<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Ngày giỗ tổ Hùng Vương</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Ngày giỗ tổ
Hùng Vương (Mồng 10 tháng ba âm lịch)</font></b></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">"Dù ai đi ngược về xuôi</font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba"</font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<div style="float: right; width: 109px; height: 54px">
<table border="1" width="100%" id="table3">
<tr>
<td>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="ngay%20gio%20to%20Hung%20Vuong.jpg" width="220" height="143"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="center"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Các vị lãnh đạo Đảng,
Nhà nước, Quốc hội dâng hương trong ngày </font></i></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="center"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">giỗ Tổ</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">Hằng năm vào dịp mồng mười tháng ba âm lịch, hàng
triệu lượt đồng bào từ khắp mọi miền trong cả nước về Đền Hùng trẩy hội, thắp
hương thơm thành kính lễ Tổ tiên, tưởng nhớ công đức to lớn của các Vua Hùng
dựng nước.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Theo sử cũ và truyền thuyết để
lại, nước Văn Lang ta lúc bấy giờ có 15 bộ lạc Lạc Việt sinh sống chủ yếu ở miền
trung du và đồng bằng châu thổ sông Hồng. Hàng chục bộ lạc Âu Việt sinh sống ở
vùng Việt Bắc. Do nhu cầu trị thủy, chống giặc ngoại xâm và do việc trao đổi
kinh tế, văn hóa ngày càng được đẩy mạnh, giữa các bộ lạc gần gũi nhau về huyết
thống có xu hướng tập hợp và thống nhất với nhau. Trong số các bộ lạc Lạc Việt,
có bộ lạc Văn Lang là hùng mạnh hơn cả, lãnh thổ của bộ lạc này trải dài từ chân
núi Ba Vì tới sườn Tam Đảo. Thủ lĩnh của bộ lạc Văn Lang đã giữ vai trò lịch sử
là người đứng ra thống nhất các bộ lạc Lạc Việt dựng nên nước Văn Lang. </font>
</p>
<div style="float: left; width: 253px; height: 338px">
<table border="1" width="100%" id="table1">
<tr>
<td bgcolor="#CCE6FF">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hùng Vương với Quốc
hiệu là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (nay là xã Hy Cương, huyện
Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), chia nước ra là 15 bộ (vốn là 15 bộ lạc
trước đó) là:</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">1. Văn Lang (Bạch Hạc,
Phú Thọ)<br>
2. Chu Diên (Sơn Tây)<br>
3. Phúc Lộc (Sơn Tây)<br>
4. Tân Hưng (Hưng Hoá - Tuyên Quang)<br>
5. Vũ Định (Thái Nguyên - Cao Bằng)<br>
6. Vũ Ninh (Bắc Ninh)<br>
7. Lục Hải (Lạng Sơn)<br>
8. Ninh Hải (Quảng Yên)<br>
9. Dương Tuyền (Hải Dương)<br>
10. Giao Chỉ (Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình)<br>
11. Cửu Chân (Thanh Hoá)<br>
12. Hoài Hoan (Nghệ An)<br>
13. Cửu Đức (Hà Tĩnh)<br>
14. Việt Thường (Quảng Bình, Quảng Trị)<br>
15. Bình Văn.</font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đứng đầu nước Văn Lang là Hùng
Vương. Ngôi Hùng Vương cha truyền con nối. Hùng Vương đồng thời là người chỉ huy
quân sự, chủ trì các nghi lễ tôn giáo. Dưới Hùng Vương và giúp việc cho Hùng
Vương có các lạc hầu, lạc tướng. Lạc tướng (trước đó là tù trưởng) còn trực tiếp
cai quản công việc của các bộ. Kế tục nhà nước Văn Lang là Quốc gia Âu Lạc, ra
đời đầu thế kỷ thứ III trước công nguyên do Thục Phán thay thế Hùng Vương đứng
đầu Nhà nước gọi là Thục An Dương Vương. Năm 179 trước công nguyên, Âu Lạc rơi
vào ách đô hộ của nhà Triệu, thời đại Hùng Vương kết thúc. Nhà nước Văn Lang của
các Vua Hùng là nhà nước phôi thai đầu tiên của Việt Nam, còn rất đơn giản, mặc
dù mới hình thành nhưng đã cố kết được lòng người. Hùng Vương là thủ lĩnh của
Việt Nam thời kỳ bắt đầu dựng nước. Lãnh thổ sinh trưởng đầu tiên của tổ tiên là
miền Bắc Việt Nam. Thời kỳ Hùng Vương là một giai đoạn rất quan trọng trong lịch
sử dân tộc ta. Chính thời kỳ này đã xây dựng nên một nền tảng của dân tộc Việt
Nam, nền tảng văn hoá Việt Nam và truyền thống yêu nước Việt Nam. Từ khối đoàn
kết của toàn thể thành viên của một làng, nhân dân nước Văn Lang, nước Âu Lạc đã
tiến đến khối đoàn kết toàn bộ nhân dân cả nước để một lòng đấu tranh chống
thiên tai, địch hoạ, bảo vệ giống nòi, non sông, đất nước với tinh thần thượng
võ và chiến thuật chiến tranh nhân dân chống ngoại xâm còn lưu truyền mãi đến
muôn đời sau.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong thời kỳ bị thực dân Pháp
thống trị, nhân dân 18 tỉnh, thành miền Bắc đã góp 6.000 đồng Đông Dương để đại
tu Đền Hùng (từ 1918 đến 1922 thì hoàn thành) để có các công trình kiến trúc như
hiện nay. Những năm sau Cách mạng Tháng Tám, Chính phủ Lâm thời đã cử Cụ Huỳnh
Thúc Kháng, quyền Chủ tịch nước lên dự Giỗ Tổ năm đầu tiên (1946). Sau 9 năm
trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, mặc dù bận trăm công ngàn
việc, Bác Hồ vẫn rất quan tâm đến việc giáo dục các thế hệ con cháu hướng về cội
nguồn dân tộc. Trước khi về Hà Nội, Bác từ Thái Nguyên sang Đền Hùng nghỉ lại
một đêm ở Đền Giếng, sáng ngày 19-9-1954, Bác gặp gỡ các chiến sĩ Đại đoàn 308 (Đại
đoàn Quân Tiên phong) trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã căn dặn bộ
đội phải ghi nhớ công lao của các Vua Hùng và trách nhiệm của thế hệ hôm nay
trong công cuộc bảo vệ đất nước : "Vua Hùng là người có công dựng nước ta. Như
vậy Vua Hùng chính là Ông Tổ của nước Việt Nam. Uống nước phải nhớ nguồn. Con
cháu thì phải nhớ đến Tổ tiên. Ngày xưa, các Vua Hùng đã có công dựng nước. Ngày
nay, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước! Đó mới chính là uống nước nhớ
nguồn, mới là nhớ Tổ tiên vậy". </font></p>
<div style="float: left; width: 156px; height: 54px">
<table border="1" width="100%" id="table4">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="ngay%20gio%20to%20Hung%20Vuong1.jpg" width="220" height="141"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Đền
Hùng ngày chính hội</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Do tính chất quan trọng của Khu
di tích, năm 1963 Bộ Văn hóa đã xếp hạng Di tích Quốc gia, năm 1967 Chính phủ
quyết định xếp hạng khu rừng Đền Hùng là Rừng cấm Quốc gia. Từ năm 1969, Ngày
Hội Đền Hùng đã thu hút hàng triệu lượt người đến dự, rồi từ đó nhân dân quyên
góp xây dựng công quán, Nhà nước đầu tư xây dựng Bảo tàng Hùng Vương, xây dựng
cơ sở hạ tầng, tôn tạo khu di tích ngày càng khang trang khiến cho Đền Hùng và
Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành tâm thức, lẽ sống của người Việt Nam chúng ta.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hội Đền Hùng là một lễ hội đặc
biệt của dân tộc Việt Nam, người Việt về dự Giỗ Tổ tỏ lòng kính hiếu tôn trọng
Tổ tiên, nhưng cũng để nhân thêm tình yêu thương con người, xứ sở, niềm tin vào
cộng đồng của dân tộc Việt Nam.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Với lòng tôn kính các Vua Hùng,
nhiều nơi trong cả nước đã lập đền thờ các Vua Hùng và vợ con các tướng lĩnh
thời Hùng Vương.</font></p>
<div style="float: right; width: 257px; height: 851px">
<table border="1" width="100%" id="table2">
<tr>
<td bgcolor="#CCE6FF">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Dưới bộ là các công
xã nông thôn (bấy giờ có tên gọi là kẻ, chạ, chiềng) với người đứng
đầu là các bộ chính (nghĩa là già làng). Theo ngọc phả Hùng Vương,
có 18 chi Hùng Vương: </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">1. Chi Càn - Kinh
Dương Vương, húy Lộc Tục, tôn dâng miếu hiệu là Hùng Dương - vị vua
viễn tổ, 86 năm (từ 2879 - 2794 trước công nguyên). <br>
2. Chi Khản - Lạc Long Quân, huý Sùng Lãm, thụy hiệu Hùng Hiền - vị
vua cao tổ, 269 năm (từ 2793 - 2525 tr.CN).<br>
3. Chi Cấn - Hùng Quốc Vương, huý Hùng Lân - vị vua mở nước, 282 năm
(từ 2524 - 2253 tr.CN).<br>
4. Chi Chấn - Hùng Hoa Vương, huý Bửu Long, 342 năm (từ 2252 - 1918
tr.CN).<br>
5. Chi Tôn - Hùng Hy Vương, huý Bảo Lang, 200 năm (từ 1912 - 1713
tr.CN).<br>
6. Chi Ly - Hùng Hồn Vương, huý Long Tiên Lang, 2 đời, 80 năm (từ
1712 - 1632 tr.CN).<br>
7. Chi Khôn - Hùng Chiêu Vương, huý Quốc Lang, 5 đời, 200 năm (từ
1631 - 1432 tr.CN).<br>
8. Chi Đoài - Hùng Vi Vương, huý Văn Lang, 5 đời, 80 năm (từ 1431 -
1332 tr.CN).<br>
9. Chi Giáp - Hùng Định Vương, huý Châu Nhân Lang, 3 đời, 80 năm (từ
1331 - 1252 tr.CN).<br>
10. Chi Ất - Hùng Uy Vương, huý Hoàng Long Lang, 3 đời, 90 năm (từ
1251 - 1162 tr.CN).<br>
11. Chi Bính - Hùng Trinh Vương, huý Hưng Đức Lang, 4 đời, 107 năm (từ
1161 - 1055 tr.CN).<br>
12. Chi Đinh - Hùng Vũ Vương, huý Đức Hiền Lang, 3 đời, 86 năm (từ
1054 - 969 tr.CN).<br>
13. Chi Mậu - Hùng Việt Vương, huý Tuấn Lang, 5 đời, 195 năm (từ 968
- 854 tr.CN).<br>
14. Chi Kỷ - Hùng Anh Vương, huý Viên Lang, 4 đời, 99 năm (từ 853 -
755 tr.CN).<br>
15. Chi Canh - Hùng Triệu Vương, huý Cảnh Chiêu Lang, 3 đời, 94 năm
(từ 754 - 661 tr.CN).<br>
16. Chi Tân - Hùng Tạo Vương, huý Đức Quân Lang, 3 đời, 92 năm (từ
660 - 569 tr.CN).<br>
17. Chi Nhâm - Hùng Nghi Vương, huý Bảo Quang Lang, 4 đời, 160 năm (từ
568 - 409 tr.CN).<br>
18. Chi Quý - Hùng Duệ Vương, huý Huệ Lang, 150 năm (từ 408 - 258
tr.CN).</font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngay ở Thành phố Sài Gòn xưa cũng
có đền thờ Hùng Vương ở Thảo Cầm Viên được xây dựng vào những năm sau Đại chiến
thế giới lần thứ nhất và sau năm 1954 được đổi tên là Đền Quốc Tổ Hùng Vương,
rồi sau 30-4-1975 được gọi là Đền Hùng Vương thờ các Vua Hùng cùng với các bài
vị thờ Tổ tiên bách tính và lương thần danh tướng. Nơi đây được toàn thể nhân
dân Thành phố Hồ Chí Minh xem là ngôi đền chính thức ở Thành phố thờ các Vua
Hùng, nơi để đồng bào Thành phố tụ họp về dự lễ Giỗ Tổ vào ngày mùng Mười tháng
Ba hàng năm. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 1992, Ủy ban Nhân dân Thành
phố Hồ Chí Minh khánh thành Khu tưởng niệm các Vua Hùng trong khuôn viên Công
viên Văn hoá ở Vườn Tao Đàn với các kiến trúc, hiện vật mô tả sự tích dựng nước
và giữ nước của Tổ tiên ta từ hơn 4 ngàn năm về trước. Thành phố còn xây dựng
một Khu Công viên Văn hóa quy mô hoành tráng trên địa bàn Quận 9 mà trong đó có
Đài tưởng niệm các Vua Hùng rất tráng lệ mang tầm vóc quốc gia. Ngoài ra trên
địa bàn Thành phố còn rất nhiều đền, miếu thờ các Vua Hùng như Đền Hùng Vương ở
khu Tân Định Quận 1; Đền Quốc Tổ Hùng Vương ở Quận 4; Đền Quốc Tổ Hùng Vương ở
Quận 5; Đền Hùng Vương ở Quận Phú Nhuận; Tổ đình Quốc Tổ Lạc Hồng ở Quận Gò Vấp;
Miếu Hùng Vương ở Huyện Củ Chi; và ở nhiều quận, huyện khác đều có các địa điểm
để nhân dân hương khói tưởng niệm Tổ tiên mỗi kỳ Giỗ Tổ hàng năm. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Với truyền thống ấy, nhân dân ta
lấy ngày mùng Mười tháng Ba âm lịch hằng năm làm Ngày Giỗ Tổ để cùng nhau trảy
hội Đền Hùng, tưởng nhớ đến cội nguồn, Tổ tiên của dân tộc Việt Nam theo đúng
đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta, đúng như câu đối ở cổng Đền Hùng:
</font></p>
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">"Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản sông Đà, non nước vẫn
quay về đất Tổ. </font></p>
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">Văn minh đang buổi mới, con Hồng cháu Lạc, giống nòi
còn biết nhớ mồ Ông". </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhằm góp phần giáo dục truyền
thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân, tôn
vinh công đức các Vua Hùng, bảo tồn và phát huy di sản văn hoá của dân tộc, Quốc
hội khoá XI tại kỳ họp thứ 11 xem xét việc tạo điều kiện thuận lợi cho người lao
động và nhân dân tham gia Giỗ Tỗ Hùng Vương - thực hiện cho người lao động nghỉ
làm việc, hưởng nguyên lương trong Ngày Giỗ Tổ hàng năm, bắt đầu từ năm 2007.
Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta, đáp ứng nguyện
vọng của nhân dân, thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn cao đẹp của dân tộc Việt
Nam. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ,
nhất là trong cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh",
chúng ta luôn nhớ về cội nguồn với sự trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc, lòng
tự hào và niềm kiêu hãnh về Tổ tiên, nòi giống của mình, từ đó ra sức đóng góp
công sức, trí tuệ cùng nhau đoàn kết dựng xây đất nước Việt Nam ngày càng phồn
vinh, giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống Lạc Hồng của Tổ tiên để lại. </font>
</p>
<p align="right"><i><b><font face="Arial" size="2">(Theo tài liệu Tuyên truyền
của Ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh)</font></b></i></p>
</body>
</html>