<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/11/31628/LNT3.jpg" style="height:429px; width:600px" /></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong> “Qúa trình dạy dỗ các em, cùng các em lớn lên về kiến thức, tâm hồn cũng chính là quá trình mà tôi đang “tự mình trưởng thành” – là phương châm giáo dục của thầy giáo trẻ Lê Ngọc Tâm - giáo viên trường tiểu học Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) đã nhiều năm liền đạt những giải thưởng cao quý của nhà giáo. </strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Nghề Sư phạm là mối duyên lành</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Chia sẻ về cái duyên đến với nghề giáo, thầy giáo Lê Ngọc Tâm chia sẻ rằng đến bây giờ thầy vẫn luôn giữ hình ảnh tốt đẹp về những thầy cô đã dạy dỗ mình trong suốt năm tháng cắp sách đến trường. Đó là những người chèo đò suốt một đời tận tụy, yêu thương bên trang giáo án, phấn trắng và bảng đen. “Lần nào nhắc về thầy cô giáo cũ của mình, tôi cũng nhớ đến hình ảnh của người thầy giáo trong bài hát Người thầy. Điều này đã thôi thúc tôi trở thành nhà giáo.” – thầy Tâm chia sẻ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tài năng và lao động thật cần thiết, nhưng chỉ là điều kiện cần, phải thêm cái duyên nữa mới thành điều kiện đủ. Con đường đến với bục giảng của thầy Lê Ngọc Tâm cũng là con đường như thế. Đam mê nghề giáo nhưng tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, 4 năm trên giảng đường đại học và hơn 1 năm làm việc cho một doanh nghiệp tưởng chừng những thuật toán, lập trình đã làm quên đi giấc mơ được đứng trên bục giảng của chàng trai trẻ thuở nào. Thế nhưng đam mê và ước mơ nghề vẫn như ngọn lửa âm ỉ và chỉ chờ có ngọn gió thổi bùng lên.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Vốn có người bạn thân làm nghề giáo viên, qua những cuộc trò chuyện, những gì mà người bạn của mình thổi hồn vào, ước mơ làm nghề “gõ đầu trẻ” một lần nữa trỗi dậy. Và thế là chàng trai công nghệ thông tin quyết tâm đi học thêm nghiệp vụ sư phạm để đủ tiêu chuẩn ứng tuyển làm giáo viên Tin học. Sau khi nhận bằng Sư phạm, trúng tuyển, thầy Tâm được phân công về trường tiểu học Lê Văn Lương nhận công tác. </span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Thấm thoắt đã 7 năm làm công tác giảng dạy, được tiếp xúc với trẻ, dạy trẻ học từng con chữ, thầy Tâm đã không hối hận với quyết định rẽ lối sáng ngang từ Công nghệ thông tin sang nghề gieo chữ trồng người. “Mỗi nghề là một trải nghiệm, tôi không quay lưng với nghề cũ, nhưng đối với con đường mà tôi đang bước hôm nay thật sự hạnh phúc. Yêu biết mấy những ánh mắt, nụ cười kể cả tinh thần ham học hỏi của các em. Cũng từ nghề, tôi học ở các em, các đồng nghiệp bao nhiêu điều”.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Thầy giáo – Thầy Tổng Phụ trách thương học trò</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Hơn 7 năm gắn bó trong nghề, cuốn nh</span>ậ<span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">t kí của thầy giáo trẻ hẳn sẽ có không biết bao nhiêu là kỉ niệm. Vui có, buồn cũng có nhưng có một điều không bao giờ thay đổi là lửa nghề trong người thầy trẻ không bao giờ tắt. Ý thức, trách nhiệm lớn về nghề chèo đò cao quý, thầy Ngọc Tâm vẫn luôn nhắc nhở mình phải làm sao để đưa con chữ đến gần với các em, để những ngưỡng cửa, chân trời ước mơ trước mắt các em sẽ luôn luôn rộng mở và xa hơn. Không chỉ là điểm số của học sinh, không chỉ là những nhân tài trong tương lai, kết quả cuối cùng và trên hết của nghề giáo phải là đào tạo học sinh nên người.”</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/11/31628/Le%20Ngoc%20Tam%20-%20Huyen%20Nha%20Be%20(3).jpg" style="height:450px; width:600px" /></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Công tác sư phạm không phải bao giờ là dễ dàng. Bên cạnh việc đứng lớp, giảng dạy môn Tin học ở vị trí Tổng phụ trách Đội có tính đặc thù cao, đòi hỏi thầy không những về kĩ năng nghiệp vụ mà còn về năng lực và kinh nghiệm thực tế. Mỗi thế hệ học trò thầy Tâm dẫn dắt là mỗi một câu chuyện, hoàn cảnh riêng mà ở đó, tâm huyết và tình thương của thầy giáo trẻ phải được đặt lên trên hết. </span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Huyện Nhà Bè thuộc huyện ngoại thành, vì cuộc sống nơi đây còn nhiều khó khăn, các em học trò ít có điều kiện tiếp xúc với công nghệ thông tin còn hạn chế. Thời gian học trên lớp của các em cũng chiếm khá nhiều, từ đó việc tham gia các phong trào Đội, hoạt động ngoại khóa cũng bị ảnh hưởng. Với thầy, khi học trò mình có hoàn cảnh đặc biệt như vậy thì thầy không chỉ là người thầy dạy chữ, dạy dỗ các em mà thầy còn phải còn phải tự nhắc nhở mình như là người bạn, người đồng hành luôn lắng nghe và thấu hiểu, để có thể nắm tay dẫn dắt các em đi qua những chặng đường khó khăn, bước những bước đi đầy tin cậy, gần gũi và ấm áp.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Niềm vui lớn nhất của thầy Tâm là khi được nhìn thấy ánh mắt háo hức tiếp thu bài vở của các em, những cánh tay phát biểu hay những hàng xếp hàng tập nghi thức Đội thẳng tắp, đều đặn… Thầy Tâm coi học trò như con của mình, nên sau những giờ đứng lớp tâm huyết là những buổi tối miệt mài tìm tòi, nghiên cứu ra những phương pháp dạy học thu hút, hiệu quả. Để các trò nhỏ của anh cảm thấy thích thú ở mỗi bài giảng, từ đó các em yêu thích việc học hơn. Không chỉ dừng lại ở đó, thầy còn phối hợp với nhà trường tổ chức cho các em những buổi ngoại khóa như “Du lịch học Sử”, trải nghiệm “Giá trị của lao động”, kĩ năng phòng tránh tai nạn thương tích hay thăm các gia đình chính sách,… để bên cạnh con chữ, tâm hồn và đạo đức của các em học trò cũng từ đó mà lớn lên.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Hết lòng hết sức cùng học sinh xây dựng tương lai</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Công việc vất vả và bận rộn như vậy, nhưng khi được hỏi thầy có bao giờ thầy cảm thấy mệt mỏi không, thầy Tâm chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ muốn bỏ cuộc hay hối hận khi chọn nghề này cả. Chính nụ cười, ánh mắt của các em luôn là động lực lớn thôi thúc tôi phải hoàn thành trách nhiệm cũng như nghĩa thiêng liêng của nghề cao quý này. Hơn nữa tôi vẫn nhận được sự giúp đỡ từ phía nhà trường, đồng nghiệp và cả gia đình ”. Có lẽ vì những tâm huyết và sự hi sinh trong nghề đáng trân trọng ấy mà cái tên Ngọc Tâm của thầy giáo trẻ luôn xuất hiện ở những giải thưởng cao quý như Giáo viên dạy giỏi cấp Tiểu học, Tổng phụ trách giỏi cụm Đông Nam Bộ, giải Nhất hội thi Olympic cánh én…</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Với những ai đã từng đi qua năm tháng đời mình bằng bảng đen phấn trắng, bằng giáo án và những trăn trở trường lớp thì hình ảnh những cô cậu học trò nhỏ là những nhớ thương khôn nguôi. Thương nhưng không đồng nghĩa với nuông chiều các em. Tình thương rõ ràng và đầy nguyên tắc”. Chắc rằng, ở cả vị trí dạy học và vị trí Tổng phụ trách Đội đã cho thầy Tâm quan niệm nghề như vậy. </span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Kỉ niệm đáng nhớ nhất của bản thân tôi trong 7 năm công tác vừa qua đó là năm học 2017-2018 liên đội có tổ chức thành lập một câu lạc bộ múa Lân tại nhà trường do tôi phụ trách với mục đích nhằm tạo không khí vui tươi và thu hút các em học sinh chưa tích cực đến với hoạt động này giúp các em tiếp cận nhiều hơn. Ngày 30 Tết âm lịch 2018, hình ảnh thầy và trò trong trang phục múa Lân dọc theo tuyến đường Lê Văn Lương, đến từng hộ gia đình để múa Lân xông đất, hình ảnh thầy và trò cùng sinh hoạt và cùng ăn, cùng hoạt động thiết nghĩ rất đặc biệt và ấn tượng mấy ai có được” là kỷ niệm mà thầy Tâm chia sẻ. </span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tài năng, lao động, duyên nghề đã đưa thầy Lê Ngọc Tâm từ chàng trai công nghệ thông tin trở thành người thầy đứng trên bục giảng. Nhưng để đứng được vị trí đó trong 7 năm qua và cả về sau này còn là tình yêu và nỗ lực vươn lên. Với những yêu và thương ấy, thầy giáo trẻ Lê Ngọc Tâm sẽ viết lên bao con chữ đẹp trên trang nhật ký làm nghề của mình.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>ÁI NHI</strong></span></span></p>
</body></html>