<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Liên hoan thanh niên tiên tiến l</title>
<style>
<!--
p.MsoNormal
{mso-style-parent:"";
margin-bottom:.0001pt;
font-size:12.0pt;
font-family:"Times New Roman";
margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
p.MsoBodyTextIndent
{margin-bottom:.0001pt;
text-align:justify;
text-indent:37.4pt;
font-size:13.0pt;
font-family:VNI-Times;
margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
-->
</style>
</head>
<body>
<p class="MsoNormal" align="left"><b><font face="Arial" style="font-size: 10pt">
Liên hoan thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác miền Đông Nam Bộ lần thứ VIII
năm 2007</font></b></p>
<p class="MsoNormal" align="center"><b>
<font face="Arial" style="font-size: 10pt"><br>
<font color="#0000FF">Những con người vượt lên số phận</font><br>
</font></b></p>
<p class="MsoNormal" align="center" style="text-align: justify">
<font face="Arial" size="2">Tình nguyện, xung kích đi đầu trong khó khăn, là một
đặc điểm nổi bật của phong trào thanh niên miền Đông Nam Bộ mà các bạn thanh
niên tiên tiến là những điển hình xuất sắc. Tình nguyện – đó chính là một phẩm
chất cao quý của tuổi trẻ miền Đông gian lao mà anh dũng, đã được thử thách, tôi
luyện và ngày càng tỏa sáng. Tuổi trẻ miền Đông Nam Bộ là những người biết sống
vì mọi người, có trách nhiệm với cộng đồng, biết ghé vai xẻ chia gánh nặng với
xã hội bằng những việc làm cụ thể. Từ việc góp vốn, góp nghề, giúp nhau làm ăn,
đến những chuyến công tác xã hội đến với trẻ em bất hạnh, đồng bào bị thiên tai
lũ lụt, giúp thanh niên nghèo có việc làm ổn định đến việc đấu tranh chống tiêu
cực cho sự công bằng trong xã hội… chính các bạn đã góp phần hun đúc, gợi mở và
tạo nên những bông hoa đẹp trong cuộc sống đời thường hàng ngày.<span style="color: black">
Không dừng lại ở đó, g</span>iản dị và chân thực, có những bạn trẻ lặng lẽ trong
cuộc sống, chinh phục mọi người xung quanh bằng nỗ lực bứt phá, vươn lên vượt
qua những lầm lỡ của chính bản thân mình để hướng về cái chân, thiện, mỹ, san sẻ
trái tim, nghị lực ấy cho những bạn trẻ khác cùng cảnh ngộ. </font></p>
<p class="MsoNormal" align="center" style="text-align: justify"> </p>
<p class="MsoNormal" align="justify"><font face="Arial" size="2">
<font color="#008000"><b>Hồ Quốc Thống (TP.HCM) và ước mơ cho những đứa trẻ lang
thang</b></font></font></p>
<p class="MsoNormal" align="justify"> </p>
<div style="float: right; width: 89px; height: 25px">
<table border="1" cellspacing="1" style="border-collapse: collapse" width="100%" bordercolorlight="#000000" bordercolordark="#000000" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="nhung%20con%20ng%20vuot%20len%20so%20phan.jpg" width="135" height="180"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p class="MsoNormal" align="justify"><font face="Arial" size="2">“Chị có biết
chỗ nào có thể cho thanh niên vay vốn làm kinh tế không? Nếu vay được vốn, em sẽ
bắt tay thực hiện ngay, từ nay đến tháng 3 ra nghề, sau đó tìm thuê mặt bằng,
chuẩn bị cơ sở vật chất, tìm thêm nguồn hàng… thế là tụi bạn lại có thêm việc
làm…”, tôi nhớ lại câu Thống từng hỏi khi ấp ủ một kế hoạch cho “studio riêng”
của mình. Dường như chàng thanh niên 21 tuổi đen đen gầy gầy bạn bè thường gọi
Thống “tôm” đang từng ngày chững chạc và trưởng thành. Thống mạnh dạn nói về suy
nghĩ táo bạo của mình: “Đạt danh hiệu là một động lực thật mạnh mẽ để bản thân
cố gắng. Chắc năm nay em sẽ cố gắng đạt thêm một danh hiệu nào đó, Gương thanh
niên làm giàu chẳng hạn” rồi cười thật tươi, khuôn mặt vẫn còn những vệt bụi và
lấm tấm mồ hôi sau một ngày vất vả lên tận Thủ Đức giao hàng gia công. <br>
<br>
Thấm thoắt, studio mang tên Dreams đã khai tương tại 40H Nguyễn Ảnh Thủ, phường
Hiệp Thành, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh hơn 1 tháng. Vậy là ước mơ cho mình
và cả những đứa trẻ lang thang của Thống đã trở thành hiện thực. Thống kể lại,
nét mặt vẫn nguyên cái rạo rực của ngày khai trương: “Em rất bất ngờ khi được
đích thân anh Bí thư Thành Đoàn, các anh chị Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp
thanh niên, Trung tâm phát triển kinh tế thanh niên xuống dự. Thực sự để có ngày
hôm nay, em phải cám ơn các anh chị rất nhiều”. 87 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ
trợ thanh niên lâp nghiệp với Thống là một điều thật sự có ý nghĩa. Đó không đơn
thuần là để giải quyết khó khăn hiện tại mà còn là tình cảm, sự quan tâm tổ chức
Đoàn, của tập thể dành những thanh niên có nghị lực như Thống, và đó cũng là
những quan tâm xứng đáng.<br>
<br>
Một lần ghé thăm Dreams Studio của Hồ Quốc Thống, tôi đã thấy được không khí sôi
nổi ở đây. Các bạn coi nhau người thân và không có ai là ông chủ, từ những người
đã có “thâm niên nghề” như Hùng, Hô hay những người mới tập tễnh vào nghề như
Giáp tạo nên không khí “làm mà học, học để làm” như một gia đình. Thống đã đưa
ra những sản phẩm đầu tay, rất chuyên nghiệp, rất đẹp để giới thiệu với khách
hàng. Đó là sản phẩm của cả nhóm mấy hôm còng lưng ở studio, Thống không giúp
được nhiều vì bận rộn quá, vừa phải chạy mối cho studio, vừa phải tìm nguồn hàng
gia công mới để có thêm thu nhập cho tiệm. Sau những giờ chạy suốt ngoài đường,
Thống cố gắng phụ mấy đứa bạn một vài việc, hướng dẫn lại công việc và nhắc nhở
kỹ lưỡng. Cả bọn chú ý lắng nghe răm rắp lời Thống như nghe một người anh cả,
chúng cũng mong “cái studio cho riêng mình” của Thống phát triển, vì như thế
chúng sẽ có việc làm, kiếm thêm được ít tiến và nhiều đứa trẻ lang thang sẽ
không phải sống vỉa hè, lê lết bán báo đánh giày nữa. Riêng Thống, bạn có cách
tính toán chi li, cẩn thận như một người trưởng thành thực sự cho mơ ước của
mình, cũng nhờ thế mà sau một tháng khai trương, thu nhập của studio Dreams rất
khả quan: gần 20 triệu, trừ chi phí bỏ ra, tiền điện, ăn uống cho các bạn, cũng
đủ sống và tiết kiệm chút ít. Không nhiều với những người khác nhưng với những
đứa trẻ đã từng phải nhịn đói, ngủ lây lất bên vỉa hè cầu Thị Nghè, thì đó là cả
một thành công lớn lao. Thống tâm sự: “Em mong mình có thể làm được nhiều hơn để
giúp đỡ những đứa trẻ lang thang vỉa hè không phải cực khổ như em ngày trước”.<br>
<br>
Ước mơ của Thống không phải là ước mơ của riêng mình, kế hoạch của Thống cùng
được thực hiện bởi nhiều đứa trẻ khác. Đó là một ước mơ không khó với nhiều
người nhưng thật lớn lao và ý nghĩa với chính các em, chắc rằng Thống sẽ thực
hiện được bằng quyết tâm và bản lĩnh của mình qua câu nói: “Mình biết tất cả khó
khăn đang ở phía trước nhưng phải cố gắng làm bằng được”.<br>
<br>
<font color="#008000"><b>Huỳng Kim Bằng (Bình Thuận): Vươn lên từ vùng quê nghèo</b></font></font></p>
<p class="MsoNormal" align="justify"><font face="Arial" size="2">
<font color="#008000"><b><br>
</b></font>Tân Phúc là một xã miền núi còn nhiều khó khăn nằm phía tây bắc của
huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Người dân ở đây sản xuất nông ngiệp là chủ yếu.
Do trình độ dân trí còn thấp cùng với việc ứng dụng các tiến bộ của KHKT vào sản
xuất còn hạn chế trong khi điều kiện tự nhiên cũng không được thuận lợi nên cái
nghèo vẫn cứ đeo bám họ. Để thoát nghèo nhiều thanh niên địa phương đã thay đổi
phương thức từ làm nông chuyển sang lao động trong các lĩnh vực khác hoặc đi nơi
khác tìm việc làm ổn định để đỡ vất vả hơn. Trước thực trạng đóù, Huỳnh Kim Bằng
luôn trăn trở suy nghĩ tìm những giải pháp để phát triển kinh tế gia đình đồng
thời để có điều kiện giúp đỡ các bạn thanh niên.<br>
<br>
Được sự giúp đỡ của các cấp ủy cùng sự hỗ trợ của các ban ngành trong xã và của
các cơ quan khuyến nông, Bằng đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng cộng với vốn gia
đình tích lũy được tiến hành đầu tư xây dựng mô hình trang trại. Với diện tích 3
hecta đất canh tác, anh đã đưa vào xây dựng theo mô hình kinh tế V.A.C (vườn- ao-
chuồng) để có thể tận dụng, khai thác hết những tiềm năng sẵn có. Trong đó là
3000m2 hồ chứa nước để nuôi cá và phục vụ cho việc tưới tiêu. Diện tích đất còn
lại để trồng điều xen với cây ăn quả và một phần diện tích để chăn thả gia súc.<br>
<br>
Nhờ các sản phẩm nông nghiệp địa phương dồi dào nên Bằng đã mạnh dạn đứng ra thu
mua tận nơi với bà con để đem về tự chế biến làm thức ăn cho cho gia súc, gia
cầm. Làm như vậy không những đảm bảo đúng giá cả cho người dân mà còn tiết kiệm
được nhiều khoản chi phí cho gia đình. Đến nay anh đã có đàn bò 30 con, đàn heo
30 con cả heo nái lẫn heo thịt, ngoài ra anh còn nuôi thêm 300 con gia cầm các
loại. Từ mô hình kinh tế khép kín này anh có thể lấy “ngắn nuôi dài” đảm bảo
được nguồn thu nhập ổn định quanh năm. Không những vậy anh còn luôn tính toán
thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý và tận dụng, khai thác lợi thế của
địa phương nên tính trung bình mỗi năm gia đình anh thu nhập từ 90 đến 120 triệu
đồng. <br>
<br>
Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn thường xuyên giải quyết việc làm cho
nhiều thanh niên địa phương với thu nhập bình quân là 700 ngàn đồng /người/tháng.
Và sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với những thanh niên muốn vươn lên làm
kinh tế. Từ những kết quả đạt được trong sản xuất, Huỳnh Kim Bằng đã vinh dự
được UBND Huyện Hàm Tân cấp giấy chứng nhận “kinh doanh trang trại”. Trong hội
nghị 3 năm (2005- 2007) tổng kết phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi,
gia đình anh Bằng cũng được bình chọn “hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp
huyện”.<br>
<br>
Học tập, rèn luyện bản thân, trau dồi kiến thức là những điều mà người thanh
niên Huỳnh Kim Bằng luôn cố gắng. Chính vì vậy mà anh đã vươn lên làm giàu chính
đáng từ một vùng quê nghèo của tỉnh Bình Thuận.<br>
<br>
<font color="#008000"><b>Mai Ngọc Hưng (Đồng Nai): Khởi nghiệp và thành công từ
rác</b></font></font></p>
<p class="MsoNormal" align="justify"> </p>
<div style="float: right; width: 79px; height: 25px">
<table border="1" cellspacing="1" style="border-collapse: collapse" width="100%" bordercolorlight="#000000" bordercolordark="#000000" id="table2">
<tr>
<td>
<img border="0" src="nhung%20con%20ng%20vuot%20len%20so%20phan1.jpg" width="250" height="169"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p class="MsoNormal" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nụ cười và nước
da ngăm đen là những đặc điểm gây ấn tượng cho những ai lần đầu gặp Mai Ngọc
Hưng. Trông khuôn mặt còn còn “non” ấy ít ai biết được Hưng lại là một thanh
niên sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh Đồng Nai.<br>
<br>
Tốt nghiệp PTTH năm 2005, như bao bạn khác, Mai Ngọc Hưng cũng khăn gói lên
thành phố thi Đại học. Nhưng dường như may mắn chưa thực sự đến với Hưng và ước
mơ được học trên giảng đường bị gián đoạn. Trở về Đồng Nai, Hưng đi làm một số
công việc để có thể tự lập được. Ýù chí vươn lên, không cam chịu sự nghèo khó đã
thôi thúc Hưng quyết tâm tìm một hướng mới để lập nghiệp.</font></p>
<p class="MsoNormal" align="justify"><font face="Arial" size="2"><br>
Ý tưởng thành lập nhà máy xử lý rác lóe lên trong đầu, thế là chàng trai trẻ này
đã tiến hành các thủ tục xin vay vốn. Ngay lập tức ý tưởng của bạn được chính
quyền địa phương ủng hộ. Vì đây sẽ là một biện pháp tích cực trong vấn để bảo vệ
môi trường. Ý tưởng đầu tư vào rác của Hưng tuy còn mới lạ ở địa phương nhưng
chỉ sau một thời gian ngắn Hưng đã khẳng định được sự đúng đắn trong bước đi của
mình. Không chỉ thu lợi nhuận, làm sạch môi trường, Hưng còn giúp tạo công ăn
việc làm cho hơn 30 lao động phổ thông ở địa phương. Ban đầu lương của công nhân
chỉ có 800 ngàn đồng/tháng. Bây giờ con số đó đã tăng lên 1 triệu đồng, và thu
nhập ngày càng được tăng lên.<br>
<br>
Công việc hàng ngày của công nhân tại nhà máy xử lý rác của Hưng là đi thu gom
rác thải từ các tỉnh lân cận, sau đó đem về xử lí. Hưng chọn ra những rác thải
sạch dùng hoá chất và vôi làm sạch đem đi bán. Còn lại rác bẩn quá không thể sử
dụng được nữa, Hưng loại ra chế biến làm phân hữu cơ. Tính trung bình một ngày
trừ tất cả các chi phí, Hưng thu được từ 5-10 triệu đồng. Hiện tại Hưng đã xây
dựng được 2 máy xử lí rác thải. Và bạn đang cố gắng tìm cách đầu tư nhiều máy
móc kĩ thuật để nâng cao năng suất của nhà máy.</font></p>
<p class="MsoNormal" align="right"><font face="Arial" size="2"><br>
<b>MINH NGUYỆT – THANH GIANG</b></font></p>
</body>
</html>