<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/11/31632/IMG_3016.JPG" style="height:400px; width:600px" /></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>PGS. TS Lê Huyền Ái Thúy</strong><strong> - Phó trưởng khoa Công nghệ sinh học, Đại học Mở TP. HCM</strong><strong> là </strong><strong>n</strong><strong>gười đã đồng hành cùng</strong><strong> Giải thưởng khoa học (GTKH)</strong><strong> Eureka</strong><strong> trong 10 năm trong nhiều vai trò khác nhau</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>“Tình bạn” 10 năm với </strong><strong>E</strong><strong>u</strong><strong>ré</strong><strong>ka</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Từng có một khoảng thời gian được đào tạo về công nghệ sinh học tại Đức và Nhật Bản cùng với kinh nghiệm gần 20 năm trên giảng đường, PGS. TS Lê Huyền Ái Thúy là một thành viên trong hội đồng khoa học của Giải thưởng khoa học Euréka nhiều năm liền.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Đến với Euréka từ 10 năm trước với vai trò là giảng viên hướng dẫn, cô và bạn sinh viên Hồ Bảo Khuyên đã xuất sắc đoạt giải Nhất với đề tài: “Khảo sát mức độ methyl hóa ở vùng promoter thuộc một số gen mã hóa cho các nhân tố điều chỉnh epigenic trên bệnh ung thư cổ tử cung”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Hướng nghiên cứu và phát hiện này gần như là tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu trên gen người bệnh với việc phân tích các vùng gen ung thư, tìm ra các phân tử có thể dùng làm biomarker (có thể hiểu là chất phát hiện sự bất thường sinh học), giúp chẩn đoán sớm bệnh ung thư cổ tử cung.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Cô tâm sự việc chọn đề tài đó là vô cùng táo bạo vì thời điểm trước năm 2010 các trường đại học chưa có nhiều điều kiện nghiên cứu như bây giờ, các các nhân tố điều chỉnh epigenic trên bệnh ung thư cổ tử cung rất hiếm. Sau một quá trình nghiên cứu khó khăn và thiếu thốn vật chất, đề tài đã được đánh giá cao từ hội đồng chấm giải và được công bố trên các tạp chí quốc tế ISI. Đề tài năm đó là một phần trong công trình nghiên cứu của cô đang thực hiện ở hiện tại.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Đạt được danh hiệu PGS. TS ở tuổi 40 và tham gia các Hội nghị Khoa học Công nghệ Sinh học ở nhiều nơi, cô Ái Thúy đã tích góp cho mình cả một gia tài các công trình nghiên cứu khoa học vô cùng lớn. Năm 2014, cô được mời tham gia làm thành viên của hội đồng khoa học của giải thưởng.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Mỗi năm đều có những đề tài hay, mới lạ nhưng phải xem lại cơ sở khoa và tính “mới” của nó. Theo cô,việc thuyết trình và vấn đápcủa thí sinh là điểm nhấn cho đề tài,có như vậy mới thể hiện rõ năng lực và sự quan tâm của sinh viên đối với đề tài mà bạn đó đang theo đuổi.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Với sinh viên, Euréka luôn có sức hấp dẫn</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Cô Thúy khẳng định Giải thưởng Eureka luôn có sức hấp dẫn với sinh viên và năm nào cũng có gần cả trăm đề tài nghiên cứu gửi đến tranh giải. Theo cô, điều khiến giải thưởng này trở nên thu hút các bạn trẻ đam mê sáng tạo khoa học vì đã tạo ra cơ hội cho các bạn giới thiệu công trình, sản phẩm khoa học của mình đến với các chuyên gia và đến với xã hội.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Bên cạnh đó, Éureka cũng có sự so sánh giữa các thí sinh, các vùng miền cũng như hướng đi của giảng viên hướng dẫn đề tài, tạo nên một cuộc cạnh tranh giữa các nhóm đề tài, cùng nhau đi tìm giải pháp khoa học tối ưu nhất.Cùng một chủ đề nghiên cứu, các bạn sinh viên sẽ có nhiều cơ sởđể so sánh, đối chiếu và phản biện lẫn nhau, từ đó rút ra được những kết luận và có thêm nhiều kiến thức mới cho cả sinh viên lẫn giảng viên. “Đó là điều mà Eureka đã làm được trong những năm qua.” – cô Thúy chia sẻ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Theo Euréka qua nhiều năm, cô Thúy nắm được vị trí và hướng thay đổi của các đề tài nghiên cứu khoa học. Đa phần các đề tài về nông nghiệp sẽ dễ dàng triển khai và ứng dụng nhiều hơn việc sử dụng các biện pháp y khoa trên cơ thể người.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Chia sẻ về 10 năm đồng hành cùng sân chơi khoa học dành cho sinh viên này, cô Thúy cho biết:“Hai mươi năm rồi mà vẫn duy trì giải thưởng chứng minh rằng Euréka có sức hút rất lớn đối với cộng đồng sinh viên nghiên cứu khoa học. Do đó được gắn bó với Euréka suốt 10 năm, mình xem đó là một phần việc mà mình phải làm trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy”.Cô tâm sự rằng cô vẫn tiếp tục tham gia nếu có điều kiện.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Theo cô, giá trị giải thưởng không lớn bằng việc các bạn sinh viên học hỏi được gì trong quá trình nghiên cứu. Cuộc thi là nơi giúp sinh viên luyện tập thành thục cách sử dụng tốt nguồn thông tin khổng lồ như hiện nay, tìm ra những điểm mới, biên tập những cái cũ để làm phần tổng quan cho đề tài của mình. Nhưng điều cốt lõi cho thành công của một đề tài vẫn là sự đam mê, trung thực và dựa trên những cơ sở khoa học nhất định.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">“Không có một cuộc khảo sát nào cho biết những giải thưởng năm đó đến bây giờ ra sao nhưng chắc chắn lộ trình của mình đang đi rất đúng hướng.Những bạn sinh viên đi đến vòng cuối cùng chính là những “hạt giống” sẽ “nảy mầm” và “sinh trưởng” tốt. Hơn hết, giải thưởng này chắn chắc sẽ còn tiếp tục!” – cô Thúy nhận định.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>ĐỨC DUY - NGỌC THẢO</strong></span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>CLB Truyền thông Trung tâm Phát triển KH&CN Trẻ</strong></span></span></p>
</body></html>