<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Đạo đức phải là cái</title>
<style>
<!--
p.MsoNormal
{mso-style-parent:"";
margin-bottom:.0001pt;
font-size:12.0pt;
font-family:VNI-Times;
margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
-->
</style>
</head>
<body>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="left">
<span id="PageContent_News_NewsDetail"><font size="2"><b>
<span style="FONT-FAMILY: Arial">Bài dự thi Nhà sử học trẻ tuổi - Phần tự luận:</span></b></font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="left"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="center"><b>
<span style="font-family: Arial"><font size="2" color="#0000FF">Đạo đức phải là
cái "gốc" của người Cách mệnh</font></span></b></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="center"> </p>
<div style="float: right; width: 106px; height: 42px">
<table border="0" cellspacing="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="dao%20duc%20phai%20la%20cai%20goc.jpg" width="255" height="212"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font color="#808080" face="Arial" size="2">Bác
Hồ thǎm đại biểu giáo viên toàn miền Bắc (1958)</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh
đặc biệt quan tâm tới vấn đề đạo đức, nhất là đạo đức của người cán bộ cách mạng.
Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cuốn “Sửa đổi lối làm việc”. Trong đó Người
đã khẳng định: đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Người nói: "Cũng như sông
có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có
gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài
giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Câu nói ngắn gọn nhưng súc tích,
hàm chứa một ý nghĩa rất hết sức to lớn. Người muốn nhấn mạnh ý nghĩa của đạo
đức cách mạng đối với mỗi cán bộ, đảng viên, với sự nghiệp cách mạng của toàn
Đảng, toàn dân ta. Người coi trọng cả đức và tài, nhưng đức là “gốc". Tài phải
lấy đức làm cơ sở. Nếu không có đức thì dù có tài giỏi mấy cũng không thể lãnh
đạo được nhân dân. Quả thật như vậy, thực tiễn cách mạng Việt Nam trước đây và
hiện nay đã chứng minh sự đúng đắn cho câu nói của Bác. Trước đây trong thời kỳ
chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, chỉ có những cán bộ thật sự trung kiên, giữ
vững lập trường quan điểm, trung với nước, với Đảng, hiếu với dân mới có thể
hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhân dân, đồng chí, đồng đội tin yêu. Hiện nay,
cán bộ không những chỉ có tài mà còn phải nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân,
không tham ô, tham nhũng, quan liêu... thì mới được nhân dân tin tưởng, nghe
theo, tạo điều kiện cho cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Như vậy, đạo
đức là cái quý nhất, là linh hồn của một con người, một chế độ, một xã hội, một
nền văn minh. Đạo đức cách mạng là tiên đề tiên quyết, là giá trị thuộc về nhân
cách của mỗi người, là sức mạnh để người cách mạng thực hiện lý tưởng, mục tiêu
của mình.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Khi nói về đạo đức, chủ tịch Hồ
Chí Minh đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn những giá trị đạo đức truyền thống của
dân tộc với quan niệm đạo đức của chủ nghĩa Mác - Lênin. Tư tưởng đạo đức của
Người rất phong phú, hàm súc, nhưng cái cốt lõi là tư tưởng trung với nước, với
Đảng, hiếu với dân; là Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Cần, Kiệm, Liêm, Chính.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Theo Người, trung với nước, với
Đảng là tự nguyện, tự giác suốt đời phấn đấu cho độc lập của Tổ quốc, tự do của
nhân dân, xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa, biến lý tưởng cao đẹp của Đảng
thành hiện thực, bất chấp mọi khó khăn, thử thách, kể cả sự hy sinh khi cần
thiết. Hiếu với dân là phải tự coi mình là công bộc của dân, hết lòng, hết sức
phục vụ nhân dân. Đảng ta từ nhân dân mà ra. Cán bộ, đảng viên là con em của
nhân dân. Nếu không có nhân dân thì không có cách mạng, không có Đảng. </font>
</span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Trong tám đức lớn: Nhân, Nghĩa,
Trí, Dũng, Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng bốn
đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Người viết:</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">"Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu,
Đông.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Đất có bốn phương: Đông, Tây,
Nam, Bắc.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Người có bốn đức: Cần, Kiệm,
Liêm, Chính.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Thiếu một mùa, thì không thành
trời. </font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Thiếu một phương, thì không
thành đất.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Thiếu một đức, thì không thành
người" (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000 t 5, tr 631)</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Cần là siêng năng, chăm chỉ, cố
gắng dẻo dai, là luôn luôn cố gắng, biết nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của
mình để làm việc lâu dài. </font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ,
không hoang phí, không bừa bãi. </font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Cần và Kiệm phải đi đôi với nhau
như hai chân của một con người. Cần mà không Kiệm thì “làm chừng nào, xào chừng
ấy". Kiệm mà không Cần thì không tăng thêm, không phát triển được. Muốn tiết
kiệm có kết quả tốt thì phải khéo tổ chức. Không biết tổ chức thì không biết
tiết kiệm.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Liêm là trong sạch, không tham
lam. Liêm phải đi đôi với Kiệm, cũng như Kiệm phải đi đôi với Cần. Có Kiệm mới
Liêm được, vì xa xỉ mà sinh tham lam. Tham tiền của, tham địa vị, tham danh
tiếng đều là bất Liêm.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Chính nghĩa là không tà, nghĩa
là thẳng thắn, đứng đắn.Có Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì mới đạt đến Chí công vô tư
được.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Người là tấm gương mẫu mực về
đạo đức cách mạng mà chúng ta phải học tập, noi theo. Với Bác, nói phải đi đôi
với làm. Người luôn quan tâm đến cuộc sống của nhân dân. Trong tình cảnh đất
nước còn nghèo, đời sống nhân dân còn khó khăn, Người luôn giữ một lối sống giản
dị. Tôi không được sinh ra cùng thời với Bác nhưng những tài liệu, hiện vật mà
tôi được đọc, được xem tận mắt đã làm cho tôi thật sự cảm phục về vị lãnh tụ vĩ
đại của Tổ quốc mình.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Đạo đức cách mạng đòi hỏi người
cán bộ, Đảng viên phải có giác ngộ sâu sắc về lý tưởng độc lập dân tộc và chủ
nghĩa xã hội. Người có đạo đức cách mạng là ngươi yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội,
gắn bó mật thiết với nhân dân; lao động cần cù, thông minh sáng tạo, dám nghe
dám làm; tiết kiệm trong sản xuất, đời sống, sinh hoạt; không tham ô lãng phí,
không chiếm đoạt tài sản của Nhà nước và nhân dân làm của riêng; một lòng một dạ
vì sự nghiệp chung của đất nước; gắn lợi ích của bản thân và gia đình với lợi
ích chung của đất nước, của cộng đồng. Người có đạo đức cách mạng còn là người
có tinh thần quốc tế thủy chung, trong sáng.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Trong điều kiện xây dựng nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và tiến hành cải cách
hành chính nhà nước, vai trò của đạo đức công vụ là hết sức quan trọng. Do đó,
Nhà nước ta đã từng bước xây dựng và hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức trong hoạt
động công vụ như: Pháp lệnh cán bộ công chức; Luật phòng chống tham nhũng; Luật
khiếu nại tố cáo; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Đặc biệt, ngày
7/11/2006, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 06 – CT/TW về tổ chức cuộc vận động "Học
tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" . Cuộc vận động đang được sự
hưởng ứng nhiệt tình của toàn xã hội.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Tuy nhiên, hiện nay tình trạng
suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên
đang là một trong những bức xúc lớn cần được nghiên cứu làm sáng tỏ, đặc biệt là
trong điều kiện đất nước ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế khu vực và
thế giới với nhiều thời cơ, thách thức, yêu cầu phải nâng cao hơn nữa chất lượng
công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên nhằm đáp ứng với nhiệm
vụ cách mạng mới.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Bản thân tôi đang là sinh viên
và sẽ trở thành một chiến sỹ an ninh trong tương lai. Tôi luôn nhận thức được về
vai trò, nhiệm vụ của mình đối với đất nước. Vì vậy, trong quá trình học tập tôi
luôn phấn đấu rèn luyện theo 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Bác đã đi xa
nhưng mỗi khi nghĩ về Bác tôi lại tự nhủ với lòng mình phải cố gắng nhiều hơn
nữa để góp phần sức mình vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng
của Người luôn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="right">
<span style="font-family: Arial"><b><font size="2">BẠCH GIANG CHÂU - (sinh viên)</font></b></span></p>
</body>
</html>