<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Những bông hoa trên tuyến lửa</title>
</head>
<body>
<p class="pSuperTitle" align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>Những bông
hoa trên tuyến lửa (Kỳ 3)</b></font></p>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Vượt “cửa tử thần” </font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=172023" hyperlink onclick="return showImage(this.src)" class="lImage" border="1" height="88" hspace="0" width="200"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Các nữ
lái xe trước khi ra mặt trận - Ảnh tư liệu</font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pHead" align="justify"><font face="Arial" size="2">Trên tuyến đường
Trường Sơn, trọng điểm 050 ở Quảng Bình - còn được gọi là Cổng Trời - là nơi
hứng chịu nhiều bom đạn nhất vì là điểm tập kết giao nhận hàng hóa, thương binh
nối hai tuyến đường Trường Sơn Tây và Trường Sơn Đông. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Đối với các cô gái
trẻ lái xe của trung đội Nguyễn Thị Hạnh, mỗi lần lái xe vào trọng điểm này là
xem như vào cửa tử, biết trước đã đi là khó trở về.</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Hai cô gái đi đầu</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ giữa năm 1968,
Mỹ leo thang đánh phá dữ dội những đoạn đường huyết mạch Trường Sơn. Con đường
giao thông quan trọng từ dốc Cổng Trời sang Cha Lo trở thành “con đường tử thần”,
một “túi bom” khổng lồ, ác liệt nhất mà không quân Mỹ bắn phá hằng ngày nhằm
ngăn chặn con đường vận tải tiếp viện từ hậu phương ra tiền tuyến. Một đêm đầu
tháng 9-1968, trung đội nữ lái xe nhận được chỉ thị của binh trạm 12 Đoàn 559
phải cấp tốc chở súng ống, đạn dược vượt “cửa tử thần” chi viện ngay cho các đơn
vị ở tiền tuyến trong đêm và chở thương binh về hậu cứ. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tình hình rất căng
thẳng, một số lái xe nam tỏ ra chùn bước. “Các chỉ huy đơn vị đều biết vận
chuyển hàng hóa trên tuyến đường này trong đêm ấy là cực kỳ nguy hiểm nhưng
nhiệm vụ quá cấp bách, không thể trì hoãn. Cấp chỉ huy cân nhắc và quyết định để
trung đội nữ xung phong ra trận làm gương, động viên cánh lái xe nam cùng tham
gia thực hiện” - nữ chiến sĩ lái xe Phạm Thị Phàn, hiện ở Thái Thụy (Thái Bình),
nhớ lại.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Một cuộc họp cấp
tốc đề ra kế hoạch vận chuyển hàng trong đêm được triển khai. Yêu cầu của Bộ tư
lệnh binh trạm 12 đặt ra là phải chọn được hai nữ chiến sĩ lái xe cừ khôi, gan
dạ nhất để dẫn đầu cả đoàn xe vượt qua “cửa tử thần” với đoạn đường dài gần
300km trong đêm, ngay sát “túi bom”. “Đồng chí nào tình nguyện xung phong lái xe
vượt Cổng Trời đêm nay?” - chỉ huy binh trạm hỏi. Đồng loạt 35 cánh tay giơ cao
ngay lập tức, không một chút đắn đo, suy nghĩ. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Cuối cùng, hai tay
lái xuất sắc nhất trung đội được chọn là Phạm Thị Phàn và Nguyễn Thị Tiếp. Phàn
quê ở Tiên Lữ (Hưng Yên), lúc ấy chỉ nặng 40kg, cao 1,5m, mỗi khi lái xe phải kê
thêm một chiếc can xăng mới nhìn ra được cửa cabin. Vậy mà một khi đã cầm tay
lái, Phàn điều khiển chiếc xe rất tài tình đến độ cánh lái xe nam cũng phải nể
phục. Đúng 19g, đoàn xe bắt đầu xuất phát đi trong đêm, thẳng tiến về Cổng Trời.
Phàn và Tiếp chạy mở đường, phía sau là một đoàn hơn chục chiếc của cánh lái xe
nam. Tiếng máy xe rầm rĩ hòa cùng với tiếng đạn, tiếng pháo nổ ầm ì ngay trên
đầu.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Phàn nhớ lại:
“Trước mặt tôi là một đoạn đường dài thăm thẳm được soi bằng hỏa pháo của đối
phương, những mảnh đạn văng tung tóe phía trước, phía sau xe, rơi cả trên nóc xe.
Thỉnh thoảng có những ánh chớp dài lóe sáng và tiếng động cơ gầm rú của máy bay
cánh quạt của địch vần vũ ngay trên đầu bắn đuổi theo mình”. Khi xe vượt lên con
dốc cao, đèn dưới gầm xe hắt ánh sáng lên nên đối phương phát hiện. Linh tính
cũng như kinh nghiệm của người lính báo cho Phàn biết đối phương sắp đánh bom
tọa độ nên cô nhấn mạnh ga như ra dấu hiệu cho cả đoàn lao nhanh qua khỏi tọa độ
chết. Chỉ ít phút sau, khi đoàn xe vừa qua khỏi đỉnh dốc thì con dốc đã trở
thành một bãi chiến địa rực lửa. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong đêm ấy, đơn
vị vận tải của họ đã kiên trì quay vòng đủ hai chuyến, bảo đảm kịp kế hoạch giao
nhận hàng hóa, thương binh của đơn vị. Gần 5 giờ sáng, hoàn thành nhiệm vụ, đoàn
xe quay trở về đơn vị an toàn. Phàn và Tiếp mệt lả, ngã khụy trong vòng tay đón
mừng của đồng đội.</font></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table2">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="vuot%20cua%20tu%20than.bmp" width="150" height="200"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Bà Phạm
Thị Phàn và chiếc đồng hồ Bác Hồ tặng: “Tôi thường mở chiếc hộp ra xem
như là niềm động viên trong cuộc sống của mình”</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Kỷ vật của Bác
Hồ</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Sau chiến công
ngoạn mục ấy, một hôm Phàn bất ngờ được chỉ huy binh trạm mời lên và trao tặng
chị chiếc đồng hồ Poljot. Vị chỉ huy xúc động nói: “Bác Hồ gửi tặng cô đấy!”.
Phàn như lịm đi vì sung sướng và hạnh phúc. “Tôi như gặp được Bác đang đứng ở
trước mặt, động viên mình tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi tự hứa với lòng
phải lái xe thật giỏi để xứng đáng là cháu của Bác”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Về đến đơn vị, cả
trung đội nữ mở tiệc chúc mừng Phàn. Chỉ có củ mài và những đóa lan rừng, nhưng
là bữa tiệc trân trọng nhất của các nữ chiến sĩ lái xe, họ chuyền tay nhau chiếc
đồng hồ Bác Hồ tặng Phàn như là niềm vinh dự chung cho cả đơn vị.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Phạm Thị Phàn từng
nổi tiếng khắp các đơn vị vận tải không chỉ ở tài lái xe giỏi được Bác Hồ tặng
đồng hồ mà còn có tài múa hay, hát giỏi. Nhà Phàn có sáu chị em, Phàn là con gái
lớn. Từ bé, Phàn đã nuôi khát khao được gia nhập quân đội. Lớn lên, đi thanh
niên xung phong rồi tham gia trung đội nữ lái xe, Phàn có tiếng lì lợm, gan dạ
nhất đơn vị. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chính Phàn là một
trong những người của trung đội bám trụ ở lại với chiến trường Trường Sơn đến
tận ngày giải phóng miền Nam 30-4-1975. Gần 40 năm qua, chiếc đồng hồ kỷ vật của
Bác Hồ gửi tặng vẫn được Phàn mang theo mình và cất giữ ở nơi trang trọng nhất,
xem đó là báu vật của cả cuộc đời mình. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong căn nhà nhỏ
nằm giữa cánh đồng ở vùng lúa Thái Thụy (Thái Bình), bà Phàn nâng niu, lau chùi
chiếc đồng hồ được cất trong chiếc hộp thiếc xinh xắn. Bà nói: “Tôi thường mở
chiếc hộp ra xem như là niềm động viên trong cuộc sống của mình. Chiếc đồng hồ
của Bác nhắc nhở mình phải sống và làm việc thật tốt, giữ gìn phẩm chất của
người nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Mỗi khi các chiến
sĩ trung đội lái xe có dịp gặp lại nhau, ai cũng muốn được nhìn lại chiếc đồng
hồ này để nhớ lại một thời lái xe”. Cô gái trẻ nổi tiếng vượt tọa độ chết năm
xưa nay tóc đã điểm bạc, mang nhiều bệnh tật trong người, nào là bị ảnh hưởng
chất độc da cam, bị đau thần kinh, dạ dày kinh niên… Hai vợ chồng (chồng bà Phàn
năm xưa cũng là chiến sĩ Trường Sơn) sống trong một căn nhà nhỏ ở quê, cuộc sống
còn nghèo, nhưng bà bảo luôn tự hào về một thời lái xe anh dũng ở Trường Sơn.</font></p>
<table style="border-collapse: separate" bordercolordark="#456ae1" bordercolorlight="#4792d9" align="center" border="0" bordercolor="#ecf2fe" cellpadding="4" cellspacing="5" width="100%" id="table3">
<tr>
<td bgcolor="#cfe6f9" valign="center">
<p class="pInterTitle" align="left"><b>
<font color="#008000" face="Arial" size="2">Cuộc “hành quân” cuối cùng</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#000000" face="Arial" size="2">Tháng 2-1972, do yêu cầu đáp
ứng đội ngũ lái xe nữ tiếp tục phục vụ chiến trường, trung đội lái xe nữ
Nguyễn Thị Hạnh được Bộ Quốc phòng điều chuyển về Trường lái xe 255, Cục
Quản lý xe máy ở Sơn Tây để làm giáo viên dạy lái xe cho học viên nữ.
Trung đội nữ lái xe Trường Sơn chính thức trở thành đại đội nữ lái xe
Trường Sơn với phiên hiệu C13. Đại đội có 33 cô gái, được trang bị 28 xe
để đào tạo, huấn luyện cho các nữ tân binh lái xe tải quân sự. Bà Nguyễn
Thị Hòa, nhà ở Ngọc Thụy, Long Biên (Hà Nội), nguyên chính trị viên đại
đội, hiện là trưởng ban liên lạc của đội nữ lái xe Trường Sơn, cho biết:
“Cả đại đội chúng tôi từ giáo viên lý thuyết đến giảng dạy thực hành lái
xe đều là nữ. Chị em điều khiển các loại xe tải lớn như Star 660, Gaz
66... Dân chiến trường ra mà”. Từ những kinh nghiệm tích lũy trong những
năm tháng lái xe trên tuyến lửa Trường Sơn, các nữ chiến sĩ lái xe của
đại đội đã truyền dạy lại những kiến thức lý thuyết, thực hành điều
khiển và sửa chữa ôtô cho hơn 300 nữ tân binh trong hai khóa liên tục để
đưa về phục vụ các đơn vị, kho hàng, kho xe, bệnh viện quân đội, quân
chủng... </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">
<font color="#000000">Ngày 2-9-1975, tại quảng trường Ba Đình, tất cả cô
gái trong trung đội nữ Trường Sơn ngày nào được vinh dự ngồi trong buồng
lái, lái các xe thông tin, xe kéo pháo, xe chỉ huy… trong đội hình duyệt
binh mừng quốc khánh sau ngày đất nước thống nhất. “Đó cũng là cuộc
“hành quân” cuối cùng có đông đủ tất cả chị em trong đại đội nữ lái xe
Trường Sơn của chúng tôi” - bà Hòa nhớ lại. </font> </font></td>
</tr>
</table>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2"><em>Chiến tranh đi
qua, họ trở về với những câu chuyện đời, cùng chờ đợi được gặp lại nhau vào ngày
22-12 hằng năm. “Chúng tôi thường động viên nhau hãy nhìn về phía trước, vững
vàng vượt qua khó khăn như thời bom đạn Trường Sơn”.</em></font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2"><em>Kỳ tới:
<strong>Đi giữa đời thường</strong></em></font></p>
<p class="pBody" align="right"><font face="Arial" size="2"><strong><em>Theo TTO</em></strong></font></p>
</body>
</html>