<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Bài dự thi</title>
</head>
<body>
<p align="justify"><span id="PageContent_News_NewsDetail"><font face="Arial"><b>
<span style="font-size: 10pt">Bài dự thi “Gương sáng sinh viên thành phố anh
hùng”</span></b></font></span></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Con đường</font></b></p>
<div style="float: right; width: 216px; height: 54px">
<table border="1" width="100%" id="table1">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="CON%20DUONG.jpg" width="243" height="183"></font></td>
</tr>
<tr>
<td align="center">
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2" color="#808080"><i>Phan Mạnh Tân (</i><em>phải</em><i>)
và bạn bè - </i></font></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Ảnh: TTO</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ai đó đã từng nói: “Nơi nào có ý
chí, nơi đó có con đường” và tôi biết con đường đi qua số phận trên chính đôi
chân mình không phải là con đường duy nhất.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngày ấy, nơi giảng đường đại học,
trong vô vàn những bước chân thoăn thoắt, tôi chợt nhận ra có những bước chân
rất khác lạ: từng bước, từng bước khập khiễng, người ấy cùng với cây nạng gỗ của
mình đang cố len lỏi qua dòng người để kịp giờ vào lớp. Đó là người bạn đặc biệt
nhất của lớp tôi. Lúc bấy giờ, tôi lại có cái suy nghĩ là sẽ giúp người ấy học
tập và làm những việc mà sự khiếm khuyết cơ thể không cho phép người ấy làm được.
Nhưng tôi đã lầm. 3 năm trôi qua, cái suy nghĩ ngây ngô ấy bị phá vỡ hoàn toàn
bởi những gì người ấy làm, những gì người ấy đạt và cái nghị lực, ôi cái nghị
lực phi thường mà mỗi khi nghĩ đến tôi thấy mình thật nhỏ bé và tự cười cho sự
trẻ thơ của mình nữa chứ.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ bây giờ, trong bài viết này
tôi muốn xóa bỏ khoảng cách giữa một người lành lặn với một người khuyết tật,
tôi muốn kể về người ấy như một sinh viên bình thường. Sẽ không phải là câu
chuyện của một người vượt ba tầng lầu với cây nạng gỗ của mình để đến lớp, cũng
không phải là câu chuyện của một sinh viên dù mưa hay nắng cũng không nghỉ một
tiết học nào. Lặng lẽ, từng ngày, từng ngày người ấy đã chứng tỏ với chúng tôi
rằng “Tôi cũng giống như các bạn”. Và cho đến bây giờ, dù âm thầm nhưng chúng
tôi cũng tự hiểu người ấy hơn chúng tôi rất nhiều. Không chấp nhận những gì số
phận đã an bày, người ấy đã cùng với những sinh viên đồng cảnh ngộ tham gia nhóm
Đồng hành (thuộc Trung tâm Công tác Xã hội và Phát triển Cộng đồng trường ĐH
KHXH&NV), tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ giao lưu với các bạn khuyết
tật trong và ngoài trường. Tự thân vận động, không chờ vào sự hỗ trợ của xã hội,
người ấy và các bạn trong nhóm đã lập hẳn một quầy sách báo ngay tại cổng trường,
vừa đáp ứng nhu cầu của sinh viên vừa tạo nguồn kinh phí hoạt động cho nhóm.
Người ấy giữ nhiệm vụ vận chuyển báo chí. Cứ thế, 5 giờ sáng mỗi ngày, trên
chiếc chaly ba bánh của mình, người ấy lại nhận báo từ trung tâm phát hành chở
xuống trường ĐH KHXH&NV cơ sở Thủ Đức rồi lại tức tốc chạy về cơ sở Đinh Tiên
Hoàng để kịp giờ tiết học đầu tiên. Một ngày bắt đầu như thế và sẽ kết thúc sau
khi người ấy hoàn thành xong công việc quản trị trang web “Người khuyết tật Việt
Nam”. Gọi đó là những công việc tình nguyện vì bạn bè và vì chính bản thân mình,
người ấy đã cười thật tươi khi có ai đó hỏi “Tại sao lại phải vất vả như vậy”.
Nụ cười từ đôi mắt sáng mà không cần lời đáp chúng tôi cũng cảm nhận được sự
chân thành, lòng nhiệt huyết và cả niềm hạnh phúc của một người biết mình vẫn
còn có ích cho đời. Luôn nhìn cuộc sống bằng một màu hồng, luôn mỉm cười dí dỏm
khi nói về những điều khác biệt của bản thân với mọi người, cả về đôi nạng gỗ
qua lời giới thiệu của người ấy cũng ý nghĩa biết bao: đó là một người bạn, có
thêm một người bạn bên cạnh thì sẽ vững chãi hơn nhiều!</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Mặt trời lên rồi mặt trời lặn, đi
qua một ngày, mặt trời để lại những vết nám đen hay nét rạng rỡ trên mặt người
thì phải hỏi cách người đó đón nhận ánh nắng như thế nào. Nhân vật trong bài
viết của tôi không cúi gầm mặt bước đi, không trốn tránh những ánh mắt thương
hại của người đời mà ngẩng cao đầu đón nhận tất cả. Người ấy đã từng nói phải
đón nhận tất cả để có thể làm được tất cả, điều đó giúp mình lớn lên. Từng vệt
sáng rực rỡ được người ấy góp nhặt từng ngày. Đó là vệt sáng nồng cháy của thái
độ học tập nhiệt tình, tích cực. Dường như trong tất cả những buổi thảo luận môn
học (đặc biệt là các môn Triết, Xã hội học, Tâm lý học…) người ấy luôn khơi gợi,
mở đầu và đưa ra những ví dụ chứng minh rất thực tế để bảo vệ cho luận cứ của
mình. Đó là vệt sáng ấm áp của sự sẻ chia khi người ấy an ủi, giúp đỡ chúng tôi
vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Đó là vệt sáng tự tin của một thí sinh
khi đứng trước ống kính tham gia cuộc thi “Hành trình văn hóa” do Đài truyền
hình Việt Nam tổ chức. Dù không đoạt giải ở vòng thi cuối cùng nhưng khán giả
vẫn ấn tượng mãi với nụ cười thật tươi và những câu trả lời dí dỏm tự tin mà
người ấy mang đến chương trình. Và cuối cùng đó là vệt sáng rực rỡ của một con
người có tài và có tâm khi người ấy đã xuất sắc dành giải Nhất trong cuộc thi
“Cửa sổ tâm hồn” do Báo Tuổi Trẻ tổ chức. Tác phẩm mang tựa đề “Cái chân giả” là
câu chuyện kể về chính cuộc đời của tác giả, một câu chuyện không hề giấu giếm,
nó chỉ thực như chính con người và nét suy nghĩ của người ấy vậy. Tôi nhớ trong
lời kết của câu chuyện, người ấy đã viết thế này : “Cái chân giả, nếu có tình
yêu thì cũng là một cái chân thật”, đó có phải là một triết lý hay đơn giản chỉ
là một niềm tin để giúp người ta vượt qua những “cái ghềnh” khấp khểnh của đường
đời? </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tôi sẽ kết thúc bài viết của mình
ở đây nhưng nhân vật của tôi thì vẫn tiếp tục bước đi trên con đường mình đã
chọn. Những câu chữ sẽ thôi tuôn chảy cảm xúc và tình thương mến dành cho nhân
vật đẹp đẽ này nhưng điều đó chẳng là gì khi bài học tuyệt vời về tình yêu cuộc
sống tôi nhận được từ người ấy còn quý giá hơn gấp trăm vạn lần những lời ngợi
ca này. “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường” và tôi biết con đường mà bạn
Phan Mạnh Tân, sinh viên năm III khoa Ngữ văn và Báo chí trường ĐH KHXH&NV –
nhân vật chính của câu chuyện này- đang bước đi là con đường lựa chọn duy nhất
của tất cả những ai dám vượt qua số phận và dám đi đến tận cùng mơ ước của mình.</font></p>
<p align="right" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2"><b>PHAN NGUYỄN QUỲNH ANH</b> </font></p>
<p align="right" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><i><b>
<font face="Arial" size="2">(Lớp Báo chí 3, ĐH KHXH&NV)</font></b></i></p>
</body>
</html>