<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/11/31615/IMG_5355.JPG" style="height:456px; width:600px" /></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Những học sinh nào của trường THPT Tân Túc đã từng được học môn Lịch sử của cô Đoàn Thị Dung, đều có thể kể tên rất nhiều những di tích lịch sử, di sản văn hóa ở thành phố Hồ Chí Minh.</strong></span></span><br />
<span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Cô trò cùng vui học Sử</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cô giáo trẻ, mái tóc đen, đôi kính cận và một nụ cười tươi, đó là hình ảnh mà mỗi ngày những học sinh của trường THPT Tân Túc đều bắt gặp ở cô giáo Đoàn Thị Dung, giáo viên môn Lịch Sử trường THPT Tân Túc, huyện Bình chánh.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Hoạt động phong trào sôi nổi và đạt nhiều thành tích là mục tiêu của nhiều nhà giáo trẻ. Tuy nhiên, nhiệm vụ lớn nhất của các thầy cô giáo vẫn là ngày ngày đứng trên bục giảng, truyền đạt kiến thức cho học sinh thân yêu. Cô giáo Đoàn Thị Dung hiểu rất rõ về nhiệm vụ đó. Mỗi ngày cô đều không ngừng rèn luyện bản thân, tìm tòi các phương pháp giảng dạy mới.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Lịch sử là môn học nặng lý thuyết, dễ gây nhàm chán cho học sinh. Để giảng dạy hiệu quả, cô Dung cho biết cần nắm bắt tâm lý học sinh, với mỗi học sinh lại có cách hướng dẫn, chỉ dạy khác nhau. Trong năm học vừa qua, cô giáo trẻ đã áp dụng mô hình đi trải nghiệm thực tế ở các di sản văn hóa tại TP.HCM để tạo hứng thú tìm hiểu lịch sử cho các em học sinh.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/11/31615/6.JPG" style="height:450px; width:600px" /></span></span><br />
<span style="font-size:12px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>Cô Đoàn Thị Dung bên những sản phẩm thuyết trình môn Lịch sử do các em học sinh thiết kế</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Khi dạy, tôi thường xuyên lồng ghép các câu chuyện lịch sử, các câu chuyện xung quanh cuộc sống để minh họa bài học.” – cô giáo dạy Sử chia sẻ. Từ khi về giảng dạy tại trường, cô đã cho học sinh làm quen với việc đi thực tế ở các di tích lịch sử ở TP.Hồ Chí Minh để được “sờ tận tay, thấy tận mắt” những hiện vật, những công trình hàng thế kỷ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Với cách học này, các nhóm học sinh sẽ được cô phân công đi tham quan, tìm hiểu, chụp ảnh tư liệu ở những địa điểm lịch sử khác nhau. Không chỉ đến tham quan hiện vật, các em còn có nhiệm vụ tìm hiểu và phân tích về các sự kiện lịch sử đã diễn ra ở địa điểm đó, mà có thể trong sách giáo khoa không đề cập đến. Sau đó mỗi nhóm sẽ lên lớp trình bày về chuyến đi “ngược về quá khứ” của nhóm mình bằng nhiều hình thức sinh động như: làm phim, chụp ảnh, kể chuyện, …</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Song song với những giờ lên lớp, cô Dung cùng bộ môn Sử đã xây dựng nhiều giờ sinh hoạt ngoại khóa để các lớp giao lưu kiến thức với nhau vào đầu tuần. Các em học sinh được cô khuyến khích sáng tạo bài học dưới hình thức sân khấu hóa, trò chơi, … để tương tác với các lớp khác. Qua những cách làm đó của cô Dung, nhiều em học sinh đã tự trang bị cho mình nhiều kiến thức phổ thông và kiến thức lịch sử thú vị ngoài sách giáo khoa, và các em được thể hiện năng khiếu của mình như chụp ảnh, làm phim, viết kịch, đóng kịch, tổ chức trò chơi …</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/11/31615/10968368_766843713384757_6730789213789847162_n.jpg" style="height:450px; width:600px" /></span></span><br />
<span style="font-size:12px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>Các em học sinh giao lưu văn hóa thế giới trong tiết sinh hoạt ngoại khóa</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Cô giáo trẻ giàu thành tích</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Gắn bó với ngôi trường THPT Tân Túc từ những ngày đầu tiên trường thành lập (năm 2013) đến nay, cô Dung luôn tự hào mỗi khi kể về ngôi trường mình đang giảng dạy. </span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tại ngôi trường ấy, Đoàn Thị Dung, từ một ủy viên ban chấp hành chi đoàn giáo viên đã trở thành Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở. Cô chia sẻ: “Tôi luôn cố gắng đi đầu và nêu cao ngọn cờ phong trào hoạt động của đơn vị. Với tinh thần nhiệt huyết, tôi muốn gắn kết tất cả các thành viên trong tập thể nhà trường, đưa nhà trường cùng phát triển, bởi tôi hiểu rằng đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Minh chứng cho những nỗ lực ấy là việc cô giáo trẻ đã nhận được danh hiệu gương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác cấp thành phố, được Công đoàn ngành Giáo dục TP. Hồ Chí Minh tặng giấy khen Cá nhân có thành tích tiêu biểu thực hiện tốt việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" năm học 2017 - 2018. Ngoài ra, cô còn đạt thành tích tiêu biểu chương trình "Gương sáng Đảng viên năm 2018" cấp Thành phố.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/11/31615/3.jpg" style="height:400px; width:600px" /></span></span><br />
<span style="font-size:12px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>Ngoài giờ lên lớp, cô Dung tham gia rất nhiều các hoạt động phong trào cùng các em học sinh</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đoàn Thị Dung cũng luôn tích cực tham gia các hoạt động chuyên môn trong nhà trường và đạt nhiều thành tích. Trong đó phải kể đến danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp trường” 2 năm liền năm học 2016- 2017 và 2017-2018. Năm nay, cô vẫn tiếp tục đăng kí tham gia dự thi giáo viên dạy giỏi năm học 2018-2019.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Song, không chỉ là giải thưởng, điều mà một nhà giáo mong muốn nhiều nhất chính là đào tạo được những học trò chăm ngoan, học giỏi, là truyền đạt những kiến thức quý báu</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">cho thế hệ mai sau, là tình thầy trò mãi mãi khó phai giữa giáo viên và học sinh.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Một kỷ niệm không thể nào quên trong những năm đi dạy vừa qua là buổi sinh hoạt ngoài giờ lên lớp mừng Ngày Nhà giáo năm 2017. Tiết sinh hoạt đó đang diễn ra thì một nhóm bạn trẻ bất ngờ xuất hiện ào vào lớp gọi to tên tôi… Tôi và cả lớp đều ngỡ ngàng, tôi chợt nhận ra đó chính là những học sinh lứa đầu tiên tôi chủ nhiệm tại ngôi trường này. Lần đó tôi thực sự xúc động. Đó là mùa 20/11 tôi không thể quên”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Người ta vẫn nói rằng cái gì “đầu tiên” thì cũng luôn in sâu và khiến cho ta nhớ nhất. Dù trong quá khứ đó là những cô cậu học trò từng là “chúa” nghịch phá, thì bây giờ các bạn lại trở thành những ký ức đẹp nhất trong lòng cô giáo trẻ. Đó chính là những giá trị chân chính mà mỗi nhà giáo đều mong muốn.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Nghề nào cũng là nghề cao quý, riêng nghề dạy học lại là nghề cao quý nhất. Việc thắp lên ngọn lửa yêu nghề đã là điều khó, làm sao để giữ cho ngọn lửa đó cháy mãi càng khó hơn vạn lần. Trong xã hội bộn bề, có rất nhiều sự việc về giáo dục khiến người ta đau lòng, nhưng cũng có những nhà giáo mãi mãi là tấm gương sáng, khiến những ai làm thầy làm cô đều hãnh diện.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cá nhân Đoàn Thị Dung, luôn luôn tự hào về con đường mà mình theo đuổi. Với cô đó là nghề tạo ra “Muôn vàn hoa thơm”:</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><em>“</em>Có một nghề bụi phấn bám đầy tay<br />
Người ta bảo là nghề trong sạch nhất<br />
Có một nghề không trồng cây vào đất<br />
Lại nở cho đời muôn vạn hoa thơm...”</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Ý NHUNG</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">.</span></span></p>
</body></html>