<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Bài dự thi Nhà sử học trẻ tuổi -</title>
<style>
<!--
p.MsoNormal
{mso-style-parent:"";
margin-bottom:.0001pt;
font-size:12.0pt;
font-family:VNI-Times;
margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
-->
</style>
</head>
<body>
<p class="MsoNormal" align="left" style="margin-bottom: 0">
<span id="PageContent_News_NewsDetail"><font size="2"><b>
<span style="font-family: Arial">Bài dự thi Nhà sử học trẻ tuổi - Phần tự luận:</span></b></font></span></p>
<p class="MsoNormal" align="left" style="margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" align="center" style="margin-bottom: 0"><b>
<span style="font-family: Arial"><font size="2" color="#0000FF">Đạo đức cách
mạng là kết quả của quá trình tự rèn luyện không ngừng</font></span></b></p>
<p class="MsoNormal" align="center" style="margin-bottom: 0"> </p>
<div style="float: right; width: 86px; height: 42px">
<table border="0" cellspacing="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="dao%20duc%20cach%20mang.jpg" width="220" height="156"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><font color="#808080" face="Arial" size="2"><i>Hồ
Chủ tịch thăm lớp bổ túc văn hóa khu lao động Lương Yên, Hà Nội
(1956)</i></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p class="MsoNormal" align="center" style="text-align: justify; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Khi nói về mối quan hệ giữa "tài"
và "đức" Hồ Chí Minh luôn quan niệm tài và đức là hai mặt thống nhất hữu cơ với
nhau, không thể tách rời, nếu thiếu đi một trong hai mặt đó thì con người sẽ
không thể hoàn thiện.Và trong mối quan hệ tài và đức này, chủ tịch Hồ Chí Minh
luôn coi đạo đức có vị trí đặc biệt quan trọng. Theo Người đạo đức cách mạng đối
với người cách mạng là cái gốc, là nền tảng hình thành nên nhân cách. Vì thế
người nhấn mạnh "Cũng như sông phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì
sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo
đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân".</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Sở dĩ chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn
mạnh vai trò của đạo đức như vậy là vì coi trọng đạo đức vốn là một truyền thống
tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đối với người Việt Nam, niềm tin chính trị bao giờ
cũng gắn liền với niềm tin đạo đức. Trong thời đại làm cách mạng thì "làm cách
mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp vẻ vang, nhưng nó
cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài gian
khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo
đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang" (HCM, T8, NXB
ST H1989, Tr 236) và "muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là
một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã
hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì" (HCM TT, T4. NXB ST H1984, Tr 467).</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Dòng sông tất yếu phải sinh ra
từ nguồn nước, cây cối tất yếu phải hình thành từ gốc rễ. So sánh với hai hình
ảnh đó, Bác đã làm hiện rõ lên tầm quan trọng của đạo đức đối với mỗi con người
nói chung và với người cán bộ cách mạng nói riêng. Đạo đức là cơ sở, là gốc rễ
tạo nên, hình thành nên nhân cách một con người, từ đó nó giữ vai trò tạo nên
một con người hoàn thiện. Nếu không có nguồn sông sẽ cạn nước, nếu không có gốc
rễ sẽ chẳng có cây, và nếu không có đạo đức cách mạng thì cũng chẳng thể có con
người cách mạng. Một con người cách mạng được tạo nên từ cơ sở là đạo đức cách
mạng, một con người chỉ được gọi là con người cách mạng nếu người đó có đạo đức
cách mạng làm nền tảng nhân cách. Nếu một người cách mạng đánh mất đi đạo đức
cách mạng của mình thì cũng đồng nghĩa với việc tự đánh mất mình, làm mình trở
thành một kẻ phá hoại, cản trở con đường cách mạng, kết quả tất yếu là những con
người như vậy sẽ bị đào thải khỏi sự nghiệp cách mạng của quần chúng</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Đối với người cán bộ cách mạng,
tu dưỡng, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng có ý nghĩa quan trọng bậc nhất
trong việc hình thành và hoàn thiện nhân cách. Bởi vì cán bộ là cái dây chuyền
của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì dù động cơ có tốt, dù chạy
toàn bộ máy cũng bị tê liệt, cán bộ là những người đem chính sách của chính phủ,
của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng
không thể thực hiện được" (HCM TT, T4. NXB ST H1984, Tr275). Phẩm chất đạo đức
là yếu tố quan trọng nhất, là nền tảng hình thành nên nhân cách của người cán bộ
cách mạng, là yếu tố quyết định sự thành bại đối với hoạt động cách mạng của
người cán bộ. Người cán bộ mà không có đạo đức cách mạng thì dù tài giỏi đến mấy
cũng không được nhân dân tin yêu, không tập hợp lôi cuốn được quần chúng tham
gia vào phong trào cách mạng "trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên
trán chữ cộng sản mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có
tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta
bắt chước" (HCM TT, T5, NXB ST H1985, Tr 185). </font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Trong những năm gần đây, đất
nước đang phải đối điện với những nguy cơ có thể đánh đổ sự nghiệp cách mạng mà
các thế hệ đã dày công gây dựng và vun đắp. Trong đó có một nguy cơ đến từ việc
không giữ vững đạo đức cách mạng của một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức đó là
tệ nạn tham nhũng. Trong thời đại kinh tế thị trường đang có những bước phát
triển nhanh chóng, vượt bậc. Nó đem đến cho đất nước những cơ hội để phát triển
nhanh kinh tế đất nước, thúc đẩy nhanh hơn quá trình xây dựng cơ sở vật chất cho
chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên nó lại đặt ra một nguy cơ đó là lối sống thực dụng,
chạy theo đồng tiền, nảy sinh tệ quan liêu, tham nhũng ở một bộ phận không nhỏ
cán bộ, công chức nhà nước. Đó là những biểu hiện rõ nét của chủ nghĩa cá nhân,
của sự suy thoái đạo đức cách mạng. Những kẻ đó tất yếu bị đào thải khỏi sự
nghiệp cách mạng.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial"><font size="2"> Đảng, Nhà nước đã và đang có
những chính sách để thường xuyên giáo dục, nâng cao đạo đức cách mạng cho mỗi
cán bộ đảng viên cũng như xử lý nghiêm minh những con người suy thoái, hủ hoá.
Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là việc tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của mỗi cán
bộ, đảng viên để có thể trở thành người "đầu tàu gương mẫu” trong sự nghiệp cách
mạng.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Với thế hệ thanh niên, sinh viên,
học sinh những người chủ tương lai của đất nước. Trong đó có nhiều người sau này
sẽ trở thành những cán bộ, công chức nhà nước thì việc học tập, rèn luyện đạo
đức cách mạng là việc ý nghĩa quan trọng và cần làm ngay. Thế hệ trẻ phải rèn
luyện cho mình những phẩm chất cơ bản nhất của một người cách mạng như trung với
Đảng, trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người, sống có tình, có nghĩa;
cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng. Đặc biệt
mỗi bạn trẻ phải nêu cao thái độ đấu tranh kiên quyết loại trừ chủ nghĩa cá nhân,
bởi vì "chủ nghĩa cá nhân trái với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình
thì dù ít thôi, nó cũng sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng,
đề ngăn cản ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng" (HCM TT, T8,
NXB ST H1989, Tr 236).</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin-bottom: 0"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify">
<span style="font-family: Arial"><font size="2">Việc học tập tư tưởng Hồ Chí
Minh, rèn luyện theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người là cách để rèn
luyện, tu dưỡng dạo đức cách mạng một cách thiết thực nhất đối với mỗi bạn trẻ
hôm nay.</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0" align="right"><font size="2">
<span style="font-family: Arial; font-weight: 700">NGUYỄN HUY CƯỜNG - (sinh viên)</span></font></p>
</body>
</html>