<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Ba cô gái 8X và công trình</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span id="lbHeadline" class="text16b" style="width: 100%">Ba cô gái 8X và công
trình "Đánh răng cho bệnh nhân nặng"</span> </font></b></p>
<table id="table1" align="left" border="0" cellpadding="0" cellspacing="3" width="1">
<tr>
<td align="left" valign="top">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="3%20co%20gai%208x.bmp" width="203" height="152"></font></td>
</tr>
<tr height="1">
<td align="left" valign="top">
<p align="center"><font color="#808080">
<span id="AvatarDesc" style="font-family: Arial; font-size: 10pt; font-style: italic">
Từ phải sang: 3 điều dưỡng trẻ Đào Tuyết Mai, Đào Thị Dịu và Nguyễn Thị
Hiền Thanh cùng y tá trưởng</span></font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><span class="indexstorytext">Với
những bệnh nhân nghèo, việc chi trả tiền thuốc thang đã rất khó khăn, nói gì đến
thuê người chăm sóc, vệ sinh hằng ngày. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn khả năng
hồi phục chấn thương của người bệnh. Mong muốn góp phần xoa dịu vết thương cho
bệnh nhân nghèo, ba cô gái trẻ: Đào Thị Dịu, Nguyễn Thị Hiền Thanh và Đào Tuyết
Mai, điều dưỡng viên Bệnh viện Đa khoa Thăng Long đã thực hiện công trình "Chăm
sóc vệ sinh vùng mặt, răng miệng cho bệnh nhân không tự phục vụ".</span> </font>
</p>
<span id="lbBody" class="indexstorytext">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Bệnh viện Đa khoa Thăng Long (Hà
Nội) là nơi chuyên điều trị những bệnh nhân nặng, nhất là những bệnh nhân bị
chấn thương sọ não không thể tự phục vụ. Hằng ngày, chứng kiến những cơn đau
quằn quại, những cơn ho sặc sụa của người bệnh, khiến điều dưỡng viên Đào Thị
Dịu trăn trở rất nhiều. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Dịu bộc bạch: "Những thao tác như
lau rửa, vệ sinh chân tay, người thân bệnh nhân cũng có thể làm được. Nhưng có
những nơi, nhất là vùng mặt là tập trung nhiều giác quan: mắt, mũi, miệng, tai
và cả vùng da đòi hỏi phải có kỹ thuật chăm sóc đặc biệt. Nếu được chăm sóc tốt
bệnh nhân sẽ hồi phục rất nhanh. Ngược lại, chăm sóc không đúng cách, khiến bệnh
càng thêm nguy kịch, nhiều trường hợp dẫn đến tử vong". </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trước khi về Bệnh viện Thăng Long
công tác, Nguyễn Thị Hiền Thanh cũng đã có thời gian làm việc tại một bệnh viện
lớn tại Hà Nội. Ở đó, Thanh thấy tủi thân vì điều dưỡng viên không được coi
trọng. Những kỹ năng thao tác kỹ thuật chăm sóc bệnh nhân học trong trường bài
bản bao nhiêu, thì khi thực hành tại bệnh viện lại thường bị bỏ qua, hoặc làm
qua quýt. Chỉ những bệnh nhân nào có tiền nằm phòng dịch vụ mới được chăm sóc
tận tình.</font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2" color="#808080">
<img border="0" src="3%20co%20gai%208x2.bmp" width="400" height="300"></font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><em>
<font color="#808080" face="Arial" size="2">Đào Thị Dịu đang chăm sóc răng bệnh
nhân nặng</font></em></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cùng với Dịu, Mai, Thanh muốn làm
một điều gì đó thay đổi cách nghĩ của nhiều người về hình ảnh điều dưỡng viên
tại Bệnh viện Thăng Long. Thanh kể: "Có những bệnh nhân do vết thương đau đớn,
nên chỉ cần mình đụng nhẹ vào cũng đủ làm họ nổi cáu, giận dữ. Lúc đó, bọn mình
vừa làm vừa phải nhẹ nhàng vỗ về, hỏi chuyện động viên họ. Người bình thường chỉ
cần nước, kem đánh răng, 2 phút là xong vệ sinh cá nhân, nhưng với bệnh nhân
nặng, chỉ cần một giọt nước rơi vào họng sẽ khiến họ bị sặc, dịch bẩn rơi xuống
phổi rất nguy hiểm. Đánh răng là thao tác khó nhất. Có những người do nằm lâu
mất khả năng tự phục vụ, bảo há miệng cũng không há, lè lưỡi cũng không làm. Vì
vậy, bọn mình "chế" ra bình xịt nước, đặt vào góc hàm thấm dịch và và cục chèn.
Làm đến đâu thấm dịch đến đó, giúp người bệnh loại bỏ bớt khối lượng vi khuẩn
gây hại". </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chỉ mất 2 tiếng mỗi buổi sáng,
đối với các điều dưỡng viên trẻ, nhìn thấy các bệnh nhân bình phục nhanh chóng
là cả niềm vui sướng. Anh Bùi Xuân Định, ở huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) xúc
động tâm sự: "Tôi bị chấn thương sọ não, từ khi bị tai nạn đến nay tôi đã chuyển
4 bệnh viện từ tuyến tỉnh đến T.Ư. Do không được chăm sóc sau hậu phẫu nên bị
nhiễm trùng phải mổ lại lần 2. Thật cảm động, chỉ có ở đây, tôi được các điều
dưỡng viên chăm sóc đến tận... răng. Không chỉ có thế, nhiều bệnh nhân thiếu
tiền, các điều dưỡng còn quyên góp mua cơm cho bệnh nhân ăn. Ai nghèo không có
tiền trả viện phí, họ lên xin giám đốc bệnh viện miễn giảm...".</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Phó giám đốc Bệnh viện Thăng
Long, bà Nghiêm Thị Kim Hồng nhận xét: "Ý tưởng của các bạn trẻ đưa ra là một đề
tài rất nhỏ và đơn giản nhưng lại rất có ý nghĩa với người bệnh. Dù khoa học có
phát triển đến đâu, song đôi khi máy móc cũng không thể làm thay con người".
Bệnh viện Đa khoa Thăng Long đã lựa chọn đề tài "chăm sóc vệ sinh vùng mặt, răng
miệng cho bệnh nhân không tự phục vụ" tham dự Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi
trẻ ngành y tế khu vực Hà Nội. Dù không thể sánh bằng với các đề tài ứng dụng
khoa học kỹ thuật mới vào điều trị, song qua đề tài này, nhiều bác sĩ lâu năm
trong ngành y cho rằng, đã đến lúc cần quan tâm hơn nữa đến công tác điều dưỡng,
chăm sóc bệnh nhân.</font></p>
</span>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TNO</i></b></font></p>
</body>
</html>