<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Bài dự thi Nhà sử học trẻ tuổi -</title>
<style>
<!--
p.MsoNormal
{mso-style-parent:"";
margin-bottom:.0001pt;
font-size:12.0pt;
font-family:VNI-Times;
margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
-->
</style>
</head>
<body>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="left">
<span id="PageContent_News_NewsDetail"><font size="2"><b>
<span style="font-family: Arial">Bài dự thi Nhà sử học trẻ tuổi - Phần tự luận:
</span></b></font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="left"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="center"><b>
<span style="font-family: Arial"><font size="2" color="#0000FF">Muốn sự nghiệp
Cách mạng thắng lợi, phải nhất thiết xây dựng cho được nền đạo đức Cách mạng</font></span></b></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="center"> </p>
<div style="float: right; width: 104px; height: 42px">
<table border="0" cellspacing="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="muon%20su%20nghiep%20CM%20thang%20loi.jpg" width="220" height="191"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><font color="#808080" face="Arial" size="2"><i>Chủ
tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ Phủ 1946</i></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả
cuộc đời của mình cho sự nghiệp cách mạng nước ta. Trong đó phải nói đến cuộc
cách mạng trong lĩnh vực đạo đức đã được người đề xướng và thực hiện. Về mặt nào
đó, sở dĩ Người hoàn thành được sự nghiệp cách mạng của mình đem đến cho dân tộc
ta nền độc lập và thống nhất Tổ quốc, nhân dân ta tự do, hạnh phúc, chính là nhờ
Người đã phát huy đúng đắn lý tưởng đạo đức cách mạng và thực hành gương mẫu lý
tưởng đạo đức đó. Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn xem đạo đức là "cái gốc" của người
cách mạng và được Người quán triệt một cách triệt để cả về mặt lý luận, hoàn
thiện cả về mặt thực tiễn. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người
luôn chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân. Người
đặt niềm tin vào việc cải tạo đạo đức, thực hiện cuộc cách mạng về đạo đức.
Người nhận thức rõ rằng muốn sự nghiệp cách mạng thắng lợi thì người chiến sĩ
cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Bởi lẽ, cách mạng là sự nghiệp của quần
chúng nhân dân. Nếu người chiến sĩ cách mạng và Đảng cộng sản không dẫn dắt được
quần chúng tham gia vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc thì sự nghiệp đó
không thể thành công được. Muốn tiến hành sự nghiệp to lớn đầy gian khổ đó, để
đi tới thắng lợi thì người cách mạng phải có đạo đức.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm
việc (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Cũng như sông có nguồn thì mới có
nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có góc thì cây héo.
Người cách mạng phải có đạo đức không có đạo đức thì ít tài giỏi mấy cũng không
lãnh đạo được nhân dân". Câu nói trên của Người đã cho thấy vị trí và tầm quan
trọng của đạo đức con người, đạo đức xã hội mà điểm sáng là đạo đức cách mạng.
Người khẳng định: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới
hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”, đồng thời Người nhấn mạnh: “Việc gì
có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh".</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Cuộc đời chủ tịch Hồ Chí Minh
là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, thủy chung, son sắt. Từ người thanh niên
yêu nước ra đi bôn ba tìm đường cứu nước. Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin,
tìm ra con đường cách mạng vô sản với mục tiêu là độc lập dân tộc gắn với chủ
nghĩa xã hội. Từ đó, Người ra sức tuyên truyền cách mạng, huấn luyện cán bộ cách
mạng. Người đã sáng lập và rèn luyện Đảng ta, lãnh đạo nhân dân ta tiến hành
thắng lợi sự nghiệp cách mạng to lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn
đề đạo đức, gắn đạo đức với thực tiễn cách mạng Việt Nam để phục vụ sự nghiệp
cách mạng.Nền đạo đức mới, đạo đức cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xướng
bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam. Kế thừa tư tưởng đạo đức
phương Đông, những tinh hoa của đạo đức nhân loại, đặc biệt là những tấm gương
đạo đức trong sáng của Mác, Ăngghen, Lênin… Người đã vận dụng sáng tạo các quan
điểm về đạo đức của chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cành cụ thể của cách mạng
Việt Nam từ đó xác lập hệ thống giá trị đạo đức mới là đạo đức cách mạng để giáo
dục các thế hệ cán bộ cách mạng, chiến sĩ cách mạng và toàn thể nhân dân học tập
và noi theo. Người khẳng định “Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là
đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng cá nhân mà vì lợi ích
chung của Đảng, của dân tộc, của loài người.”</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức
là nền tảng của người cách mạng, cũng như gốc của cây, ngọn nguồn của sông, của
suối. Người cách mạng muốn lãnh đạo được nhân dân cần phải có đạo đức cách mạng
và cũng cần phải nắm được nội dung cơ bản của đạo đức đó: Trung với nước, hiếu
với dân, yêu thương con người, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải sống
có nhân nghĩa, có trí, dũng, có tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung. Đối
với cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “điều chủ chốt nhất” của đạo
đức cách mạng là "quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”, "tuyệt
đối trung thành với Đảng, với nhân dân", hơn nữa là "tận trung tận hiếu" thì mới
xứng đáng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Người còn viết, đạo đức cách mạng là “vô luận lúc nào, vô luận việc gì, Đảng
viên phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích cá nhân lại sau”. Phải luôn gắn
bó mật thiết với nhân dân, lấy dân làm gốc, yêu nước thương dân. Tình yêu thương
đó thể hiện rõ khi Người viết: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là
làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ta
ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Đạo đức cách mạng yêu cầu người
cách mạng phải "một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phải là người đầy tớ trung
thành của nhân dân", với kẻ thù phải kiên cường bất khuất, với gian khổ hiểm
nguy không được sờn lòng, với nhân dân "sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi
tớ trung thành của nhân dân". Nhân dân chỉ tin, chỉ theo những người có tư cách,
có đạo đức, bởi vậy “Người cách mạng nếu không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy
cũng không lãnh đạo được nhân dân" như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Người chỉ cho người cách mạng
biết rằng: “Ngoài lợi ích của Tổ quốc của giai cấp, của dân tộc, Đảng ta không
có lợi ích nào khác”. Và "Đảng ta là đạo đức, là văn minh". Mỗi cán bộ, Đảng
viên muốn trở thành một chiến sĩ cách mạng tiên phong thì phải có đạo đức cách
mạng. Vì vậy ngay khi chưa thành lập Đảng, năm 1927, Người đã viết cuốn "Đường
Kách mệnh" làm kim chỉ nam huấn luyện, giáo dục tư cách, đạo đức cho người cán
bộ cách mạng. Suốt đời Người luôn tâm niệm và coi việc giáo dục nâng cao đạo đức
cách mạng cho Đảng, cho nhân dân là công việc thường xuyên, liên tục. Vào những
năm tháng cuối đời, ngày 3-2-1969, Người còn viết bài “Nâng cao đạo đức cách
mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” để nêu lên vai trò quan trọng của đạo đức và
việc cần phải giữ gìn, tu dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Trong cuộc đời của mình, Hồ Chủ
tịch chẳng những đã đưa ra những ý tưởng đạo đức, quan điểm, chuẩn mực đạo đức
mà còn đề xướng và xây dựng nền đạo đức mới - đạo đức cách mạng phù hợp với thực
tiễn cách mạng Việt Nam. Người là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng cho mọi
người học tập và noi theo. Người đã viết: “Đạo đức cách mạng không phải trên
trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng
cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Quan điểm của
Hồ Chí Minh về đạo đức không chỉ biểu hiện tư tưởng nhân văn của Người mà sâu
sắc hơn là các tiêu chí đạo đức, có tính chất thực hành mà mỗi cán bộ, Đảng viên
và quần chúng nhân dân cần thấm nhuần và noi theo. Thấm sâu lời dạy của Người:
“Người cách mạng phải có đạo đức… Không có đạo đức thì dù tài gỉoi mấy cũng
không lãnh đạo được nhân dân". Ngày nay muốn lãnh đạo được nhân dân, xây dựng xã
hội mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta nhất thiết phải thấm nhuần
đạo đức cách mạng . Phải thường xuyên và thực hiện "Học tập và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh".</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="right"><font size="2">
<span style="font-family: Arial; font-weight: 700">PHÙNG THỊ HỒNG OANH</span></font><span style="font-family: Arial; font-weight: 700"><font size="2">
– (Sinh viên)</font></span></p>
</body>
</html>