<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Giá trị tuổi trẻ nằm đâu, cách để đọc sách và tiếp thu hiệu quả, văn hóa ứng xử, học hỏi kĩ năng từ sách có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống và làm việc… là những nội dung cơ bản trong tọa đàm “Giá trị của tuổi trẻ”. Buổi tọa đàm nhận được sự tham gia của đông đảo các bạn đoàn viên, thanh niên và là cơ hội để khán giả trao đổi trực tiếp những thắc mắc với các vị diễn giả từ chương trình.</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Chương trình tọa đàm “Giá trị của tuổi trẻ” do Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh tổ chức sáng 28/3 vừa qua tại Nhà văn hóa Thanh niên (Số 4, Phạm Ngọc Thạch, Phường Bến Nghé, Quận 1) với thông điệp “Thế hệ mới - Kết nối và Chia sẻ”.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="Từ phải qua: diễn giả Nguyễn Thành Nam, diễn giả Hoàng Minh Thông, diễn giả Phương Huyền giao lưu, kết nối và chia sẻ sách với bạn trẻ. Ảnh: Trần Đào" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2021/3/34212/h%C3%ACnh%201.3.jpg" style="height:445px; width:600px" /></span></span></p>
<p style="text-align:center"><em><span style="font-size:12px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Hình 1: </span>Từ phải qua: diễn giả Nguyễn Thành Nam, diễn giả Hoàng Minh Thông, diễn giả Phương Huyền giao lưu, kết nối và chia sẻ sách với bạn trẻ. Ảnh: Trần Đào</span></em></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>“Đọc, rồi quên, rồi đọc”</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Mở đầu buổi tọa đàm “Giá trị của tuổi trẻ”, diễn giả Nguyễn Thành Nam - Phó giám đốc, Tổng biên tập công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Trẻ cho rằng không phải cầm quyển sách kỹ năng lên và đọc mới gọi là đọc sách. Đọc sách có nhiều cách và nhiều kiểu đọc. Đọc truyện tranh hay nghe audio vẫn được gọi là đọc sách.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"> Theo ông, cuộc đời mỗi người sẽ đọc rất nhiều và ấn tượng với khoảng 30 cuốn sách và hơn thế. Sách khi đọc xong có thể quên đi ngay sau đó. Chẳng hạn, đọc <em>Quà tặng cuộc sống,</em> lượng kiến thức đó không hẳn mất đi mà chỉ tạm “ẩn” đi. Nếu xuất hiện tình huống tương tự, bản thân không còn bối rối tìm hướng giải quyết. Với những trải nghiệm như vậy, cá nhân mỗi người sẽ thích thú và tiếp tục tìm đến sách như một nguồn tri thức vô tận để đọc, để quên và đọc nữa.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Từ kinh nghiệm bản thân, diễn giả Hoàng Minh Thông - Giám đốc học thuật EdSpace, Learn With Tom Ltd chia sẻ: “Đọc sách cũng cần có thói quen, tạo cho bản thân một mục đọc khoảng bao nhiêu cuốn sách trong tuần. Hoặc mỗi ngày dành một khoảng thời gian rỗi cho việc đọc sách”. Theo diễn giả, cơ hội để đọc sách là do bản thân tạo ra. Nó cũng phụ thuộc nhiều vào sở thích và thói quen, coi đọc sách là một phần của giải trí, niềm vui… Có thể đó là những câu chuyện cuộc sống, chỉ mô tả những chi tiết khá nhỏ trong cuộc sống hàng ngày mà ta không để ý đến. Có thể đó là sách tìm hiểu kỹ năng giúp chúng ta chạm tới ngưỡng nào đó.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="Hình 2: Phần giao lưu: bạn trẻ trao đổi trực tiếp những thắc mắt đến các vị diễn giả. Ảnh: Hữu An" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2021/3/34212/h%C3%ACnh%203.3.jpg" style="height:444px; width:600px" /></span></span></p>
<p style="text-align:center"><em><span style="font-size:12px">Hình 2: Phần giao lưu: bạn trẻ trao đổi trực tiếp những thắc mắt đến các vị diễn giả. Ảnh: Hữu An</span></em></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Giải đáp thắc mắc làm sao để tạo thói quen đọc những quyển sách mà bản thân không thích - Câu hỏi được các bạn trẻ quan tâm nhiều nhất trong buổi tọa đàm, diễn giả Hoàng Minh Thông chia sẻ rằng trước khi tiếp xúc và dành thời gian cho sách, cá nhân nên đặt ra hai câu hỏi: mình đang quan tâm vấn đề gì và muốn tìm câu trả lời gì từ quyển sách này. Hơn nữa, mỗi người chúng ta cần biết cách tiếp thu kiến thức từ sách như thế nào cho hợp lý. Tùy theo mục đích nghiên cứu, não của chúng ta sẽ tập trung và nhìn nhận, đánh giá, nhận xét để lựa chọn cách tiếp cận nội dung.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Người khác làm được thì mình làm được</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Là một nhà văn, phóng viên, biên tập viên Đài tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, diễn giả Phương Huyền tiếp xúc và gặp gỡ với nhiều nhân vật. Từ đó, chị học hỏi từ thực tế, từ chính nhân vật của mình. Với chị đọc sách và học hỏi từ thực tế như một sợi dây gắn kết.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Đó là quá trình cố gắng phấn đấu, kiên trì. Và tuổi trẻ là để thể hiện chính mình bằng hành trình chinh phục bản thân. Đôi lúc mình tạo ra may mắn bằng kế hoạch, mục tiêu. Đôi lúc mình phải đối mặt với khó khăn, sợ và khóc một mình. Vậy hãy khuyên nhủ bản thân rằng người khác làm được thì mình làm được như nhân vật chính quyển hồi kí <em>Trái tim của thép”</em>, diễn giả bộc bạch.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Câu chuyện đọc sách cũng vậy, trước hết phải ấn tượng hoặc dễ hiểu; là điều mình đang tìm kiếm hoặc tác giả đang nói những điều cá nhân chưa bao giờ biết nó tồn tại. Đọc sách để trưởng thành. Đọc sách để kết nối các thế hệ với nhau. Đối với diễn giả Hoàng Minh Thông, bài học từ cuốn sách <em>Tự học</em> đã giúp ích nhiều trong định hướng bản thân. “Những gì tôi từng được học sẽ nhanh chóng lỗi thời và biến mất. Những gì tôi có thể làm trong công việc của tôi, hầu hết đều đến từ việc tự học. Trong thời đại công nghệ, mọi thứ thay đổi trong chớp mắt. Việc tự học là cần thiết và luôn sẵn sàng trong tư thế là một người còn thiếu sót, luôn tìm kiếm cơ hội để có thể học”, diễn giả Minh Thông chia sẻ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Tuy nhiên, với khoảng cách thế hệ, liệu những cuốn sách từ các thập niên trước có dễ đọc, dễ hiểu? Tìm và hiểu sách giống như quá trình xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, trước hết phải hiểu nhau. Từ kinh nghiệm bản thân, diễn giả Hoàng Minh Thông cho rằng chuyện kết nối giữa các thế hệ đồng dạng với nhau, chỉ có ngôn ngữ thể hiện ra ngoài dị biệt. Nếu nghiền ngẫm và hiểu những gì sách viết, có thể nói đó là một sự thành công trong rút ngắn khoảng cách.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><strong><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">TRẦN ĐÀO</span></span></strong></p>
</body></html>