễ dàng hơn cho công chức vì chỉ cần dùng hàm công thức tìm kiếm trong file excel.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px">Cuối tháng, việc báo cáo cũng trở nên dễ dàng và chính xác hơn vì đều thực hiện được bằng các hàm công thức trong file excel thay vì trước đó phải thực hiện tổng hợp bằng phương pháp thủ công.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px">Sáng kiến này giúp rút ngắn hơn 1 giờ làm việc cho quy trình ghi chép vào Sổ kế toán bằng tay. Hiện nay chỉ mất 10 phút cho cả hồ sơ nhận và hồ sơ trả. Việc lưu trữ, tra cứu, báo cáo cũng trở nên chính xác và gọn gàng hơn; khắc phục tình trạng không thể tra cứu thông tin trên máy do mạng rớt, máy tính hư hay mất điện. Ngoài ra, sáng kiến còn giúp tiết kiệm thời gian, công sức ghi chép nhưng vẫn đảm bảo sổ sách đầy đủ, nội dung thông tin chính xác, tra cứu nhanh chóng, tổng hợp báo cáo kịp thời, hiệu quả công việc nâng cao.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px">Về mặt xã hội, sáng kiến của Khánh Linh giúp giải quyết nhanh chóng, kịp thời thủ tục cho người nộp thuế, không để người nộp thuế phải chờ đợi và đi lại nhiều lần. Giảm thiểu rủi ro trong quá trình kiểm tra chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế; tránh tình trạng thất thu ngân sách. Góp phần làm cho việc thực thi các luật và chính sách thuế đạt kết quả tốt hơn, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra thuế.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><strong>Rà soát thông tin thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp</strong></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px">Trong công tác của cơ quan thuế, khi thực hiện việc kiểm tra sổ sách, hóa đơn, chứng từ của một doanh nghiệp lớn với khối lượng hóa đơn đầu vào lớn gặp nhiều khó khăn. Việc không thể soát xét hết do thời gian và số lượng cán bộ thuế có hạn dẫn đến rủi ro bỏ sót.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px">Theo quy định hiện nay, đối với các hóa đơn đầu vào của một nhà cung cấp có giá trị dưới 20 triệu đồng nhưng mua nhiều lần trong cùng một ngày có tổng giá trị từ 20 triệu đồng trở lên cũng phải thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt thì mới được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và hạch toán vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; đồng thời doanh nghiệp phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung tại bất kỳ thời điểm nào nhưng phải trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px">Từ những điều này dẫn đến tình trạng rủi ro bỏ sót các hóa đơn đầu vào của một nhà cung cấp có giá trị dưới 20 triệu đồng thực hiện mua nhiều lần trong ngày có tổng giá trị từ 20 triệu đồng trở lên mà các hóa đơn này doanh nghiệp kê khai rải rác ở các tháng khác nhau.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px">Sáng kiến “Ứng dụng công nghệ thông tin trong rà soát việc thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp phục vụ công tác kiểm tra thuế” được áp dụng tại Đội Tổng hợp – Nghiệp vụ Dự toán – Tuyên truyền hỗ trợ.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px">Theo đó, từ bảng kê hàng hóa dịch vụ mua vào 12 tháng của doanh nghiệp gửi cho cơ quan thuế (đối với hồ sơ kê khai thuế GTGT trước năm 2015) và sổ kế toán của doanh nghiệp cung cấp, công chức kiểm tra thực hiện chèn thêm các cột tiêu thức và đặt câu lệnh công thức.</span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px">Sáng kiến của Khánh Linh đã giúp công chức của chi cục thuế giảm thiểu rủi ro bỏ sót các hóa đơn mua vào của một nhà cung cấp đồng thời giúp phát hiện kịp thời tình trạng gian lận thuế, công tác kiểm tra hóa đơn, chứng từ đi vào chiều sâu thông qua việc khai thác, ứng dụng công nghệ tin học.</span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-size:14px"><strong>KIM DUNG</strong></span></p>
</body></html>