<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Sinh viên với lịch sử dân tộc</title>
<style>
<!--
p.MsoNormal
{mso-style-parent:"";
margin-bottom:.0001pt;
font-size:12.0pt;
font-family:"Times New Roman";
margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
p.MsoBodyText
{margin-bottom:.0001pt;
text-align:justify;
font-size:12.0pt;
font-family:Arial;
margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
p.MsoBodyText2
{margin-bottom:.0001pt;
text-align:justify;
font-size:12.0pt;
font-family:Arial;
font-weight:bold; margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
h1
{margin-bottom:.0001pt;
text-align:justify;
page-break-after:avoid;
font-size:12.0pt;
font-family:Arial;
font-style:italic; margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
-->
</style>
</head>
<body>
<p class="MsoNormal" style="text-align: center">
<span style="font-family: Arial; font-weight: 700">
<font size="2" color="#0000FF">Sinh viên với lịch sử dân tộc</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2"> </font></span></p>
<p class="MsoBodyText"><font size="2">Hiện nay, sinh viên thì đổ xô đi học thêm
các ngành kinh tế, ngoại ngữ, tin học..., còn kiến thức khoa học xã hội và nhân
văn, nhất là những hiểu biết về lịch sử dân tộc ở sinh viên là quá ít, có khi
không bằng những hiểu biết về các ngôi sao thể thao, âm nhạc hiện đại, không
bằng sự hiểu biết của họ về khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật. Điều đó nói
lên sự không bình thường, thậm chí kéo dài sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Nhiều người đặt câu hỏi: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mà lịch sử và truyền
thống dân tộc không thấm nhuần làm định hướng cho lý tưởng và nhân cách cho lớp
trẻ, kể cả sinh viên - chủ nhân tương lai của đất nước - thì xã hội sẽ đi vê đâu?</font></p>
<p class="MsoBodyText"><font size="2"> </font></p>
<p class="MsoBodyText2"><font size="2" color="#008000">"Nhiều bạn không thể trả
lời được trước những câu hỏi khá dễ về lịch sử nước nhà "</font></p>
<p class="MsoBodyText2"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Bản thân lịch sử dân tộc là
những bài học vô cùng quí báu, học và hiểu lịch sử dân tộc không những giúp giáo
dục thái độ đúng đắn với quá khứ mà còn tăng sức đề kháng văn hóa đất nước, làm
tăng niềm tự hào và tự tôn dân tộc trong thế hệ trẻ. Thế nhưng sự hụt hẫng kiến
thức lịch sử dân tộc, không chỉ đối với học sinh mà ngay cả đối với sinh viên
cũng rất phổ biến,TS. Lê Hữu Phước, Giảng viên Khoa Lịch sử - Trường ĐHKHXH&NV –
ĐHQG-HCM cho biết: "Không ít sinh viên không thể giải thích rõ ràng về nguồn gốc
dân tộc Việt Nam, không thể kể tên được 5 thủ lĩnh quân chống Pháp thời cận đại,
rất lạ lẫm khi nghe giảng về các phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy
Tân... đầu thế kỷ XX, rất ngơ ngác khi được hỏi tác giả quốc kỳ Việt Nam là ai?...”.
Hồng Nhị (Lớp Lịch sử VN 3 - Trường ĐHKHXH&NV) đang thực hiện đề tài “Thực trạng
về kiến thức lịch sử của sinh viên Đại học thành phố Hồ Chí Minh qua thực tế môn
học Lịch sử Việt Nam và Lịch sử Đảng", sau khi phát phiếu điều tra, phỏng vấn
khảo sát kiến thức lịch sử sinh viên, kể: "Nhiều bạn vô cùng bối rối và không
thể trả lời trước những câu hỏi khá dễ về lịch sử nước nhà, ví dụ như nhà nước
đầu tiên của Việt Nam có tên gọi là gì?", "Hiệp định Giơnever được ký kết vào
năm nào?” ... Đấy là những kiến thức lịch sử không chỉ đã học kỹ ở trường phổ
thông mà còn phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng".</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Không những sinh viên có những
lỗ hổng lớn về kiến thức lịch sử dân tộc mà khi hỏi về sự quan tâm của sinh viên
đối với môn lịch sử, tôi nhận được câu trả lời kèm theo những cái lắc đầu: "Tôi
không quan tâm vì lịch sử không liên quan đến ngành học, khi nào có việc cần,
tôi sẽ tìm hiểu”. Qua thực tế giảng dạy và tiếp xúc với sinh viên trong nhiều
năm, TS. Hà Minh Hồng - Trưởng Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV- ĐHQG-HCM cho rằng
giới sinh viên ngày nay có quá nhiều quan tâm khác xâm chiếm, cho nên sự quan
tâm đến lịch sử bị phân tán và chi phốI, chứ sinh viên không hề quay lưng với
lịnh sử đất nước mình. “Hiện nay, kiến thức lịch sử ở sinh viên nói chung rất là
lơ mơ, có biết chút ít nhưng lại không biết cho tường tận, lại không chịu khó
tiếp cận lịch sử làm cho kiến thức lịch sử không những lỏm bỏm mà còn mang nặng
dấu ấn chủ quan cửa ngườI đi học” - TS. Hà Minh Hóng cho biết thêm.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2"> </font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"><b>
<span style="font-family: Arial"><font size="2" color="#008000">Để sinh nên sống
cùng lịch sử...</font></span></b></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Hiện nay, ngoài kiến thức lịch
sử nền tảng được trang bị ở trường phổ thông, lên bậc đại học, đối với những
sinh viên không chuyên ngành xã hộI - nhân văn, việc tiếp nhận lịch sử của sinh
viên chủ yếu được truyền giảng qua những môn như Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí
Minh… Với nội dung lịch sử khá phong phú, và đây là những môn cung cấp kiến thức
cơ bản, nền tảng khoa học cho sinh viên khi còn ngồi ở giảng đường đại học. Thế
nhưng có một thực trạng đáng báo động là sinh viên rất ngại học những môn này,
và kỳ thi nào cũng có không ít người vi phạm qui chế. Một nguyên nhân dẫn đến
thực trạng trên là cách dạy và học chưa “gây men" tạo hứng thú ở sinh viên. Thế
hệ trẻ hôm nay lại không hề trải qua "mùi vị" của chiến tranh, và do đó có
khoảng cách lịch sử nhất định nên cũng không phải là những người dễ dàng tiếp
nhận quá khứ. Phú Tỷ (Trường ĐHSPKT) kể lại: Một giảng viên khi dạy hay kể về
thời ông đi B chiến đấu và luôn ca ngợi hình mẫu của thanh niên trong kháng
chiến, nhưng lại nặng lời chê bai cách sống thực dụng, thiếu lý tưởng của sinh
viên hiện nay, có sinh viên ngồi dưới bắt bẻ: “Đất nước chuyển mình. Không lẽ
hình ảnh lý tưởng của sinh viên cứ phải là cây súng?" (?!). "Em có thể không
tòng quân đánh giặc điều đó không có nghĩa là em không có lý tưởng, em nghe nhạc
quốc tế không có nghĩa là em lai căng...". Phú Tỷ cho rằng:" Dĩ nhiên, các bạn
sinh viên không hiểu hoặc cố tình không hiểu giá trị của lịch sử, tuy nhiên nếu
việc giáo dục lịch sử truyền thống trong sinh viên mềm dẻo hơn sẽ tránh được
những lệch pha đáng tiếc. Thấy dạy về lịch sử, về quá khứ dân tộc nhưng cũng
phải làm sao thực sự sống cùng thời với sinh viên nữa chứ!". Văn Thanh (SV
Trường ĐHBK- ĐHQG-HCM) cho rằng việc dạy lịch sử hiện nay hình như thiên về việc
chăm chút quá khứ nhiều hơn là rút ra những bài học lịnh sử, hay nhận diện đúng
vấn đề thực tiễn để sinh viên nghiền ngẫm, "Ví dụ thôi, nếu như phỏng vấn giới
sinh viên Trung Quốc và hỏi họ về tương lai đất nước, thì chúng ta dễ dàng nhận
được câu trả lời như trong những năm tới chúng tôi sẽ là những cường quốc hàng
đầu, và trên cơ sở đó họ biết phải làm gì. Trong khi sinh viên Việt Nam vẫn được
dạy rằng luôn luôn đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, đất nước ta giàu đẹp. Điều đó
đúng vớI lịch sử, với việc xây dựng tình cảm quê hương đất nước cho thế hệ trẻ,
nhưng lớp trẻ như tụi mình lại không nhận thấy mình cần phải làm gì để đưa nước
ta phát triển, rửa nỗi nhục nghèo đói”.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">TS. Hà Minh Hồng tâm sự: Muốn
sinh viên yêu sử, cảm nhận được vấn đề của quá khứ đặt ra thì người thầy giảng
dạy phải luôn luôn cập nhật kiến thức lịch sử, phải trở thành những chuyên gia
sử. và hơn nữa phải thực thụ sống với thời của sinh viên, từ đó mới tạo cho sinh
viên niềm tin và xúc cảm qua mỗi bài giảng lịch sử, nhưng muốn cải thiện thực
trạng hiện nay thì trước hết cần phải đánh động đến ý thức học sử ở sinh viên. "Sinh
viên chỉ quan tâm đến lịch sử trong điều kiện nhất định, khi có người khác cùng
quan tâm. Đó là các cuộc thi về lịch sử, hoạt động lễ hội truyền thống… những
hoạt động đến ý thức của sinh viên hết sức rõ ràng. Chứng tỏ là sinh viên đâu có
bàng quan với lịch sử, kiến thức lịch sử không hề ngủ quên. Vì vậy, xã hội, nhà
trường phải có biện pháp đánh thức việc tìm hiểu kiến thức lịch sử trong sinh
viên… làm sao mở mắt ra là thấy lịch sử, phải lồng nội dung lịch sử vào hoạt
động của tuổi trẻ”.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Từ sự bức xúc về việc giới trẻ
biện nay biết sử như Tần, nhà Thanh của Trung Quốc qua phim ảnh nhiều hơn là
biết sử Việt, Huỳnh Hoằng (SV Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQG-HCM) đưa ra
giải pháp là cần sớm tận dụng các phim tài liệu, phim truyền hình về đề tài lịch
sử: “Có những bộ phim về đề tài lịch sử rất hay, như: Ngã ba Đồng Lộc, Hà Nội
mùa đông năm 1946, Trường Sơn ngày ấy… Những bộ phim này hàm chứa một nội dung
lịch sử rất phong phú, chân thực và sinh động. Nếu chúng ta đem những bộ phim
này đến các ký túc xá, giảng đường chiếu phục vụ sinh viên. Chắc chắn khi xem
qua những bộ phim này, sinh viên sẽ hiểu hơn quá khứ và lịch sử dân tộc". Còn
Thanh Ngoãn (SV Trường ĐHKHTN – ĐHQG-HCM) thì mong muốn sớm có website về lịch
sử, từ đó có thể trở thành diễn đàn để trao đổi học hỏi về nhiều vấn đề lịch sử
mà sinh viên cùng quan tâm: “Mình muốn tìm hiểu về nhân vật Nguyễn Hữu Huân
nhưng không tìm đâu ra sách viết về nhân vật lịch sử này cả. Thiết nghĩ nếu có
một website riêng về lịch sử, chắc việc tìm kiếm của mình sẽ nhanh chóng, dễ
dàng hơn nhiều…".</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Thế hệ 8X, 9X hiện nay đang sống
trong một “thế giới phẳng” về trí thức với vô vàn kiến thức cần tiếp nhận, do đó,
cần có một chiến dịch chủ động “marketing lịch sử” đến tận nơi ở của sinh viên
để sinh viên có thể được sống cùng với lịch sử dân tộc. Với ý tưởng đó. Hoàng
Anh (SV Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQG HCM) đặt ra loạt câu hỏi: “Tại sao không tổ chức
thường xuyên những buổi biểu diễn văn nghệ truyền thống mà chỉ có những đêm nhạc
Rock, Ráp với những ca sĩ thời thượng nặng tính thương mại? Tại sao không tổ
chức những buổi nói chuyện của các cựu chiến binh ở các giảng đường, ký túc xá?…".
Rất nhiều câu hỏi tại sao, nhưng nếu có sự quan tâm đúng mức đến việc giáo dục
lịch sử nước nhà cho sinh viên thì câu trả lời không phải là khó.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify"> </p>
<h1 style="text-align: right"><font size="2">Theo Thế hệ mới</font></h1>
</body>
</html>