Nữ Phó Chủ tịch xã 8X
Phan Thị Diệu Hiền, từ cô bé thi trượt đại học hôm nào, nay đã trở thành Bí thư Đoàn năng nổ, lên chức Phó Chủ tịch UBND xã và nay là cô giáo của 2 lớp học tình thương dạy ngoại ngữ.
|
Phan Thị Diệu Hiền |
Cô bạn 8X Phan Thị Diệu Hiền, ở xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh TT. Huế, còn là một Đảng viên trẻ nhiệt huyết với phong trào tỉnh nhà.
Nữ Phó Chủ tịch xã 8X
Thích công tác xã hội từ hồi bé nhưng ban đầu tham gia phong trào Đoàn là do…tự ái. Gia đình làm nông khó khăn nhưng suốt ngày “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, đi làm phong trào bận rộn mà đâu có lương.
Nghe bạn bè xì xào vậy, “cục tự ái” nổi lên, Hiền nghĩ: “Công việc nào cũng có ý nghĩa của công việc đó”, từ đó không những không nản lòng, cô tự nhủ mình càng phải phấn đấu nhiều hơn.
Nhớ lại những ngày đầu làm công tác Đoàn với chức vụ… thủ quỹ, Hiền không thể quên được kỷ niệm lần đầu tiên được cấp trên yêu cầu cầm “mic” đứng trước đông đảo các đoàn viên để công khai quỹ. Hiền vừa run vừa lo vì chưa bao giờ đứng nói trước đám đông. Thế là suốt cả buổi chiều Hiền đứng trước gương, tập đi tập lại điệu bộ, nói đến thuộc lòng “diễn văn” tối đó sẽ phát biểu.
Rớt đại học do chọn
“lệch” ngành học (Hiền giỏi văn nhưng lại đăng ký thi ngoại ngữ), Hiền không nản.
Cô xin vào làm phục vụ ở một quán ăn, với tiền công 10.000đồng/ngày
Ngày đạp xe tám lượt đi học, đi làm, tính ra đến mấy chục cây số. Hiền vừa làm công tác Đoàn xã vừa học Cao đẳng Du lịch. Gia đình làm nông nuôi 4 cô con gái đi học đâu phải dễ. Hiền cặm cụi học, làm thêm và tham gia công tác Đoàn.
“Lên chức” Bí thư Chi đoàn thôn An Lưu rồi đến Phó Bí thư Đoàn xã. Năm 2004, Hiền được kết nạp Đảng, trúng cử đại biểu HĐND xã rồi giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ.
Hiền luôn tự hào về hậu phương vững chắc của mình đó là gia đình. Ba mẹ không được học hành nhiều nhưng lúc nào cũng tâm niệm: Đời ba mẹ cực khổ nhưng dù có phải bán đất, ruộng vườn cũng quyết cho các con theo học đến nơi đến chốn.
Sau trận lũ năm 1999, nhà bị sập hoàn toàn, lúc ấy gia đình khó khăn, ba phải đi làm thợ nề, xây nhà cho họ mà phải ứng tiền trước để lo cho bốn chị em Hiền theo học. Những lúc gặp khó khăn trong công việc do còn trẻ, thiếu kinh nghiệm thì ba luôn là tham mưu cho Hiền.
Lớp học tình thương
|
Cô giáo Diệu Hiền tại lớp học tình thương |
Vốn liếng tiếng Anh trau dồi từ trước đã được Hiền sử dụng hiệu quả. Trong lần tham gia Đại hội Hội LHTN tỉnh năm 2005, Hiền gặp người bạn tên Nguyễn Huy Phước. Phước lúc ấy là sinh viên đại học, đang cần một giáo viên dạy tiếng Anh cho lớp học tình thương “Hai Hiếu” của mình ở dưới xã Phú Hồ.
Hiền đã vui vẻ nhận lời và tham gia sinh hoạt nhiệt tình ngoài giờ công tác. Sau một thời gian, Hiền nghĩ: Không có lý do gì mình giúp cho xã bạn mà lại không tự giúp cho xã mình.
Nghĩ là làm. Ban đầu Hiền chỉ nhận dạy kèm thêm cho cô em gái và bạn bè của em nhưng sau ý tưởng về một lớp học quy củ hơn đã hình thành. Được sự ủng hộ của ba mẹ, đồng ý dùng một phần gian bếp để làm địa điểm học, Hiền bắt đầu soạn thảo nội quy lớp và “chiêu sinh”. Thế là lớp học mang tên “Sao đỏ” ra đời.
"Ngoài công việc ở xã thì lớp học là niềm vui lớn đối với mình. Sinh nhật mình năm ngoái, các em đã tổ chức thật bất ngờ làm mình cảm động. Dự định sắp tới mình sẽ tổ chức một buổi họp phụ huynh của các em để thông qua những hướng đi mới cho “Sao đỏ”. Tâm nguyện lớn nhất của mình là làm sao xây dựng được một phòng học có đầy đủ phương tiện để các em có thể sinh hoạt và học tập tốt hơn." - Phan Thị Diệu Hiền |
Học sinh của lớp Hiền là các em trong xã có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc học kém tiếng Anh. Ban đầu lớp chỉ có vài em, sau tiếng lành đồn xa, nhiều phụ huynh đã đưa con em đến tận nhà, viết đơn xin phép để cho con em mình theo cô Hiền.
Học sinh của lớp “Sao đỏ” học ngày càng tiến bộ bởi phương pháp giảng dạy dễ hiểu và dễ nhớ của cô Hiền. Lớp học “Sao đỏ” có tiền quỹ riêng do các em tự đóng góp để làm kinh phí trong lúc học tập.
Đến cuối năm, Hiền bàn với các em nhóm trưởng dùng số dư còn lại để trao phần quà nhỏ cho sáu bạn có hoàn cảnh khó khăn và đạt thành tích học tập xuất sắc.
Có buổi, cô giáo Hiền cùng học trò của mình lại “hành quân” tình nguyện lên nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ của xã để quét dọn, làm vệ sinh.
Theo TPO