<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><em>Những trang Sử đấu tranh hào hùng của những người đi trước đang được tiếp nối bằng những thành tích trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học, xung kích vì cộng đồng của các thế hệ hôm nay. Trên chặng đường đó, Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh đã luôn kề vai sát cánh, trở thành một người bạn thân thiết, hỗ trợ tích cực sinh viên trên bước đường học tập, rèn luyện, xung kích vì sự phát triển của Thành phố.</em></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><em>Tại Lễ kỷ niệm 68 năm Ngày Truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam (09/01/1950 - 09/01/2018) và tuyên dương Sinh viên 5 tốt, Học sinh 3 tích cực năm 2017, đồng chí <strong>NGUYỄN VIỆT QUẾ SƠN</strong> – <strong>Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư thường trực Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh </strong>đã có bài phát biểu ôn lại truyền thống được trui rèn từ trong lửa đỏ của các thế hệ Sinh viên Thành phố Anh hùng. </em></span></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/1/30081/A que son 2.jpg" style="width:700px" /></p>
<p style="text-align:justify"><strong><span style="font-size:14px"><em>Ban Biên tập website Thành Đoàn xin trích đăng lại bài phát biểu: </em></span></strong></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Hơn nửa thế kỷ qua, dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, phong trào học sinh, sinh viên và tổ chức Hội sinh viên Việt Nam đã có những đóng góp hiệu quả và ngày càng trưởng thành qua các thời kỳ cách mạng, xứng đáng với niềm tin của các thế hệ học sinh, sinh viên. Với sự quan tâm và tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước, trong suốt 68 năm qua, các thế hệ học sinh, sinh viên cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng luôn phấn đấu trong học tập và rèn luyện; giữ vững bản lĩnh chính trị, không ngừng thi đua trong sáng tạo, nghiên cứu khoa học và xung kích vì cộng đồng.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, phong trào sinh viên, học sinh từ Bắc chí Nam ngày một phát triển lớn mạnh. Trong những năm 1949 - 1950, phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên các đô thị diễn ra liên tục, rầm rộ và rộng khắp, nhất là ở Sài Gòn - Gia Định. Trong khí thế đấu tranh đó, anh Trần Văn Ơn - một thiếu niên học sinh trẻ tuổi đã tham gia và tổ chức nhiều phong trào, nhiều cuộc bãi khóa đòi trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt và mở lại trường học. Anh Trần Văn Ơn tham gia vào phong trào học sinh yêu nước từ năm 1947, gia nhập Hội học sinh Việt Nam Nam Bộ. Anh là hội viên mật của Đoàn học sinh kháng chiến nội thành, đồng thời nhận nhiệm vụ tuyên truyền, vận động học sinh trong trường tham gia vào các hoạt động chống thực dân Pháp và chính quyền thân Pháp. Anh được coi là một trong những trụ cột của phong trào học sinh yêu nước tại Trường Pétrus Ký.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Ngày 09/01/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên và hơn 7.000 nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình đòi trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt. Một lực lượng lớn cảnh sát hùng hậu, kết hợp với công an, lính Lê Dương được huy động dùng dùi cui, súng máy, súng ngắn... đàn áp đẫm máu phong trào biểu tình trước sự phẫn nộ của đồng bào. Trần Văn Ơn đã dũng cảm đương đầu với dùi cui, che chở cho học sinh nhỏ tuổi và các nữ sinh thoát ra ngoài. Trước nguy cơ bị bắt, anh đã đạp đổ hàng rào sắt hướng dẫn cho các bạn rút lui, nhiều loạt đạn nổ về phía anh Ơn và anh đã ngã xuống khi chưa đầy 19 tuổi. Sự hy sinh của anh đã gây nên một sự xúc động to lớn của đồng bào các giới ở Sài Gòn và cả nước, trở thành làn sóng phản đối mạnh mẽ trong học sinh, sinh viên và các tầng lớp đồng bào đô thị lúc bấy giờ. Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 02/1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 09/01 hàng năm làm Ngày truyền thống học sinh - sinh viên Việt Nam. Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (diễn ra ngày 22 và 23/11/1993) tại Thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 09/01 làm Ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam. </span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, phong trào học sinh, sinh viên tại Sài Gòn - Gia Định bùng lên cao hơn, cả về quy mô lực lượng, tính chất đấu tranh và trình độ tổ chức. Đến năm 1967, lực lượng cách mạng, tiến bộ đã giành được những vị trí quan trọng trong các Ban Đại diện sinh viên tại nhiều trường trong Thành phố, giành lấy quyền lãnh đạo Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn sử dụng trụ sở số 4 Duy Tân (nay là Nhà văn hóa Thanh niên) làm trung tâm đấu tranh công khai. Đây chính là bước đà lớn, làm tiền đề để lực lượng học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định phát huy tinh thần quật khởi, sẵn sàng tham gia cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Trong không khí sôi sục của những ngày giáp Tết Mậu Thân, học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định đã đồng loạt hành động, vẽ hàng trăm khẩu hiệu, rải hàng ngàn truyền đơn và kêu gọi bào vùng lên lật đổ Thiệu - Kỳ, đuổi Mỹ xâm lược. Các bài sử ca đấu tranh, những tiết mục đậm nét dân tộc và những hoạt cảnh kháng chiến liên tục được biểu diễn ở nhiều nơi trong Thành phố. Lực lượng chính trị công khai chủ yếu là sinh viên, học sinh tập trung lực lượng tổ chức “Đại hội Văn nghệ Sinh viên Học sinh mừng Tết Quang Trung” tại trường Quốc gia Hành chánh ngày 26/01/1968 như một đợt “tổng dượt quần chúng”. Đêm hội đã diễn ra trong khí thế hào hùng, hàng ngàn tờ báo “Sinh viên” với bài hịch “Quang Trung rực lửa trong lòng chúng ta” được phát hành, với “tinh thần Quang Trung bất diệt” hơn 12.000 học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định đã cùng hô vang quyết chiến trong rợp trời ngọn cờ đào của nghĩa quân Quang Trung. Đêm văn nghệ Tết Quang Trung là một bước chuẩn bị về mặt tinh thần, là đòn tấn công chính trị ngoạn mục, trực diện vào đầu não của đế quốc Mỹ và tay sai, thể hiện ý chí tiến công tinh thần bất khuất của thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn trước khi bước vào đợt 1 của cuộc Tổng tiến công.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Trong sự kiện Mậu Thân, học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định trực tiếp tham gia phát động quần chúng nổi dậy, treo cờ Mặt trận, rải truyền đơn cách mạng trong các khu lao động Bàn Cờ, Vườn Chuối, Nguyễn Thông…, thể hiện tinh thần xung kích và vai trò nòng cốt qua 14 trung tâm cứu trợ trên toàn thành phố do “Uỷ ban Thanh niên sinh viên học sinh cứu trợ đồng bào bị nạn” thành lập, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu nạn, cứu trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men cho đồng bào bị nạn, duy trì tốt việc sinh hoạt và tập hợp lực hợp lực lượng thanh niên. Tuổi trẻ Sài Gòn, được truyền thụ sức sống mãnh liệt của nhân dân anh hùng, hấp thu lý tưởng của Bác Hồ hoá thành lẽ sống, đã lớn lên thành một sức mạnh mà sắt thép và máu lửa của kẻ thù không làm sao chặt đứt, không sao đốt cháy được, hết đợt này đến đợt khác, đợt sau cao hơn đợt trước, không lúc nào vắng bóng ngọn cờ cách mạng giữa lòng Sài Gòn.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Sau Đại thắng Mùa xuân 1975, các thế hệ học sinh, sinh viên thành phố tiếp tục xung kích trên các mặt trận, tích cực tham gia các công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển Thành phố. Nhiều phong trào trong học sinh, sinh viên Thành phố đã tạo sự lan tỏa, được nhân rộng trên cả nước, tạo động lực để Hội Sinh viên Thành phố tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình mới. Trong yêu cầu nhiệm vụ chính trị chung của Thành phố, đặc biệt là việc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, </span><strong><em>học sinh, sinh viên Thành phố cần phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa trong học tập, rèn luyện, trong nghiên cứu khoa học, chuẩn bị sẵn sàng để nhận lãnh trách nhiệm viết tiếp tuyền thống anh hùng, năng động, sáng tạo, nghĩa tình của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố.</em></strong></p>
<p style="text-align:center"><strong><em>*</em></strong></p>
<p style="text-align:center"><strong><em>* *</em></strong></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam (09/01/1950 - 09/01/2018), hòa trong khí thế hào hùng kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, Ban Thường vụ Thành Đoàn, Ban Thư ký Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình kỷ niệm 68 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam - Tuyên dương Sinh viên 5 tốt và Học sinh 3 tích cực TP. Hồ Chí Minh năm 2017. Trong chương trình hôm nay, 113 Học sinh 3 tích cực và 102 Sinh viên 5 tốt cùng 02 tập thể Sinh viên 5 tốt cấp Thành sẽ được tuyên dương trên sân khấu; các bạn chính là những gương mặt không chỉ có thành tích đáng nể trong học tập, mà còn là những tấm gương toàn diện về đạo đức, về quá trình rèn luyện, cống hiến, xứng đáng là người học sinh, sinh viên, hội viên, đoàn viên ưu tú.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Nhân đây, thay mặt Ban Thường vụ Thành Đoàn, Ban Thư ký Hội Sinh viên Thành phố, tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các đồng chí lãnh đạo Thành phố, sự phối hơp, hỗ trợ của Đảng ủy - Ban Giám hiệu các trường đối với phong trào sinh viên Thành phố. Xin cảm ơn Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn đã luôn đồng hành đối với công tác tuyên dương Sinh viên 5 tốt các năm qua. Trong thời gian tới, rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các đồng chí, các đơn vị để công tác Đoàn, công tác Hội tiếp tục có sự phát triển.</span></p>
<p style="text-align:center"> </p>
<p style="text-align:right"><strong>N.V.Q.S</strong></p>
<p style="text-align:justify">---</p>
<p style="text-align:justify"><em>(*) Tựa đề bài viết do Ban Biên tập website Thành Đoàn đặt. </em></p>
</body></html>