Một lớp trẻ khao khát cống hiến và hành động vì sự phát triển của quê hương

Liên hoan thanh niên tiên tiến l

Liên hoan thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác miền Đông Nam bộ lần thứ VIII năm 2007:

Một lớp trẻ khao khát cống hiến và hành động vì sự phát triển của quê hương

Trong mỗi bước đi lên của miền Đông Nam Bộ, có sự góp sức không nhỏ của lớp lớp thanh niên miền Đông Nam Bộ - một lớp trẻ đang khao khát hành động và cống hiến vì một miền Đông Nam Bộ không ngừng phát triển, vì một vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Trong đó có những cán bộ công chức trẻ bằng chuyên môn, nghiệp vụ của mình mạnh dạn đề xuất phương pháp xử lý mới, tăng hiệu quả công việc, ra sức phục vụ nhân dân. Đó là một lớp sinh viên, trí thức trẻ ra sức thi đua học tập, miệt mài trên con đường khoa học, quyết tâm giành lấy đỉnh cao tri thức, với khát khao đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu, như lời dạy của Bác Hồ kính yêu.. Tuổi trẻ miền Đông còn biết đóng góp sức mình, tình nguyện vì sự phát triển, giàu mạnh của quê hương, của đất nước, tôn nên hình ảnh dân tộc Việt Nam với bạn bè thế giới. Nhiều gương thanh niên tiêu biểu đã biết áp dụng những kiến thức đã học trên ghế nhà trường, vận dụng kiến thức để thực hiện những công trình thực tế có ích và làm đẹp quê hương.

Trần Huỳnh Châu (TP.HCM): Công trình Thanh niên giúp giảm bớt áp lực cho cán bộ và giảm vất vả cho người dân

Theo quy định về thủ tục để được vay vốn tại ngân hàng, người có nhu cầu phải đến phòng Công chứng (hoặc UBND cấp phường) để ký hợp đồng thế chấp, sau đó đến cơ quan đăng ký để đăng ký thế chấp. Sau khi có xác nhận của của cơ quan đăng ký, ngân hàng mới thực hiện thủ tục giải ngân cho người vay. Và tương tự, khi muốn thế chấp lại hoặc thực hiện các giao dịch khác (chuyển nhượng, mua bán, tặng cho…), người dân phải thanh toán nợ vay và làm thủ tục xóa thế chấp cho lần đăng ký trước rồi mới được công chứng, chứng thực hợp đồng giao dịch mới. Vì vậy, khi đăng ký thế chấp, cơ quan đăng ký phải ghi nhận nội dung thế chấp lên giấy chứng nhận. Và khi xoá thế chấp, người dân cũng phải liên hệ cơ quan đăng ký để được xác nhận đã đăng ký xoá thế chấp trên giấy chứng nhận. Sau đó mới được lập hợp đồng mới cho lần giao dịch tiếp theo, dù Phòng công chứng biết người vay đã thanh toán hết nợ ngân hàng. Đó là những thủ tục mất rất nhiều thời gian cho người dân và cán bộ.

Xác định vai trò xung kích của Đoàn thanh niên trong các nhiệm vụ của Trung tâm, ban lãnh đạo Trung tâm thông tin Tài nguyên – môi trường và đăng ký nhà đất đã tin tưởng giao cho Đoàn thực hiện hai công trình thanh niên, đó là: “Thực hiện cải cách quy trình tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ”, “Thử nghiệm rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ xoá thế chấp, bảo lãnh”. Là một phó phòng Đăng ký Trung tâm thông tin kỹ thuật tài nguyên môi trường và đăng ký nhà đất – Sở tài nguyên môi trường, Trần Huỳnh Châu được tin tưởng giao là chủ nhiệm công trình.

Sau khi đưa vào thử nghiệm một thời gian, số liệu thống kê, hồ sơ xoá thế chấp được xử lý tăng lên rõ rệt, chiếm gần ½ tổng số hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm. Với thời gian xoá thế chấp là 5 ngày làm việc như trước kia, công trình thanh niên đã giảm xuống còn 2 ngày. Kết quả: trong 6 tháng cuối năm 2006, đã giải quyết được 20.071 hồ sơ giao dịch đảm bảo, trong đó hồ sơ giải quyết 01 ngày chiếm 37%; hồ sơ 02 ngày chiếm 28% và 05 ngày chiếm 35%, trung bình mỗi tháng giải quyết khoảng 3.345 hồ sơ các loại. Việc tin học hoá các dữ liệu liên quan đến hồ sơ đăng ký đã tạo sự tin tưởng đồng bộ ở các khâu thực hiện và cũng giúp rút ngắn thời gian thụ lý hồ sơ.

Công trình thanh niên giảm bớt nhọc nhằn cho người dân đăng ký nhưng cán bộ công chức theo đó cũng phải nỗ lực nhiều hơn, làm việc có trách nhiệm hơn. Để được hiệu quả và giảm áp lực cho Trung tâm thông tin kỹ thuật tài nguyên môi trường và đăng ký nhà đất – Sở tài nguyên môi trường, Trần Huỳnh Châu đã nhận được sự hỗ trợ, đồng lòng rất lớn của đoàn viên thanh niên trong phòng, đó cũng là niềm tin mà mọi người dành cho Châu. Huỳnh Châu tâm sự: “Để vì lợi ích của người dân, các bạn đã phải cố gắng rất nhiều, ngoài những ngày làm việc hành chính, các bạn còn nhiệt tình làm thêm việc ngoài giờ, làm cả ngày thứ 7 nhưng vẫn rất vui vẻ”. Riêng Châu, một ngày thứ 7 bắt đầu bằng chồng hồ sơ cao ngất và kết thúc khi giải quyết xong tập hồ sơ cuối cùng. Ngoài giờ làm việc, Châu còn tham gia các hoạt động xã hội. Đó là những chuyến đến với trẻ em ở huyện Củ Chi, những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn… Châu quan niệm: “hãy làm những gì mình thích, hãy nghĩ đến người khác, hài lòng với những gì mình đang có, tự tìm cho mình động lực cố gắng thì công việc và cuộc sống sẽ nhẹ nhàng, thoải mái hơn”. Là một cán bộ công chức trẻ, một đoàn viên ưu tú, nhiều năm liền đồng thời chiến thi đua nhưng Châu vẫn tự dặn mình phải cố gắng hơn nữa. Và lúc nào nụ cười tràn đầy niềm tin và nghị lực vẫn luôn hiện trên gương mặt trẻ Trần Huỳnh Châu.

Trương Công Thanh Nghị (TP.HCM): Thực tế là một trường học lớn

Ngay từ khi còn là sinh viên trường Đại học Kinh tế TPHCM, Thanh Nghị đã thích thú với nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu về tình hình kinh tế quốc gia. Dù bận rộn nhưng Thanh Nghị không hề bỏ qua các phong trào dành cho sinh viên. Một mùa hè xanh đầy ý nghĩa, hay những chuyến đi làm công tác xã hội đã đọng lại trong Nghị những kỉ niệm không thể nào quên. Và từ đấy bạn càng tích cực trong các công tác Đoàn.

Cô gái có vẻ bề ngoài hơi mảnh khảnh ấy lại có những thành tích thật đáng nể. Đậu thủ khoa vào trường Đại học kinh tế, Thanh Nghị lại tiếp tục học và tốt nghiệp với vị trí thủ khoa. Hiện đang là một giảng viên trẻ, Thanh Nghị đang chuẩn bị học lên nữa để xây dựng một nền tảng kiến thức thật vững chắc. Cơ hội đi du học nâng cao kiến thức để có thể mang về ứng dụng tại đất nước mình là một điều mà Nghị đang muốn thực hiện. Thanh Nghị khá tự tin với vốn kiến thức mình thu thập được trong bốn năm đại học nhưng bạn cho rằng đó vẫn còn ít, Nghị muốn được tiếp xúc với thực tế nhiều hơn có thể truyền đạt cho sinh viên những gì thiết thực nhất. Với Nghị, cô luôn trăn trở tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết ở trường và thực tế. Để các sinh viên khi ra trường sẽ không gặp phải bỡ ngỡ. Đó cũng chính là những ước mơ và cố gắng chung mà nhiều giảng viên trẻ đang thực hiện.

Tôn Hoàng Khánh Lan (Đồng Nai): Rèn luyện gian khổ để có được thành công

Gặp Lan giữa cái nắng oi bức của một buổi chiều tháng năm. Nước da nâu sạm, mồ hôi nhễ nhại, nét mặt vẫn còn đỏ gay sau những giờ tập luyện, Lan cho biết mình đang ráo riết luyện tập để chuẩn bị thi đấu Giải vô địch Thể hình trẻ Châu Á. Cô phải tập luyện trung bình từ 6 - 8 tiếng đồng hồ trong một ngày, và lịch tập luyện ngày càng dầy hơn. Lan cho biết: thể thao đòi hỏi sự dẻo dai và kiên trì tuyệt đối, thậm chí phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt thì mới đạt thành tích cao được. Với môn thể hình, ngoài việc phải luyện tập siêng năng và có phương pháp đồng thời phải có chế độ ăn kiêng gắt gao, cẩn thận và tỉ mỉ. Đối với cô môn thể thao này chính là niềm đam mê nên càng khổ, càng mệt lại càng thích.

Cái máu đam mê thể thao như đã ngấm sâu vào người Lan ngay từ những ngày còn bé. Khi còn đi học, cô bé Lan đã hiếu động, ngịch ngợm chẳng kém gì con trai. Tất cả những trò chơi mà các bạn nam quan tâm thì Lan cũng phải dành chơi cho bằng được từ thả diều, chơi bi, chạy bộ đến đá bóng. Mỗi lần nhà trường tổ chức thi đấu các môn thể thao, Lan tham gia tất cả, lúc thì đá bóng, chạy bộ khi thì đấu võ, nhảy xa… môn nào Lan cũng dẫn đầu.

Việc đến với môn thể hình đối với Lan được xem như là cái duyên định sẵn, vì cô trưởng thành trong phong trào thể dục thể thao huyện Thống Nhất từ môn Teakwondo. Nhưng với những lợi thế về thể hình nên cô đã sớm được phát hiện và đưa vào thành phần đội trẻ môn Thể dục thể hình của Tỉnh Đồng Nai từ tháng 10/2001. Lúc đó Lan đang làm việc tại sân Gôn Thủ Đức, mỗi ngày cô đạp xe hơn 10 km đến Sở Thể dục Thể thao Tỉnh để tập luyện. Niềm đam mê thể thao và sự quyết tâm cao độ giúp cô nhanh chóng gặt hái được nhiều thành công vượt ngoài mong đợi. Chỉ chừng sau một tháng tập luyện, Lan đã có mặt trong đội tuyển của tỉnh tham gia Giải vô địch Thể dục thể hình toàn quốc. Tại giải này, cô đã ẵm gọn cùng lúc 2 chiếc huy chương: Huy chương bạc cá nhân hạng cân 52 kg và Huy chương vàng đôi nam nữ phối hợp.

Từ khi Lan bắt đầu tham gia tập luyện môn thể hình đến nay, bộ sưu tập Huân chương của cô thật đáng nể: 8 Huy chương vàng, 4 Huy chương bạc, 2 Huy chương đồng tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc, Giải vô địch Thể hình toàn quốc, Giải lực sĩ đẹp. Đặc biệt, Lan là một trong những vận động viên từng đoạt Huy chương bạc Giải vô địch Thể hình trẻ Châu Á. Tại Giải vô địch thể hình toàn quốc vừa qua Lan cũng đã xuất sắc mang cho tỉnh với 2 Huy chương vàng (1 Huy chương vàng đơn nữ và 1 Huy chương vàng đôi nam nữ).

Những gì mà Lan đạt được đã làm nhiều VĐV cùng trang lứa thán phục, nhưng cô vẫn tỏ ra rất khiêm tốn khi nói về thành tích của mình. Không hề tự mãn với những gì mình có được mà cô vẫn đang cố gắng tập luyện để đạt thành tích cao trong khu vực, mà thử thách trước mắt của cô là Giải vô địch Thể hình trẻ Châu Á sắp tới.

Lê Quang Lợi (Bình Dương): Một tài năng nghệ thuật

Khi còn là sinh viên của trường ĐH Mỹ Thuật TP.HCM, Lê Quang Lợi tỏ ra là một sinh viên có năng khiếu đặc biệt trong lĩnh vực hội hoạ. Bộ sưu tập thành tích của anh “dày cộm” từng ngày. Đặc biệt, phải kể đến ba danh hiệu: Thanh niên tiên tiến ngành Văn hóa thông tin toàn quốc lần I năm 2003, giải nhất vẽ tranh cổ động chào mừng Sea Games 22, giải nhất vẽ tranh cổ động chào mừng Đại hội Công Đoàn lần IX… Trong học tập, anh luôn là sinh viên xuất sắc, đạt nhiều thành tích; được bạn bè, thầy cô quý mến. Đặc biệt, anh từng đạt được danh hiệu “Sinh viên 3 tốt”…

Hiện là giảng viên, bận rộn với việc giảng dạy; nhưng anh vẫn dành thời gian tham gia tích cực các hoạt động xã hội như: hiến máu nhân đạo, hoạt động tình nguyện… Với sự năng động, nhiệt tình trong công tác; anh được bầu làm Bí thư đoàn trường. Qua quá trình phấn đấu trong công tác, năm 2003, anh vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Nhận được vinh dự này anh càng cố gắng nhiều hơn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ một cách tốt nhất. Bản thân anh cũng đã có nhiều sáng kiến đóng góp cho các hoạt động Đoàn, cũng như học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình hoạt động hiệu quả từ các đơn vị bạn. Từ đó, rút ra những kinh nghiệm từ thực tiễn hoàn thiện mô hình, nhân rộng trong đơn vị. Những hoạt động mà anh tham gia luôn phong phú bổ ích vừa tạo sân chơi giải trí lành mạnh vừa tạo môi trường tốt trợ giúp cho quá trình học tập của thanh thiếu niên.

Tích luỹ nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, từ thực tiễn; anh truyền đạt kiến thức một cách tận tâm, nhiệt tình, hiệu quả cho học trò của mình. Đặc biệt, anh chú trọng đầu tư ý tưởng, phát huy tính sáng tạo của học sinh và đưa ra phương pháp học có hiệu quả: “Kết hợp lí luận với thực tiễn cuộc sống”. Làm được điều này, anh phải đầu tư thời gian, nhiệt huyết học hỏi, tổng hợp từ nhiều nguồn: đồng nghiệp, sách báo, Internet… những kinh nghiệm có được, từ đó đưa ra những sáng kiến phù hợp với khả năng chuyên môn của mình; truyền đạt đến học sinh một cách dễ tiếp thu nhất.

Với những đóng góp, công hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục, anh đã đạt nhiều bằng khen, giấy khen của: UBND tỉnh Bình Dương, Thành Đoàn TP.HCM... Tiếp tục nâng cao kiến thức hoàn thiện bản thân, anh đang theo học lớp Cao học Mỹ Thuật tạo hình nhằm nâng cao kiến thức phục vụ công tác giảng dạy của mình và để có thể tiến xa hơn nữa trên con đường nghệ thuật.

HOÀNG YẾN- MINH NGUYỆT- LAN LINH - HỒ THỊ THÙY

BÌNH LUẬN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tối ngày 23-3, Tại Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh, Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công Chương trình kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2025) và Trao Giải thưởng Hồ Hảo Hớn lần thứ 23, năm 2025. …

Agile Việt Nam
;