<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="margin-left:0cm; margin-right:0cm; text-align:justify"><span style="font-size:14px"><strong>Từ những làn điệu ngọt ngào, những câu vọng cổ mùi mẫn của con người vùng đất phương Nam hào hiệp, rất đậm chất nghĩa tình đến những trích đoạn cải lương mang âm hưởng lịch sử hào hùng và đầy xúc cảm </strong><strong>đã sống hàng thế kỷ đang được nâng niu qua tiếng đờn, giọng ca của những bạn trẻ tuổi đôi mươi</strong><strong> theo cách dạt dào tình cảm nhất.</strong></span></p>
<p style="margin-left:0cm; margin-right:0cm; text-align:center"><span style="font-size:14px"><strong><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2019/3/32112/Anh1.jpg" style="height:381px; width:600px" /></strong></span></p>
<p style="margin-left:0cm; margin-right:0cm; text-align:justify"><span style="font-size:14px"><strong>Chạm đến trái tim bạn trẻ</strong></span></p>
<p style="margin-left:0cm; margin-right:0cm; text-align:justify"><span style="font-size:14px">Tối 26.3, Đêm chung kết của <em>Liên hoan Vọng cổ, Trích đoạn cải lương và các ca khúc mang âm hưởng dân ca lần IV năm 2019 </em>đã khép lại thành công tốt đẹp với các tiết mục dự thi được đầu tư công phu và vô cùng đặc sắc.<strong> </strong></span></p>
<p style="margin-left:0cm; margin-right:0cm; text-align:justify"><span style="font-size:14px">Với chủ đề “Âm điệu quê hương”, liên hoan không chỉ là hội thi biểu diễn tài năng sân khấu, đó còn là nơi để những làn điệu quê hương được trau chuốt tỉ mỉ, được truyền tải theo cách nhẹ nhàng, gần gũi nhất đến với khán giả trẻ, góp phần đưa loại hình văn hóa truyền thống dân tộc vào giảng đường và đời sống thanh thiếu nhi thành phố.</span></p>
<p style="margin-left:0cm; margin-right:0cm; text-align:justify"><span style="font-size:14px">Bằng chứng là liên hoan năm nay đã thu hút gần 70 tiết mục dự thi đến từ 17 trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp Chuyên nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh ở bảng thi (vọng cổ, trích đoạn cải lương, các ca khúc mang âm hưởng Dân ca). </span></p>
<p style="margin-left:0cm; margin-right:0cm; text-align:justify"><span style="font-size:14px">Các bạn thí sinh đã mang tinh thần trẻ, năng lượng mới và sự chuẩn bị chu đáo nhất đến với ánh đèn sân khấu, "thổi hồn" vào từng tiết mục.</span></p>
<p style="margin-left:0cm; margin-right:0cm; text-align:center"><span style="font-size:14px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2019/3/32112/Anh2%20(1).jpg" style="height:679px; width:600px" /></span></p>
<p style="margin-left:0cm; margin-right:0cm; text-align:center"><span style="font-size:12px"><em>Bạn Trần Thảo Nguyên (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn) và bạn Lê Trung Hiếu (ĐH Bách Khoa) biểu diễn trong chương trình "Tuổi xanh tôi hát" tại phố đi bộ Nguyễn Huệ - Ảnh: NVCC</em></span></p>
<p style="margin-left:0cm; margin-right:0cm; text-align:justify"><span style="font-size:14px">Nhà thơ Thanh Thảo từng nhận định: “V<em>ọng cổ buồn, nhưng vọng cổ đi vào lòng người, thấm sâu lắm. Vọng cổ buồn nhưng không kéo con người xuống thấp, không làm con người rời rã. Một nỗi buồn thanh sạch, đầy chia sẻ</em>”. Hẳn đó cũng là một lý do để tiết mục “Giọt sữa cuối cùng” của bạn Trần Thảo Nguyên (Sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP. Hồ Chí Minh) đạt giải nhất ở bảng A – bảng Vọng cổ. Bài vọng cổ nói về tình mẫu tử thiêng liêng trước giây phút chị giao liên Nguyễn Thị Tư bị kẻ thù hành quyết tại vùng đất Vĩnh Hưng (tỉnh Bạc Liêu).</span></p>
<p style="margin-left:0cm; margin-right:0cm; text-align:justify"><span style="font-size:14px"><em>“Mình đam mê từ nhỏ nhưng mới chỉ bắt đầu hát vọng cổ từ đầu năm hai đại học khi tham gia Câu lạc bộ Giai điệu Phương Nam (Nhà Văn hóa Sinh viên TP. Hồ Chí Minh)".</em> Tại liên hoan, Nhà giáo ưu tú Diệu Đức - Nguyên Trưởng Khoa Kịch - Hát dân tộc trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh đã nói với mình: “Con gái ơi, sao con chưa có gia đình mà chọn hát bài này, rất khó hát và rất khó để diễn”.</span></p>
<p style="margin-left:0cm; margin-right:0cm; text-align:justify"><span style="font-size:14px"><em>“Nhưng khi đã bước lên sân khấu, cảm xúc mình cứ nức nở, tuôn trào theo từng câu hát. Mình cảm thấy khi đó mình mới chính là mình và theo đuổi được đam mê của bản thân.”</em>, Thảo Nguyên chia sẻ.</span></p>
<p style="margin-left:0cm; margin-right:0cm; text-align:justify"><span style="font-size:14px"><strong>Những rào cản hữu hình</strong></span></p>
<p style="margin-left:0cm; margin-right:0cm; text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2019/3/32112/cai-luong-sinh-vien-4-15399369574421061212746.jpg" style="height:382px; width:586px" /></p>
<div class="fancybox-title fancybox-title-outside-wrap" style="margin: 10px 0px 0px; padding: 0px 20px 0px 0px; border: 0px; font-variant-numeric: normal; font-variant-east-asian: normal; font-stretch: normal; font-size: 15px; line-height: 19px; font-family: Roboto, Helvetica, Arial, sans-serif; vertical-align: baseline; outline: 0px; position: relative; z-index: 8050; visibility: visible; width: auto; background-color: rgba(255, 255, 255, 0.95); left: 0px; opacity: 1; text-shadow: none !important; color: rgb(102, 102, 102) !important; text-align: center;"><em><span style="font-size:11px">Các bạn sinh viên còn học chơi cả nhạc cụ, đàn, sáo, nhị cho các buổi biểu diễn - Ảnh: Báo Tuổi Trẻ </span></em></div>
<p style="margin-left:0cm; margin-right:0cm; text-align:justify"><span style="font-size:14px">Phần lớn các khán giả trẻ thích những gì năng động, chân thực và gần gũi với cuộc sống. Giai điệu bắt tai, lời nhạc dễ thuộc chính là sợi dây kết nối quan trọng giữa âm nhạc và khán giả trẻ, nhất là đối với guồng quay xã hội đang ngày càng lớn, đòi hỏi những gì nhanh chóng và tốn ít thời gian nhất.“H<em>át vọng cổ thực sự rất khó, đòi hỏi người hát phải ngọt ngào, phải mùi mẫn. Tuy mình có khả năng nhưng cũng phải tập tành rất lâu để câu hát tròn vành rõ chữ. Chính vì khó hát theo, khó nhẩm lời nên lượng người nghe thể loại này cũng rất ít</em>”, Thảo Nguyên nhận định.</span></p>
<p style="margin-left:0cm; margin-right:0cm; text-align:justify"><span style="font-size:14px">Vẫn có những câu lạc bộ tập hợp những nhóm bạn trẻ yêu thích và muốn hát cải lương, vọng cổ hay đờn ca tài tử nhưng số lượng thực sự rất ít, môi trường để hoạt động cũng hạn chế. Chỉ có bạn trẻ mới lan tỏa được thông điệp và niềm đam mê một cách tốt nhất cho nhau nhưng với số lượng không nhiều để làm sống dậy dòng chảy vọng cổ, cải lương năm nào. Hơn thế nữa, những bài hát “triệu view” cùng với xu hướng mượn lời bài hát để giao tiếp và đăng lên mạng xã hội cũng đã phần nào lấy đi ít nhiều khán giả của dòng âm nhạc truyền thống. </span></p>
<p style="margin-left:0cm; margin-right:0cm; text-align:justify"><span style="font-size:14px">Bạn Cao Ngọc Minh Thư (Sinh viên Đại học Kinh tế - Luật TP. Hồ Chí Minh) rất ít khi nghe vọng cổ hay cải lương, đơn giản chỉ vì nội dung của chúng mang hơi hướng những nỗi buồn, những cuộc chia ly, có như vậy mới ra cái chất của âm nhạc truyền thống nhưng với giới trẻ thì lại thích những gì vui tươi, trẻ trung và sôi nổi. “Thực sự mình không thích hợp để nghe cải lương hay âm nhạc truyền thống, những giai điệu nhanh, hiện đại và vui tươi luôn lôi cuốn mình hơn cả.”, Thư nói.</span></p>
<p style="margin-left:0cm; margin-right:0cm; text-align:justify"><span style="font-size:14px">Còn bạn Lê Minh Tuấn (Sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh), chia sẻ <em>"cải lương, vọng cổ thực sự nếu muốn bảo tồn hay phát triển thì phải lắng nghe hơi thở của thời đại và phản án đời sống thanh thiếu nhi thành phố trong xu thế Cách mạng 4.0". </em></span></p>
<p style="margin-left:0cm; margin-right:0cm; text-align:justify"><span style="font-size:14px">Chính vì khán giả trẻ chỉ biết đến cải lương qua những bài ca buồn, ít khi biết về những bài tân cổ giao duyên với màn đối đáp vui tươi, hài hước hay những bài dân ca miền Tây thấm đẫm chất tình, chất mộc mạc dân dã. Vô tình, chính các bạn trẻ tự tạo ra rào cản cho mình trước những cơ hội thưởng thức cái hay của âm nhạc truyền thống.</span></p>
<p style="margin-left:0cm; margin-right:0cm; text-align:justify"><span style="font-size:14px">Nhìn lại, những bài nhạc trẻ thịnh hành một thời gian rồi cũng bị cho vào quên lãng, các bài hát đứng đầu các bảng xếp hạng âm nhạc vẫn thay đổi mỗi ngày. </span><span style="font-size:14px">Những câu hò - xự - xang - xê - cống… có tuổi đời cả thế kỷ ấy, tưởng chừng chỉ còn sức hút với những người lớn tuổi, nhưng giữa thị trường nhạc trẻ sôi động của những MV ca nhạc, bài vọng cổ, câu hò, điệu lý như một mạch chảy ngầm dai dẳng, vẫn được nhiều bạn trẻ giữ gìn và theo đuổi bằng niềm đam mê.</span></p>
<div class="content " style="font-family: Arial, "Helvetica Neue", Helvetica, sans-serif; text-align: justify; box-sizing: border-box; line-height: 28px; color: rgb(0, 0, 0) !important; font-size: 16px !important;">
<div class="txtbox-content" style="box-sizing: border-box; max-width: 100%; width: 600px; margin: 10px auto; padding: 10px 15px; border: 2px solid rgb(112, 186, 61); background: rgb(237, 248, 230); border-radius: 10px;">
<p><span style="font-size:12px">Với dòng nhạc cải lương, vọng cổ có thể không thịnh hành, không còn thời hoàng kim nhưng khi nhắc đến, mỗi người đều có thể nhớ và gọi tên các tác phẩm đã trở thành kinh điển như: "Nhụy Kiều tướng quân", "Tình anh bán chiếu", "Lá sầu riêng", "Lý chim quyên", "Con gái của mẹ",... với dàn nghệ sĩ của thế hệ vàng, những tên tuổi kỳ cựu của sân khấu cải lương như: NSND Kim Cương, NSND Bạch Tuyết, NSND Ngọc Giàu, NSND Lệ Thủy, NSƯT Út Bạch Lan, NSƯT Kim Tử Long,,… </span></p>
<p style="margin-left:0cm; margin-right:0cm; text-align:justify"><span style="font-size:12px">Đi qua hơn 100 năm, dòng nhạc cải lương, vọng cổ luôn đồng hành cùng sức sống dân tộc, là “vũ khí” cùng góp tiếng nói phản kháng các cuộc áp bức, đô hộ; là tiếng lòng khao khát hòa bình, độc lập, thể hiện tình yêu non nước của Nhân dân Việt Nam; đồng thời kêu gọi đoàn kết, giữ gìn, bảo vệ, phát huy nét đẹp ngàn đời của văn hóa dân tộc Việt Nam.</span></p>
</div>
</div>
<p style="margin-left:0cm; margin-right:0cm; text-align:right"><span style="font-size:14px"> <strong>NGỌC THẢO</strong></span></p>
</body></html>