<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Căn cứ Núi Dinh – Huyền thoại và</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font color="#0000FF" face="Arial" style="font-size: 10pt"><b>
Căn cứ Núi Dinh – Huyền thoại và sự thật</b></font></p>
<div style="float: left; width: 159px; height: 29px">
<table border="1" width="100%" id="table1">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="can%20cu%20Nui%20Dinh.jpg" width="250" height="188"></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Căn cứ Núi Dinh,
từ lâu đã trở thành một địa chỉ rất đỗi thân quen với những cán bộ trẻ, đặc biệt
là cán bộ Thành Đoàn, nơi mà trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước Thành
Đoàn đã mởû nhiều lớp huấn luyện cán bộ hoạt động trong phong trào sinh viên,
học sinh và các đồng chí thuộc cánh vũ trang. Đây cũng là căn cứ bí mật để các
đồng chí cán bộ Thành Đoàn hoạt động công khai bị lộ rút về, chờ ổn định tình
hình rồi mới trở về nội thành hoạt động trở lại. Có những câu chuyện và con
người ở nơi đây đã góp phần tạo nên huyền thoại và sự thật về vùng “đất thiêng”
này.<br>
<br>
Vượt qua dốc núi cao 300 mét, những ngôi chùa lần lượt hiện ra: chùa Mẫu, chùa
Tổ, chùa Hang Mai, từng đám mây di chuyển liên tục kéo ánh mắt người đi tập
trung nhìn về dãy núi xanh nhấp nhô, ở phía xa xa một dòng thác tuôn nước trắng
xóa. Gió thổi lồng lộng trên đỉnh núi, những tàn cây bạch tùng cách nhau bởi
những gộp đá, một không gian hoang sơ và yên tĩnh, đây rồi căn cứ Núi Dinh, căn
cứ của Ban cán sự Học sinh khu Sài Gòn – Gia Định. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Núi Dinh, một
“Vùng đất thiêng”, gọi như thế bởi trước hết đây là căn cứ Thành Đoàn nằm trong
tấm lòng tận tụy hy sinh cao cả của đồng bào đùm bọc, che chở, chăm sóc. Đây
cũng là vùng đất linh hồn của tuổi trẻ thành phố, nơi các cơ quan lãnh đạo Thành
Đoàn truyền đạt đường lối, chủ trương của Đảng, lãnh đạo, chỉ đạo phong trào
thanh niên thành phố và cũng là nơi rèn luyện, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ phong
trào, là đầu mối giao liên đi về, nối liền phong trào với lãnh đạo như những
dòng máu chảy về tim. Căn cứ Thành Đoàn đã trở thành chỗ dựa và niềm tin của
thành phố từ đó.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Trong suốt hai
mươi năm đánh Mỹ, khi chiến tranh cục bộ còn chưa thật sự mở màn, căn cứ sâu
vùng núi Dinh liên tục mở nhiều lớp huấn luyện tập trung ngắn ngày và dài ngày.
Mỗi lớp có sức chứa trên dưới 50 – 60 học viên. Phần lớn những hoạt động cách
mạng diễn ra tại căn cứ trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, thiếu thốn. Tuy vậy,
những thử thách về vật chất đã không thể khuất phục được tinh thần lạc quan cách
mạng của các chiến sĩ và đồng bào yêu nước tại đây. Các anh chị em làm nhiệm vụ
liên lạc, phục vụ, bảo vệ, cấp dưỡng tại căn cứ cũng thường xuyên được lãnh đạo
Khu Đoàn giác ngộ, động viên về lòng yêu nước, chí căm thù giặc Mỹ và bè lũ tay
sai. Nhiều đồng chí đã từng rơi vào trận địa máy bay B52 Mỹ ném bom rải thảm
xuống căn cứ Núi Dinh. Không ít đồng chí, giao liên thường ngày phải đối mặt với
xe thiết giáp, máy bay trực thăng, với biệt kích quân Thái Lan – Úc – Đại Hàn mà
vẫn khôn khéo vượt qua mọi hiểm nguy.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Trong những ngày
lính Mỹ đốt cây làm sân bay trên đỉnh núi Dinh thì dưới chân núi, các lớp học
tập, huấn luyện của khu Đoàn vẫn diễn ra sôi nổi. Tinh thần cách mạng tại căn cứ
Núi Dinh luôn dâng cao như thách đố với những khó khăn, căng thẳng mà địch gây
ra, bất kể ngày đêm.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Với cường độ chiến
tranh ngày càng khốc liệt và dữ dội, buộc lãnh đạo Khu Đoàn phải ra quyết định
rời khỏi căn cứ Núi Dinh. Cả cơ quan gần như bị địch vây ép trên núi, trong
rừng. Một số đồng chí có điều kiện đã được giao liên công khai hoặc bí mật đưa
đi hợp pháp và bố trí nơi ở mới. Trên dưới 30 anh chị em còn lại sau cùng quyết
mở con đường máu để rút khỏi căn cứ. Trời vừa rạng sáng, khi toán mở đường xuống
núi, vừa đến cửa rừng đã bất ngờ rơi vào ổ phục kích của địch. Cuộc chiến không
cân sức diễn ra nhanh như chớp mắt.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Các đồng chí Lê
Văn Năm, Trần Văn Phen, Trần Hữu Minh đã anh dũng hy sinh. Lính biệt kích Đại
Hàn đem thi thể các đồng chí phơi trên bệ đá, canh giữ và mai phục tiếp. Nghe
tin dữ, các đồng chí lãnh đạo khu Đoàn cho lệnh thu dọn tài liệu nhanh chóng rồi
phân thành từng toán nhỏ luồn rừng, mở đường thoát vây. Trọn ngày hành quân
trong rừng, lội suối, tìm hướng cắt rừng, quên cả đói khát. Những tối không
trăng, các đồng chí bảo nhau tìm vỏ cây mục, buộc vào quai bồng đeo sau lưng để
đồng đội trông vào chất lân tinh phát quang, bám sát nhau hành quân để không bị
lạc.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Những tháng ngày
gian khổ ở Núi Dinh cũng chính là những tháng ngày ghi lại những kỷ niệm buồn
vui của những ai đã từng gắn một quãng đời mình với núi… Gặp lại những gương mặt
một thời gắn với Núi Dinh, điều đầu tiên mà những cán bộ trẻ cảm nhận được là
những bâng khuâng và niềm xúc động thật sự khi để lòng mình sống lại với những
khoảnh khắc, những kỷ niệm khó quên khi xưa… Vẫn còn đó dấu ấn khó phai về một
thời gian khổ, sẻ chia cho nhau từng bát cơm với khô đù hay muối hột nấu canh,
hay những món tự chế “đặc sản” của núi rừng hay những ngày tải gạo oằn lưng lên
núi, bên tai vẫn rõ mồn một tiếng súng đi càn… Thế nhưng những gian khổ ấy không
thể bào mòn ý chí của tuổi trẻ mà trái lại chúng còn được thi vị hóa bởi những
tâm hồn lạc quan, trong sáng, thấm đượm tình yêu quê hương xứ sở.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Núi Dinh, vùng đất
đã vừa chở che cho bao lớp học, bao tháng ngày nung nấu ý chí đấu tranh, vừa là
người bạn thiên nhiên tuyệt vời của những tâm hồn trẻ trung, trong sáng. Vẫn còn
đó trong tiềm thức các cô, các chú hình ảnh dòng thác tuyệt đẹp ở dốc Cổ Cò.
Dòng thác đẹp đến mức các đồng chí mỗi lần đi đâu xa về cũng cố lên đến dốc Cổ
Cò mới dỡ cơm ra ăn, vừa ăn vừa ngắm thác và trò chuyện, quên hết mọi nhọc nhằn
và hiểm nguy…</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Những đêm trăng
sáng, đồi thông trên núi chính là điểm hẹn lý tưởng để những chàng trai xa nhà
hàn huyên, đàn hát, đọc thơ… Chính những phút giây lãng mạn ấy đã làm sâu đậm
thêm tình yêu quê hương đất nước và ý chí cách mạng kiên trung của tuổi trẻ.
Đồng chí Nguyễn Chơn Trung vì thế đã từng tâm sự với đồng đội tại Núi Dinh rất
đỗi chân tình: </font></p>
<p align="center">
<font face="Arial" style="font-size: 10pt; font-style: italic">Ta yêu quê hương
từ gốc cây ngọn cỏ<br>
Nếu Mỹ vào thì diệt tới cùng</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">Tình yêu quê hương
sâu đậm “từ gốc cây ngọn cỏ” đã tạo nên ý chí sắt thép và gương hy sinh anh dũng
của các anh Hai Tùng, Hai Sơn trong những ngày cuối cùng ở căn cứ Núi Dinh, đã
tiếp thêm sức mạnh cho các đồng chí của ta trong những đêm luốn rừng lách núi
tiếp tục tìm con đường tranh đấu vì một ngày mai độc lập, thống nhất nước nhà…</font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="can%20cu%20Nui%20Dinh2.jpg" width="350" height="197"></font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font color="#808080" face="Arial" size="2"><i>Bên ánh lửa trại...</i></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" style="font-size: 10pt">“Hò dô ta nào…”.
Tiếng hò reo rộn ràng theo từng bước chân cán bộ trẻ vượt qua từng dốc núi. Gió
thổi lồng lộng trên cao nghe như vỗ về những người con trở về thăm quê cũ. Nhìn
các cô chú cựu cán bộ Thành Đoàn ánh mắt nhìn xa xăm theo từng cảnh vật, có lẽ
từng khoảnh khắc, từng kỷ niệm về những đồng đội đồng chí lại ùa về với bao nỗi
nhớ thương da diết. Trải qua hai ngày Hội trại truyền thống thăm căn cứ Núi Dinh
vào ngày 26 và 27/01/2007 do Câu lạc bộ truyền thống Thành Đoàn, Đoàn cơ quan
phối hợp cùng Công Đoàn Khối các cơ quan Thành Đoàn tổ chức, hơn 70 Đoàn viên,
thanh niên cơ quan Thành Đoàn có dịp hiểu rõ hơn về truyền thống anh hùng của
đơn vị. Dưới ánh lửa trại từng gương mặt những cán bộ trẻ như bừng lên niềm tự
hào và dòng cảm xúc cứ lắng đọng dần theo những câu chuyện kể của chú Nguyễn
Chơn Trung, cô Trương Mỹ Lệ về những chiến tích quanh khu căn cứ này. Núi Dinh,
nơi hầu hết các đồng chí cán bộ lãnh đạo Thành Đoàn như Hồ Hảo Hớn – Hai Nghị (Bí
thư Thành Đoàn đầu tiên), đồng chí Phạm Chánh Trực – Năm Nghị, đồng chí Phan
Chánh Tâm – Ba Vạn, đồng chí Lê Mỹ Lệ – Năm Trang, đồng chí Nguyễn Chơn Trung –
Sáu Quang, đồng chí Trương Mỹ Lệ – Tư Liêm và nhiều đồng chí cán bộ Thành Đoàn
khác đều có thời gian công tác huấn luyện, học tập và sinh hoạt tại đây. Còn nhớ
năm 1966, địch phát hiện căn cứ, chúng huy động đông đảo lực lượng quân Mỹ, ngụy
và các nước chư hầu tấn công lên núi. Do lực lượng chủ yếu là các học viên về
tập huấn, trang bị vũ khí nhẹ, lực lượng mỏng do vậy để bảo toàn lực lượng, ta
chia thành hai cánh rút khỏi căn cứ đồng thời bố trí các chiến sĩ bảo vệ đánh
địch theo hai hướng. Trong cuộc rút quân chiến thuật này, 3 chiến sĩ Thành Đoàn
đã hy sinh (2 chiến sĩ hy sinh gần chùa Hang Mai, được sư phụ trụ trì an táng, 1
đồng chí hy sinh gần Cầu Sập cho đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Chúng tôi
kính cẩn đến thắp những nén hương trước bia tưởng niệm 3 liệt sĩ Thành Đoàn mà
cơ quan Thành Đoàn nhiều năm qua đã chỉnh trang, sửa chữa, trở thành địa chỉ đỏ
của Thành Đoàn. Tưởng nhớ người đã khuất, mỗi người chúng tôi lại trào dâng một
quyết tâm hãy sống, học tập và làm việc cho xứng danh là cán bộ trẻ, những lớp
kế thừa của thế hệ anh hùng. Xiết chặt tay nhau giữa trời giá lạnh nhưng lòng
chợt ấm lạ thường vì chúng tôi đã truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho nhau.</font></p>
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2">HỒ THỊ ĐAN THANH</font></b></p>
</body>
</html>