<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Bài dự thi Nhà sử học trẻ tuổi -</title>
<style>
<!--
p.MsoNormal
{mso-style-parent:"";
margin-bottom:.0001pt;
font-size:12.0pt;
font-family:VNI-Times;
margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
-->
</style>
</head>
<body>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="left">
<span id="PageContent_News_NewsDetail"><font size="2"><b>
<span style="font-family: Arial">Bài dự thi Nhà sử học trẻ tuổi - Phần tự luận:</span></b></font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="left"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="center">
<font size="2" color="#0000FF"><b><span style="font-family: Arial">Tu dưỡng đạo
đức cách mạng phải xuất phát từ thực tiễn</span></b></font></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="center"> </p>
<div style="float: right; width: 99px; height: 45px">
<table border="0" cellspacing="1" width="100%" id="table1">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="tu%20duong%20dao%20duc%20CM.jpg" width="252" height="196"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font color="#808080" face="Arial" size="2">Bác
Hồ tới thǎm các cháu thiếu nhi miền Nam tập kết ra Bắc ở tỉnh Thanh
Hoá (1957)</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh
luôn quan tâm sâu sắc đến việc giáo dục về đạo đức, về nhân cách của người cán
bộ cách mạng. Người nói có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Người khẳng định đó là
một chân chân lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đạo đức có vị trí quan trọng
đặc biệt đối với mỗi con người. Đối với người cách mạng, nó là gốc, cái nền tảng
của người cách mạng. Người đã khẳng định điều này trong tác phẩm: "Sửa đổi lề
lối làm việc": "Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông
cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức,
không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân".</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức
là sức mạnh tinh thần to lớn. Vì đạo đức là bộ phận của thế giới quan, là hiện
thực trực tiếp của tư tưởng, có tác dụng chỉ đạo trực tiếp hành vi ứng xử của
con người trong thực tiễn. Người viết: "làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành
xã hội mới là một sự nghiệp vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ nặng nề, một
cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng
và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn
thành được nhiệm vụ vẻ vang".</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Phẩm chất đạo đức không tự xuất
hiện ở mỗi con người, mà nó là kết quả của quá trình hoạt động nhận thức và hoạt
động thực tiễn của mỗi chủ thể. Quá trình hình thành phẩm chất đạo đức của mỗi
cá nhân vừa phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội, vừa phụ thuộc vào sự nhận
thức của các chủ thể đạo đức về các chuẩn mực đạo đức xã hội.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “đức”
và "tài" là những yếu tố tạo nên nhân cách. Người khẳng định không có “đức” và
“tài” không tồn tại thuần tuý tách rời nhau mà chúng có quan hệ biện chứng với
nhau, do vậy nếu thiếu đi một trong hai yếu tố đó thì nhân cách, đạo đức con
người sẽ không thể hoàn thiện được, "có tài mà không có đức ví như một anh làm
kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm
được gì có ích lợi cho xã hội mà còn có hại cho xã hội. Nếu có đức mà không có
tài ví như ông bụt không làm hại gì nhưng cũng không lợi gì cho loài người...".
Tuy nhiên, Bác không đặt "đức", “tài”, ngang nhau mà trong đó “đức” là gốc là
nền tảng của người cách mạng. Người chỉ rõ; "muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải
có những con người xã hội chủ nghĩa, tức là phải có những con người có đạo đức
xã hội chủ nghĩa" và “người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới
hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Người cán bộ cách mạng khác
người dân bình thường ở chỗ họ là người đại biểu cho lợi ích của nhân dân, là
người nắm được những tâm tư nguyện vọng của nhân dân và giải quyết những nguyện
vọng chính đáng của nhân dân. Họ là người tuyên truyền và tổ chức nhân dân thực
hiện các chủ trương đường lối chính sách của Đảng của Nhà Nước. Họ là cầu nối
giữa Đảng, Nhà Nước đến với nhân dân. Người viết: “cán bộ là cái đây chuyền của
bộ máy, nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy được
thì toàn bộ máy cũng bị tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của chính
phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng
không thể thực hiện được". Do vậy người cán bộ cách mạng đòi hỏi phải luôn luôn
rèn luyện đạo đức cách mạng.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Chính vì vậy Người dã dùng những
hình ảnh rất giản dị "sông" với "nguồn" và “cây” với "gốc". Nếu như không có
nguồn thì sông cạn, không có gốc, rễ thì cây sẽ chết. Đó là những điều tất nhiên
và giữa chúng có những mối quan hệ mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau. Từ
những hình ảnh đó người đã đặt ra một vấn đề có tính thiết thực phù hợp với thực
tiễn cuộc sống của nước ta và của một người cán bộ trong bộ máy quản lý nhà nước.
Do vậy người cán bộ cần phải có đạo đức cách mạng chỉ dẫn cho hành động của mình,
không có đạo dức cách mạng thì dù có tài giỏi đến đâu cũng không được dân tin,
dân yêu, không tập hợp được quần chúng tham gia vào phong trào cách mạng. Người
viết: “trước mặt quần chúng không phải cứ nói cứ viết lên trán chữ cộng sản mà
ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn
hướng dẫn nhân dân mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước".</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Thực tiễn đã chứng minh, đại đa
số cán bộ ta là những người có đạo đức, cả đời hết lòng hết sức phục vụ nhân dân,
sinh hoạt thường ngày thì gương mẫu, giản dị, chất phác... Đạo đức ấy có ảnh
hưởng lớn đến sự nghiệp đổi mới của đất nước. Nhưng cũng có cán bộ tự cho mình
cái quyền làm quan nhân dân , quan liêu, hách dịch, lợi dụng chức quyền để chiếm
đoạt tài sản của nhà nước và của nhân dân. Họ tha hoá về phẩm chất đạo đức , bị
bọn tội phạm và các thế lực thù địch lợi dụng mua chuộc xa rời hàng ngũ cách
mạng, tiếp tay cho những hành động phạm pháp của chúng.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Chính vì vậy mỗi người cán bộ,
mỗi người dân cần phải có những nhận thức đúng đắn về việc rèn luyện đạo đức của
mình. Việc rèn luyện phải bền bỉ suốt đời như công việc rửa mặt hàng ngày, đây
chính là một trong những yêu cầu có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. “Đạo đức cách
mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày
mà phát triển và củng cố. Cũng như "ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện
càng trong". Đối với mỗi sinh viên chúng ta trên cơ sở nhận thức đúng đắn tầm
quan trọng của việc rèn luyện đạo đức cách mạng mà có phương hướng học tập rèn
luyện cho phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà Nước... tránh bệnh
chủ quan, hẹp hòi, tránh chủ nghĩa cá nhân duy ý chí... Hơn hết là quét sạch chủ
nghĩa cá nhân: “tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại.
Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc
cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư
tưởng cá nhân thì cũng như cỏ đại, sinh sôi, nảy nở rất dễ”. Vì vậy, tu dưỡng
đạo đức cách mạng phải gắn liền với thực tiễn trên tinh thần tự giác đưa vào
lương tâm và trách nhiệm của chính bản thân. Chỉ có như vậy thì việc tu dưỡng
mới có kết quả trong mọi hoàn cảnh , mọi môi trường...</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="right"><font size="2">
<span style="font-family: Arial; font-weight: 700">VŨ KHÁNH HÒA</span></font><span style="font-family: Arial; font-weight: 700"><font size="2">
– (sinh viên)</font></span></p>
</body>
</html>