<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/11/31620/DSC_0321.JPG" style="height:399px; width:600px" /></strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Nguồn cảm hứng từ đề tài nghiên cứu về tộc người Cơ Tu đoạt giải Đặc biệt của Eureka cách đây 18 năm đã mở ra cho Đặng Thị Quốc Anh Đào những niềm vui được nghiên cứu về các dân tộc, với mong muốn được hiểu nhiều hơn các giá trị văn hóa của họ, được nghe nhiều hơn những tiếng nói của họ…</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Thạc sĩ Đặng Thị Quốc Anh Đào là thí sinh đầu tiên nhận được Giải Đặc biệt của Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Éureka vào năm 2000. Hiện cô là giảng viên khoa Xã Hội học – Công tác xã hội – Đông Nam Á học, Trường Đại học Mở TP.HCM. Cô cũng có sự gắn bó mật thiết với Giải thưởng Éureka trong vai trò làm Hội đồng giám khảo, cũng như làm giảng viên hướng dẫn cho các sinh viên thực hiện đề tài dự thi Éureka những năm gần đây.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>“Mùa hè xanh đưa tôi đến với Éureka”</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">“Những năm 2000, Éureka là 1 trong 2 cuộc thi về nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên lớn nhất thời điểm đó, các đề tài được đích thân các nhà khoa học giàu kinh nghiệm chấm điểm và nhận xét nên sinh viên nào cũng muốn được thử khả năng nghiên cứu khoa học của mình. Khi đó cô cũng muốn thử sức mình…” – cô Anh Đào hồi tưởng về lần quyết định đem đề tài của mình đến với Éureka. Một đề tài có phần khác lạ với xu thế chọn đề tài nghiên cứu của sinh viên lúc bấy giờ: “Tác động của đường Hồ Chí Minh văn hóa của tộc người Cơ Tu ở Quảng Nam”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Điều gì cũng có lý do của nó, và Mùa hè xanh là nơi bắt đầu cho đề tài của cô sinh viên Anh Đào ngày đó. Khoác chiếc áo xanh tình nguyện của mùa chiến dịch lần thứ 3, Anh Đào được ban chỉ huy chiến dịch phân công tham gia đội hình tại mặt trận tỉnh Quảng Nam, thực hiện các hoạt động tình nguyện giúp bà con đồng bào dân tộc Cơ Tu ở một huyện miền núi. 1 tháng cùng ăn, cùng làm, cùng sống với đồng bào Cơ Tu, đối với một sinh viên ngành Dân tộc học như Anh Đào thì đó không chỉ là đi làm tình nguyện, mà còn là một cơ hội hiếm có để biết thêm nhiều kiến thức về văn hóa và đời sống các dân tộc, vì lúc bấy giờ không dễ để đến được nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Tình cảm của người Côtu dành cho mình khiến Anh Đào háo hức thực hiện đề tài nghiên cứu về đời sống và văn hóa của họ cho luận văn tốt nghiệp. “Mục đích là làm luận văn tốt nghiệp, nhưng được thầy cô khuyến khích nên mình đăng ký dự thi Éureka, mong ước lớn nhất là nhiều người sẽ biết đến văn hóa Cơtu và những biến đổi trong đời sống văn hóa của họ, một phần cũng muốn các nhà khoa học đánh giá phương pháp nghiên cứu khoa học của mình đã đúng chưa !” – thạc sĩ Dân tộc học chia sẻ thực lòng khi nhắc về mục đích tham dự giải thưởng Éureka.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Dành hết 6 tháng đi đi về về giữa Thành phố Hồ Chí Minh – Quảng Nam để xây dựng chất liệu cho đề tài “Tác động của đường Hồ Chí Minh đến văn hóa của tộc người Cơ Tu ở Quảng Nam”, phương tiện đi lại khó khăn, lại phải làm quen với cách sinh hoạt của người đồng bào, rồi học tiếng Cơ Tu … cô sinh viên nhỏ nhắn vẫn quyết tâm làm tốt nhất có thể vì muốn có được một sản phẩm ưng ý nhất. Cô cho biết chính cuộc sống tách biệt hẳn với người Kinh, không điện, không đèn đã đem lại những trải nghiệm thật nhất để cô hoàn thành đề tài khác lạ này lúc bấy giờ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Đến Éureka với tâm trạng “thi để thử sức”, Anh Đào rất bất ngờ khi “đứa con cưng” của mình đoạt được Giải Đặc biệt của năm đó. “Chắc có lẽ đề tài của mình không đi theo hướng nghiên cứu chung của sinh viên lúc bấy giờ mà đi theo một hướng khác biệt hoàn toàn nên được giải Đặc biệt !?” – cô Đào hài hước kể về cảm giác khi nhận giải thưởng năm đó.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Đi càng nhiều nghiên cứu càng nhiều</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Bước ra từ Éureka, Đặng Thị Quốc Anh Đào chọn sư phạm làm con đường đi cho riêng mình. Với cô Anh Đào, trở thành giảng viên là cơ hội được tiếp tục thỏa mãn đam mê nghiên cứu văn hóa các tộc người.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/11/31620/DSC_0065.JPG" style="height:399px; width:600px" /></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Là một giảng viên ngành Dân tộc học, cô luôn khuyến khích sinh viên mình cố gắng đi trải nghiệm thật nhiều để khai thác được những kiến thức chân thật nhất, thực tế nhất. “Muốn biết phải đi” là câu châm ngôn của cô mỗi khi bắt đầu một đề tài khoa học mới. Hơn 10 năm giảng dạy Cô đã đi nhiều nơi để tìm kiếm những giá trị văn hóa, những tư liệu thực tiễn sống động của các dân tộc nhằm đưa vào bài giảng cho sinh viên.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Nhắc về những lần sống giữa đại ngàn Trường Sơn để thu thập dữ liệu nghiên cứu, cô Đào cho biết dù cũng có nhiều thứ bất tiện vì không quen với cách sống của họ, nhưng có như thế mới hiểu được nếp sinh hoạt và nhu cầu thực sự của họ. “Từ cách họ ăn uống, tắm rửa, xây nhà, làm lụng, đến việc tặng quà, thờ cúng, lễ hội … tất cả đều là những giá trị mà họ cực kì tôn trọng, và luôn muốn người khác tôn trọng. Chỉ một điều đơn giản đó thôi mà phải mất một thời gian dài, tiếp xúc nhiều với họ mình mới hiểu được” – cô Đào chia sẻ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Năm 2010, cô thực hiện đề tài khoa học “Hoạt động du lịch và việc bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Nam”. Đề tài này hoàn thành từ những chuyến hành trình về với các bản làng trên dãy Trường Sơn, đặc biệt là về với đồng bào Cơ Tu, những người mà cô đã gắn bó từ thời sinh viên của mình.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Bên cạnh đó, cô Anh Đào cũng nhiều lần tìm về vùng đất Nam bộ, nhất là các tỉnh miền Tây. Cô chia sẻ đây cũng là vùng văn hóa cô yêu thích vì nó có rất nhiều giá trị văn hóa giao thoa.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Hết mình với sinh viên nghiên cứu khoa học</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Bên cạnh việc giảng dạy và nghiên cứu, cô còn hỗ trợ hết mình cho hoạt động nghiên cứu khoa học của các bạn sinh viên. Cô khuyến khích các bạn đầu tư vào những đề tài về văn hóa các tộc người, thực hiện phương pháp nghiên cứu điền dã để có thể lắng nghe được “tiếng nói của chủ thể”. “Những tiếp xúc thực tiễn với những nền văn hóa khác mình luôn mở ra cho sinh viên những cách nhìn mới mẻ và nhân văn”, Cô chia sẻ. Cô cũng vui vì đã có những đề tài mình hướng dẫn nhận được các giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ, nhưng niềm vui lớn hơn cả là sinh viên thu nhận được những kiến thức thực tế, những trải nghiệm văn hóa quý báu và những kỹ năng trong nghiên cứu điền dã.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Ngoài ra cô cũng có nhiều năm ngồi ghế giám khảo của cuộc thi Éureka, đánh giá và chấm điểm những đề tài ở lĩnh vực khoa học xã hội. Qua từng năm, cô nhận thấy những thế hệ sinh viên sau này ngày càng nhạy bén và biết cách thực hiện những đề có ý nghĩa thực tiễn và khoa học. Đặc biệt điều cô thích nhất ở sinh viên làm khoa học hiện nay là các bạn đã biết tôn trọng các kiến thức khoa học của người đi trước, của các tài liệu khoa học mà các bạn tham khảo. Theo cô, điều này chứng tỏ hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường học hiện nay đã được đầu tư giảng dạy bài bản hơn.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>ĐỨC DUY - BÍCH NGÂN</strong></span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>CLB Truyền thông Trung tâm Phát triển KH&CN Trẻ</strong></span></span></p>
</body></html>