<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><em>Công tác </em><em>xử lý tờ khai lỗi, xử lý nợ ảo, xử lý phạt chậm nộp sai với số lượng lớn là phần việc tốn rất nhiều thời gian của cán bộ thuế. Ba sáng kiến của anh Nguyễn Thanh Long (Chi cục thuế quận 12, TP.HCM) vừa giúp cán bộ thuế tiết kiệm thời gian, vừa hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ một cách thuận tiện nhất.</em></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Cẩm nang “Hướng dẫn kê khai bổ sung tờ khai thuế GTGT và các quy tắc hạch toán trên ứng dụng TMS”</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Ngành Thuế bắt đầu triển khai ứng dụng quản lý thuế tập trung TMS từ năm 2015 cùng chính sách luân phiên, luân chuyển cán bộ công chức. Điều này dẫn đến tình trạng một số nhân sự mới vào ngành, nhân sự được luân chuyển từ các bộ phận ít sử dụng ứng dụng TMS gặp khó khăn trong việc nắm bắt cách điều hành cũng như các quy tắc hạch toán của ứng dụng, các lỗi phải xử lý, cách xác định nợ ảo…</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Bên cạnh đó, sự phức tạp trong sản xuất kinh doanh dẫn đến nhiều doanh nghiệp thường xuyên gặp sai sót trong quá trình kê khai thuế. Tính đến thời điểm 1/2/2016, số liệu tờ khai thuế GTGT bị lỗi trạng thái 03 (lỗi không hạch toán tờ khai) và các trường hợp hệ thống đã hạch toán nhưng bị sai số liệu của Chi cục Thuế quận 12 là hơn 1.500 tờ khai, dẫn đến số nợ ảo và số thuế phát sinh chưa được hạch toán vào hệ thống khá lớn.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Xuất phát từ thực tế này, anh Nguyễn Thanh Long đã đề xuất thực hiện sáng kiến “Cẩm nang Hướng dẫn kê khai bổ sung (KKBS) tờ khai thuế GTGT và các quy tắc hạch toán tờ khai thuế GTGT trên ứng dụng TMS” nhằm đơn giản hóa các nội dung hướng dẫn của Bộ Tài chính tuy nhiên vẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật thuế. Cẩm nang giúp người nộp thuế (NNT) hiểu rõ quy tắc kê khai tờ khai, giúp cho công chức phụ trách sớm nắm bắt được nguyên tắc KKBS và các nguyên tắc hạch toán tờ khai trên ứng dụng TMS.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Sáng kiến đã góp phần làm giảm số tờ khai bị lỗi hạch toán sai và không hạch toàn tờ khai còn gần 400 trường hợp. Làm giảm số nợ ảo, số tiền chậm nộp tính sai do ứng dụng hạch toán các tờ khai sai và kịp thời lập bộ số thuế phát sinh phải nộp do các tờ khai chưa hạch toán. Tổng số nợ do các trường hợp kê khai sai, hạch toán sai đã được rà soát điều chỉnh hơn 13 tỷ đồng. Kịp thời theo dõi và đôn đốc các khoản thuế phát sinh, các khoản nợ một cách chính xác tránh gây bức xúc, phiền hà người nộp thuế.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Phương pháp rà soát lập bộ môn bài sót năm 2016 bằng ứng dụng TMS </strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Địa bàn Quận 12 có số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều và phức tạp. Điều này đồng thời tăng áp lực cho Chi cục Thuế quận 12 về việc quản lý kê khai tờ khai doanh nghiệp, đặc biệt là tờ khai thuế môn bài trên địa bàn. Do yêu cầu từ thực tế sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp thường xuyên tăng/giảm vốn điều lệ, tăng/giảm chi nhánh, dẫn đến việc kê khai thuế môn bài thường thay đổi. Tính đến ngày 31/8/2016, Chi cục Thuế quận 12 quản lý số lượng gần 12.000 doanh nghiệp, chi nhánh đang hoạt động. Thêm vào đó là đặc thù phải thực hiện lập bộ thủ công đối với các trường hợp NNT nộp tờ khai môn bài điều chỉnh. Việc rà soát môn bài rất mất thời gian và công sức.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Công chức thuộc Chi cục Thuế quận 12 đã thực hiện sáng kiến “Phương pháp rà soát lập bộ môn bài sót bằng ứng dụng TMS” nhằm giúp quy trình rà soát lập bộ môn bài được chính xác, cập nhật đầy đủ tình hình môn bài của các công ty trong địa bàn quản lý. Sáng kiến này còn giúp cán bộ tại bộ phận quản lý theo dõi, nhắc doanh nghiệp nộp tờ khai môn bài đầy đủ và chính xác, giảm thiểu được sai sót trong việc quản lý nợ, giảm nợ ảo và tiền chậm nộp tính sai...</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Sáng kiến đã góp phần làm giảm thiểu hơn 1.000 trường hợp môn bài bị nộp thiếu và bị lập bộ sai, lập bộ bổ sung và điều chỉnh hơn 1,5 tỷ đồng tiền thuế, tiền phạt chậm nộp giúp cho việc quản lý nợ trên ứng dụng TMS ngày càng chính xác. Cán bộ xử lý tờ khai dễ dàng trong việc tiếp tục rà soát các trường hợp phải lập môn bài cho các kỳ thuế tiếp theo.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Ứng dụng excel kết hợp macros trong công tác xác định hồ sơ khai thuế nộp trễ hạn</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Tính đến ngày 1/2/2016, số lượng người nộp thuế chưa nộp hồ sơ khai thuế, nộp tờ khai thuế trễ hạn chưa xử lý (không bao gồm tờ khai tại bộ phận ấn chỉ) là 8.496/86.739 lượt hồ sơ khai thuế, chiếm tỷ lệ 9.8%. Trong quá trình công tác, các công chức phụ trách xử lý vi phạm hành chính (tờ khai trễ hạn) gặp nhiều khó khăn trong việc lọc danh sách và xác định các tờ khai trễ hạn.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Sáng kiến “Ứng dụng excel kết hợp macros trong công tác xác định hồ sơ khai thuế nộp trễ hạn của người nộp thuế trên ứng dụng TMS” giúp theo dõi, quản lý tình hình vi phạm về thủ tục kê khai của người nộp thuế một cách nhất quán, triết để; giúp công chức thực hiện xử phạt vi phạm hành chính nhanh, chính xác và hiệu quả, áp dụng tối đa yếu tố tự động giảm thiểu thao tác thủ công.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Dữ liệu trên ứng dụng TMS của ngành thuế được kiểm soát và ngày càng chính xác. Cán bộ thuế có thể thực hiện các báo cáo thống kê tổng quát vi phạm trong thời gian ngắn. Ngoài ra, quá trình xử phạt tờ khai đã nâng cao được ý thức nộp tờ khai của một lượng lớn doanh nghiệp, tránh trường hợp tái phạm nhiều lần, giúp chấn chỉnh công tác kê khai thuế của NNT. Cụ thể tỷ lệ nộp tờ khai đúng hạn tại Chi cục thuế quận 12 tính đến ngày 31/08/2016 đạt tỷ lệ 95.8% (tăng 5.6% so với trước thời điểm triển khai sáng kiến).</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Như vậy, những sáng kiến của Nguyễn Thanh Long đã không chỉ giúp cán bộ thuế tăng năng suất làm việc mà còn giúp NNT nắm bắt được các hình thức kê khai thuế bổ sung tránh sai sót và vi phạm pháp luật trong quá trình kê khai nộp thuế. Ngoài ra, các sáng kiến có thể áp dụng cho tất cả cán bộ công chức toàn ngành thuế.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>KIM DUNG</strong></span></span></p>
</body></html>