<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><strong>Chiều ngày 29/01, được sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn và Thành ủy, Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với các tỉnh Đoàn cụm miền Đông Nam Bộ tổ chức Tọa đàm “Vai trò của học sinh, sinh viên và trí thức trẻ miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”.</strong></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:12px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/1/30171/IMG_3732.JPG" style="height:400px; width:600px" /></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam đã đến dự và phát biểu. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Lương – Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn, Nguyễn Minh Triết - UV.BTV, Trưởng Ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn; các cô, chú nhân chứng lịch sử trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đại diện các tỉnh, thành Đoàn cụm miền Đông Nam Bộ và hơn 200 cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:22px"><span style="font-family:courier new,courier,monospace"><span style="color:#FF0000"><strong>"TÔI LÀ NGƯỜI CỘNG SẢN"</strong></span></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">50 năm đã qua kể từ năm Mậu Thân máu lửa ấy, chú Phạm Chánh Trực (Năm Nghị) – Chủ nhiệm CLB Truyền thống Thành Đoàn, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy vẫn xúc động khi nhắc lại câu trả lời đanh thép trước kẻ thù của Liệt sĩ Hồ Hảo Hớn – Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Bí thư Thành Đoàn. Dù địch dùng bất cứ thủ đoạn nào để tra tấn vẫn chỉ nói đúng một câu “Tôi là người cộng sản”. <em>“Đồng chí đã bảo vệ Nghị quyết Quang Trung một cách trọn vẹn, một người con của Tổ quốc, người anh hùng của tuổi trẻ, người đầu đàn dẫn dắt Thành Đoàn nhiều năm”.</em></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:12px"><em><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/1/30171/co le.jpg" style="height:364px; width:600px" /></em></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Cùng với các cánh quân của cuộc Tổng tiến công còn là hình ảnh của các cô gái Sài Gòn với tuổi đời rất trẻ nhưng với tinh thần quả cảm, xung phong dẫn đoàn xe tăng và bộ đội chủ lực của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trong ký ức của cô Tư Liêm (Trương Mỹ Lệ) – nguyên Quyền Bí thư Thành Đoàn, liệt sĩ Phạm Thị Thu Vân là một trong hơn 32 cô giao liên nhanh nhẹn, Bí thư Chi đoàn đầu tiên của trường Lê Văn Duyệt trong lúc thực hiện nhiệm vụ đã hứng trọn loạt đạn của giặc để giữ trọn mạng sống của một người đồng đội trẻ. Chị lúc đó chỉ mới tròn 19 tuổi. Chị đã ngã xuống giữa tuổi thanh xuân, chưa một lần hẹn hò với người yêu mà đã trọn vẹn đóng góp thân mình cho cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Ở đất nước ta, có một điều tưởng chừng bình thường nhưng đã trở thành chân lý: khi có bất cứ hành động xâm phạm đất nước, thì sẽ có phong trào đấu tranh rộng khắp của mọi tầng lớp Nhân dân. Mùa Xuân Mậu Thân máu lửa năm ấy, những người cộng sản trẻ đã cùng toàn dân đinh ninh một lời thề, vùng lên để diệt thù và dẫn đầu tiên phong. Liệt sĩ Hồ Hảo Hớn và liệt sĩ Phạm Thị Thu Vân là một trong số những người cộng sản trẻ làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân.</span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:12px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/1/30171/572A8179.JPG" style="height:384px; width:600px" /></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Buổi tọa đàm còn đong đầy cảm xúc khi nghe cô Năm Lan – nữ chiến sĩ tham gia Tiểu đội võ trang Nguyễn Văn Trỗi tham gia vào việc giải phóng nhà lao Chí Hòa kể về mối tình với người yêu cũng là một chiến sĩ cách mạng. Cô và chú hẹn nhau<em> “Sau ngày Giải phóng sẽ báo cáo tổ chức để xin phép kết hôn”.</em> Nhưng điều đó đã không trở thành sự thật, chú bị <span style="color:rgb(29, 33, 41); font-family:helvetica,arial,sans-serif">thương bởi đạn pháo của kẻ thù và qua đời trong vòng tay</span> của cô trong trận tử chiến mùa Xuân năm ấy. Nén căm hờn, cô không khóc, vuốt mắt chú và nói <em>“Anh vừa là người yêu cũng vừa là đồng chí. Anh chết thì còn có em, cứ yên nghỉ</em></span><span style="font-size:14px"><em>, em luôn căm thù và sẽ tìm được đơn vị và chiến đấu cho anh và các anh, em đã chết đến cuối cùng</em>”. Ngay giây phút đó, cô vẫn kiên cường tiếp tục chiến đấu, không một phút giây ngơi nghỉ. </span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:12px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/1/30171/IMG_3723 (2).JPG" style="height:400px; width:600px" /></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Là một người chứng kiến Xuân Mậu Thân 1968, chú Hoàng Đôn Nhật Tân – nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành Đoàn, nguyên Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố khi ấy chỉ mới 18 tuổi. Cầm trên tay cây đàn guitar trình diễn trong Đại hội Văn nghệ sinh viên, học sinh mừng Tết Quang Trung, chú nhắc lại khí thế đêm văn nghệ quy tụ hàng ngàn thanh niên, sinh viên, học sinh vang dội giữa đô thành Sài Gòn nhưng sâu lắng như một lời hẹn ước kín đáo rung động trái tim tuổi trẻ Việt Nam.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Cũng là một người tham gia tổ chức Đại hội, chú Trần Thiện Tứ - nguyên Giám đốc Sở Kinh tế đối ngoại Thành phố nhắc lại về công tác tổ chức Đại hội văn nghệ, tài trí của học sinh, sinh viên đã đánh lừa kẻ thù và sau đó bắt tay nhanh chóng cứu trợ đồng bào bị nạn. Mạch nguồn này theo như chú Nguyễn Trọng Xuất – nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Thành ủy TP. Hồ Chí Minh là</span> <span style="font-size:14px">đến từ trí tuệ của thanh niên Việt Nam, đến từ tấm lòng, tình yêu nước, yêu cách mạng, yêu lẽ phải, yêu chính nghĩa, dám xả thân vì đại nghĩa, làm nên những điều kỳ diệu.</span></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/1/30171/Cac co chu nhan chung ls chup vs dvtn.JPG" style="height:264px; width:600px" /></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:22px"><span style="color:#FF0000"><span style="font-family:courier new,courier,monospace"><strong>"ĐIỂM BẬT TINH THẦN CỦA THANH NIÊN"</strong></span></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Thượng tá Dương Kim Tần – Trưởng Ban Thanh niên Quân Đoàn 4 chia sẻ: Để giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ hiện nay điều quan trọng nhất là để lại tình cảm sâu lắng trong lòng các bạn trẻ. Một trong những công cụ hữu hiệu nhất là “Nghệ thuật thứ bảy”. Nếu ai đã xem các tập phim “Biệt động Sài Gòn” thì sẽ không thể quên những tấm gương anh dũng hy sinh của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Đồng chí Phạm Hồng Sơn – UV.BTV Trung ương Đoàn, Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh mong rằng qua tọa đàm sẽ góp phần “phát huy vào việc khơi sức trẻ trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa,… giúp chúng ta hiểu hơn về danh hiệu Thành đồng Tổ quốc mà Bác Hồ đã trao cho quân và dân Nam bộ”.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Theo đồng chí Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong, Xuân Mậu Thân đã qua 50 năm, nhưng từ những câu chuyện của các cô chú đã giúp tuổi trẻ Việt Nam hiểu hơn về giá trị cũng như những đóng góp, hy sinh xương máu to lớn của cha ông. Chiến thắng ấy được đúc kết từ sự mưu trí, dũng cảm, ý chí, sức mạnh, tinh thần bất khuất của tuổi trẻ. Những câu chuyện được kể ra hôm nay chính là hành trang không thể thiếu, giúp tuổi trẻ ngày nay tự hào về truyền thống cha ông. Tinh thần của tuổi trẻ nói chung, vai trò của học sinh sinh viên tham gia vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân được thể hiện rõ bằng tất cả tinh thần và lực lượng.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Đồng chí Lê Quốc Phong nhấn mạnh: "Những cột mộc đáng tự hào của lịch sử dân tộc như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 còn là điểm tựa tinh thần quý giá đối với người thanh niên trong tiến trình hội nhập, là hành trang quý báu để người trẻ khẳng định rõ hơn bản sắc, vị trí của đất nước Việt Nam trong sân chơi toàn cầu".</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">“Trong điều kiện vô cùng khó khăn cha ông ta vẫn làm được, thì tuổi trẻ ngày nay cũng phải làm được. Chúng ta phải biết ơn, trân trọng những công lao ấy để hiểu và làm tốt hơn công việc, sứ mệnh, trách nhiệm của mình. Khi tin vào sự dẫn dắt của Đảng, chúng ta sẽ biết chung tay vì sự phát triển của đất nước”, đồng chí Lê Quốc Phong nhắn nhủ.</span></p>
<p style="text-align:justify"> </p>
<table align="center" border="1" cellpadding="1" cellspacing="1" style="width:500px">
<tbody>
<tr>
<td>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px">Sáng ngày 29/01, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong đã đến viếng Bia tưởng niệm các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn – Gia Định hy sinh tại Dinh Độc Lập trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; tham quan Di tích Hầm chứa vũ khí bí mật phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (Tại số 287/70, đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3) và đến thắp hương Liệt sĩ Hồ Hảo Hớn - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Nguyên Bí thư Thành Đoàn Sài Gòn – Gia Định (tại quận Bình Thạnh).</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:11px">Cùng ngày, Ban Thường vụ Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện Không gian triển lãm infographic tại Hội trường Thành Đoàn và thực hiện phim motion graphics (đồ họa chuyển động) chủ đề</span><span style="font-size:9px"> </span><span style="font-size:11px">"Vai trò của học sinh, sinh viên, trí thức trẻ miền Nam trong cuộc Tổng công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968" phục vụ cơ sở Đoàn trong công tác tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên.</span></p>
</td>
</tr>
</tbody>
</table>
<p style="text-align:center"> </p>
<p style="text-align:right"><strong>Tin: TIẾN LỘC </strong></p>
<p style="text-align:right"><strong>Ảnh: NGÔ TÙNG – THANH THÚY</strong></p>
</body></html>