<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/11/31642/DSC_0081.JPG" style="height:400px; width:600px" /></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Thay vì làm bài kiểm tra lý thuyết trên giấy như phương pháp truyền thống, thầy giáo Vật Lý Trần Văn Hải - trường THPT Phú Hòa (huyện Củ Chi) đã hướng dẫn học trò chế tạo những món đồ chơi sáng tạo yêu thích dựa trên kiến thức vừa học.</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Thầy Trần Văn Hải là giáo viên môn Vật Lý, Bí thư Chi đoàn Giáo viên trường THPT Phú Hòa (huyện Củ Chi), đồng thời cũng là Thạc sỹ chuyên ngành Phương pháp giáo dục Vật Lý</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Chỉ mới có bốn năm đứng trên bục giảng, nhưng thầy được học sinh hết sức quý mến vì tính cách vui vẻ, hoạt náo trong giờ lên lớp, và còn vì phương pháp kiểm tra độc đáo: làm đồ chơi vật lý. </span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Thầy vừa được Thành Đoàn tuyên dương danh hiệu Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP. Hồ Chí Minh năm 2018.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Lớp học chế tạo vật dụng sáng tạo</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Bước vào phòng thí nghiệm bộ môn Vật Lý của trường THPT Phú Hòa, nhiều người vô cùng ấn tượng với một chiếc tủ lớn trưng bày rất nhiều mô hình đồ chơi máy bay, trực thăng, xe đua, xe hơi, tàu thủy, tên lửa nước, bàn bóng rổ mini ... Và sẽ bất ngờ hơn khi biết tất cả những món sản phẩm đó đều có thể lấy ra và sử dụng được chứ không chỉ để trưng bày cho đẹp. Nơi đó được các học sinh của trường đặt cho cái tên dí dỏm là "Cửa hàng sáng tạo của thầy Hải".</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/11/31642/DSC_0096.JPG" style="height:400px; width:600px" /></span><br />
<span style="font-size:12px"><em>Đồ chơi các loại trong chiếc tủ yêu thích của học sinh trường THPT Phú Hòa.</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Năm 2014, Trần Văn Hải tốt nghiệp ĐH Sư phạm và trở thành thầy giáo dạy Vật Lý, được phân công về giảng dạy tại trường THPT Phú Hòa (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi). </span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Là một thầy giáo trẻ, Hải luôn mang sẵn tinh thần đổi mới phương pháp giảng dạy, nhất là với môn Vật lý, một môn học có sự gắn bó khá mật thiết với đời sống. Sau năm đầu tiên làm que với bục giảng, qua những lần chấm bài thi và trò chuyện cùng các em học sinh, thầy Hải nhận ra học trò của mình cần một cách kiểm tra bài mới hơn, vì các em rất sợ và vô cùng "ngán" học thuộc lòng hàng chục lý thuyết, công thức toán. <em>"Các em đã phải học thuộc lòng Văn, Sử, Địa rồi, đến Vật lý cũng bắt học thuộc lòng thì làm khó học trò quá, vì điểm đầu vào của trường không cao nên không thể cái gì cũng bắt các em học bài</em>." - thầy giáo vật lý chia sẻ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Thời gian đó, phương pháp dạy học STEM (viết tắt tiếng Anh của: Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán) bắt đầu phát triển ở thành phố. Thầy Hải mạnh dạn đề xuất với ban giám hiệu thay đổi cách kiểm tra lý thuyết trên giấy truyền thống bằng một cách thức mới hơn, cho các em học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức đã học. Được lãnh đạo nhà trường chỉ đạo thực hiện ngay với bộ môn Vật lý, từ năm 2016 thầy đã biến những giờ kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết thành "Tiết học tư duy sáng tạo": chế tạo mô hình đồ chơi yêu thích bằng cách vận dụng những kiến thức vật lý.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Sau khi dạy đầy đủ kiến thức của bài học, thầy sẽ chia cả lớp thành nhiều nhóm 5 học sinh, sau đó sẽ dành hẳn một buổi để chiếu phim hướng dẫn cách lên ý tưởng, thiết kế, chế tạo ra một món đồ chơi mà các em thích và có khả năng làm được, đồng thời thầy cũng tự chế tạo sẵn một món đồ chơi để làm mẫu hướng dẫn trực quan cho cả lớp. Các nhóm được thầy cho một tuần lễ để đăng ký món đồ chơi sẽ làm, sau đó bắt tay vào thiết kế, tìm nguyên liệu, chế tạo, thử nghiệm và ghi hình lại toàn bộ quá trình thực hiện. Sau một tuần, bước vào tiết Vật lý thì lớp học đã trở thành một cửa hàng đồ chơi đúng nghĩa với vô số máy bay, xe đua, tàu thủy, bóng rổ, bóng bàn ... bày khắp phòng học.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"> Thầy Hải sẽ dựa vào các tiêu chí như mức độ thẩm mỹ, khả năng "chơi được" của món vật dụng độc đáo đó, khả năng thuyết trình của nhóm, ... để chấm điểm, và lấy điểm đó làm điểm kiểm tra chính thức.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/11/31642/DSC_0076.JPG" style="height:400px; width:600px" /></span><br />
<span style="font-size:12px"><em>Giờ Vật lý là giờ học vui nhất vì các em học sinh được đem đồ chơi tự chế đến lớp để thi thố với chúng bạn</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Mặc dù cách kiểm tra này khá mới, nhưng lại được học sinh ủng hộ hết mình. Các em được thỏa sức sáng tạo ra những chiếc xe lên dây cót bằng thun, những chiếc trực thăng quay cánh quạt bằng pin, lắp đặt mạch điện xoay chiều cho những chiếc xe đua. Ngày đem nộp sản phẩm cũng là ngày vui nhất, vì ngay sau khi thầy chấm điểm xong, cả lớp sẽ đem những món đồ ra chơi ngay lập tức. </span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Các em còn rủ thầy mở giải đua xe điện, đua xe dây cót, thi xem ai bắn bóng vào rổ nhiều hơn, thi xem trực thăng của ai quay cánh quạt đẹp hơn, ai bắn tên lửa nước xa hơn ... Thậm chí các em còn hào hứng với giờ học vật lý đến mức lúc nào cũng hỏi thầy bao giờ sẽ làm vật dụng sáng tạo nữa.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/11/31642/image4.jpeg" style="height:450px; width:600px" /></span><br />
<span style="font-size:12px"><em>Một tiết học vật lý ngoài trời biến thành "giải đua xe đồ chơi" vô cùng sôi động</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>"Học ra học, chơi ra chơi"</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Tuy được ban giám hiệu cho phép đổi mới cách thức kiểm tra theo phương pháp tư duy sáng tạo làm mô hình vật dụng sáng tạo cho học sinh, thầy Hải cũng cho biết vẫn luôn nhắc nhở các em không được ỷ lại vào những điểm số trong giờ kiểm tra của thầy mà bỏ học lý thuyết. Khi thi học kỳ, các em vẫn phải làm bài lý thuyết trên giấy, do đó mỗi học kỳ thầy chỉ tổ chức cho các em chế tạo vật dụng sáng tạo một lần để các em được thoải mái. Nhưng khi đã bước vào những giờ học lý thuyết, những tiết ôn tập, luyện thi, thầy đều bắt buộc cả lớp tập trung cho việc học. </span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Triết lý giáo dục của thầy là: "Học ra học, chơi ra chơi". Do đó, mặc dù được học sinh yêu thích vì thường đùa vui hài hước với lớp, nhưng thầy cũng cho không ít bạn chép phạt vì quên bài. </span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/11/31642/DSC_0090.JPG" style="height:400px; width:600px" /></span><br />
<span style="font-size:12px"><em>Thầy Hải thường xuyên tham gia các trò chơi của học sinh</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2018/11/31642/DSC_0082.JPG" style="height:400px; width:600px" /><br />
<span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:12px"><em>Những món đồ chơi do các em tự mày mò thiết kế, và tất cả đều chơi được chứ không chỉ để ngám cho vui</em></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Bạn Đặng Anh Khôi - học sinh lớp 11A2 chia sẻ: "<em>Học với thầy cực vui, nhưng vui có chừng, dừng đúng lúc, chứ vui quá mà quên học bài thì cũng chép phạt như thường." </em>Được học hai năm với thầy Hải, Khôi cũng biết chế tạo kha khá những món sản phẩm sáng tạo cho riêng mình, như tái chế những chai nhựa cũ thành xe đua, máy bay, hay biến giấy bìa cứng thành ô tô lên dây cót. Các bạn học sinh cho biết nhờ học với thầy mà giờ cũng tích lũy được một số kiến thức cơ bản về động lực học, mạch điện, ... nên khi làm bài thi học kỳ cũng không còn căng thẳng khi gặp những bài sơ đồ mạch điện như trước:.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Bên cạnh những giờ lên lớp, thầy Trần Văn Hải còn đi đầu trong công tác vận động các em học sinh đóng góp cho các hoạt động xã hội và phong trào tình nguyện tại địa phương. </span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Là Bí thư Chi đoàn Giáo viên của trường, thầy đã cùng học trò của mình làm nhiều hoạt động ý nghĩa như thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng tại xã Phú Hòa Đông, gây quỹ cho học sinh vượt khó, học giỏi, vận động các khối lớp tích cực tham gia Chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ cùng đoàn viên, thanh niên huyện Củ Chi. Riêng thầy, cứ mỗi mùa thi sắp đến, thầy lại tình nguyện giảng dạy cho các học sinh còn yếu môn vật lý của trường. </span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><strong>ĐỨC DUY</strong></span></p>
</body></html>