<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: center;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">“Có những phút làm nên lịch sử</span></span></p>
<p style="text-align: center;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Có cái chết hóa thành bất tử</span></span></p>
<p style="text-align: center;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Có những lời hơn mọi bài ca</span></span></p>
<p style="text-align: center;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Có con người như chân lý sinh ra...”</span></span></p>
<p style="text-align: center;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">(Tố Hữu)</span></span></p>
<p style="text-align: center;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2017/10/29573/H1.jpg" style="height:909px; width:600px" /></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Chỉ sống có 24 năm và vẻn vẹn có 9 phút trên pháp trường nhưng Nguyễn Văn Trỗi đã đi vào lịch sử kháng chiến chống xâm lược của nước ta như một biểu tượng của lòng quả cảm và khí phách anh hùng, là tấm gương sáng cho các thế hệ thanh niên học tập về lòng yêu nước, khát vọng độc lập tự do - những tố chất rất cần cho sự dấn thân của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bất cứ thời đại nào.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Lý tưởng của một người cộng sản</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 1/2/1940, là con thứ ba, do đó anh còn có tên là Tư Trỗi, chào đời trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Thanh Quýt, xã Ðiện Thắng, huyện Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam, chẳng may lại mồ côi mẹ từ thuở nhỏ. Tuổi thơ anh theo cha ra Ðà Nẵng kiếm kế sinh nhai. Sau hiệp định Genève, gia đình anh vào Sài Gòn sinh sống, tá túc tại nhà người anh họ ở Vườn Xoài. Lúc đầu, anh đạp xích lô, sau theo học nghề điện.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Năm 1963, trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Sài Gòn chống xâm lược, anh được giác ngộ cách mạng và được kết nạp vào Ðoàn Thanh niên, trở thành một chiến sĩ trong tổ chức Biệt động thành, Ðại đội quyết tử cánh Tây Nam Sài Gòn.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Ở đất Sài Gòn, Nguyễn Văn Trỗi đã tìm được hai điều quý giá nhất đời mình: thứ nhất là lòng yêu nước, là lý tưởng cách mạng, lý tưởng của một người cộng sản; thứ hai là một mối duyên tình tha thiết với người con gái dịu dàng Phan Thị Quyên. Mối duyên tình đó đã tiếp thêm sức mạnh để anh vượt qua mọi khó khăn trở ngại, hoàn thành sứ mệnh mà tổ chức giao cho.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Ðám cưới của anh chị diễn ra với sự ủng hộ của gia đình hai bên. Gia đình chị là người gốc Bắc nên lễ cưới phải có trầu cau, có cốm để biếu hàng xóm. Anh chị xây dựng tổ ấm của mình trong một căn nhà vách gỗ, mái lợp lá ở trong hẻm sâu mà anh Trỗi đã hùn tiền với bạn mua lúc mới vào Nam. Chị Quyên bảo anh Trỗi là người sống ân cần, tình cảm. Từ khi quen nhau, yêu nhau rồi thành vợ chồng, lúc nào đối với chị, anh cũng cư xử tình cảm như thế. Ngày ngày anh chở chị đi làm, nếu chị xuống xe mà không nói với anh lời nào, thì anh dứt khoát không đi. Nếu lúc anh về nhà mà chị đã về, mà không thấy chị ra đón hay không cười nói với anh một tiếng, thì anh cũng ngồi trên xe máy cho đến khi chị chịu nở nụ cười mới bước xuống. Với chị, anh còn dịu dàng hơn thế. Mỗi khi có thời gian bên nhau, anh thường ngồi chơi đàn mandolin cho chị nghe như hồi mới yêu. Khi chị đi làm, anh thường đứng nhìn chị cho đến khi khuất dạng…</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Năm 1964, anh được đưa ra căn cứ học chính trị và tập huấn cách đánh biệt động nội thành ở căn cứ Rừng Thơm, Ðức Hòa, Long An. Tại đây, anh gặp các đồng đội Ba Sơn, Tư Kiếm, Nguyễn Hữu Lời. Sau lớp học, bốn người được tổ chức thành một tổ hoạt động và được chỉ thị mục tiêu đánh. Ðó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert McNamara.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Tháng 3/1964, sau khi thống nhất kế hoạch, cả 4 người rải ra trên đường Công Lý theo dõi đường đi nước bước của McNamara khi sang Sài Gòn. Mọi người rút ra quy luật chung là đoàn xe ra đón McNamara từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố theo đường Công Lý. Ra đón Bộ trưởng quốc phòng Mỹ bao giờ cũng có đầy đủ các nhân vật cao cấp quân sự và dân sự Mỹ cùng chính quyền Sài Gòn.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Nhiệm vụ đặt mìn ở cầu Công Lý</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Ngày 2/5/1964, Nguyễn Văn Trỗi nhận nhiệm vụ đặt mìn ở cầu Công Lý để ám sát phái đoàn quân sự chính trị cao cấp của chính phủ Mỹ do Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu. Nhiệm vụ này ban đầu được giao cho một đồng đội nhưng anh xung phong đi thay vì vợ chồng người đồng đội đó đã có con.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Tổ biệt động do anh Tư Kiếm cầm đầu được giao nhiệm vụ. Lúc đó, ba phương án tác chiến được Ban chỉ huy cấp trên nhanh chóng thông qua. Phương án một là thuê một căn nhà cạnh đường Công Lý, mìn định hướng đặt trong nhà, việc câu dây, bảo vệ trái mìn dễ dàng, thuận tiện hơn, không lo bị phát hiện. Phương án hai là chôn hai trái mìn gần đầu cầu Công Lý đón xe của McNamara qua cầu, vừa xuống dốc thoai thoải thì mìn nổ. Phương án ba, nếu McNamara không vào thành phố theo đường Công Lý thì tiếp tục theo dõi, đón đánh khi McNamara rời Sài Gòn.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Công việc đang được chuẩn bị thì tổ biệt động nhận thông báo rằng phái đoàn của McNamara sẽ tới Sài Gòn vào thứ hai, ngày 11/5/1964, tức là sớm hơn dự kiến hai tuần. Ngay lập tức, Tư Kiếm triệu tập gấp anh em trong tổ. Nguyễn Hữu Lời chạy sang Gia Ðịnh tìm Ba Sơn - khi ấy đang hành nghề xích lô máy - và Nguyễn Văn Trỗi. Nhà chưa kịp thuê, vì vậy phương án hai được triển khai, tức là phục kích tại đầu cầu Công Lý.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Tư Kiếm họp anh em trong tổ bàn lại kế hoạch đưa mìn tới bãi rác gần cầu Công Lý. Ba Sơn kéo xe ba gác, trên chất gạch, cát, xi măng chết, trái mìn 8kg giấu trong thùng. Nguyễn Hữu Lời cầm tập sách đóng vai một học sinh lảng vảng ở cầu để báo hiệu cho Ba Sơn vào cầu lúc địch bớt chú ý tới người qua lại. Tư Kiếm thủ trong người một quả lựu đạn đi theo bảo vệ Ba Sơn. Còn Nguyễn Văn Trỗi chờ ở ngã tư Yên Ðỗ - Trương Minh Giảng (nay là Lý Chính Thắng – Trần Quốc Thảo), sẵn sàng đón Ba Sơn hoặc Tư Kiếm nếu việc bại lộ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Thấy trước mặt có xe chở than sắp lên cầu Trương Minh Giảng (cầu Lê Văn Sỹ hiện nay), một tên cảnh sát giữ xe than lại. Ba Sơn kéo xe cát, xi măng với cái thùng thiếc đựng xi măng chết tới sát xe than thì dừng lại nói với tên cảnh sát: “Chú cho tôi đi chữa thuê cái cầu tiêu, chú.” Nhìn Ba Sơn trong vai thợ hồ với bộ quần áo còn bết cứng từng mảng vữa, đất, mồ hôi ròng ròng trên mặt, tên cảnh sát không chút nghi ngờ khoát tay cho xe anh qua. Ba Sơn cúi rạp người kéo xe ba gác vượt cầu, Tư Kiếm thong thả đi theo bên lề đường.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">9 giờ 30 phút tối 10/5/1964, tổ của Tư Kiếm xuất phát, hoàn tất phần chuẩn bị sau cùng, bảo vệ Lời làm nhiệm vụ rải dây điện nối vào trái mìn. Tuy nhiên, đến giờ xuất kích, Ba Sơn lại bị kẹt xe, đến chậm; hơn nữa, Trỗi lại tha thiết xin được giao nhiệm vụ và tự nguyện xin được chia sẻ với tổ mọi gian nan, nguy hiểm: “Hạnh phúc gia đình không hề ảnh hưởng tới quyết tâm đánh Mỹ, vì nhiệm vụ như thế này chẳng phải trong đời có lần thứ hai”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Sợi dây điện từ trái mìn đến nhà cầu phải rải theo dòng kênh. Muốn thế phải chờ nước kênh lên cao mới giấu mình trong dòng nước mà rải dây. Gần 12 giờ đêm, Lời từ nhà Tư Kiếm đi bộ theo đường Trương Minh Giảng - Trần Quang Diệu - Công Lý, đến dãy cầu tiêu công cộng đã gặp Nguyễn Văn Trỗi chờ đấu hai đầu dây vào thỏi pin giấu ở nhà cầu. Chiếc xe máy Sharp của Trỗi mới mua dựng ở đầu đường vào dãy cầu tiêu chuẩn bị chở Lời khi công việc hoàn thành.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Không thể đứng đây chờ nước lên ngập người, Lời nghe ngóng rồi ôm cuộn dây điện tụt xuống kênh, quờ tay rút những dây rau muống vắt lên người rồi nhẹ nhàng rải cuộn dây điện trên bè rau muống, tiến tới bờ cây đặt trái mìn. Ðấu hai đầu sợi dây vào trái mìn rồi anh lần trở về chỗ nhà cầu.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Mới đến giữa bè rau muống thì anh sững lại. Có tiếng người lao xao càng lúc càng lớn. Tiếng chân chạy rậm rịch trên con hẻm phía nhà cầu. Cả tiếng đấm đá, tiếng quát tháo. Người đổ ra xúm đông quanh khu nhà cầu. Qua tiếng lao xao, Lời biết anh Trỗi bị bắt ở ngay nhà cầu. Cả bộ quần áo của Lời cũng bị lôi ra. Chúng khẳng định còn một người nữa dưới kênh và sục sạo bờ kênh.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Lời nhanh chóng lần về phía bờ cây bên đường Công Lý, nơi còn yên tĩnh và tối mờ. Anh vừa nhô lên bám vào bờ kênh, định bò vào bờ cây thì một họng súng thúc mạnh vào ngực. Nguyễn Văn Trỗi và người đồng đội Nguyễn Hữu Lời đã bị bắt khi đang làm nhiệm vụ vào lúc 22 giờ ngày 9/5/1964. Chuyện không thành, nhưng sự kiện này như một tia chớp báo hiệu cơn sấm sét sẽ trút xuống đầu kẻ thù, một khi chúng tới xâm lược nước ta.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Phút giây bất tử</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Ngày 10/8/1964, anh Nguyễn Văn Trỗi và Nguyễn Hữu Lời bị đưa ra tòa án quân sự chính quyền Sài Gòn. Tại tòa, anh Trỗi nhận hết toàn bộ về mình và khẳng định: “Tôi giết bọn cướp nước tôi.” Ðập lại những luận điệu của tên quan tòa, anh dõng dạc nói:</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">“Các ông mà cũng nói đến pháp luật sao? Không có thứ pháp luật nào cho phép quốc gia này đi xâm lược quốc gia khác! Mỹ xâm lược Việt Nam là đã chà đạp lên những điều cơ bản của luật pháp! Thế mà các ông còn nói rằng quốc gia của các ông có pháp luật!”</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Anh bị tòa án quân sự kết án tử hình và chúng đã định ngày xử bắn. Ðột nhiên có tin du kích quân Caracas (Venezuela) bắt được viên trung tá không quân Mỹ Michael Smolen và báo cho Tổng thống Mỹ Johnson đòi đổi mạng cho anh Trỗi. Họ dọa: “Nếu ở Việt Nam xử bắn anh Trỗi thì một giờ sau ở Venezuela, quân du kích sẽ thủ tiêu trung tá Mỹ.” Mỹ đành phải ra lệnh cho chính quyền Sài Gòn hoãn lại ngày hành hình anh Trỗi. Nhưng khi quân du kích Venezuela thả trung tá Smolen thì chúng lật lọng, vội vàng đem anh Trỗi xử bắn.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Lúc 9 giờ 45 phút ngày 15/10/1964, khi ra pháp trường tại sân sau nhà lao Khám Chí Hòa, anh rất bình thản, đàng hoàng, không đồng ý bịt mắt và xưng tội, hùng hồn vạch trần tội ác xâm lược của giặc Mỹ trước các ký giả và hô to trước họng súng quân thù: “Ðả đảo bọn xâm lược Mỹ và tay sai! Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">9 phút chiến đấu và hy sinh anh dũng của Nguyễn Văn Trỗi tại pháp trường đã trở thành biểu tượng của thế hệ thanh niên Việt Nam thời kỳ chống Mỹ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Chính quyền Việt Nam Cộng hòa bí mật cho chôn xác Nguyễn Văn Trỗi tại nghĩa trang Văn Giáp ở Giồng Ông Tố (nay thuộc phường Bình Trưng Ðông, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh). Sau nhiều ngày tìm kiếm, cha đẻ và vợ anh mới tìm thấy mộ. Anh được truy nhận Ðảng viên Nhân dân Cách mạng miền Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Thành đồng hạng nhất.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Hình ảnh người anh hùng trong sáng tác văn học nghệ thuật</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Hình ảnh anh Trỗi hai tay bị trói chặt vào cột nhưng đôi mắt anh vẫn sáng lên, vẫn hiên ngang nhìn thẳng vào quân thù là một hình ảnh bất tử đi vào lịch sử. Sau sự hy sinh anh dũng của anh có rất nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ và họa sĩ đã lấy hình tượng đó để ca ngợi anh. Nhà báo Trần Ðình Vân (Thái Duy) sau khi tiếp xúc với chị Quyên - vợ anh Trỗi - đã cho ra đời tác phẩm “Sống như anh” - một tác phẩm đã được các đơn vị bộ đội lấy làm tài liệu giáo dục và đã được các chiến sĩ chuyền tay nhau đọc và học tập noi gương anh Trỗi. Cảm phục trước sự hy sinh anh dũng của anh, nhạc sĩ Vũ Thanh đã sáng tác bài hát “Lời anh vọng mãi ngàn năm”. Bài hát đã được phát trên Ðài Tiếng nói Việt Nam và nhanh chóng đi vào lòng người.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Tấm gương hy sinh anh dũng của anh còn được nhân dân thế giới biết đến. Sau khi anh hy sinh, có rất nhiều lá thư của bạn bè thế giới như Liên Xô (cũ), Bulgary, Hungary, Tiệp Khắc (cũ)… gửi thư chia sẻ, động viên chị Quyên và ca ngợi sự hy sinh anh dũng của anh. Ðặc biệt, có một số họa sĩ nước ngoài đã vẽ tranh miêu tả hình ảnh anh hiên ngang ra pháp trường.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang lưu giữ một số kỷ vật của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đó là cây đàn mandolin, tấm thiệp cưới và 10 bức thư của anh gửi cho người vợ hiền khi bị giam trong nhà lao Chí Hòa cùng một số bức tranh cổ động của nước ngoài ca ngợi khí phách quả cảm của anh. Những kỷ vật tuy nhỏ bé nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn vì đã gắn với cuộc đời của một tấm gương sáng chói cho mọi thế hệ trẻ noi theo.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Năm 1994, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội mời gia đình lên bàn việc đón anh về nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh, ngay bên xa lộ Hà Nội. Vợ anh có lời cảm ơn và đề nghị vẫn để anh yên nghỉ tại đây, để không phụ lòng những người đã giúp đỡ xây mộ anh. Chính vì vậy, ngôi mộ dành cho anh ở nghĩa trang liệt sĩ thành phố còn trống.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Năm 2012, kỷ niệm 48 năm ngày mất, nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi được khánh thành trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ huyện Ðiện Bàn (Quảng Nam). Tên anh được đặt cho nhiều con đường, nhiều trường học trên khắp Việt Nam. Một giải thưởng của Thành Ðoàn thành phố Hồ Chí Minh và một sân vận động ở Cuba cũng đã đặt theo tên anh.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Anh hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng ngọn lửa cách mạng trong anh mãi trường tồn, thắp sáng ngọn lửa yêu nước cho triệu trái tim tuổi trẻ Việt Nam. Những lời nói bất diệt trước khi hy sinh của anh sẽ còn vang mãi trong tâm trí những con người yêu nước, vang mãi trong tim những con người trẻ tuổi mang trong mình niềm hi vọng, tương lai của đất nước:</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Hãy nhớ lấy lời tôi</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Ðả đảo đế quốc Mỹ</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Ðả đảo Nguyễn Khánh</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Hồ Chí Minh muôn năm</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Hồ Chí Minh muôn năm</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Hồ Chí Minh muôn năm!</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><strong><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Ðỗ Hồng Thanh – Lê Vũ Hồng Thanh (Nhà Xuất bản trẻ)</span></span></strong></p>
</body></html>