<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px"><strong>Chủ nghĩa Mác ra đời vào những năm 40 của thế kỷ XIX, trong một giai đoạn mà hàng loạt phát minh mang tính thời đại trong khoa học tự nhiên cùng với những biến đổi trong các khoa học lịch sử đã góp phần đưa đến sự cáo chung của chủ nghĩa duy vật siêu hình; nó cần được thay thế bằng hình thức hiện đại của chủ nghĩa duy vật - chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử.</strong></span></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2023/5/35783/Mac2.jpg" style="height:599px; width:600px" /></p>
<p style="text-align:center"><em><span style="font-size:12px">C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Tranh: Tư liệu</span></em></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Thực tiễn đã chứng minh, những điều kiện kinh tế - xã hội, tiền đề lý luận, tiền đề khoa học tự nhiên lúc bấy giờ tác động không nhỏ đến các nhà tư tưởng thời ấy, nhưng tại sao chỉ có C. Mác, cùng với Ph.Ăngghen (1820 – 1895) mới có thể nhận thức và hành động đem lại kết quả mà nhiều người không làm được? Bởi vì, nhân tố chủ quan đóng vai trò rất quan trọng, đó là trí tuệ thiên tài, bộ óc vĩ đại, trái tim đầy nhiệt huyết cách mạng và tinh thần nhân văn sâu sắc của các ông.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">C. Mác sinh ra và lớn lên trong một gia đình luật sư tại thành phố Tơrevơ, vùng Ranh của nước Đức, học tại Trường Trung học Tơrevơ (1830 – 1835), sau đó học Luật tại Trường Đại học Bon (1835 – 1836) và Trường Đại học Tổng hợp Béclin (1836 – 1841).</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Xuất thân từ tầng lớp cao trong xã hội tư bản, có đầy đủ điều kiện để học tập, tiến thân. Bản thân C. Mác có trình độ tiến sĩ, có thể phát triển sự nghiệp bằng công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học hay các hoạt động chính trị - xã hội phục vụ cho chế độ đương thời. Thế nhưng, từ khi còn trẻ, sự nhân hậu, vĩ đại của Mác đã nhen nhóm và dần bộc lộ. Năm 1835, khi đó C. Mác 17 tuổi, trong “Khoá luận tốt nghiệp trung học phổ thông” với tựa đề “Những suy tư của một chàng trai trong việc lựa chọn nghề nghiệp”, C. Mác đã có những tư tưởng nhân văn đầu tiên, ông viết: “… Nhưng kim chỉ nam chủ yếu phải định hướng cho chúng ta trong việc lựa chọn nghề nghiệp chính là phúc lợi của loài người, là sự hoàn thiện của chính chúng ta… Nếu chúng ta đã lựa chọn một nghề mà trong đó chúng ta có thể lao động nhiều nhất cho loài người khi đó chúng ta sẽ không cúi đầu oằn lưng dưới gánh nặng của nó, bởi gánh nặng ấy là sự hy sinh vì mọi người; khi ấy, điều chúng ta cảm nhận không phải là một niềm vui thảm hại, hạn hẹp, vị kỷ, mà niềm hạnh phúc của chúng ta sẽ thuộc về hàng triệu người…” (C. Mác & Ph.Ăngghen, 2000, tr. 16) và nghề vinh quang nhất, theo Mác là “nghề mà chúng ta có thể lao động nhiều nhất cho loài người”( C. Mác & Ph.Ăngghen, 2000). Có lẽ, những dòng quan điểm trên đã vượt quá tầm suy nghĩ, cảm nhận của một chàng trai 17 tuổi. Điều này đã thể hiện tư tưởng nhân văn của C. Mác, trong một xã hội đầy những áp bức, bất công, bóc lột, Mác đã nhận thấy khát vọng tự do chân chính của con người và nuôi dưỡng cho mình ước vọng được cống hiến cho nhân loại.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Trái tim vĩ đại và khối óc phi thường đã dẫn C. Mác đã đến với những người vô sản (đúng nghĩa hình ảnh công nhân làm thuê, không có tài sản gì khác lúc đầu, trừ sức lao động), từ sự đồng cảm đó, C. Mác đã xây dựng hệ thống lý luận, học thuyết bảo vệ quyền lợi của giai cấp vô sản và vạch hướng cho họ trong cuộc đấu tranh tự giải phóng.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Trong hành trình dấn thân đó, xuất phát từ việc áp dụng phép biện chứng duy vật vào nghiên cứu lịch sử, C. Mác đã đưa ra quan điểm duy vật về lịch sử và xây dựng học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội. “Theo Mác, sản xuất vật chất là cơ sở của sự tồn tại và phát triển xã hội, chính sản xuất vật chất là nguyên nhân sâu xa nhất tạo nên sự biến đổi và phát triển các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội, tinh thần, pháp luật, đạo đức..., chứ không phải ngược lại. Cái thúc đẩy sự vận động của lịch sử không phải là sức mạnh siêu tự nhiên, cũng không phải là những tư tưởng hay ý chí của con người, của các vĩ nhân, mà chính là sản xuất vật chất” (Nguyễn Hoàng Giáp, 2015).</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Bên cạnh đó, với học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, Mác chỉ ra quy luật phát triển của xã hội thực chất là sự thay thế lẫn nhau như một quá trình lịch sử tự nhiên của các hình thái kinh tế - xã hội, C. Mác khẳng định hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, sớm hay muộn, tất yếu sẽ bị thay thế bằng một phương thức sản xuất tiên tiến hơn, phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Ngoài ra, học thuyết về giá trị thặng dư là một trong ba phát kiến vĩ đại của Mác, đây được xem như “hòn đá tảng” trong học thuyết Mác. Phát kiến này của C. Mác đã bóc trần bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản, lý giải nguồn gốc dẫn tới sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội tư bản.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Với trái tim nhân hậu, bản lĩnh cách mạng cùng khối óc vĩ đại, C. Mác cùng Ph. Ăngghen đã hiến dâng cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, các ông đã phát hiện ra một sự thật mang tính lịch sử, rằng “giai cấp công nhân không phải là một giai cấp bần cùng, đáng thương cần được cứu vớt, mà giai cấp này từ khi ra đời đã mang trong mình sứ mệnh lịch sử vô cùng to lớn, đó là: Muốn giải phóng mình thì đồng thời phải giải phóng toàn bộ xã hội loài người ra khỏi mọi sự áp bức, bóc lột, xoá bỏ chế độ làm thuê, để xây dựng một chế độ xã hội mới không còn áp bức, bóc lột giữa người và người – chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới” (Nguyễn Ngọc Khá, 2015, tr. 21-22).</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Có thể khẳng định, để có một hệ tư tưởng mang ý nghĩa thời đại, bên cạnh những điều kiện kinh tế - xã hội, những tiền đề lý luận, tiền đề khoa học tự nhiên thì cần phải xuất hiện những cá nhân giàu bản lĩnh chính trị, nhạy bén trong khoa học, mạch lạc trong tư duy và tinh thần nhân đạo sâu sắc. Chỉ có sự kết hợp hài hoà trái tim nhân đạo và khối óc vĩ đại trong con người vĩ đại mới giúp C. Mác cùng với Ph. Ăngghen làm được những điều vĩ đại cho nhân loại.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">Ngày nay, trải qua biết bao biến cố, thăng trầm, những cống hiến khoa học mang giá trị thời đại cùng trái tim nhân hậu, lối sống giản dị, tinh thần khiêm tốn, lòng yêu thương con người sâu sắc của C. Mác vẫn luôn sống mãi và tiếp tục là kim chỉ nam định hướng cho nhận thức và hành động cách mạng của các đảng cộng sản và giai cấp công nhân thế giới, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, Cương lĩnh của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021).</span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-size:16px"><strong>ThS NGUYỄN MINH HẢI</strong></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-size:16px"><em>Giảng viên Khoa Giáo dục chính trị, Chủ nhiệm CLB Lý luận trẻ </em></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-size:16px"><em>Đoàn trường Đại học Sư phạm </em></span><span style="font-size:16px"><em>Thành phố Hồ Chí Minh</em></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">D<strong>anh</strong><strong> mục tài liệu tham khảo</strong></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">1. C. Mác & Ph. Ăngghen (2000). <em>Toàn tập</em>, tập 40. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia Sự Thật.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). “Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”. <em>Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam</em>. Truy xuất tại: <a href="https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-3663">https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-3663</a></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">3. Nguyễn Hoàng Giáp (2015). “Kỷ niệm 193 năm Ngày sinh Các Mác (5/5/1818 - 5/5/2011): Sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác”. <em>Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam</em>. Truy xuất tại: <a href="https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/c-mac/tieu-su-cuoc-doi-va-su-nghiep/ky-niem-193-nam-ngay-sinh-cac-mac-551818-552011-suc-song-manh-liet-cua-chu-nghia-mac-3125">https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/c-mac/tieu-su-cuoc-doi-va-su-nghiep/ky-niem-193-nam-ngay-sinh-cac-mac-551818-552011-suc-song-manh-liet-cua-chu-nghia-mac-3125</a></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:16px">4. Nguyễn Ngọc Khá (2015). <em>Lịch sử Triết học Mác – Lênin</em>. TP. Hồ Chí Minh: Nxb. Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.</span></p>
<p style="text-align:justify"> </p>
<p style="text-align:justify"> </p>
</body></html>