<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/11/31627/MY1.jpg" style="height:435px; width:600px" /></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Kinh nghiệm từ công tác Đoàn đã hỗ trợ giảng viên trẻ Tô Thanh My - ủỷ viên BCH Đoàn trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức thấu hiểu sinh viên và có nhiều đổi mới trong phương pháp dạy học môn Chính trị. </strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tô Thanh My chọn ngành Triết học để theo đuổi suốt quãng đời sinh viên. Sự sôi nổi của công tác Đoàn – Hội đã thu hút chàng trai đất Mũi trở thành giảng viên kiêm hỗ trợ công tác Đoàn sau khi tốt nghiệp. Những điều đã học được khi hoạt động Đoàn chính là chìa khóa giúp anh luôn có những sáng kiến mới trong phương pháp giảng dạy sinh viên.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>“Nghề giáo quan trọng nhất ở lương tâm”</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Thanh My chính thức vào công tác tại trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức từ năm 2013 với cương vị giảng viên môn Chính trị. Giai đoạn từ năm 2013 – 2015 đối với Thanh My là bước đệm quan trọng cho những mục tiêu của anh. Lúc này, anh chưa vững về chuyên môn, vừa phải đi học và giữ chức vụ Chánh văn phòng Đoàn trường. Tất cả thời gian nghỉ giải lao trên lớp hay đi học, có lúc My phải chạy vội về văn phòng giải quyết công việc. Nhưng My tự động viên bản thân: “Hoạt động Đoàn cho mình rất nhiều thứ, chỉ có một thời gian ngắn khó khăn như vậy, mình không thể lơ là với công việc.”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đoàn trường giao cho anh nhiệm vụ hỗ trợ câu lạc bộ Lý luận trẻ của trường để tổ chức các hoạt động học thuật, sinh hoạt chính trị và lập đội tuyển đi thi “Tầm nhìn thế kỉ” và “Ánh sáng thời đại” cấp Thành hàng năm. Kinh nghiệm tổ chức hoạt động học thuật và chính trị ở khoa Triết, My đã có nên anh dựa vào lợi thế này để thể hiện bản thân. Cũng chính nhờ vừa giảng dạy vừa hoạt động phong trào cùng sinh viên mà Thanh My hiểu rõ sinh viên hơn và thiết kế phương pháp dạy thật tốt.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Những ngày đầu đứng lớp đối với My chưa có gì đột phá. Anh nhận thấy rõ điều này qua phản ứng của sinh viên trên lớp. Giảng viên trẻ lúc này rất trăn trở để làm sao giúp sinh viên tiếp thu một cách hào hứng môn Chính trị - môn học khô khan đối với sinh viên.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Công tác Đoàn ở trường đã giúp Thanh My tạo được uy tín với sinh viên và đồng thời cũng là nơi để anh củng cố thêm chuyên môn Chính trị của mình. Cũng từng là sinh viên và vẫn luôn đồng hành cùng sinh viên, Thanh My rất thấu hiểu mong muốn của sinh viên. Phương pháp dạy của anh là để sinh viên chủ động tìm hiểu kiến thức qua làm việc nhóm và được trình bày quan điểm trước lớp. Anh nhận thấy việc chia nhóm lớn 10 người thì xảy ra trường hợp có những bạn không có cơ hội tiếp cận kiến thức hay được trình bày quan điểm triệt để. Vì vậy, anh chỉ cho lớp mình chia thành nhóm nhỏ 4 – 5 người. Mỗi buổi học thường có 3 tiết, My cân đối như sau: 1 tiết dạy lý thuyết, 2 tiết còn lại dành cho các hoạt động của sinh viên. Các nhóm sẽ đăng kí đề tài thuyết trình tự do liên quan đến kiến thức bài học và tự chuẩn bị nội dung, phản biện lẫn nhau trong buổi học. “Mình cũng phải học từ sinh viên rất nhiều. Các bạn đăng kí đề tài không phải kiến thức nào mình cũng biết. Vì vậy mình phải lên mạng tự tìm hiểu để cùng thảo luận với sinh viên” – My tâm đắc.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Mặc dù việc chia nhóm nhỏ này khiến anh mất thời gian và công sức hơn rất nhiều vì sinh viên đến từ nhiều khoa. Song, Thanh My tâm niệm: nghề giáo quan trọng nhất ở lương tâm. My lý giải thêm: “Mình có thể đến dạy rồi ra về đúng giờ, nhưng mình quan niệm thầy giáo là người hướng dẫn chứ không phải áp đặt sinh viên. Học là sự chia sẻ kiến thức giữa thầy và trò. Vì vậy mình luôn cố gắng cải thiện chất lượng dạy – học của lớp”. Trong khi giảng dạy lý thuyết, Thanh My cố gắng liên hệ thực tế các vấn đề xã hội đang “nóng” để sinh viên hào hứng hơn và đưa ra ý kiến cá nhân. Chính lúc lên lớp dạy học, anh có dịp hỏi ý kiến sinh viên về các hoạt động phong trào của trường để đem về góp ý với Ban chấp hành và điều chỉnh.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/11/31627/MY3.JPG" style="height:400px; width:600px" /></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ngoài việc học cùng sinh viên, giảng viên trẻ còn đặc biệt quan tâm đến tâm lý sinh viên. Có lần, một sinh viên bỏ ra về ngay trong buổi học đầu vì không đồng ý với sự sắp xếp chia nhóm của anh. Thanh My lúc này cố gắng suy xét thật kĩ về hành động của mình trước chứ không phán xét sinh viên cá biệt. Thanh My cho rằng sinh viên này đang gặp vấn đề về tâm lý hoặc có chuyện không vui nên mới hành xử như vậy. My kể: “Lúc đó mình phải cố gắng kiềm chế bản thân. Vì nếu mình phản ứng gay gắt, sinh viên đó có thể bỏ cả môn học”. Anh cố gắng giải thích về ý tưởng chia nhóm của mình và nhờ bạn bè của sinh viên gửi lời đến bạn. Buổi học tiếp theo, sinh viên này đã trở lại lớp và trình bày rõ ràng lý do.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Với danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu”, Tô Thanh My cho rằng còn rất nhiều nhà giáo thầm lặng khác rất xứng đáng. Tuy nhiên, danh hiệu này là một động lực để anh và nhiều nhà giáo trẻ khác nỗ lực hoàn thiện bản thân hơn. Từ danh hiệu này, Thanh My hăng hái tham gia các hoạt động thể thao, nghiên cứu khoa học. Sức trẻ và những trăn trở về công tác thanh niên đã trở thành đề tài nghiên cứu khoa học của anh. Những nỗ lực ở cương vị giảng viên trẻ kiêm công tác Đoàn cũng đã giúp Tô Thanh My đạt danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác cấp Thành năm 2018.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Công tác Đoàn dẫn lối </strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Từ những năm cấp 3, Thanh My đã tham gia công tác Đoàn và là bí thư chi đoàn. Trở thành sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - khoa Triết học, niềm đam mê hoạt động Đoàn thôi thúc anh tiếp tục cống hiến cho Chi đoàn lớp, Đoàn khoa. Thanh My thường xuyên tham gia các hoạt động Đoàn - Hội, hoạt động tình nguyện tại câu lạc bộ Công tác xã hội Nhân ái. Nhờ sự năng nổ, sức trẻ của mình, anh được nhiều người biết đến hơn. Hai năm liên tiếp, Tô Thanh My giữ chức vụ Liên chi hội trưởng và tổ chức nhiều hoạt động phong trào cho khoa và hỗ trợ Ban chấp hành Đoàn trường.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Có khoảng thời gian anh rất khó khăn phải cân bằng giữa việc tham gia phong trào và học tập. Tuy nhiên, Thanh My nhận thấy công tác Đoàn đã giúp anh học được nhiều kĩ năng và có thêm nhiều trải nghiệm thú vị nên đã lấy đó làm động lực thúc đẩy bản thân học hành thật chăm chỉ. “Khi đó mình ở khu ký túc Đại học quốc gia. Học ở cơ sở Thủ Đức xong là mình đi xe buýt lên cơ sở ở Quận 1 để họp các hoạt động rồi vội vã bắt chuyến xe cuối về lại KTX.” – My nhớ lại. Hầu như anh không có thời gian dành cho bản thân. Nhưng My cho rằng, khi tham gia hoạt động phong trào cũng là khi anh được vui chơi, kết thêm nhiều bạn mới. Chính những người bạn này cũng là chìa khóa để anh học hỏi những phương pháp học tập hiệu quả.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cứ đi học rồi lại đi họp, tham gia hoạt động, chàng sinh viên khoa Triết đã gặt hái quả ngọt ghi nhận nỗ lực suốt quãng đời sinh viên ấy bằng danh hiệu “Sinh viên 5 tốt Đại học quốc gia 2013”, tốt nghiệp loại Giỏi và kết nạp Đảng cùng năm này.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tốt nghiệp với tấm bằng giỏi,Tô Thanh My đã chuẩn bị hết các kĩ năng cần thiết khi đi xin việc. Anh có ý định sẽ về quê để xin làm ở các cơ quan hành chính. </span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trong lúc chưa có cơ hội nào, My được một giảng viên ở khoa giới thiệu vị trí giảng dạy kiêm hoạt động Đoàn ở Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức. </span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đề nghị này đến từ một người bạn của cô và cô đề xuất Thanh My thử sức. Thanh My suy nghĩ về kiến thức chuyên môn bản thân cũng có nền tảng và kinh nghiệm công tác Đoàn thì dày dạn. Anh quyết định nhận việc và trở thành một giảng viên thỉnh giảng, công tác Đoàn tại trường. Một lần nữa, công tác Đoàn lại dẫn lối anh tìm thấy đúng vị trí của mình ở Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, và gắn bó cho đến tận hôm nay.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>YẾN NHI</strong></span></span></p>
</body></html>