<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng B</title>
</head>
<body>
<div class="tittrungbinh" align="left">
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><b>
<font face="Arial" size="2">Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn
(7/4/1907 – 7/4/2007)</font></b></p>
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </div>
<div class="titlonvua" align="left">
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Anh Ba với các cuộc kháng chiến
cứu nước</font></b></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<div style="float: left; width: 200px; height: 198px">
<table border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="anh%20Ba.jpg" width="200" height="150"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><font face="Arial" size="2"><i>
<font color="#808080">Đồng chí Lê Duẩn báo cáo tình hình cách
mạng miền Nam với Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1957.</font> </i>
</font></td>
</tr>
</table>
</div>
</div>
<div class="tittrungbinh" align="justify">
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><font face="Arial" size="2">Suy
nghĩ về Anh Ba, lòng chúng ta bồi hồi xúc động nhớ đến Bác Hồ. Bác là người
đề ra đường lối cách mạng, người tổ chức nên thắng lợi của cách mạng Việt
Nam, xây dựng một tập thể lãnh đạo kiên trung, lựa chọn, bồi dưỡng một đội
ngũ cán bộ chủ chốt, cộng sự đắc lực trong suốt quá trình cách mạng.</font></div>
<div class="art_content" align="justify">
<div>
<font face="Arial" size="2" color="#008000"><b>Người học trò, cộng sự
đắc lực của Bác Hồ</b></font></div>
<div>
<font face="Arial" size="2">Sau Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, vừa ra
khỏi nhà tù Côn Ðảo, Anh Ba lao ngay vào công việc xây dựng chính quyền
mới ở Nam Bộ. Ðầu năm 1946, Anh ra Hà Nội, làm việc bên cạnh Bác Hồ,
Tổng Bí thư Trường-Chinh. Ðó là những tháng ngày vô cùng quý hiếm Anh Ba
được sống bên Bác, được chứng kiến, học hỏi ở Bác tài thao lược chèo lái
con thuyền cách mạng vượt qua phong ba, bão táp, thù trong, giặc ngoài
bằng những biện pháp cực kỳ sáng suốt về lợi dụng những mâu thuẫn trong
hàng ngũ kẻ địch và về sự nhân nhượng có nguyên tắc. Dự báo
không thể nào tránh khỏi phải thực hiện cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc
lập, tự do non trẻ, nghĩ tới địa hình đất nước dễ bị chia cắt trong
chiến tranh, Bác và Bộ Chính trị quyết định cử Anh Ba trở lại Nam Bộ,
trực tiếp tổ chức lực lượng, tiến hành kháng chiến lâu dài. </font>
</div>
<div>
<font face="Arial" size="2">Sau Ðại hội II của Ðảng (năm 1951), Anh Ba
ra chiến khu Việt Bắc. Cùng thời gian diễn ra chiến dịch Ðiện Biên Phủ,
Bác Hồ lại cử Anh Ba vào miền nam. Hiệp định Geneva được ký kết, đất
nước tạm chia làm hai miền, Anh Ba được Bác Hồ giao nhiệm vụ tổ chức
việc chuyển quân, tập kết, tuyên truyền giải thích chủ trương của Trung
ương cho cán bộ và đồng bào miền nam. Trên đường vào nam, nhân dân khu V
chào đón, nhưng Anh Ba khóc bởi Anh hiểu kẻ địch có thể không thi hành
Hiệp định Geneva, đồng bào, đồng chí miền nam sẽ còn phải chịu đựng sự
đàn áp và hy sinh nhiều nữa. Theo kế hoạch, kết thúc việc chuyển quân
tập kết của Nam Bộ, Anh Ba sẽ ra miền bắc. Nhưng với linh tính chính trị
nhạy bén, dự báo sáng suốt tình hình, Anh Ba nhiều lần thưa với Bác Hồ
và Trung ương xin được ở lại miền nam. Bác Hồ đồng ý. Trên chuyến tàu
cuối cùng ở thị trấn Sông Ðốc (Cà Mau), Anh Ba cũng lên boong tàu như
người đi tập kết. Nhưng đến nửa đêm, Anh bí mật xuống ca-nô vào bờ để ở
lại miền nam. Khi chia tay, Anh Ba xúc động nói với Anh Lê Ðức Thọ: "Anh
ra thưa với Bác là tất cả đồng bào, đồng chí ở trong này đều ngày đêm
mong Bác mạnh khỏe, sống lâu. Anh cho tôi gửi lời chào Bác, anh
Trường-Chinh và tất cả anh em ngoài đó. Tình thế này thì dễ đến 18, 20
năm nữa anh em ta mới gặp lại nhau". Lời tiên đoán ấy sau này thành sự
thật.</font></div>
<div>
<font face="Arial" size="2">Sau hai năm thi hành Hiệp định Geneva, con
đường thống nhất đất nước bằng tổng tuyển cử đã thất bại. Mỹ - Diệm ra
Luật 10-59, lê máy chém đi khắp miền nam, hô hào "Bắc tiến". Cán bộ,
đảng viên và đồng bào yêu nước ở miền nam chịu sự hy sinh vô cùng to lớn.
Cách mạng miền nam như không có đường ra. Thấu hiểu lòng dân và ý chí
cách mạng của quần chúng, suy nghĩ về thời cuộc quốc tế lúc bấy giờ, Anh
Ba thảo ra đề cương "Ðường lối cách mạng Việt Nam ở miền nam". Ðề cương
này đưa ra thảo luận, rất hào hứng, phấn khởi. Hội nghị Xứ ủy mở rộng
tại Phnom Penh, được bổ sung thêm nhiều ý kiến. Giữa lúc đó, Bác Hồ lại
quyết định điều Anh Ba ra bắc, giao cho trọng trách chuẩn bị Hội nghị
lần thứ 15 của Trung ương. Nghị quyết 15 của T.Ư là luồng gió mới cực
mạnh thổi bùng ngọn lửa cách mạng miền nam, mà đỉnh cao là phong trào "đồng
khởi" cuối năm 1959 đầu 1960. Nghị quyết này cũng là cơ sở để Bác Hồ và
Anh Ba cùng Bộ Chính trị chuẩn bị Báo cáo Chính trị tại Ðại hội III của
Ðảng (9-1960) với hai chiến lược cách mạng. Ở Ðại hội III, Anh Ba được
giao trọng trách Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Ðảng. Từ đây
suốt chín năm ròng, Bác và Anh Ba như hình với bóng, cùng các đồng chí
trong Bộ Chính trị là một tập thể cộng sự đắc lực, là bộ tổng chỉ huy
cao nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam.</font></div>
<div>
<font face="Arial" size="2">Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
bước vào giai đoạn quyết định, Bác Hồ từ trần, để lại cho toàn Ðảng,
toàn dân niềm tiếc thương vô hạn, không gì bù đắp được. Ðối với Anh Ba,
đây là một tổn thất, một nỗi đau tột cùng. Những người giúp việc Anh Ba,
kể lại rằng, trong những ngày đau buồn ấy, Anh khóc rất nhiều, nhưng Anh
phải lấy lý trí để vượt qua, tập trung anh em lại hướng dẫn chuẩn bị một
Ðiếu văn về Bác, cố gắng ngang tầm cao công lao của Người. Ðây không
phải một Ðiếu văn bình thường của một tập thể với một con người mà là
Ðiếu văn của toàn Ðảng, toàn dân tộc tôn vinh, ngưỡng mộ một bậc vĩ nhân,
một lãnh tụ thiên tài và người thầy vĩ đại. "Dân tộc ta, nhân dân ta,
non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người Anh hùng dân tộc vĩ
đại, và chính Người đã làm rạng rỡ cho dân tộc ta, nhân dân ta và non
sông đất nước ta". Giọng Quảng Trị, lại nói nhanh của Anh Ba vốn nghe
không dễ. Nhưng ngày đó, đồng bào cả nước nghe giọng Anh đĩnh đạc, rõ
ràng, sâu nặng tình nghĩa, thấu tận tâm can.</font></div>
<div>
<font face="Arial" size="2" color="#008000"><b>Thấu hiểu lòng dân và tin
tưởng ở mỗi con người</b></font></div>
<div>
<font face="Arial" size="2">Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc
biệt là trong chống Mỹ, cứu nước, Anh Ba đã phát triển tư tưởng Hồ Chí
Minh một cách đúng đắn, sáng tạo. Một khi có đường lối đúng, quyết định
thành bại là ở phương pháp cách mạng, là biết tổ chức và sử dụng lực
lượng cách mạng. Tư tưởng "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng", "đại
đoàn kết toàn dân tộc" của Bác thấm sâu vào máu thịt Anh Ba, nhuần
nhuyễn bằng những sáng tạo độc đáo. Trở lại Nam Bộ những năm đầu toàn
quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, Anh Ba hiểu hơn ai hết về trách
nhiệm nặng nề mà Bác Hồ và Trung ương giao phó: Trực tiếp thay mặt Bác,
Tổng Bí thư Trường-Chinh lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.
Cái khó lớn nhất đối với Anh Ba là dù có sáng tạo, nhưng phải chấp hành,
thực hiện đúng chủ trương của Bác, Bộ Chính trị trong khi xa T.Ư, giao
thông cách trở, liên lạc khó khăn. Anh tổ chức ngay Ðại hội đại biểu
Ðảng bộ Nam Bộ để củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức đảng
từ toàn xứ đến tỉnh, huyện và cơ sở, làm hạt nhân lãnh đạo củng cố chính
quyền kháng chiến non trẻ. Anh mở Hội nghị cán bộ quân sự Nam Bộ để
thống nhất đường lối, chủ trương kháng chiến, lập căn cứ địa, xây dựng
các lực lượng vũ trang thống nhất. Ngay từ những năm 1949, 1950, Anh Ba
đã quan tâm giải quyết vấn đề ruộng đất ở Nam Bộ; thuyết phục, khơi dậy
lòng yêu nước của các đại điền chủ hiến ruộng, chia cho nông dân. Anh Ba
ngày đêm trăn trở làm sao thực hiện thật tốt chính sách đại đoàn kết của
Bác Hồ. Tư tưởng của Bác, "năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài.
Nhưng vắn dài đều họp lại nơi bàn tay" thấm đậm trong suy nghĩ và hành
động của Anh Ba. Bằng tình thương, lẽ phải, bằng tấm lòng nhân ái thật
sự, Anh Ba đã cảm hóa được những người đứng đầu các giáo phái, các chức
sắc, lôi cuốn họ vào mặt trận dân tộc thống nhất cùng nhau đánh giặc.
Một trong những đặc trưng của cuộc kháng chiến Nam Bộ là đã quy tụ được
đông đảo nhân sĩ trí thức tham gia. Các luật sư Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc
Thuần, Nguyễn Thành Vĩnh, Diệp Ba, Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Ðình Thảo; các
giáo sư Ca Văn Thỉnh, Phạm Thiều, Hoàng Xuân Nhị; kỹ sư Kha Vạn Cân, bác
sĩ Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Hưởng, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, kiến trúc
sư Huỳnh Tấn Phát, các trí thức tiêu biểu Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ,
Trần Bửu Kiếm... đều có tên trong mặt trận kháng chiến, kiến quốc. Anh
Ba thật sự đánh giá cao tài năng, trí tuệ của đội ngũ này, đưa họ giữ
các chức vụ cao trong bộ máy kháng chiến hành chính Nam Bộ. Từ cách nghĩ,
cách nhìn, sự tin cậy, bình đẳng với mọi người như thế, Anh Ba đã quy tụ
được nhiều người. Ðồng bào Nam Bộ coi Anh là người thân gần gũi với cách
gọi trìu mến: thằng Ba, chú Ba, cậu Ba... Cụ Cao Triều Phát, giáo chủ
Cao Ðài 12 phái, một đại điền chủ, một nhân sĩ tiết tháo, sau này là Chủ
tịch Mặt trận Liên - Việt Nam Bộ, cảm kích chí lớn và tấm lòng nhân hậu
của Anh Ba, đã coi Anh như một người bạn thân thiết. Anh Phạm Ngọc Thạch
kể: "Tôi theo cách mạng hồi đó chỉ là vì tình cảm, chứ không phải vì lý
trí. Không phải là được giác ngộ mà là từ cái nhục mất nước, từ sức hút
đạo đức, nhân cách và tình cảm chân thành của Anh Ba".</font></div>
<div>
<font face="Arial" size="2">Bước vào cuộc chống Mỹ, cứu nước cũng vậy.
Ðây là một thử thách rất lớn đối với Anh Ba. Nhưng lần này có khác trước,
trọng trách của Anh Ba nặng nề hơn. Anh đã dốc vào cuộc kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước toàn bộ tinh lực của mình, toàn bộ tinh hoa trí tuệ,
toàn bộ dũng cảm quyết tâm, toàn bộ phẩm chất của người con nhân dân,
toàn bộ bản lĩnh của người lãnh đạo, từ bắt đầu kháng chiến cho đến ngày
toàn thắng. Từ cuối năm 1954 đến giữa năm 1959, cách mạng miền nam trải
qua những ngày tháng vô cùng khó khăn, gian khổ. Anh Ba hoạt động trong
điều kiện cực kỳ khó khăn. Nhiều lúc Anh phải cải trang che mắt địch,
nhiều thời gian sống trong nhà các gia đình tư sản lớn giữa Sài Gòn,
Phnôm Pênh. (Sau ngày miền nam vừa giải phóng, Anh Ba đã đến từng gia
đình thăm hỏi, tri ân cứu mạng). </font></div>
<div>
<font face="Arial" size="2">Anh Võ Văn Kiệt kể lại: Sau ngày miền nam
giải phóng, ta thực hiện cải tạo, nhưng thấu hiểu lòng dân, rất ít khi
Anh Ba gọi "ngụy quân, ngụy quyền", "giáo viên, văn nghệ sĩ ngụy", "gia
đình ngụy". Ở Khu 9, Ban binh vận mở cuộc họp gia đình có con đi lính
phía bên kia, viết giấy mời "gửi gia đình binh sĩ ngụy", bà con không
chịu đi. Sau phải sửa lại "gửi gia đình đau khổ" họ mới đi. Anh Kiệt đem
việc này kể lại với Anh Ba, Anh Ba nói: "Như vậy mới là đạo lý...".
</font></div>
<div>
<font face="Arial" size="2">Anh Ðống Ngạc, Trợ lý Tổng Bí thư Lê Duẩn kể
lại: Trong những ngày Bác Hồ lâm bệnh, Anh Ba cùng Anh Tô (Phạm Văn
Ðồng) thường xuyên bên Bác. Có lần Anh Ba đã mạnh dạn thưa với Bác, sau
này miền nam được giải phóng, Bác cho phép thực hiện "cuộc đại xá",
không trả thù, đàn áp. Bác gật đầu, đồng ý. Anh Ba rất xúc động.</font></div>
<div>
<font face="Arial" size="2" color="#008000"><b>Sáng suốt quyết định ở
bước ngoặt</b></font></div>
<div>
<font face="Arial" size="2">Ðể đánh thắng một kẻ thù hung bạo, có sức
mạnh quân sự đồ sộ, một vấn đề không kém phần quyết định là tranh thủ sự
đồng tình của bạn bè quốc tế, sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và phe
XHCN. Không có sự ủng hộ chí tình này, nhân dân ta khó lòng thắng Mỹ.
Tài ba của Bác Hồ, Anh Ba là đoàn kết được tất cả anh em, bè bạn, tạo ra
một mặt trận quốc tế rộng lớn ủng hộ Việt Nam, lên án cuộc chiến tranh.
Nhưng Ðảng ta luôn độc lập, tự chủ về đường lối, chủ động điều hành cuộc
chiến tranh. Cuộc đàm phán Paris đã kéo dài chưa từng có trong lịch sử
ngoại giao. Ngày ấy, Anh Ba chỉ dặn anh Lê Ðức Thọ một điều, một nguyên
tắc: Bàn gì thì bàn, nhưng điều cốt tử là "quân Mỹ phải ra, còn quân ta
thì ở lại". Ðiều này, thể hiện tầm nhìn sáng suốt và ý chí cách mạng
triệt để của Anh Ba. Chính nội dung này trong Hiệp định Paris là cái tạo
ra thế và lực mới để tiến lên giải phóng hoàn toàn miền nam trong Ðại
thắng mùa Xuân năm 1975.</font></div>
<div>
<font face="Arial" size="2">Một vấn đề cũng cần phải nói, trong điều
hành chiến tranh, đánh thắng bốn chiến lược quân sự của Mỹ, đánh thắng
hai cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc, trong tư duy hành động của Anh
Ba, có khi phải chấp nhận hy sinh, không chỉ để đánh gục ý chí xâm lược,
mà còn buộc Mỹ xuống thang, đến bàn đàm phán. Nhưng toàn cục phải luôn
tìm mọi con đường bớt đổ máu cho nhân dân. Ba mũi giáp công: chính trị -
quân sự - binh vận, ba mặt trận: chính trị - quân sự - ngoại giao, là
những biện pháp bớt phần xương máu cho cả hai bên. Từ những ngày đầu
chống Mỹ, cứu nước, ngoài chủ trương thành lập các hình thức mặt trận
thống nhất để tập hợp quần chúng, Anh Ba đã suy nghĩ đến lực lượng thứ
ba sau này. Cũng theo lời anh Võ Văn Kiệt: Anh Phạm Ngọc Thảo, dân Tây,
theo đạo dòng, cán bộ kháng chiến của ta, là người được Anh Ba trực tiếp
chọn huấn luyện, bồi dưỡng, đưa vào hoạt động trong hàng ngũ địch. Không
phải để hoạt động tình báo mà để cài cắm, liên hệ, chắp nối xây dựng lực
lượng thứ ba, "những người quốc gia yêu nước" cho sau này. Sự tin cậy
thật sự của Anh Ba là niềm tin thắp sáng trong anh Thảo, khi độc lập
hoạt động, khi bị địch bắt tra tấn, tù đày, và anh dũng hy sinh như một
người cộng sản kiên trung.</font></div>
<div>
<font face="Arial" size="2">Mở đầu cuộc chiến tranh cứu nước đã khó,
nhưng kết thúc cuộc chiến tranh càng khó hơn. Cái khó lần này không phải
từ trong nước, mà từ tình hình quốc tế, khó từ sự đo lường "Mỹ có quay
trở lại không?". Ðể trả lời câu hỏi này, Anh Ba đã mời cán bộ chủ chốt ở
các miền, các tướng lĩnh trên các mặt trận ra họp để nghe, để thảo luận
dân chủ trước khi hạ quyết tâm chiến lược trọng đại đối với toàn dân
tộc, và chọn thời cơ chiến lược để giải phóng hoàn toàn miền nam. Trong
thư gửi anh Phạm Hùng ngày 10-10-1974, sau khi kết luận Hội nghị Bộ
Chính trị, Anh Ba viết: "Ðây là một quyết định rất dũng cảm, có thể nói
là táo bạo. Song, quyết định này là kết quả của trí tuệ tập thể Bộ Chính
trị, là kết quả của những suy nghĩ nung nấu từ lâu, của sự cân nhắc chín
chắn xuất phát từ kinh nghiệm được tích lũy qua mấy mươi năm chiến đấu,
xuất phát từ thực tiễn cách mạng trên chiến trường, từ lực lượng so sánh
trong nước và trên thế giới". </font></div>
<div>
<font face="Arial" size="2">Ít ngày sau chiến thắng 30-4, những người ra
đón Anh Ba và Bác Tôn ở sân bay Tân Sơn Nhất, rất xúc động khi nghe Anh
nói: "Chiến công này là chiến công chung của toàn dân tộc, của các anh
hùng, chiến sĩ và đồng bào cả nước đã hy sinh. Ðối với mỗi chúng ta,
công lao lớn nhất là chỉ mới hoàn thành nhiệm vụ. Không ai được kể
công". </font></div>
</div>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo NDO</i></b></font></p>
</body>
</html>