<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><strong><span style="font-size:16px"> Làm sao có thể lưu giữ để các thế hệ sinh viên mai sau còn cơ hội đọc, biết về tổ chức của mình đã trở thành đề bài cho quá trình số hóa tư liệu truyền thống về phong trào HSSV TP.HCM.</span></strong></p>
<p style="text-align:center"><strong><span style="font-size:16px"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2020/1/33118/ba%20ma%20pt.jpg" style="height:375px; width:586px" /></span></strong></p>
<p style="text-align:center"><em>Ba phong trào HSSV Đặng Quốc Việt kể cho “những đứa con sinh viên hôm nay” nghe câu chuyện đấu tranh ngày hôm qua - Ảnh: Q.NG.</em></p>
<p style="text-align:center"> </p>
<p style="text-align:justify"><em><span style="font-size:16px">"Thực ra sách về phong trào HSSV Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM không thiếu, song chúng tôi tận dụng công nghệ, số hóa tư liệu để đưa truyền thống đến gần, cũng là để các bạn trẻ tiếp cận thông tin theo cách hiện đại hơn.</span></em></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:16px">Anh PHẠM KIỀU HƯNG (phó chủ tịch thường trực Hội Sinh viên VN TP.HCM)</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Từ những buổi đến thăm các ba má phong trào HSSV, với những câu chuyện lúc nhớ, khi quên vì ai cũng lớn tuổi, chưa kể số lượng ngày càng ít đi theo quy luật thời gian, các bạn sinh viên TP.HCM đã tìm cách số hóa các tư liệu này bằng hai công trình: cổng thông tin điện tử về ba má phong trào và biên niên sự kiện phong trào HSSV TP.HCM.</span></p>
<p style="text-align:justify"><strong><span style="font-size:16px">Đi thăm ba má</span></strong></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận ngày cuối tuần cuối năm 2019 bỗng chộn rộn hẳn. Căn nhà của ba phong trào Đặng Quốc Việt hôm nay nhộn nhịp hơn mọi ngày khi các bạn sinh viên các trường đại học Công nghiệp, Hoa Sen, Văn Hiến cùng đến thăm. </span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">"Ba chờ tụi bây sáng giờ đó, nôn nao lắm" - ba phong trào Đặng Quốc Việt cười tươi khi thấy các bạn cúi chào, bước vào nhà. Ba xuống bếp mang lên nào bánh, trái cây, nước uống cho mấy đứa.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Tai đã lãng, phải nói thật to ông mới nghe được nhưng trí nhớ còn tốt. Ông bắt đầu câu chuyện của những ngày trong bom đạn, khi đó ông làm giao liên, đưa đón nhiều cán bộ từ cứ (căn cứ) ra hoạt động. "Có lần đang họp ở cứ dưới Bến Tre, bất ngờ bị tấn công, ba chỉ kịp lôi chị Ba Định (nữ tướng Nguyễn Thị Định) rồi cõng chị chạy thục mạng tìm nơi ẩn nấp, may không ai bị sao" - ông nhớ lại.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Nói rồi ba lại đi vào phòng, lôi ra một xấp những bài thơ do mình sáng tác, tặng mỗi bạn một bài. Những câu thơ dung dị, đời thường, ông viết cho thời trai trẻ của mình, đọc lên vẫn thật ý nghĩa với những bạn trẻ hôm nay. Ba kêu các bạn hát, rồi ba hát lại cho các con nghe, lạc tông, trật nhịp mà vẫn thấy thân thương. </span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Bạn Thiên Anh (Trường ĐH Văn Hiến) ngạc nhiên khi biết số tuổi 92 của ba, càng ngạc nhiên hơn khi ba sống lạc quan, vui vẻ và rất tỉnh táo dặn các bạn: "Phải luôn cảnh giác trước sự nhìn ngó từ bên ngoài, dù đất nước đang sống những ngày hòa bình".</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Trong khi đó, má Nguyễn Thị Lang (quận 1) tuy vẫn khỏe và bề ngoài trẻ hơn nhiều so với tuổi 86 nhưng trí nhớ đã có phần giảm sút. Câu chuyện má kể là những mảng ký ức về một thời tranh đấu cho mục tiêu duy nhất: độc lập, tự do. Má làm giao liên, tham gia in ấn và truyền thông tin, đưa thư bí mật. Má được biết đến là người vận động nhiều tiểu thương nghỉ bán để dự đám tang anh Trần Văn Ơn, một cuộc biểu dương lực lượng rầm rộ.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Câu chuyện ngắt quãng, có lúc tạm dừng vì căn bệnh suyễn mãn tính không cho phép má kể nhiều hơn. "Tụi con phải học thật tốt, phải làm cho kinh tế giàu lên mới đủ mạnh để bảo vệ Tổ quốc, giữ từng tấc đất, tấc biển, hòn đảo cha ông đã để lại" - má Lang nói khi biết các bạn sinh viên đến thăm mình đang học Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.</span></p>
<p style="text-align:justify"><strong><span style="font-size:16px">Số hóa tư liệu</span></strong></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Những nam, nữ HSSV ngày ấy nay đã là cụ ông, cụ bà. Có người còn, người mất, dẫu gì cũng đã 70 năm. Đó là lý do cách đây một năm, từ ý tưởng của Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM, Hội Sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) thực hiện cổng thông tin điện tử dữ liệu về ba má phong trào HSSV TP.HCM, nhiều sinh viên các trường khác tập hợp tư liệu.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Cổng thông tin tại địa chỉ https://www.bamaphongtraohssv.vn hiện có hơn 250 dữ liệu về các ba má phong trào, là những câu chuyện truyền thống cùng gần 600 ảnh tư liệu và hoạt động của sinh viên TP hiện nay. Một số bài viết về các ba má phong trào được hiển thị cho bất cứ ai quan tâm đều có thể đọc.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Mới nhất, biên niên sự kiện truyền thống HSSV TP trực tuyến tại địa chỉ http://bienniensukien.hoisinhvientphcm.com đã ra mắt ngay trong đợt kỷ niệm 70 năm này. Đây là trang thông tin hệ thống hóa các cột mốc lịch sử, sự kiện quan trọng của phong trào HSSV TP, từ truyền thống đấu tranh đến xây dựng, phát triển đất nước hôm nay. </span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">"Hai trang cấp quyền cho sinh viên, các trường cập nhật, chia sẻ thông tin liên quan và sẽ qua bộ phận kiểm duyệt trước khi chính thức xuất hiện trên trang" - chánh văn phòng Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM Bùi Hữu Hồng Hải cho biết.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Phó chủ tịch thường trực Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM Phạm Kiều Hưng nói những thông tin này giúp các thế hệ HSSV TP hôm nay hiểu hơn về truyền thống, biết các sự kiện quan trọng, lịch sử đấu tranh hào hùng của bao thế hệ đi trước. </span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">"Với quyền cập nhật thông tin, chính mỗi bạn sẽ là đồng tác giả tạo ra và ghi lại lịch sử phong trào của mình trong hiện tại, tiếp nối thành tích đáng tự hào của bao thế hệ HSSV để cùng xây dựng và phát triển đất nước" - anh Hưng kỳ vọng.</span></p>
<p style="text-align:right"><strong><span style="font-size:16px">QUỐC NGUYÊN (Báo Tuổi Trẻ)</span></strong></p>
</body></html>