<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Coi trọng cả đức và tài</title>
</head>
<body>
<p align="left"><span id="PageContent_News_NewsDetail"><font size="2"><b>
<span style="FONT-FAMILY: Arial">Bài dự thi Nhà sử học trẻ tuổi - Phần tự luận:</span></b></font></span></p>
<p align="center"><font color="#0000FF" face="Arial" size="2"><b>Coi trọng cả
đức và tài, nhưng lấy đạo đức làm gốc</b></font></p>
<div style="float: right; width: 83px; height: 42px">
<table border="0" cellspacing="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="coi%20trong%20ca%20duc%20va%20tai.jpg" width="280" height="187"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font color="#808080" face="Arial" size="2">Bác
và các đồng chí lãnh đạo Đảng <br>
quyết định chiến cục Đông Xuân (1953-1954) và chiến dịch Điện Biên
Phủ</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chủ tịch Hồ Chí Minh là người
sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta. Người là linh hồn, là ngọn cờ lãnh đạo
và dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân ta đấu tranh giành thắng lợi vẻ vang như ngày
nay. Sinh thời, Người hằng quan tâm và dày công xây dựng Đảng thành một khối
vững mạnh, trong sạch, chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, đào tạo, rèn luyện
đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ, trở thành con người vừa hồng
vừa chuyên. Trong cuộc sống Người luôn coi trọng cả đức và tài, song đạo đức vẫn
là gốc. Chính vì vậy, ngay cả trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (1947), Chủ
tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có
nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng
phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được
nhân dân”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Với mỗi người, Bác ví đạo đức là
nguồn nuôi dưỡng và phát triển của con người, cũng như gốc của cây, là ngọn
nguồn của suối. Chính vì vậy, mỗi cán bộ làm công tác cách mạng cần phải biết
lấy dân làm gốc. Người cán bộ làm công tác Đảng, Đoàn thể là làm việc cho dân,
mạnh hay yếu là ở dân. Bởi dân là gốc. Dân theo mình là mình mạnh, đoàn viên
thanh niên nghe theo là công tác Đoàn phát triển. Chính vì vậy mà mỗi người cán
bộ, đặc biệt là cán bộ Đoàn cần phải hiểu nguyện vọng của nhân dân, của thanh
niên, học sáng kiến của nhân dân, của thanh niên. Những việc dân không hiểu phải
giải thích cho dân rõ. Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương
cho dân. Nhưng muốn cho dân phục phải được dân nghe tận tai, thấy tận mắt. Muốn
cho dân tin thì mỗi người cán bộ cần phải thanh khiết, phải ra sức trau dồi,
nâng cao cả tài lẫn đức nhưng quan trọng hơn cả vẫn là đạo đức của mỗi con người.
Bác Hồ của chúng ta là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất cho hình ảnh con
người tài đức vẹn toàn, suốt đời cống hiến cho nhân dân, cho đất nước. Bác đã
từng làm rất nhiều việc như: bán báo, vẽ tranh, bán thuốc lá, cào tuyết, đi từ
hết nước này đến nước khác để học tập. Đó không chỉ là sự siêng năng, cần mẫn mà
còn là những tinh hoa về tài ba trong con người Bác. Thế nhưng, ẩn chứa trong sự
tài ba ấy là tấm lòng đức độ với mong muốn tột cùng là được giải phóng dân tộc,
giải phóng đất nước. Đạo đức cách mạng trong con người ấy mới thật đáng quý làm
sao!</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Vậy đạo đức cách mạng là gì? Có
thể trong suy nghĩ của một số người hiện nay, “đạo đức cách mạng” vẫn còn mang
tính xa vời thực tiễn. Tuy nhiên, đạo đức cách mạng lại là những đức tính rất
quen thuộc và gần gũi trong đời sống hằng ngày của mỗi con người. Bác Hồ từng
nói:</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu,
Đông.<br>
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.<br>
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.<br>
Thiếu một mùa thì không thành trời.<br>
Thiếu một phương thì không thành đất.<br>
Thiếu một đức thì không thành người.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Vâng, đạo đức ở đây là cần cù, là
chăm chỉ, là ra sức hoàn thành công việc. Vì vậy, nếu cần cù, siêng năng thì
việc khó khăn mấy cũng hoàn thành được.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Như các bác nông dân cần cù, bỏ
ra công sức để chăm nom cho cây lúa, chắc chắn cây sẽ phát triển tốt và cho năng
suất cao. Các bạn Đoàn viên thanh niên nếu siêng năng học tập thì sẽ tiếp thu
được nhiều kiến thức, siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến, nếu siêng năng tập
luyện thể dục thể thao chắc chắn sẽ có được một sức khỏe dẻo dai, một tinh thần
minh mẫn. Như Bác của chúng ta, suốt đời cần mẫn phục vụ vì độc lập, vì tự do
cho dân tộc. Trước lúc ra đi tìm đường cứu nước, Bác từng giơ hai bàn tay trắng
lên mà nói với bạn của mình rằng: “Đây, tiền đây”. Để rồi đến khi ra được nước
ngoài, hai bàn tay ấy đã phải siêng năng, cố gắng làm mọi công việc có thể làm
được như: cào tuyết, đốt lò, làm báo… để có thể tồn tại được nơi đất khách quê
người; tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Đến khi về già thì cần cù, siêng năm
vẫn là đức tính không thể thiếu được trong con người Bác. Năm 1967, sức khỏe của
Bác đã yếu đi nhiều. Thế nhưng ngày ba bữa Bác vẫn kiên trì tự mình sang nhà ăn.
Các đồng chí phục vụ rất áy náy, phần thương Bác vất vả ngày nắng, ngày mưa,
phần lại lo Bác già yếu chẳng may vấp ngã. Ngày đó, con đường quanh ao cá chưa
được tôn tạo như hiện nay. Sau những trận mưa to, đường đi lại ngập nước. Vậy mà
đến giờ ăn dù trời đang còn mưa, Bác vẫn xắn quần qua đầu gối lội nước sang nhà
ăn. Một phần Bác không muốn phiền anh em phục vụ, phần nữa, Bác muốn mình buộc
phải vận động, chăm chỉ rèn luyện để chống lại sức yếu của tuổi già. Chính điều
ấy đã làm sáng lên tinh hoa, phẩm chất đạo đức của Người.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhưng cần cù đó không phải là làm
việc một cách cố sống cố chết trong một thời gian ngắn để làm việc khác. Mọi
người cần phải biết chăm chỉ cả năm, cả đời, không được quá trớn. Thế nhưng, với
cuộc sống hiện tại xoay vòng ngày nay trong thực tế, vẫn còn nhiều người có tư
tưởng “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”. Thấy việc dễ dàng là nhảy xô tới,
giành lấy giành để cho bằng, khi việc khó khăn hiện ra trước mắt thì lại lánh
mặt, tránh né. Đó là chưa cần cù, là chủ nghĩa cá nhân. Ngoài ra, còn nhiều kẻ
thậm chi không làm gì cả, lười biếng, chỉ biết ngồi chỉ tay năm ngón, miệng thì
nói suông. Đó chính là kẻ thù vô hình nguy hiểm nhất đối với đức tính cần cù.
Chỉ cần một cá nhân lười biếng thôi thì cũng đủ làm ảnh hưởng đến công việc của
nhiều người khác. Khác nào toàn chuyến xe chạy mà một bánh xe bị trật ra ngoài
đường ray. Họ sẽ làm chậm trễ cả chuyến xe. Có những học sinh được cha mẹ cực
khổ nuôi cho ăn học nhưng lười biếng, chỉ biết chơi bời, không có ý thức cầu
tiến. Có những học sinh tự thấy mình thông minh hơn người khác thì lại đâm ra ỷ
lại, biếng nhác không lo học hành. Vẫn còn đó những cán bộ, đoàn viên, thanh
niên chưa thực sự hết lòng với công tác. Có nhiệm vụ thì chỉ đạo qua loa rồi
giao xuống cấp dưới thực hiện mà không dẫn dắt, quan tâm, gặp khó khăn thì buông
xuôi, mặc kệ, không cần mẫn, cố gắng tìm cách giải quyết. Đó là chưa cần. Như
cha ông ta đã từng nói: “Nước chảy đá mòn”, “Kiến tha lâu đầy tổ”. Chính vì vậy
mà mỗi người, mỗi nhà, mỗi cá nhân đoàn viên thanh niên, học sinh cần phải ra
sức chăm chỉ, siêng năng, cố gắng dẻo dai để đạt được thành tích cao nhất.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đạo đức ở đây không chỉ dừng lại
ở cần cù, chăm chỉ mà đó còn là tiết kiệm. Chúng ta cần phải hết sức tiết kiệm
về mọi mặt, từ cái nhỏ đến cái to, “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi,
không phô trương hình thức”. Đó còn là tiết kiệm sức mình, thời gian, tiền bạc…
Đặc biệt, tiết kiệm luôn đi đôi với cần cù như hai chân của con người. Nếu chỉ
biết cần cù mà không tiết kiệm thì “làm chừng nào, xào chừng ấy”. Cũng như một
cái thùng không đáy, nước đổ vào chừng nào lại chảy ra chừng ấy, công sức bỏ ra
cũng như không. Tuy nhiên, chỉ tiết kiệm mà không cần cù thì mọi thứ sẽ đứng yên,
bất di bất dịch, không thể tăng lên và phát triển được. Như ông cha ta đã dạy,
cái gì “không tiến ắt phải lùi”. Cũng như thùng nước ban nãy chỉ đựng một ít
nước, nếu biết tiết kiệm mà ít hoặc không sử dụng mà không đổ thêm thì lâu ngày,
chắc chắn lượng nước đó sẽ bị cạn kiệt bớt đi cho đến khi khô kiệt hẳn.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Với Bác Hồ kính yêu của chúng ta,
cho dù đã làm đến chủ tịch nước, Bác vẫn rất tiết kiệm. Có đôi tất rách đã vá đi
vá lại mấy lần Bác cũng không dùng tất mới. Bác nói:</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Cái gì còn dùng được nên dùng,
bỏ đi không nên.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Khi tất rách chưa kịp vá, anh em
đưa đôi mới để Bác dùng, Bác xoay chỗ rách vào bên trong rồi cười xí xóa:</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Đấy, có trông thấy chỗ rách nữa
đâu.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Có quả chuối hơi nẫu, anh cán bộ
chê không ăn, Bác lấy dao gọt phần nẫu đi, Bác ăn ngon lành, Bác nói:</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Ở chiến khu, có được quả chuối
này cũng đã quý.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đến cả đôi dép và chiếc ô tô Bác
cũng vẫn còn tiết kiệm. Các đồng chí bảo Bác thay cái mới, Bác bảo:</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Thay cái mới cũng được, nhưng
khi chưa cần thiết chưa nên… Ta phải tiết kiệm vì đất nước ta còn nghèo…</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngay cả đến lúc sắp đi xa, Bác
vẫn còn dặn dò các đồng chí không được tổ chức tang lễ cho Bác quá linh đình, để
khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tiết kiệm ở đây không phải là bủn
xỉn, không phải là “xem đồng tiền to bằng cái nống”, gặp việc đáng làm cũng
không làm, việc đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm là phải kiên quyết không xa
xỉ. Việc gì đáng làm thì không nên để lâu dù đó chỉ là một giờ một phút. Thế
nhưng, trước sự cám dỗ của tiền tài, vật chất trong cơ chế nền kinh tế thị
trường, vẫn còn đó những bạn trẻ đua đòi, hoang phí tiền bạc vào việc ăn chơi
sắm sửa mà không lo trau dồi tài đức. Chính sự xa xỉ, hoang phí đó đã lôi kéo
các bạn vào con đường nghiện ngập với đầy rẫy những nguy hiểm đang rình rập, kể
cả việc phải đứng trước vành móng ngựa. Nhưng cái giá phải trả cho sự hoang phí
ấy lại quá đắt. Đó không chỉ là tiền bạc, là thời gian mà còn là sức trẻ, là
tuổi thanh xuân – cái tuổi mà đáng lẽ ra các bạn phải được học tập, được phục vụ
và cống hiến cho xã hội, cho đất nước. Không chỉ ở thanh niên, học sinh mới xa
xỉ mà nó còn tồn tại trong nhân dân và một số cán bộ như việc tổ chức tiệc tùng
linh đình, việc ma chay, cưới hỏi kéo dài để lâu, rồi việc sử dụng lãnh phí điện,
nước – trong khi những tài nguyên này đã bắt đầu cạn kiệt cũng là một vấn đề.
Hiện nay, cả nước ta đang từng bước đi lên, thực hiện quá trình công nghiệp hóa,
hiện đại hóa, chính vì vậy mà tiết kiệm chính là nghĩa vụ của mỗi cán bộ, mỗi
người dân, mỗi người thanh niên học sinh.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cần, kiệm rồi vẫn chưa đủ. Người
cán bộ có đạo đức cách mạng phải là người biết trong sạch, không tham lam.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nếu như ngày xưa, dưới chế độ
phong kiến, liêm khiết là từ dùng để gọi những vị quan không đục khoét của dân
thì đến hôm nay, được sống trong một đất nước hòa bình thì liêm chính còn có ý
rằng tất thảy mọi người, từ trẻ tới già đều phải trong sạch, thanh liêm. Cũng
như kiệm phải đi đôi với cần thì liêm cũng phải đi đôi với kiệm. Ngay đến khi đã
làm đến chức chủ tịch nước nhưng Bác vẫn không có tiền lương. Tất cả đều được
Bác chắt góp dành cho việc nước, việc cách mạng của dân.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chỉ có kiệm mới có thể liêm được.
Vì xa xỉ sẽ sinh ra tham lam…</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngoài ra thẳng thắn, đúng đắn
cũng là một yếu tố không thể thiếu được trong đạo đức của mỗi con người làm cách
mạng. Đó chính là “Cần, Kiệm, Liêm” là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có
nhành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn như lời Bác từng nói “Thiếu một đức thì
không thể thành người”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Làm việc chính là Thiện. Làm việc
tà là Ác. Tuy nhiên đâu phải cứ ai cũng thực hiện được điều đó. Vẫn còn những
trường hợp tham lam công trình, dành dụm cho riêng mình. Vẫn còn những học sinh
vì bệnh thành tích mà mắc sai lầm, không trung thực trong việc học, việc thi…</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Như một lời nhắc nhở cho mọi
người, đặc biệt là thế hệ trẻ, Bác từng nói: “Đạo đức cách mạng không phải trên
trời rơi xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng
cố. Cũng như ngọc càng mài càng trong…”</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Với những ai còn đang ngồi trên
ghế nhà trường thì quả thực các bạn ấy vẫn còn có rất nhiều thời gian, chính vì
vậy mà các bạn cần phải ra sức học tập và rèn luyện nhiều hơn nữa để không phụ
công ơn sinh thành và dưỡng dục của thầy cô, cha mẹ và niềm tin của Đảng, của
Nhà nước vào các bạn. Riêng đối với các bạn đoàn viên thanh niên đã ra đời, đã
lập nghiệp, thiết nghĩ môi trường nơi làm việc, nơi ở cũng sẽ chính là một xã
hội nhỏ để các bạn rèn luyện về mọi mặt cả đức lẫn tài. Tất cả đều hướng tới mục
đích cuối cùng là tạo ra những con người vừa hồng vừa chuyên, phục vụ cho đất
nước.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nghĩ về lời dạy của Bác Hồ, tôi
càng cảm nhận được trọn vẹn cái tình của Người. Người thật sự là một tấm gương
sáng muôn đời cho thế hệ mai sau học tập và rèn luyện. Nhìn lại cuộc đời vĩ đại
của Bác, tôi không thể không cảm thấy xấu hổ khi đôi lúc tôi cũng đã gần gục ngã
trước những khó khăn trên đường học vấn, rèn luyện tài năng. Tôi cũng không khỏi
cảm thấy hỗ thẹn khi xung quanh tôi còn có rất nhiều bạn học sinh chỉ chú trọng
đến học tập mà quên đi những bài học đạo đức, những bà tiên, cô Tấm nhân hậu,
hiền lành, thiện thắng ác, những câu thưa gửi với ông bà, cha mẹ, thầy cô. Lời
khuyên của Bác đó là cả một bài học lớn. Con người phải có đức và có tài mới trở
nên toàn diện. Lời khuyên của Bác đã và đang động viên lớp trẻ Việt Nam rèn
luyện, phấn đấu vươn lên, góp phần xây dựng xã hội mới.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Dù Bác đã mãi đi xa, mãi mãi ta
không thể nhìn thấy Bác, được nghe giọng nói, nhìn thấy nụ cười nhưng những lời
dạy chân tình, thắm thiết của Bác vẫn còn đọng lại trong tâm hồn mỗi người.
Dường như ta vẫn nghe lời Bác văng vẳng đâu đây như động viên, nhắc nhở mọi
người rèn luyện, vực chúng ta dậy sau mỗi lần vấp ngã. Càng thấy được muôn vàn
tình thương yêu mà Bác để lại, tôi càng thấy rằng mình phải nỗ lực hơn trong học
tập cũng như rèn luyện đạo đức. Mặc cho thời gian cứ trôi, mặc cho dòng thời
gian thay đổi, Bác vẫn mãi là một tấm gương sáng cho chúng cháu noi theo.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">“Nơi đây sống một người tóc bạc<br>
Người không con mà có triệu con<br>
Nhân dân ta gọi Người là Bác<br>
Cả đời Người là cả nước non.”</font></p>
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2">TRƯƠNG THỊ THANH TUYỀN (Đồng
Nai)</font></b></p>
</body>
</html>